Wednesday, 11 December 2013

VỀ NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN 2013 (Nguyễn Thanh Văn - Việt Tân)




Nguyễn Thanh Văn
Cập nhật: 10/12/2013

Cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai gây biết bao đổ vỡ và tang tóc khắp nơi, với con số lên đến 70 triệu người tử vong đã cho thấy sự thất bại của Hội Quốc Liên được thành lập năm từ 1919 trong mục tiêu chính là ngăn ngừa chiến tranh và cũng đã cho nhân loại thấy ra rằng chính các chế độ độc tài chà đạp nhân quyền là nguyên nhân gây nên chiến tranh tang tóc cho loài người.

Năm 1945, 50 chính phủ và hàng trăm các tổ chức phi chính phủ đã nhóm họp tại San Francisco lập ra một cơ cấu mới để thay thế Hội Quốc Liên, đó là Tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ). Khởi đi từ đó một Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc được thành lập để soạn thảo một văn bản về Nhân quyền mang tính phổ quát hầu đáp ứng sự khao khát một hệ thống chuẩn mực mới về quyền con người trên toàn cầu.
Khoảng giữa năm 1946, văn bản về Nhân quyền sau nhiều lần được trao đổi tại LHQ để sửa chữa, bổ sung toàn diện, LHQ đã đề cử một Ủy Ban Đặc nhiệm gồm nhiều chuyên gia lỗi lạc về luật học, lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội… xem xét tiếp. Tháng 9 năm 1948, Ủy Ban Đặc Nhiệm đệ trình bản dự thảo tuyên ngôn cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại cung điện Chaillot ở Paris, Pháp quốc, Đại hội đồng LHQ chính thức thông qua bản Tuyên ngôn Thế giới về Nhân Quyền với 100% phiếu thuận và 8 phiếu trắng.

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là một văn kiện đề cao các quyền phổ quát của con người, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo hay giới tính nam nữ. Là lý tưởng chung của nhân loại mà tất cả các quốc gia thành viên đều chấp nhận và có nghĩa vụ phải tôn trọng. Tuy nhiên nó không có hiệu lực pháp lý và giá trị cưỡng hành. Vì vậy vào ngày 16.12.1966, LHQ đã phải ban hành thêm hai Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền. Đó là Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị; và Công Ước Quốc Tế về Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa. Hai Công ước này kết hợp với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã trở thành bộ Luật Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ.

Ngày 20.7.1977, tại phiên họp lần thứ 32 Đại Hội Đồng LHQ, CHXHCN Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của LHQ. Và năm 1982 nhà nước CSVN cũng đã ký kết 2 Công ước về Quyền Dân Sự và Chính Trị và Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa. Như vừa đề cập ở trên, khi gia nhập Liên Hiệp Quốc có nghĩa là CSVN đã cam kết tôn trọng tinh thần của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc với 4 mục tiêu và 6 nguyên tắc hoạt động của tổ chức quốc tế này. Một trong những mục tiêu vừa kể của Liên Hiệp Quốc là: “Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo...“. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc hoạt động của Liên Hiệp Quốc được quy định như sau: “Tôn trọng các nghĩa vụ và luật pháp quốc tế;...“

Tuy nhiên, ngay thời điểm gia nhập Liên Hiệp Quốc, CSVN đã nổi tiếng là một nhà cầm quyền chà đạp nhân quyền vô cùng thô bạo. Dù lúc đó thông tin đang bị bưng bít chặt chẽ nhưng cả thế giới cũng đều biết việc hàng trăm ngàn cán bộ, viên chức Việt Nam Cộng Hoà bị giam cầm nghiệt ngã mà không cần xét xử. Bên cạnh đó là sự kiện hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi vì sự tàn bạo và vô nhân của chế độ đã làm rúng động lương tâm nhân loại; từ đó thế giới có thêm một từ ngữ mới “thuyền nhân“ (boat people). Cho đến nay, sau gần 40 năm là thành viên của Liên Hiệp Quốc và bức màn bưng bít thông tin đã bị sự tiến bộ của kỹ thuật truyền thông, đặc biệt là của internet, xuyên thủng tan tành; CSVN tuy không còn dám tái diễn những chính sách bạo tàn một cách lộ liễu trên quy mô hàng triệu người như trước đây, nhưng như thế không có nghĩa là chế độ đã bớt đi sự tàn ác, mà chỉ uyển chuyển, tinh vi hơn trong các hành vi chà đạp nhân quyền. Trong những năm gần đây, khi tù nhân chính trị được chế độ coi như một thứ con tin, một món hàng trao đổi với thế giới bên ngoài, thì những chiến dịch đàn áp nhân quyền của chế độ ngày càng dồn dập và có hệ thống hơn. Có thể nói rằng, kể từ khi trở thành thành viên LHQ cho tới nay, nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ tôn trọng những gì đã ký kết về quyền con người. Người dân VN luôn bị ngăn cấm, sách nhiễu, đàn áp, bắt bớ tù đày, rồi hình sự hóa chỉ vì họ thực thi một cách ôn hòa những quyền đã được ghi trong bộ luật Nhân Quyền của LHQ.

Để nguỵ biện cho những hành động vi phạm nhân quyền của mình, nhà cầm quyền CSVN luôn viện cớ rằng vì dị biệt văn hóa, vì “nhận thức“ về nhân quyền Việt Nam khác biệt với nhân quyền của các nước tây phương, hoặc vì an ninh quốc gia, v.v.... Không những thế, nhà cầm quyền còn “thừa“ trơ trẽn để lập đi lập lại rằng tại Việt Nam không có ai bị bắt chỉ vì có chính kiến riêng, quan điểm chính trị khác, hay ủng hộ dân chủ,… dù rằng cả thế giới đều biết quá rõ về những người tù lương tâm đang bị giam cầm, trong đó rất nhiều người nổi tiếng trong dư luận thế giới như Linh lục Nguyễn Văn Lý, Blogger Điếu Cày, Tạ Phong tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Luật sư Cù Huy Hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân,v.v…
Chính vì thế mà các tổ chức nhân quyền như Ủy Hội Nhân Quyền LHQ, Ân Xá Quốc Tế, Hội Bảo Vệ Ký Giả, Hội Ký Giả Không Biên Giới, Cơ Quan Theo Dõi Nhân Quyền, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và Quốc Hội của nhiều quốc gia, như Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ, Úc, Gia Nã Đại, v.v... đã nhiều lần chỉ trích, lên án Cộng Sản Việt Nam vi phạm nhân quyền và đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm vì họ đã tranh đấu trong tinh thần bất bạo động và theo đúng luật Quốc Tế Nhân Quyền.

Ngày 18.4.2013, Nghị viện Châu Âu đã ra nghị quyết về tình trạng nhân quyền của Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến những nhà báo và blogger bị kết án tù và đàn áp tại Việt Nam. Đồng thời cơ chế này cũng lên án các hành vi vi phạm liên tục quyền con người của nhà cầm quyền như đe dọa, quấy rối, tấn công, bắt bớ tùy tiện, kết án tù nặng nề qua những phiên tòa trí trá, thậm thụt đối với các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, blogger, những người bất đồng chính kiến hoặc bảo vệ nhân quyền; dù rằng họ chỉ thể hiện quan điểm trên mạng Internet… Ngoài ra, nghị quyết này còn kêu gọi chấm dứt tình trạng thu hồi đất đai bất hợp pháp và đàn áp tôn giáo; cũng như kêu gọi nhà cầm quyền CS Việt Nam chỉnh sửa hoặc tháo gỡ những luật lệ hạn chế quyền tự do báo chí và tự do thể hiện chính kiến.
Ngày 19/04/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền trên thế giới. Trong phần về Việt Nam, báo cáo này đề cập đến việc nhà cầm quyền CSVN vẫn hạn chế nghiêm ngặt các quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ, và tiếp tục kiểm soát Internet, đặc biệt là sử dụng điều luật về tội "tuyên truyền chống Nhà nước" như điều 88 để vu khống, để hạn chế các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Mới đây, phán quyết của Ủy ban Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc về trường hợp luật sư Lê Quốc Quân và quyết định của Ủy Ban này tố cáo việc bắt bớ, kết án và tiếp tục giam giữ một cách bất hợp pháp mười sáu nhà hoạt động xã hội và chính trị tại Việt Nam, đã tô đậm thêm những nét vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN ngay trước ngày kỷ niệm 65 năm bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền.

Những sự kiện vừa kể cho thấy, vi phạm nhân quyền không là hiện tượng mà chính là bản chất của chế độ CSVN. Bởi thế nên chẳng lạ gì khi mà ngay cả những cuộc dã ngoại phân phối bản tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng bị nhà cầm quyền coi là có “tội“ để ngăn cấm, bắt bớ. Tự thân là một chế độ vi phạm nhân quyền trầm trọng, chuyên xử dụng công an để sách nhiễu, khủng bố, tra tấn người dân và luôn bị thế giới lên án, nhưng chế độ CSVN vẫn xin làm ứng viên và trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, và vẫn ký kết vào Công ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc. Chưa biết điều này sẽ ảnh hưởng đến hành vi ứng xử đối với các quyền con người của Hà Nội ra sao, nhưng chắc chắc là đã cung cấp thêm cho lực lượng đấu tranh cho tự do và nhân quyền tại Việt Nam những công cụ mới để đấu tranh cho các mục tiêu của mình.

Hướng tới ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm nay, người Việt cần hành xử các "quyền đương nhiên" của con người. Đó là tự tìm đọc và quảng bá rộng rãi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công Ước về các quyền Dân Sự và Chính Trị, Công Ước Chống Tra Tấn đến mọi người khắp cả nước, dù nhà cầm quyền có cho phép hay không. Đây là việc làm được Ủy Hội Nhân quyền LHQ cổ vũ, mà Việt Nam đã trở thành thành viên vào ngày 7.11.2013 vừa qua thì nhà cầm quyền CSVN không có lý do gì để ngăn cấm. Nếu không thì Ủy Hội này sẽ trở thành “Ủy Hội Chà Đạp Nhân Quyền“ của LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

Đã đến lúc người Việt Nam phải khẳng định tập đoàn lãnh đạo CSVN không có quyền và không thể dìm mãi dân tộc Việt Nam sống dưới lằn mức giá trị con người mà Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã minh định, để cho nhà cầm quyền tự tung tự tác kéo cả dân tộc vào hố đen tụt hậu.



No comments:

Post a Comment

View My Stats