Sunday 22 December 2013

VAI TRÒ, SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐANG Ở ĐÂU? (Bùi Văn Bồng)




Chủ nhật, ngày 22 tháng mười hai năm 2013

Đến các đảng bộ cơ sở tại xã, phường hiện nay, thấy danh sách đảng viên dài ngoằng, nhưng xem ra thì toàn là các đảng viên hưu trí tuổi cao sức yếu chiếm phần đông nhất. Thanh niên và người lao động ở các địa phương ít được kết nạp vào Đảng. Thực trạng đó đã làm tăng thêm những hệ lụy do quan liêu và nguy cơ lão hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngay từ cơ sở. Trong khi đó, nghị quyêt các kỳ đại hội nào cũng nêu sang sảng: “Tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao sức mạnh chiến đấu của đảng”.

Đảng viên có chúc có quyền phần nhiều tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn “ăn không từ mọt thứ gì” (Nguyễn Thị Doan), hở ra là vơ vét tiền của dân; tham ô, kết hùa nhóm lợi ích rút cho rỗng ngân khố quốc gia,; còn đảng viên hưu trí, đảng viên thường (không quyền chức) thì né tránh, ngại đấu tranh, chuyện gì cũng lắc đầu, im như thóc. Nhưng mà qua gần hai năm dồn sức chỉnh đốn đảng rồi, cho dù vụ việc to nho gì cũng đều phải "tỉnh táo, xem xét khách quan biện chững, chủ yếu là cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, răn đe", còn thì quyền chức, ghế và cả tài sản bất minh của ai nấy giữ, không xáo trộn, hạn chế thay đổi, giữ nguyên hiện trạng, cốt là "ổn định chính trị"; có một số vụ thuộc diện "lép vế, kém mẻ" cũng đưa ra xét xử, nhưng khác nào vơ bèo vạt tép, trấn an dư luận! Thế thì cái gọi là vai trò cầm quyền, sức mạnh lãnh đạo, sức chiến đấu ở đâu? Mang cái tiếng “Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện”, nhưng khi có vụ án đưa ra truy tố, xét xử, ai gây người đó gánh chịu, chẳng thấy cái “tập thể cấp ủy” hay “cá nhân lãnh đạo nào chịu trách nhiệm”. Có những vị lãnh đạo cấp “bự” phát biểu hùng hồn là “xin chịu trách nhiệm chính trị”, nhưng cái “trách nhiệm chính trị” ấy là gì thì không ai lý giải được, ngay đến hình thức kỷ luật đảng theo kiểu nhẹ hều, xí xúy qua loa như khiển trách, cảnh cáo cũng không có. Thế là đảng nói, nhưng đảng không làm!

Ơ Khu vực 4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) có 680 hộ dân, 3.177 nhân khẩu, chủ yếu là nhân dân lao động nghèo và cấn bộ, công nhân viên nhà nước. Toàn Khu vực 4 có 153 đảng viên, nhưng có tới trên 96% là đảng viên hưu trí, bình quân về tuổi tác trong đảng bộ là 64, (đảng viên già nhất 94 tuổi, là mẹ VNAH, có 01 đảng viên 24 tuổi, nhưng đang là sinh viên đại học liên thông), coi như đảng viên trẻ và đảng viên là dân lao động chiếm tỉ lệ quá ít, chỉ khoảng 4%. Trong những năm qua, Đảng bộ khu vực 4 đã tập trung bám sát thực tế, hiện trạng ở cơ sở, đi sâu nắm bắt hoàn cảnh cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của bà con.

Một thực tế đặt ra hiện nay ở Đảng bộ làng, khu phố tại xã, phường là tình trạng “lão hóa” trong đội ngũ lãnh đạo và đảng viên. Như trên đã nêu, đây là đảng bộ của những ông bà già, đảng bộ của cán bộ hưu trí. Chính vì thế, đảng viên là công nhân, nhân dân lao động rất ít. Sự “phân hóa” giữa đảng viên và dân thường tạo ra khoảng cách giữa Đảng với dân ngày càng roãng xa, nguồn sinh lực tương lai cho Đảng bị hạn hẹp.

Chúng tôi đã tìm hiểu về thực trạng vấn đề này ở các tổ dân phố, thấy bà con nói: “Làm dân, dù có hăng hái với phong trào địa phương đến mấy, nhưng dễ gì được vào Đảng. Sinh hoạt thanh niên cũng ít khi có ai tổ chức tham gia thường xuyên và có những hoạt động, hấp dẫn, sinh động, bổ ích. Đảng thì khó “zô”, các cụ bảo sao cứ làm “zậy” là xong”.

Ở Khu vực 4 có khoảng gần 300 thanh niên trong độ tuổi đang cư trú thường xuyên ở các đường phố, tổ dân phố, nhưng chỉ có 26 đoàn viên, mà phần nhiều lại có công ăn việc làm ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học. Còn lại hơn 90% thanh niên đang cư trú trên địa bàn thì hầu như không sinh hoạt trong tổ chức đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở cơ sở, một số ít tham gia nhưng không đều đặn và không thường xuyên. Chi đoàn thanh niên chưa thực sự quan tâm, giáo dục, rèn luyện, thử thách thanh niên để kết nạp đoàn và cung cấp nguồn giới thiệu đối tượng phát triển Đảng từ thanh niên đường phố. Trong số gần 300 thanh niên thì gần 90% thanh niên đường phố không phải là đoàn viên, rất ít đi sinh hoạt chi đoàn cơ sở, và như thế cho đến hết tuổi thanh niên cũng không thể là “nguồn” cho Đảng được (có thể coi như vậy là vô tổ chức chăng?). Tổ chức Đảng cơ sở tại Khu vực gần như hoạt động chủ yếu là các ông bà già đã nghỉ hưu, tuổi trẻ dường như “không có phần” tham gia. Cái “cánh tay phải đắc lực, đội hậu bị” của Đảng coi như bị liệt, không có phong trào hoạt động thiết thực, coi như tự thân nó bị “cạn nguồn”. Bí thư chi đoàn khu vực lại làm kế toán ở một bệnh viện, càng không có thời gian để hoạt động với phố phường, tiếp xúc với thanh niên trong các khu dân cư.

Như vậy, suy cho cùng đó là Đảng của những cán bộ đã nghỉ hưu, chứ chưa thực sự là Đảng của nhân dân lao động, của tầng lớp trẻ là đội ngũ kế thừa, tương lai đất nước. Người dân chưa thực sự có tiếng nói trực tiếp trong Đảng. Tính ra, riêng khu vực 4 này có tới ít nhất trên 1.200 người dân trong độ tuổi lao động (trẻ và trung niên), nhưng không có ai là đảng viên. Họp chi bộ, họp đảng bộ chỉ toàn cán bộ hưu trí tóc bạc, trán hói, da nhăn nheo và gần một phần ba đã móm mém. Không tập trung phát triển nhiều đảng viên trẻ trong dân lao động, thì dân không có tiếng nói trong Đảng. Phát triển Đảng chỉ nhằm vào những đoàn viên có biên chế, có chức sắc ở các ban bệ chuyên trách, chuyên môn và chính quyền phường. Mà số này lại do Đảng bộ Khối cơ quan cấp phường quản lý, lo việc cho ai vào Đảng, ai không được vào? Đảng bộ cơ sở khu vực lớn, đông dân như thế, nhưng hơn 10 năm qua chưa phát triển được đảng viên nào là thanh niên thuộc tầng lớp dân lao động vào Đảng.

Đảng viên đã nghỉ hưu là những người tuổi cao, sức yếu, đã qua quá trình mấy chục năm công tác, nay về xã, phường nghỉ ngơi, thường có tâm lý an phận thủ thường, không còn gì là “chí tiến thủ”. Đã là đảng viên thì phải tham gia sinh hoạt đảng, mà nhiều người hầu như chỉ tham gia sinh hoạt như để lấy lệ, để còn giữ lấy danh hiệu đảng viên cuối đời. Ban chấp hành đảng bộ khu vực 4 có 9 đảng viên trong cấp ủy, 100% là cán bộ hưu trí, tuổi đời từ 61-70. Thực tế vừa qua có những cấp ủy viên chỉ có mặt trong các cuộc họp, không tham gia hoạt động gì hơn, không được bà con tín nhiệm, nhưng vẫn là thành viên cấp ủy, vẫn trong Ban chấp hành Đảng bộ. Vì thế, nâng cao chất lượng lãnh đạo của đảng bộ cơ sở như Khu vực 4 trước hết cần tập tung phát triển Đảng đi đôi với xây dựng, củng cố. Trong Ban chấp hành cần phải có những đảng viên hăng hái, nhiệt tình, có trách nhiệm cao, hoàn thành tốt niệm vụ, được bà con trong phố tin yêu, mến phục, là hạt nhân tham gia tích cực và thúc đẩy mọi phong trào ở cơ sở.

Phát triển Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của công tác xây dựng Đảng. Để Đảng ta ngày càng vững mạnh, chất lượng đội ngũ ngày càng nâng cao, đào tạo thệ trẻ làm cơ sở không ngừng phát huy sức lãnh đạo trước những nhiệm vụ ngày càng phức tạp, nặng nề, cần phải quan tâm phát triển đảng viên trẻ trong các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động. Có như thế, Đảng mới xứng đáng với bản chất và truyền thống cách mạng, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Điều lệ Đảng đã ghi rõ: “Đảng gồm những người xuất thân từ các thành phần nhân dân lao động. Các tổ chức cơ sở đảng lập thành nền tảng của Đảng, nối liền Đảng và các cơ quan lãnh đạo cấp trên của Đảng với quần chúng công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp nhân dân lao động khác, là nơi giáo dục, rèn luyện, kết nạp và sàng lọc đảng viên, nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, nơi xuất phát để cử ra cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, nơi trực tiếp đưa các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với gười dân, và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách ấy tại mỗi địa phương, cơ sở”.

Thế nhưng, đã nhiều năm đảng bộ Khu vực 4 chưa thật sự chú trọng quan tâm phát triển đảng trong thanh niên đường phố và bà con lao động ở các tổ dân phố. Đó là những thanh niên đã học hết THCS, PTTH nhưng thi trượt đại học, không có trong biên chế nhà nước, nay làm các nghề như thợ hồ, chạy honđa ôm, buôn bán, phục vụ nhà hàng …để bồi dưỡng, đưa vào nguồn kết nạp họ vào Đảng. Có những người dân lao động sống trong khu phố rất tốt, được bà con dân phố quý mến, muốn vào Đảng, nhưng không ai tổ chức cho được đưa “vào nguồn”.

Điều lệ Đảng cũng ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Thế nhưng, thực trạng các đoàn thể quần chúng ở xã, phường hầu như đã bị tê liệt. Biên ché đông người, ban bệ rềnh rang, nhưng hoạt động rất kém hiệu quả. Nhiều nơi, mặt trận và phụ nữ chỉ chuyên lo thăm hỏi diện chính sách dịp lễ tết, đi hô hào đòng góp các khoản xã hội, lo hội họp triền miên tối ngày. Phụ nữ thì chỉ loanh quanh đi vận động chị em “sinh đẻ có kế hoạch”, lo cho vay tiền vào hùn hạp vào các nhóm hụi hợp pháp. Thanh niên không được tổ chức hoạt động, không được quan tâm giáo dục, rèn luyện, thử thách như trước. Ông Tư Nghiêm, năm nay 66 tuổi, Phó Bí thư Đảng ủy Khu vực 4, phụ trách Mặt trận, nói: “Trên giao cho chúng tôi đi vận động xây dựng phong trào đoàn kết ở khu dân cư. Việc này, làm nhiều hay làm ít và thậm chí không làm cũng không ai biết, vì đó là việc rất chung chung. Nay thấy sức yếu rồi, nhưng suốt ngày vẫn phải lo đi họp ở phường, ở quận, rồi lo đi vận động bà con đóng tiền chống ngập hẻm phố, mệt hết hơi”..

Người ta nói: “Mặt trận đi hô hào, phụ nữ bao cao su, thanh niên đi ngao du, dân nhậu lo bù khú, chính quyền ngồi buồn ngủ, nhân dân lãnh đủ tai ương, nghèo khổ…”. Thực trạng ngay tại địa phương, cơ sở như vậy, nhưng Nghị quyết Đại hội XI vẫn đánh giá: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực... Việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đạt được một số kết quả; chú trọng hơn xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng ở những vùng, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn. Chức năng, nhiệm vụ các loại hình tổ chức cơ sở đảng được xác định phù hợp hơn. Công tác phát triển, quản lý, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm chỉ đạo. Số lượng đảng viên mới kết nạp hằng năm đều tăng; tỉ lệ đảng viên mới kết nạp trong độ tuổi thanh niên, đảng viên nữ, người dân tộc thiểu số, trí thức tăng hơn khoá trước”.

Không thể biết thực chất ở cơ sở khó khăn và vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực trạng như vậy, cầm chừng và bị pha loãng, nhưng các vị “chắp bút” đã lấy cứ liệu thực tế ở đâu để đưa vào nhận định, đánh giá trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc thật kêu, đầy đủ và lạc quan như vậy? Và những nội dung như thế, đọc trong nghị quyết bất kỳ đại hội nào cũng thấy hiện lên “sáng rỡ”! Rõ ràng, tổng đảng số gần 4 triệu đảng viên, đông, đã quá đông, nhưng không mạnh. Đầu năm ngoái, đi thăm các tỉnh Nam Tây Nguyên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước dân: “Người ta đang nói: Đảng viên nhan nhản, cộng sản được mấy người”. Không sai!

BVB

------------
Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 08:18




No comments:

Post a Comment

View My Stats