Thursday, 5 December 2013

TỔ CHỨC TÌM NGƯỜI VƯỢT BIÊN MẤT TÍCH HỌP MẶT (Nguyên Huy - Người Việt)




Nguyên Huy/Người Việt
Wednesday, December 04, 2013 2:38:56 PM

WESTMINSTER, California (NV)
- Tổ chức “Tìm Trẻ Vượt Biên Mất Tích Ðông Nam Á” (South East Asia Missing Children Foundation - SEAMCF) vừa có buổi họp mặt đầu tiên tại trụ sở của hội ở Westminster vào trưa Chủ Nhật, 1 Tháng Mười Hai.

Ðây là lần đầu tiên có cuộc họp mặt sau khi hội được thành lập vào ngày 25 Tháng Tám trong một buổi ra mắt loan báo một số kết quả cụ thể tại nhật báo Người Việt. Tại buổi ra mắt này, một số thành viên sáng lập, như ông Tăng Bảo Can, ông Ngô Văn Việt, và ông Trương Văn Hào, đã tường trình lại việc tìm kiếm được những thân nhân mất tích trên các chuyến vượt biên trước đây. Nhật báo Người Việt đã tường trình buổi ra mắt này. Phần tường trình trong buổi ra mắt hội khiến nhiều người tham dự không ngăn được những dòng nước mắt xúc động.

Ông Ngô Văn Việt và cô Hoa Phạm trình bày về những chuyến đi Thái Lan tìm người thân mất tích. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Chính vì những kết quả tốt đẹp đó mà hội đã được thành lập để “tiếp tục giúp đỡ bà con đồng hương có thân nhân bị mất tích trên đường vượt biên trước đây,” theo lời ông Tăng Bảo Can (hội trưởng) và ông Ngô Văn Việt (hội phó). Ông Việt còn cho biết thêm trong buổi họp mặt lần đầu này rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này để giúp đỡ những ai muốn tìm kiếm thân nhân mất tích. Trong niềm đau đớn mà chính chúng tôi đã phải trải qua khi người thân bị mất tích đã là những nguyên nhân khiến chúng tôi cùng nguyện với nhau theo đuổi đến cùng công việc khó khăn này. Chúng tôi cũng gửi gấm cho con em chúng tôi nguyện vọng này, mong thế hệ con em chúng tôi sẽ cùng gánh vác.”

Tại buổi họp mặt đầu tiên của hội SEAMCF, Hội Trưởng Tăng Bảo Can đã giới thiệu một số thành viên. Trong số những thành viên này, một số có thân nhân bị mất tích nay đã tìm lại được sau biết bao nhiêu cố gắng, một số là những thiện nguyện viên đã hết lòng say mê cộng tác qua việc thiết lập trang mạng của hội, như cô Donna Tâm An.

Ông Can cho biết: “Cô Tâm An đã bỏ một công việc trong một cơ sở thương mại, để dành hết thời gian vào công việc truy cập tin tức giúp các gia đình tìm người mất tích trong các cuộc vượt biên trước đây.”

Ðề cập đến công việc tìm kiếm mà ông và ông Ngô Văn Việt sang Thái Lan tìm được tông tích hai đứa con bị mất tích trong những chuyến vượt biên, ông Can cho biết: “Chính quyền và người dân Thái Lan phần nhiều đều theo đạo Phật nên rất thông cảm với chúng tôi khi có người thân bị mất tích. Họ đã giúp đỡ, chỉ dẫn với hết khả năng của họ. Riêng một hội thiện nguyện Thái Lan cũng đã nhận cho chúng tôi đặt một văn phòng liên lạc tại Thái Lan.”

Tiếp theo, ông Ngô Văn Việt cũng lên kể lại hai chuyến đi Thái Lan và Malaysia để tìm tông tích đứa con trai bị hải tặc bắt cóc khi mới trên 3 tháng tuổi. Cả hai chuyến đi này, ông Việt đã được một hội thiện nguyện, truyền thông, chính quyền và người dân Thái Lan giúp đỡ rất nhiều. Họ chỉ dẫn cho đến một số làng đánh cá từng có người hành nghề vào thời gian đó.

Ông Việt kể: “Chúng tôi thấy những làng đánh cá này còn rất nghèo khổ, đời sống quá cơ cực nhưng họ lại rất thông cảm với chúng tôi khi đi tìm tông tích của thân nhân bị mất tích. Có những người đã ngày đêm cùng đi theo chúng tôi để tìm kiếm được vết tích. Theo họ cho biết thì có những người vượt biên bị hải tặc bắt, sau đó trôi giạt vào bờ, sống quần tụ với nhau riêng rẽ. Trong cơn hoạn nạn đó, để có được an ninh cho mình, những người này đã giấu tung tích để khỏi bị bắt. Nhiều người đã không nói được tiếng Việt nữa và cũng không dám nhận mình là người vượt biên. Do đó, tìm được tung tích của những người này thật khó khăn vô cùng. Nhiều người dân đánh cá tại các làng này còn cho biết, hải tặc cướp bóc người vượt biên là do chính người Việt Nam làm trước.”

Ông Tăng Bảo Can, hội trưởng SEAMCF, trình bày hoạt động của hội. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Trong số người tham dự có hai vợ chồng cô Hoa Phạm. Cả hai vừa được hội dẫn qua Thái Lan để tìm kiếm một người em gái bị mất tích trong chuyến vượt biên vào Tháng Mười Một, 1981. Người em gái đó là cô Phạm Ngọc Bích Thủy, khi ấy 24 tuổi, đi trên một chiếc thuyền vượt biên có 43 người. Chuyến tầu này bị hải tặc Thái Lan bắt giữ, sau khi cướp bóc hãm hiếp, bọn hải tặc có tha một số ít trôi giạt được vào đất liền, trong đó có một em liên lạc được lại với gia đình và cho biết tin tức về chuyến đi gặp thảm trạng này.

Cô Hoa Phạm kể: “Sau nhiều tin tức được liên lạc qua Facebook và những trường hợp như ông Hào được nhật báo Người Việt loan tin, chúng tôi đã liên lạc với hội và cùng hội tổ chức một chuyến đi Thái Lan. Ðiều rất đáng ghi nhận là người dân Thái Lan rất 'nice'. Họ đã chỉ dẫn chúng tôi đến một làng đánh cá ở Songla tận trong một hòn đảo cách bờ. Chúng tôi cũng được ba tờ báo Thái Lan và cả đài truyền hình đến phỏng vấn để loan tin mong tìm được dấu tích. Câu hỏi mà chúng tôi thường gặp từ người Thái Lan là tại sao cho đến bây giờ mới đi tìm tung tích. Chuyến đi tuy không có được kết quả cụ thể là tìm được người em gái mất tích, nay đã 50 tuổi, nhưng chúng tôi cũng đầy hy vọng là qua những sự giúp đỡ của chính quyền, các cơ quan truyền thông và người dân Thái Lan, có thể một ngày nào đó gia đình chúng tôi sẽ biết được tin tức của người em thân yêu.”

Tiếp tục cuộc gặp gỡ lần thứ nhất của SEAMCF với bà con trong cộng đồng, các thành viên trong hội đã khẩn thiết kêu gọi mọi người trong cộng đồng người Việt hải ngoại nếu có người thân bị mất tích chưa tìm lại được hay có được những tin tức gì liên quan đến việc này, xin hãy cùng nhau góp một bàn tay với hội để xoa dịu vết thương không chỉ cho các gia đình có người thân bị mất tích mà cho cả một giai đoạn đen tối trong lịch sử dân tộc.

Ông Ngô Văn Việt nói: “Nếu chỉ một vài người đi tìm kiếm thì thật là khó khăn muôn vàn, nhưng nhiều người cùng họp lại trong một tổ chức thì chúng ta sẽ có được nhiều điều kiện đi đến thành công hơn.”

Sau buổi gặp gỡ, ông Can cho biết hiện hội đã có được giấy phép hoạt động của chính quyền Hoa Kỳ. Ông Việt cũng cho biết hiện hội hoạt động do sự đóng góp tài chánh của các thành viên, chưa được sự trợ giúp của một cơ quan hay đoàn thể nào, nhưng, ông nói, “Hy vọng với những sự quảng bá hoạt động của chúng tôi, bà con biết đến sẽ mỗi người một tay đóng góp vào công việc xã hội đáng làm này.”

Cô Donna Tâm An cũng cho biết: “Hiện hội đang lưu trữ được 58 hồ sơ tìm trẻ mất tích trong các cuộc vượt biên trước đây. Những hồ sơ này thường xuyên được cập nhật qua trang mạng www.seamcf.net.  Mọi chi tiết, xin liên lạc qua email: seamcf.us@gmail.com, hoặc điện thoại 1-888-837-2729.”

Quý độc giả cũng có thể liên lạc hội tại trụ sở 15355 Brookhurst St., Ste. 218, Westminster, CA 92683.



No comments:

Post a Comment

View My Stats