Friday, 6 December 2013

ÔNG HUỲNH & BÀ KIM LIÊN "SẴN SÀNG ĐI BẤT CỨ ĐÂU ĐỂ CỨU CON" (Người Việt)




Friday, December 06, 2013 7:02:30 PM

LTS: Buổi sáng ngày Thứ Sáu, 6 tháng 12, ông Trần Văn Huỳnh (thân phụ tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức), và bà Nguyễn Thị Kim Liên (thân mẫu hai tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy) có một cuộc tiếp xúc với các ký giả của nhật báo Người Việt, đài phát thanh VNCR và một số đài truyền hình. Họ cho biết mục đích của chuyến đi là vận động trả tự do cho con của họ cũng như nhiều tù nhân lương tâm khác. Dưới đây là nét chính yếu của các câu trả lời phỏng vấn. Độc giả cũng có thể theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn trên chương trình Người Việt TV mà chúng tôi sẽ loan tải trong ngày 6 và 7 tháng 12.

Ông Trần Văn Huỳnh (bên trái) và bà Nguyễn Thị Kim Liên trong cuộc tiếp xúc ở báo Người Việt sáng Thứ Sáu 6/12/2013. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Người Việt (NV): Xin quý vị cho biết lý do và mục đích của chuyến đi sang Hoa Kỳ lần này.

Ông Trần Văn Huỳnh: Đây là cơ hội tốt cho chúng tôi trình bày với các tổ chức, cơ quan về sự oan sai liên quan đến con chúng tôi.
Như hồi trước, con tôi đã khẳng định rằng án đó là cái án oan sai vì không có bằng chứng hợp pháp đúng theo quy định của pháp luật, rằng con tôi đã phạm tội như bị tuyên án theo điều 79. Thật sự việc con tôi làm cũng như các bạn của con, là Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung là muốn góp ý về những nguy cơ của đất nước, về khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị có thể xảy ra đối với tình hình của đất nước có thể trở thành nạn nhân của một chủ trương thôn tính trong bối cảnh toàn cầu hóa này.
Nhưng tiếc thay, việc làm đó lại bị xem như một kế hoạch lật đổ cho nên đó là điều mà tôi và gia đình tôi lấy làm đau đớn và làm mọi cách để giải oan cho con tôi.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Chuyến đi của tôi gồm có ba mục đích. Đầu tiên là gặp bà con, cộng đồng ngoài này để cảm ơn chân tình.
Nói cảm ơn thì rất nhẹ, thật ra tôi phải nói là rất mang ơn cộng đồng hải ngoại đã cưu mang gia đình của tôi, nhất là hai đứa nhỏ trong tù. Mọi người đã ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều.
Điểm hai, qua đây nếu có điều kiện, thời gian thì tôi sẽ đi trị bệnh vì tôi bệnh hai ba năm nay nhưng hai con lần lượt ở tù nên mình không trị bệnh được mà cơn đau mỗi ngày càng nặng.
Thứ ba, tôi mong muốn được đi  gặp các tổ chức trên thế giới, các tổ chức thuộc chính phủ Mỹ để đưa ra yêu cầu nhờ họ lên tiếng mạnh mẽ về bản án mà nhà nước Việt Nam áp đặt lên cháu Kha nhà tôi 4 năm tù, cùng vụ án với cháu Nguyễn Phương Uyên mà tôi thấy rất bất công. Tại sao họ lại thả cháu Uyên tại chỗ, chỉ cho tù treo mà cháu Kha con tôi lại 4 năm tù giam. Câu hỏi này theo đuổi tôi từ mười mấy tháng nay nên tôi muốn đi tới tận cùng chỗ nào có thể giúp tôi trả lời câu hỏi đó.
Tôi bị 'thoát vị đĩa đệm cột sống' hai đốt sống cuối. Bác sĩ bảo phải mổ. Nếu tôi đi mổ thì ai lo cho chúng nó, ai lên tiếng cho chúng nó nên để tôi đi tìm công lý cho con tôi xong rồi tôi mới mổ.

NV: Xin quý vị cho biết cảm tưởng khi hay tin con mình bị bắt vào tù.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Tình thiệt mà nói khi cháu Kha bị bắt thì tôi không có ngờ chuyện như vậy. Hai anh em nó, Uy và Kha mở công ty. Mình có căn nhà dưới chợ, hai anh em nó làm nuôi cha mẹ dưới ruộng. Ngày Kha bị bắt, nó chỉ kịp chụp cái điện thoại kêu “Mẹ ơi, mẹ về đi, con có chuyện rồi.” Nói chưa hết chữ "chuyện" là người ta cúp điện thoại.
Tôi chạy về thì thấy cháu bị bắt. Tôi rất sững sờ. Nó rất là hiền, ít nói. Nó đang học đại học, phụ với anh sửa chữa máy vi tính nên tôi không tin. Tôi nói với cái ông cán bộ Công an từ Sài Gòn xuống: “Mấy anh có bắt lầm không. Tôi thấy nó có nói chuyện với ai đâu mà mấy anh nói nó vi phạm Điều 88." Ổng mới dắt tôi tôi coi cái máy vi tính thấy nó liên hệ với ai vậy vậy đó.
Cháu Kha nói “Mẹ ở nhà ráng đi, chuyện con làm con chịu, không ảnh hưởng gì tới mẹ đâu. Mẹ ráng giữ gìn sức khỏe.”
Nhưng càng ngày càng nhiều chuyện thêm khi cháu Uy bị bắt, thành ra tôi tự nhủ nếu mình không cứu con mình thì ai cứu con mình, nên từ một người đàn bà quanh năm chỉ biết vườn ruộng, gà vịt, nhờ các mạng xã hội, tôi đã quen biết giao tiếp với nhiều người, luật sư, bác sĩ, các cựu tù nhân, họ chỉ bảo mình đủ thứ. Thành ra, tôi nghe nói tổ chức thiện nguyện mời tôi là mình có ánh sáng phía trước, phải đi đặng cứu hai đứa con mình.


NV: Việt Nam có một tổ chức nào liên kết các gia đình có người là tù nhân lương tâm để hoạt động với nhau hay là tự cá nhân mỗi người tự lo?
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Tháng 11 vừa rồi, tôi có đi ra Hà Nội. Tôi thấy có Hội Phụ nữ Nhân Quyền thành lập mà một trong những mục đích là kết hợp các phụ nữ có thân nhân bị đàn áp, đứng ra giúp đỡ lẫn nhau. Hội chỉ mới thành lập ngày 16/11.

NV: Thưa ông Huỳnh, lần ông thăm con gần đây nhất là ngày nào và tình trạng của anh Trần Huỳnh Duy Thức hiện ra sao?
Ông Trần Văn Huỳnh: Gia đình được thăm thân nhân 1 tháng một lần nên tháng nào tôi cũng đi. Kỳ thăm gần đây nhất là ngày 8/11 vừa qua. Thức bị chuyển từ trại giam Xuân Lộc (Z A 30) thuộc tỉnh Đồng Nai sang trại giam ở Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dù trại giam này nằm trong địa phận huyện Cẩm Mỹ của tỉnh Đồng Nai.
Cháu bị chuyển ra đó cùng với 4 tù nhân chính trị khác là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Huỳnh Anh Trí, Nguyễn Ngọc Cường và Phan Ngọc Tuấn ngày 30/6/2013 (sau khi xảy ra vụ nổi loạn ở phân trại 1 của trại Z A 30).
Sau mỗi chuyến thăm, tôi đều viết một bài đưa lên mạng nói về chuyến thăm và tình hình sức khỏe.
Bên Xuân Lộc thì họ cư xử thoáng hơn. Tiếp phẩm mình mang lên là họ cho nhận đủ hết dù vượt qua số ký 7 kí quy định thì họ vẫn cho nhận hết. Sinh hoạt ở Xuân Lộc thì được ra ngoài nhiều hơn. Xuân Lộc giam một phòng hai người, Thức cùng phòng với Việt Khang. Anh em có thể giúp nhau nấu nướng cho nên sức khỏe Thức tương đối tốt, bình ổn dù có lúc họ làm khó dễ này khác.
Sang Xuyên Mộc thì rõ ràng khắt khe hơn. Năm tù chính trị bị giam riêng mỗi người một phòng, tức là biệt giam. Việc ra ngoài thì bị giới hạn hơn chứ không như ở Xuân Lộc. Chỉ được mở cửa cho ra ngoài tập thể dục, chỉ được tiếp xúc với bên ngoài khi họ mở cửa đưa thức ăn vào. Do vậy, so với bên Xuân Lộc thì sức khỏe của Thức không bằng.

NV: Gia đình tù nhân lương tâm có bị làm khó dễ gì không? Gặp gì rắc rối không khi con của quý vị đang trong tù?
Ông Trần Văn Huỳnh: Mỗi khi di chuyển đi thăm thì không bị cản trở gì cả nhưng trong sinh hoạt hàng ngày thì có khi họ theo rất sát. Chẳng hạn gia đình tôi lần đó tính gửi một thỉnh nguyện lên ông chủ tịch nước thì hôm đó, không biết làm sao sáng hôm đó họ cho người tới nhà tôi. Họ cũng không làm điều gì mạnh bạo lắm nhưng rất chặt chẽ là không thể đi ra ngoài nhà được. Khi đi đâu thì họ đi theo, phải cắt đuôi. Điều đó chứng tỏ họ theo dõi, rồi có khi hỏi gia đình có ai đến nhà hỏi thăm, sợ gia đình có quan hệ gì đó. Tức là sự theo dõi là có. Có khi họ mời ra ngoài, mời đi uống nước, uống cà phê để hỏi thông tin.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Họ không làm khó dễ, mà là rất khó dễ. Tôi đi được qua đây ngày hôm trước là hôm sau họ canh gác nhà rồi, ngày nào cũng vậy.


NV: Mỗi lần đi thăm con, điều gì quý vị chia xẻ với thân nhân?
Ông Trần Văn Huỳnh: Thăm thì có quản giáo của họ ngồi giám sát. Cái gì nói không được là họ ngắt lại ngay. Thật ra tôi có tìm cách nói nhỏ để thông tin những điều cần thiết liên quan tới Thức cho đến những chuyện ở bên ngoài như giải thưởng nhân quyền cho ai cho ai đó, thì một cách nào đó cũng tìm cách biết được chuyện nhạy cảm. Giải thưởng nhân quyền trao cho ba người gồm Lê Quốc Quân, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và con tôi thì có thông báo cho nó biết. 

Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Lần nào cháu cũng xin lỗi mẹ là tại con mà ba mẹ khổ. Mình nghe rất đau lòng. Trại tạm giam không phải trại đã có án rồi nên còn dễ hay là tại mình không sợ mà mình nói đại nên nó không cản được. Tuy ở trong phòng thăm gặp nhỏ mà có sáu, bảy Công an canh chừng nhưng cái gì tôi muốn nói là tôi nói, không cản tôi được.
Tôi nói con đừng nói vậy. Ba mẹ ngoài này có cô bác lo hết. Con đừng tự vấn lương tâm là con làm khổ ba mẹ. Không có. Con đã chọn thì mẹ đi theo con. Khi cháu Uy bị bắt, hai anh em ở chung trại luôn. Cháu Uy bị bắt thì một tiếng đồng hồ sau cháu hay liền. Thăm nó (Kha) là nó khóc. Nó nói anh ba bị bắt thì ai lo cho ba mẹ. Nó nói mẹ à, sao mẹ không cản anh ba. Tôi khóc nói anh ba bị bắt là chỉ vì binh con mà anh ba bị bắt. Mẹ cũng đang binh con và anh ba và mẹ cũng chấp nhận luôn. Phải làm con à. Chỉ có con lên tiếng thì mẹ mới cứu được con thôi. Những gì xảy ra cho con trong trại giam, con phải nói cho mẹ tất cả, mẹ sẽ lên tiếng. Ở bên ngoài người ta rất giúp đỡ những gia đình như vầy, con hãy nhớ vậy. Chỉ có con và mẹ mới cứu được con với anh ba. Lúc cháu Uy được thả ra, bữa sau tới ngày thăm liền. Cháu Uy nói là đó mày thấy không, mẹ nói đúng. Mày phải lên tiếng. Nhớ rõ ràng là không nghe lời ai nói, chỉ nghe lời gia đình thôi. Gia đình mới nói đúng sự thật.
Tôi nói với nó là quá giới hạn của mẹ thì mẹ cũng đi nữa. Mẹ sẵn sàng đánh đổi nếu họ bắt mẹ 3 năm tù tội theo điều 258 để đánh đổi cho cái án 4 năm cho con, mẹ sẽ tìm mọi cách, nói để cháu vững lòng. Bằng mọi cách tôi phải vận động để họ đem cái án 4 năm ra xử lại.

NV: Chúng tôi xin cảm ơn ông Trần Văn Huỳnh và bà Nguyễn Thị Kim Liên đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.



No comments:

Post a Comment

View My Stats