Song
Chi/Người Việt
Saturday, December 07, 2013 2:16:03 PM
Nelson Mandela, cựu tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi, biểu tượng của phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc đã qua đời ngày 5 tháng 12, 2013 ở tuổi 95.
Biết là thừa khi viết thêm những lời ca ngợi về con
người vĩ đại, được yêu mến, kính trọng, ngưỡng mộ không chỉ bởi người dân Nam
Phi, mà khắp nơi trên thế giới này.
Nelson Mandela vĩ đại không chỉ vì sự hy sinh của
ông cho lý tưởng về một xã hội hòa bình-tự do-dân chủ-bình đẳng, hy sinh cho
đất nước, dân tộc, theo đúng tinh thần của một trong những câu ông từng nói:
“Real leaders must be ready to sacrifice all for the freedom of their people.”
(“Những nhà lãnh đạo thực sự phải sẵn sàng hy sinh tất cả cho tự do của dân tộc
họ”).
Nelson Mandela vĩ đại không chỉ vì tầm hiểu biết,
trí tuệ, tư duy chiến lược của một chính trị gia lỗi lạc hay nhân cách đạo đức
của ông, mà còn vì tư tưởng nhân ái, sự khoan dung của ông đối với những kẻ đã
bắt giam và đày đọa ông suốt 27 năm.
Sau khi ra khỏi tù, làm tổng thống, có quyền lực
trong tay, ông đã không dùng quyền lực để trả thù, để tiếp tục thực hiện một
chế độ phân biệt đối xử trở lại đối với những người da trắng ở Nam Phi, như họ
đã từng áp dụng trên đất nước ông suốt bao nhiêu năm. Ông đã chọn con đường tha
thứ và hòa giải.
Một trong những câu nói nổi tiếng khác của Nelson
Mandela là:
“As I walked out the door toward the gate that would
lead to my freedom, I knew if I didn't leave my bitterness and hatred behind,
I'd still be in prison.” (“Khi tôi bước ra khỏi cánh cửa về phía dẫn đến tự do,
tôi biết rằng nếu không để lại cay đắng và hận thù phía sau, tôi vẫn sẽ còn ở
trong tù”).
Những con người thật sự vĩ đại trên thế giới, như
Nelson Mandela, Dalai Lama, Martin Luther King Junior, Mahatma Gandhi... đều là
những người có tinh thần khoan dung, đều chọn một con đường đấu tranh ít tốn
hao xương máu nhất cho nhân dân họ. Bởi vì họ đều đặt lợi ích của đất nước và
hạnh phúc của người dân lên trên tất cả.
Chiều sâu của tri thức, tầm hiểu biết cộng với tinh
thần tôn giáo hoặc sự chiêm nghiệm về triết học trong mỗi con người ấy đã khiến
họ lựa chọn đường đi, lựa chọn cách hành xử như vậy.
Dường như người ta cũng đang phần nào nhìn thấy điều
đó trong nữ chính trị gia, lãnh tụ phe đối lập của Myanmar, Aung San Suu Kyi,
và kể cả trong tổng thống đương nhiệm Thein Sein khi họ đã chọn con đường ngồi
lại với nhau, đối thoại, cùng hợp tác vì tương lai đất nước. Và bà Aung San Suu
Kyi đã từng nhiều lần nói đến sự tha thứ, hòa giải, không trả thù.
Tương tự, cả hai đều là những trí thức, có tư tưởng
và có tinh thần Phật giáo soi sáng.
Nhìn lại bi
kịch của đất nước, của dân tộc Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho tới hiện tại chính
là từ sự du nhập triết học Mác Lênin, chủ nghĩa cộng sản, và sự thắng thế dẫn
đến cầm quyền tuyệt đối của đảng cộng sản.
Ngay từ đầu, những người cộng sản đã chọn con đường
bạo lực cách mạng để lật đổ chính quyền, triệt hạ tất cả các đảng phái đối lập.
Từ tư tưởng cho đến mục tiêu chiến đấu suốt bao nhiêu năm của họ là phải giành
chiến thắng, bất kể cái giá máu xương quá đắt phải trả. Còn trong xã hội, sự
phân chia giai cấp, tư tưởng đấu tranh giai cấp đã gây ra biết bao nhiêu bi
kịch từ Nhân Văn Giai Phẩm, Cải Cách Ruộng Ðất... ở miền Bắc cho tới cải tạo tư
sản, tư thương... ở miền Nam sau này.
Sau khi giành được chiến thắng, những người cộng sản
đã cư xử cực kỳ tàn ác với những người ở phe thua cuộc và cả đồng bào miền Nam.
Hàng trăm ngàn dân quân cán chính VNCH bị lùa đi học
tập cải tạo, thực chất là đi tù năm, mười năm và hơn nữa, trong đó rất nhiều
người đã mãi mãi nằm lại nơi những trại giam khác nhau, hàng triệu gia đình bị
mất đi người chồng, người cha là nơi nương tựa. Những người dân không phải đi
học tập cải tạo thì tiếp tục khốn khổ với sự phân biệt đối xử, chủ nghĩa lý
lịch...
Ðảng cộng sản tiếp tục đem nguyên mô hình xây dựng
XHCN ở ngoài Bắc vào áp dụng trong Nam, làm sụp đổ cả nền kinh tế, xáo trộn cả
xã hội với hàng loạt những đợt cải tạo tư sản, cải tạo công thương nghiệp, mô
hình hợp tác xã, chính sách lùa dân đi kinh tế mới... Dẫn đến việc hàng triệu
người phải bỏ nước ra đi, làm nên những cuộc vượt biển kinh hoàng với thảm cảnh
của những thuyền nhân (Boat people) rúng động lương tâm cả thế giới...
Sau bao nhiêu năm hoang tàn, điêu linh vì chiến
tranh, xã hội lại tiếp tục bị tàn phá bởi những chính sách sai lầm, sự ngu dốt,
lòng thù hận và chia rẽ.
Cho đến bây giờ, gần 40 năm sau chiến tranh, nhà
nước cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng quên đi quá khứ, bắt tay với Mỹ, và còn
nhanh hơn nữa, bắt tay với Trung Cộng. Trong khi đó thì họ vẫn không thể hòa
giải hòa hợp với những người anh em của phe thua cuộc và với lịch sử, vẫn không
hề có bất cứ một hành động nào để chứng tỏ sự hối lỗi, hối tiếc trước những sai
lầm trong quá khứ hay hiện tại.
Những người tù chính trị, dù thuộc lực lượng dân
quân VNCH còn sót lại như ông Nguyễn Văn Trại (đã chết), Trương Văn Sương (đã
chết), Bùi Ðăng Thủy (đã chết), Nguyễn Hữu Cầu đang phải tiếp tục ở tù cho đến
nay là 37 năm... Hay những người hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến thuộc
các thế hệ sau này như blogger Ðiếu Cày, blogger Công Lý và Sự Thật, Tiến sĩ
luật Cù Huy Hà Vũ, Thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung, Kỹ sư Trần Huỳnh Duy
Thức, nhà hoạt động Ðỗ Thị Minh Hạnh, thầy giáo Ðinh Ðăng Ðịnh, Linh mục Nguyễn
Văn Lý, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Mai Thị Dung... tiếp tục là những đối tượng bị đối xử khắc nghiệt
nhất, đày đọa phi nhân nhất trong tù.
Không những thế, nhà nước cộng sản luôn luôn đối xử
với nhân dân một cách thù địch, đầy nghi kỵ. Sau gần 40 năm, chưa bao giờ trên
đất nước này mâu thuẫn xã hội giữa người nghèo, người giàu, giữa người dân và
các cấp chính quyền lại sâu sắc đến thế.
Bi
kịch, bất công diễn ra khắp nơi. Từ thảm cảnh
của những người nông dân mất đất vác đơn đi khiếu kiện ròng rã bao năm, có cả
xô xát bạo lực, cả cái chết như vụ Ðoàn Văn Vươn hay Ðặng Ngọc Viết. Những cuộc
biểu tình, đình công của lớp lớp công nhân bị bóc lột sức lao động đến tận cùng
với đồng lương rẻ mạt. Những cái chết oan tức tưởi do sự lộng hành của đám công
an côn đồ. Những vụ án oan sai thấu trời đất gây ra bởi pháp luật mù lòa v.v...
Thế nhưng, tất cả nhũng lời kêu than của các tầng
lớp nhân dân hay những lời góp ý, kiến nghị... của bao nhiêu nhân sĩ trí thức
đã bị nhà nước này thẳng tay vứt vào sọt rác. Hiến Pháp 2013 là một bằng chứng
mới nhất cho thấy rõ đảng và nhà nước cộng sản tiếp tục mù lòa, vô cảm trước
những biến chuyển của thời cuộc, nhu cầu nhất thiết phải thay đổi để sống còn của
đất nước và nguyện vọng của nhân dân.
Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường cố thủ
quyền lực, cương quyết không thay đổi, thậm chí đối lập với nhân dân bởi vì qua
bao thế hệ cho đến tận bây giờ, trong số những người nắm quyền cao nhất vẫn là
những kẻ thiếu chiều sâu kiến thức, không có tầm nhìn viễn kiến, tư duy chiến
lược, cũng không có tinh thần tôn giáo hay triết học để soi sáng, ngoài...
triết học Mác Lênin!
Quan trọng không kém, họ chưa bao giờ biết đặt quyền
lợi của tổ quốc, dân tộc lên trên quyền lợi của đảng, của phe nhóm và bản thân.
Trước đây, đã từng có những giai đoạn đảng cộng sản
suy trì được quyền lực nhờ vào sự ngây thơ và niềm tin của số đông người dân do
bị tuyên truyền một chiều kết hợp với bạo lực. Nay niềm tin của đa số người dân
đã mất đi, đảng chỉ còn lại bạo lực thuần túy.
Và thay vì có một lối thoát tốt đẹp trong hòa bình,
hòa hợp, hòa giải với nhân dân, thì với một chế độ tàn bạo xây dựng trên bạo
lực, thù hận và sự nghi kỵ như vậy, cũng khó mà hy vọng một kết thúc êm ả, hay
một đối xử khác, từ nhân dân, một khi sức chịu đựng của người dân đã hết.
No comments:
Post a Comment