Saturday, 7 December 2013

NELSON MANDELA BẤT TỬ VỀ VỚI CÕI VĨNH HẰNG (Anh Vũ - RFI)




Anh Vũ  -  RFI
Thứ bảy 07 Tháng Mười Hai 2013

Cái tên Nelson Mandela xuất hiện đầy kín trên trang nhất các báo Pháp ra ngày tuối tuần này, đi kèm theo là vô số cụm từ trân trọng, xúc động nhất có thể để dành cho cựu Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, nhân vật huyền thoại của cuộc đấu tranh chống chế độ apartheid, vừa từ trần hôm qua tại Pretoria thọ 95 tuổi.

Lãnh tụ của người Nam Phi về với cõi vĩnh hằng vì tuổi cao sức yếu đã gây xúc động mạnh trên toàn thế giới. Hôm qua, hầu hết các kênh truyền hình, phát thanh lớn của Pháp đều dành những chương trình đặc biệt để bày tỏ xúc động sự ngưỡng mộ đối với sự nghiệp và con người Nelson Madela, hôm nay, đến lượt các tờ báo in của Pháp thể hiện tình cảm của mình. Hầu hết các tờ báo đều dành quá nửa số trang để nói về nhân vật huyền thọai của cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc vì hòa giải dân tộc của Nam Phi.

Trên nền đen phủ kính, nhiều nhật báo chính của Pháp hôm nay đăng chân dung khổ lớn của Mandela đi kèm với những hàng tựa ngắn gọn chứa đầy cảm xúc như « Một con người tự do » của Libération, « Số phận của chính nghĩa » của La Croix hay « Mandela, nhà đấu tranh cho tự do » của Le Monde.
Nhật báo Le Monde đã có mặt trên các sạp báo từ chiều hôm trước thì dành hẳn một ấn bản phụ 8 trang để nói về Nelson Mandela. Lấy tiêu đề « Sức mạnh không cưỡng lại được của bất bạo lực », xã luận của Le Monde viết : « Ngôn từ thần tượng xuất hiện một cách tự nhiên khi người ta nhắc đến cuộc đời của Nelson Mandela. Về mơ ước, ông đã thực hiện được, đó là đánh đổ chế độ apartheid, một hệ thống tàn bạo đàn áp đa số sắc dân da đen của Nam Phi.

Về khả năng chống chọi của mình, ông đã dùng nó để phục vụ cả một dân tộc. Với Nelson Mandela « tự do không đem ra mặc cả mà chỉ có một người tự do có thể thương lượng ». Chính vì thế mà khi đang bị cầm tù ông đã từ chối điều kiện của chính quyền đòi ông chấm dứt họat động chính trị để đổi lấy tự do cho cá nhân. Tờ báo nhấn mạnh đến « thông điệp » mà cuộc đời và sự nghiệp của Mandela để lại, đó là « sức bền bỉ không gì lay chuyển của một con người có thể mang lại tự do cho cả dân tộc dưới ngọn cờ bất bạo lực và hòa giải ».

Với Le Monde, Mandela là hiện thân cho « sức mạnh của một lãnh đạo tinh thần có khả năng giữ vững mục tiêu và lôi cuốn một tập thể vượt qua đau thương để đi tới đích cuối cùng (....) Ước vọng có được phẩm giá và những giá trị phổ quát đã hóa thân thành sức mạnh vượt lên những trở ngại tồi tệ nhất ».
Nhật báo Libération thì nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh hòa giải dân tộc Nam Phi của con người Nelson Mandela. Xã luận của Libération nhận thấy, trong nhiều thập kỷ đấu tranh và bị tù đầy, Mandela đã thể hiện ước vọng của chính mình và của những người da đen Nam Phi. Ông đã dấn thân vào cuộc đấu tranh vì phẩm giá của người da đen vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và vì những quyền căn bản của con người.

Khi cuộc đấu tranh đó đã tới đích, lẽ thường thấy người ta vẫn hay quay ngược lại trả thù đối thủ đã áp bức mình thì Mandela lại chủ trương tha thứ để hướng tới đoàn kết mọi cộng đồng người Nam Phi. Libération cho đây là « hành động anh hùng ». Libération kết luận : Dành cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh vì quyền con người, Nelson Mandela sẽ là một « một vĩ nhân cuối cùng » của thời đại ngày nay.
Trong khi đó Le Figaro nhận định, một con người như Nelson Mandela từng gây ấn tượng mạnh đối với từ Fidel Castro đến Giáo hòang Jean-Paul II, Đức Đạt Lai Lạt Ma hay Tổng thống Barack Obama thì hẳn không phải là con người bình thường được. Nhưng theo Le Figaro, nhân dân Nam Phi không muốn lãnh tụ của họ là một « vị thánh mà chỉ muốn ông là một con người vĩ đại ».

Biểu tượng của hòa giải
Trong « dòng thác » các bài viết, phỏng vấn để tưởng nhớ tới vị anh hùng dân tộc Nam Phi, La Croix có bài « Nelson Mandela, một biểu tượng hòa giải của thế giới » điểm lại cuộc đời phi thường của nhà đấu tranh vì tự do của Nam Phi, một tấm gương lớn cho cả thế giới.

Nhật báo Công giáo La Croix ghi nhận : Từ nhiều năm nay, Nelson Mandela luôn luôn dẫn đầu các nhân vật có uy tín nhất trên cả hành tinh. Trên thế giới, giờ đây có không biết bao nhiêu con đường, quảng trường hay trường học mang tên ông. Là nhân vật huyền thoại trong suốt 27 năm bị cầm tù, theo đánh giá gần như nhất trí hoàn toàn của dư luận thế giới, Nelson Mandela là hiện thân của cuộc đấu tranh bất bạo động chống lại áp bức.

Bên cạnh nhiều bài viết tái hiện lại cuộc đời đấu tranh không ngừng nghỉ của Mandela vì quyền con người, Liberation có bài mang tựa đề « Cốt lõi của huyền thoại ». Theo tờ báo : « Tứ một luật sư trẻ đến nhà chỉ huy quân sự, từ một tù nhân không chịu khuất phục cho đến khi trở thành một vị Tổng thống của một quốc gia hòa hợp, Nelson Mandela đã tự viết lên huyền thoại của chính mình ». Huyền thoại đó đồng thời cũng là một tấm gương cho Nam Phi và cả thế giới noi theo. Chính bản thân Mandela khi còn làm Tổng thống đã từng phát phiểu : « Sau Mandela, cuộc sống vẫn tiếp tục ».

Nelson Madela hy sinh gia đình, dấn thân cho sự nghiệp
Cũng nhân sự kiện này, Liberation còn quan tâm đến một nhân vật chiếm phần không nhỏ trong cuộc đời đấu tranh của Nelson Mandela, đó là người vợ đầu tiên của ông, bà Winnie Mandela, một người từng có vị trí quan trọng trong trong cuộc đấu tranh của chồng trong những năm 1980.

Theo Libération, bà Winnie Mandela là người đã góp phần không nhỏ tạo nên thần tượng cho cả đất nước Nam Phi trước khi lui vào sống ẩn dật bởi những vụ bê bối. Năm 1980, bà là người đứng ra khởi xướng phong trào « Mandela tự do ».Vì cuộc đấu tranh đòi tự do cho chồng và cho cả người da đen Nam Phi, bà Winnie đã phải ngồi tù 3 năm rồi chịu bao nhiêu sách nhiễu trấn áp của chính quyền apartheid.

Đã có lúc bà được coi là trung tâm quyền lực trong Đại hội Dân tộc Phi ANC, nhưng bà đã mắc phải sai lầm là dung túng, chứa chấp những thanh niên dân quân gây nhiều hành động bạo lực chết người và bà đã bị liên lụy bởi những vụ việc đó .

Khi ông Nelson Mandela được tự do, Winnie dường như không chịu nấp sau cái bóng của người chồng vĩ đại, bà tiếp tục họat động một cách độc lập trong ANC. Cuối cùng, hai vợ chồng đã phải ly thân trước khi Nelson trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi năm 1994.

Lãnh đạo đối lập Ukraina được lắng nghe nhất
Khép lại những trang báo đầy cảm xúc với người anh hùng của dân tộc Nam Phi chuyển sang tin tức thời sự khác. Trên trang quốc tế, Le Monde nhìn sang Ukraina với bài phác họa chân dung của nhà đối lập đang lên của chính trường nước này với bài viết : « Vitali Klitschko, cựu võ sĩ quyền anh dẫn dắt phong trào phản kháng tại Ukraina ».

Theo bài báo, trong những ngày qua, mỗi lần xuất hiện trên diễn đàn ở quảng trường Maidan ( Độc lập), trung tâm của phogn trào phản kháng đang làm lung lay chính quyền Ukraina từ hai tuần qua, Vitali Klitschko, cựu vô địch thế giới quyền anh, lãnh đạo đảng đối lập « Quả đấm thép » đều được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người biểu tình trong đó kể cả những người có tư tưởng dân tộc cực đoan.
Vitali Klitschko, nhân vật 42 tuổi này đến với chính trị từ một thế giới hòan toàn khác. Sinh ra tại Kirghistan, đi theo và tỏa sáng bằng sự nghiệp thể thao. Luyện tập chủ yếu môn quyền anh tại Đức, Klitschko trở thành nhà vô địch thế giới với thành tích thật ấn tượng : 45 chiến thắng trong 47 trận đấu trong đó 41 trận thắng đo ván.

Trong chính trường Ukraina, Klitschko là một người mới đến nhưng đã có đủ sức hấp dẫn những người đang thất vọng về cuộc Cách mạng màu cam. Ông thành lập đảng Oudar, có nghĩa là Quả đấm thép, năm 2010 sau thất bại trong cuộc tranh cử Đô trưởng Kiev. Hai năm sau đó, đảng của ông thu được 13,95% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội và trở thành lực lượng chính trị thứ 3 tại Ukraina.
Theo tờ báo, lo ngại trước uy tín ngày càng lớn của nhà cựu vô địch quyền anh, Tổng thống Ianoukovitch, hồi đầu tháng 11 đã ban hành một đạo luật được cho là nhằm trực diện vào Klitschko, cấm những ai không sống tại Ukraina từ thập kỷ trước ra tranh cử Tổng thống.

Từ khi bắt đầu có phong trào Maidan phản đối chính quyền của Tổng thống Ianoukovitch quay lưng lại với Liên Hiệp Châu Âu, không cần phải là nhà hùng biện lớn, nhưng Vitali Klitschko vẫn là một nhà lãnh đạo chính trị được chú ý lắng nghe nhất của phong trào.

Thế nhưng, từ vài ngày qua, phong trào phản kháng đang mất phương hướng, ngôi sao đang lên Klitschko cũng bắt đầu có dấu hiệu mờ dần. Nhiều người bắt đầu hoài nghi khả năng dẫn dắt phong trào đi tới đích của Klitschko, trong khi ông vua của các trận đo ván này vẫn đang nghĩ đến trận đấu « tranh cử Tổng thống vào năm 2015 ».

-------------------------------

Tin liên quan :

Thủ tướng Anh David Cameron: ‘Mandela là anh hùng của thời đại’ (BBC)





No comments:

Post a Comment

View My Stats