Saturday 7 December 2013

NAM PHI : TUẦN QUỐC TANG TIỄN ĐƯA MANDELA (Trọng Thành - RFI)




Trọng Thành  -  RFI
Thứ bảy 07 Tháng Mười Hai 2013

Theo AFP hôm nay 07/12/2013, Nam Phi chuẩn bị một tuần quốc tang để tiễn đưa nhà lãnh đạo huyền thoại Nelson Mandela về nơi an nghỉ cuối cùng. Tuần quốc tang chính thức bắt đầu từ ngày mai, Chủ nhật 08/12 với « ngày cầu nguyện và mặc niệm toàn quốc » và kết thúc với việc an táng thi hài nhà lãnh đạo tại quê hương ông vào Chủ nhật tuần tới 15/12.

Từ ngày hôm qua 06 đến thứ Hai, 09/12, thi hài của Nelson Mandela được quàn tại bệnh viện quân sự Pretoria. Thứ Hai, Quốc hội hai viện Nam Phi sẽ được triệu tập trong một phiên họp đặc biệt để tưởng nhớ cố lãnh tụ Mandela. Nhưng không chờ đợi đến ngày tang lễ chính thức, người dân thuộc mọi tầng lớp, mọi sắc tộc đổ về ngôi nhà cố lãnh tụ để tưởng niệm người anh hùng của nền dân chủ Nam Phi.
Trên đường phố, trên đài phát thanh, truyền hình, người ta chỉ nói về việc Nelson Mandela qua đời. Fondation Mandela mở cửa 24 giờ trên 24 giờ nhiều điểm đón tiếp người tưởng niệm, cho đến ngày thứ Hai.

Thứ Ba 10/12, tức ngày thứ năm theo sau khi ông qua đời, là ngày Tưởng niệm quốc gia chính thức. Nghi lễ sẽ được cử hành tại sân vận động Soccer City Soweto (FNB Stadium) gần thành phố Johannesburg, nơi dự kiến sẽ có 90.000 người tham dự.

Chính tại sân vận động này, Nelson Mandela đã xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng vào năm 2010, nhân dịp giải chung kết bóng đá thế giới. Theo CNN, nhiều nguyên thủ quốc gia sẽ đến dự lễ viếng, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Lễ viếng cố lãnh đạo Nam Phi sẽ diễn ra trong ba ngày, từ 11/12 đến 13/12, tại Phủ Tổng thống Nam Phi (Union Buildings), thủ đô Pretoria. Đây là thời điểm đặc biệt trọng thể của tuần lễ quốc tang Nelson Mandela. Ngày viếng đầu tiên dành cho các giới chức, hai ngày tiếp theo là để cho công chúng đến mặc niệm lần cuối trước thi hài nhà lãnh đạo.

Ngày thứ Bảy 14/12, thi hành Nelson Mandela sẽ được đưa về quê hương ông trên một máy bay quân sự. Một khi đến ngôi làng quê hương, thi hài Mandela sẽ được trao lại cho gia đình tại làng Qunu. Quốc kỳ Nam Phi phủ trên linh cữu sẽ được thay bằng một tấm vải truyền thống của sắc tộc Xhosa (còn gọi là Thembu), sắc tộc đã sinh ra lãnh tụ Nelson Mandela.

Trưa ngày hôm sau, Chủ nhật 15/12, tức ngày tang thứ 10, thi hài Nelson Mandela sẽ được an táng. Theo CNN, khoảng 10 nguyên thủ quốc gia và một trăm thân nhân của cố lãnh tụ sẽ tham dự lễ hạ huyệt, được truyền hình trực tiếp.

Tuần quốc tang kết thúc vào ngày thứ Hai 16/12, được gọi là « Ngày hòa giải ». Một bức tượng cố lãnh tụ Nelson Mandela sẽ được khánh thành trước Phủ Tổng thống Nam Phi ở Pretoria.

----------------------



Tú Anh   -  RFI
Thứ sáu 06 Tháng Mười Hai 2013

“Nelson Mandela, người con yêu của đất nước đã từ trần”. Tin buồn này mà toàn dân Nam Phi chờ đợi trong lo âu đã được Tổng thống Jacob Zuma thông báo vào đêm 05/12/2013. Biểu tượng của hòa bình và hòa giải dân tộc, cựu tù nhân chính trị, Tổng thống đầu tiên của Nam Phi đa sắc tộc1994-1999, Nobel Hòa bình 1993, đã thanh thản ra đi, thọ 95 tuổi, để lại niềm thương tiếc cho Nam Phi và khắp địa cầu...

Cũng như Thánh Gandhi đã thành công tại Ấn Độ, cuộc đấu tranh bất bạo động của Nelson Mandela dù trải qua hơn 26 năm tù, cuối cùng đã chuyển hóa được chế độ da trắng kỳ thị, đem lại dân chủ hài hòa cho Nam Phi.

Theo Ahmed Kathrada, 85 tuổi, 25 năm tù chung với Nelson Mandela thì ông « luôn luôn là nguồn cảm hứng của những người yêu chuộng và tranh đấu cho tự do. Trong thập niên 1960, với án tù chung thân, Nelson Mandela vẫn giữ được ngọn lửa hy vọng và chuyển ngọn lửa này cho bạn đồng tù vì mục tiêu của cuộc tranh đấu là chính đáng ».

Nelson Mandela đã lao vào cuộc tranh đấu chống bất công từ thời niên thiếu. Một lần bị trục xuất khỏi đại học vì tham gia phong trào sinh viên biểu tình, nhưng cuối cùng, năm 24 tuổi tốt nghiệp cử nhân luật. Hai năm sau, 1944, ông gia nhập tổ chức Hội nghị Dân tộc Phi châu.

Khi đảng Dân Tộc của chính phủ da trắng ban hành chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid năm 1948, Nelson Mandela và tổ chức Hội nghị Dân tộc Phi châu phát động phong trào kháng chiến chống kỳ thị với hệ quả là ba lần ông bị bắt giam.

Ba lần bị kết tội « phản bội » và « âm mưu lật đổ » chính quyền, được tha bổng năm 1961, bị kết án 5 năm khổ sai năm 1963, án chung thân năm 1964 cùng với 7 chiến hữu.

Sau 26 năm tù kỷ lục, năm 1990, ông được tự do. Tổng thống Nam Phi lúc đó là F.W. de Klerk, cùng với sự dấn thân tích cực của Đức Cha Desmond Tutu và Giáo hội Anh Giáo Nam Phi, đã hòa giải với đối lập, dứt khoát lật qua trang sử kỳ thị, giải tỏa lệnh cấm tổ chức Hội nghị Dân tộc Phi châu và trả tự do cho « người tù thế kỷ ».

Năm 1993 đương kim Tổng thống và Tổng thống tương lai Nam Phi cùng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình. Một năm sau Nelson Mandela đã đắc cử Tổng thống một cách vẻ vang trong cuộc đầu phiếu bình đẳng đầu tiên năm 1994.

Ngọn lửa hy vọng của Nelson Mandela, như bạn đồng tù Ahmed Kathrada mô tả, không giới hạn bên trong Nam Phi mà còn lan tỏa khắp thế giới tạo thành niềm tin và gương sáng cho nhiều thế hệ tranh đấu khác.

Được tin ông qua đời, từ Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhận định : Nelson Mandela là « tấm gương chiến đấu cho tự do, cho công lý và nhân loại, là nguồn cảm hứng của thế giới ».

Để tìm hiểu thêm Nelson Mandela đã sống như thế nào và về tấm gương sáng này, RFI đặt câu hỏi với Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cựu phụ tá viện trưởng viện đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, cựu tù chính trị .

Cũng như Nelson Madela, từ năm 1976 cho đến khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1998, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt hai lần ngồi tù với hai bản án tổng cộng 32 năm tù với tội danh « tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa ».

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt được nhiều giải thưởng quốc tế : Giải Tự do báo chí quốc tế 1993, Giải Nhân quyền Robert F. Kennedy 1995 và Giải Bút vàng Tự do năm 1998.

Bài phỏng vấn được thực hiện trong bối cảnh toàn dân Nam Phi đang chuẩn bị đón tin buồn vào tháng 6 năm nay.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt :
« Ông Mandela là gương mẫu cho những người đấu tranh bất bạo động cho một lý tưởng. Trong 27 năm tù, ông luôn luôn duy trì ý chí, lý tưởng của mình dù tình hình trong tù như thế nào. Đó là một tấm gương lớn cho người đấu tranh. Khi dấn thân tham gia tranh đấu thì chuyện tù đày khó có thể tránh được cho nên lúc nào cũng phải sẵn sàng. Giai đoạn đặc biệt khi ra nhà tù là ông luôn luôn không có sự căm thù nào. Ông đấu tranh không phải với tinh thần thù hận mà với tinh thần hòa giải với những người mà ông bắt buộc phải cùng làm việc để đưa Nam Phi vào giai đoạn mới… ».
Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 18/07 hàng năm kể từ năm nay 2013 để vinh danh cuộc đời tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi Nelson Mandela.




No comments:

Post a Comment

View My Stats