Christoph Hein/Udo Schmidt
Phan Ba trích dịch từ
“Miến Điện/Myanmar – Con đường gian truân đi tới tự do”
Tháng Mười Hai 17, 2013
Gánh nặng trên đôi vai của Lady
Aung San Suu Kyi đứng trong khu
vườn nhà bà ở cạnh hồ Inya tại Rangoon. Người nữ lãnh tụ đối lập được tôn sùng
ở Myanmar trông gầy gò mảnh khảnh, sức mạnh lớn lao của bà, khả năng chịu đựng
của bà, cái mà bà đã chứng minh trong hơn mười lăm năm bị quản thúc tại
gia, đến từ bên trong. Không thấy nó ở cái nhìn đầu tiên.
Và bây giờ Daw Suu, bà Suu, như
bà thường được gọi, vẫn còn mệt mỏi. Rất mệt mỏi. “Tất cả có hơi nhiều một chút
trong những tuần vừa rồi”, người đàn bà sáu mươi bảy tuổi nói với một giọng nói
không được rõ ràng và đòi hỏi như người ta thường quen ở bà. Đó là cái ngày
trước lần bầu cử bổ sung vào Quốc hội tại thủ đô Naypidaw của Myanmar và Aung
San Suu Kyi đã dẫn đầu cuộc tranh cử từ nhiều tuần. Bà thích thú khi có thể
xuất hiện ở khắp mọi nơi, khắp mọi chỗ và được chào mừng. Nhưng niềm hân hoan
đấy cũng mang lại nguy hiểm cho bà. Daw Suu hay vượt quá giới hạn thể lực,
không hề quan tâm đến sức khỏe của mình. Hàng chục ngàn người reo hò chào mừng
bà ở hai bên đường, toàn Myanmar chờ đợi ở người nhận Giải Nobel Hòa bình một
cú đánh giải phóng, cái mà cuối cùng thì không buộc phải thực hiện, – có ai còn
nghĩ đến sức khỏe của bản thân mình nữa chứ?
Aung San Suu Kyi chào mừng hàng
ngàn người ủng hộ qua hàng rào nhà của bà sau khi được trả tự do. http://phanba.files.wordpress.com/2013/12/aung-san-suu-kyi.jpg?w=600&h=417
Cuối cùng, ngay trước lần bầu
cử bổ sung, Aung San Suu Kyi rồi cũng tuân theo các dấu hiệu và lui về nghỉ
ngơi trong ngôi nhà của bà một vài ngày. Bây giờ, trên bãi cỏ trước ngôi biệt
thự, trong ngôi nhà mà cha mẹ của bà từng sống, bà vẫn còn chưa hoàn toàn bình
phục. “Sức khỏe tôi có tốt hơn, nhưng thật ra thì tôi vẫn còn cần sự yên tĩnh
thêm một chút nữa”, Lady thêm vào. Nhưng thật sự là không còn thời gian cho
việc đó nữa.
Aung San Suu Kyi kiệt sức và
kiệt quệ về tinh thần, đó là một trong những khoảng khắc hết sức hiếm hoi mà
trong đó người nữ lãnh tụ đối lập được cả đất nước yêu mến, tôn sùng và mong
đợi, bước xuống từ đỉnh Olymp, là một con người bình thường, mềm yếu.
Bà cũng thường được gọi là
“Aunti”, cô, nhưng ở Myanmar mang ý nghĩa hết sức kính trọng. Việc Aung San Suu
Kyi được tôn sùng không phải là một việc đáng ngạc nhiên. Bà là con gái của
Tướng Aung San, người anh hùng giành độc lập của Myanmar, người bị giết chết
năm 1947. Chỉ riêng điều đó cũng đã gần đủ. Nhưng trước hết là chính bà đã
chứng tỏ mình có sức mạnh, nhiều can đảm cũng như sẵn sàng bằng lòng với những
gì ít hơn trong việc riêng tư. Khi đảng của bà, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ,
chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 1990, giới quân đội đã thu lại kết quả đó
và quản thúc tại gia người nữ ứng cử viên đứng đầu. Suu Kyi cũng ở tại gia, khi
Michael Aris chồng bà qua đời sau một cơn trọng bệnh ở Liên hiệp Anh.
Bà liên tục đấu tranh cho các
cải cách dân chủ, mặc cho thế yếu của mình. Bị cô lập ở phía sau những cánh cửa
đóng kín, bà ngày càng có thêm tầm quan trọng về chính trị. Tất cả mọi hy vọng
cho lần mở cửa của Myanmar đều nhận được một cái tên trong những năm tháng này:
Aung San Suu Kyi.
“Khi người ta hỏi tôi tại sao
tôi lại luôn luôn đấu tranh cho dân chủ ở Miến Điện, thì tôi nói rằng vì tôi
tin chắc là các thể chế dân chủ sẽ cho phép bảo đảm nhân quyền được tôn trọng”,
Aung San Suu Kyi nói, và bà tin chắc như thế sâu trong nội tâm.
Bây giờ thì người nữ lãnh tụ
đối lập này đã chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung tháng 4 năm 2012 mà không
để lại cho đảng cầm quyền đến một ghế. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ hiện giờ
có bốn mươi ba ghế trong Quốc hội. Nhưng đấy là lần bầu cử bổ sung mà trong đó
chỉ tròn mười phần trăm số ghế được bầu mới. Đảng chính phủ của Thein Sein do
vậy không phải lo sợ cho đa số của họ cho tới lần bầu cử Quốc hội 2015.
Từ tháng 11 năm 2010 không còn
bị quản thúc tại gia nữa, vào lúc ban đầu còn bị giới hạn đi lại, rồi tầm quan
trọng ngày càng được nâng cao qua những lần trao đổi với các đại diện của chính
phủ, cuối cùng là người chiến thắng rạng rỡ trong cuộc bầu cử bổ sung tháng 4
năm 2012. Không ai tiên đoán được sự phát triển này. “Mỗi một sự giúp đỡ đến
với Myanmar bây giờ phải mang lợi ích trực tiếp đến cho người dân, phải tăng
cường cho họ, để họ trở nên độc lập với chính phủ”, Aung San Suu Kyi nói. Và bà
có sự tự do và có quyền để nói điều đó. Bà ấy cũng cảnh báo trước một làn sóng
đầu tư có thể chôn vùi đất nước này ở dưới nó. Và bà dựa vào Hoa Kỳ, đồng quan
điểm với Thein Sein trong việc này. “Đã đến lúc chúng tôi trở thành bạn bè hay
lại là bạn bè”, bà ấy nói, “cũng là bạn bè của một quá trình dân chủ thật sự.
Tôi xin nước Mỹ hãy chú ý đến các vấn đề của chúng tôi.”
Hiện nay, giữa Aung San Suu Kyi
và Tổng thống Thein Sein đã phát triển một điều gì đó giống như mối quan hệ làm
việc bền vững – giữa người nữ chính khách đối lập nhiều năm liền từng là kẻ thù
số một của chế độ và vị Tổng thống, người bây giờ đang biến đổi sâu rộng chế độ
mà ông đã hưởng lợi cả một thời gian dài. Sau cuộc bầu cử, Aung San Suu Kyi đã
bước vào Quốc hội, qua đó được hợp pháp hóa một cách dân chủ, mặc dù vẫn còn
một phần tư nghị sĩ thuộc giới quân đội, những người không phải đứng ra tranh
cử. Qua đó bà cũng là một trụ cột cả cho chính phủ.
Thein Sein cần Aung San Suu
Kyi, để các quyết định trong nhân dân có được đa số. Và ông cần bà để giải
quyết các xung đột. Ví dụ như Lady được bổ nhiệm đứng đầu một ủy ban có trách
nhiệm điều tra các sai phạm của cảnh sát trong lúc giải tán một trại biểu tình
ở miền Bắc của đất nước. Ai được gắn kết như thế thì khó có thể làm những điều
mà không ai đoán trước được. Đó hẳn cũng là một động cơ của Thein Sein, tiếp
cận người nữ lãnh tụ đối lập trong những bước chân dài.
Không có Aung San Suu Kyi thì
hiện nay hầu như không thể tưởng tượng ra được một phe đối lập ở Myanmar. Đó là
một gánh nặng và cũng là một vấn đề. Sau Daw Suu thì không có ai được tin cậy
và kính trọng như thế. Vì vậy mà bây giờ bà được tất cả mọi người không đứng
vào phía của chính phủ ủng hộ. Và cũng vì vậy mà người ta phỏng đoán nhiều đến
như thế, rằng liệu người phụ nữ sáu mươi bảy tuổi này có đủ kinh nghiệm trong
hoạt động chính trị hay không, liệu bà về lâu dài có thắng thế hay không.
“Thỉnh thoảng, chúng tôi không
biết chính xác là bà ấy đang nghĩ gì”, như diễn viên hài Zarganar nói, một cựu
tù chính trị và hiện giờ đang nắm nhiều đầu dây trong nước Myanmar cải cách.
Liên quan tới các dân tộc thiểu số của đất nước, những quyết định khó khăn nhất
hay chỉ những lời phát biểu khó khăn nhất vẫn còn đang đứng ở phía trước của
Aung San Suu Kyi. Bốn mươi phần trăm người dân Myanmar có cảm giác mình thuộc
vào một trong những thiểu số đó, người Karen, Kachin, Shan hay Mon. Họ yêu cầu
có nhiều quyền tự trị hơn, có phần nhiều hơn trong khai thác tài nguyên, và họ
đã dùng vũ khí nhiều thập niên liền để biểu lộ những yêu cầu đó. Bây giờ đang
có những cuộc thương lượng hòa bình với chính phủ, nhưng chúng diễn tiến chậm
chạp. Và người phụ nữ nhận Giải Nobel Hòa bình cũng không thể phù phép một giải
pháp nhanh chóng và đơn giản ra từ chiếc nón của nhà ảo thuật được. Các dân tộc
thiểu số hy vọng có được thêm nhiều sự phi tập trung hóa từ bà, nhưng Lady cuối
cùng thì cũng là một người Miến Điện, và qua đó là người hưởng lợi từ sự tập
trung quyền lực ở trung ương.
Hòa giải trong nước hẳn là đề
tài quan trọng nhất. Mối nguy hiểm mà các cuộc đầu tư cần thiết thể hiện cũng
là một đề tài không kém quan trọng. Suu Kyi thường xuyên cảnh báo, như trong
một chuyến đi thăm Ấn Độ:
“Myanmar giàu về khoáng sản và
trong đó cũng tiềm ẩn một mối nguy hiểm. Đơn giản là bây giờ có quá nhiều người
bước vào đất nước này, và muốn sử dụng các tài nguyên đó cho các mục đích
riêng. Chúng tôi biết rằng Myanmar đang cần đầu tư, và chúng tôi cũng chào mừng
những nhà đầu tư. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng các đầu tư phải hợp lý và phải
được tiến hành một cách có trách nhiệm. Môi trường phải được bảo vệ, tương lai
của đất nước phải được bảo đảm.”
Theo hiến pháp hiện nay, Aung
San Suu Kyi không được phép ứng cử chức vụ tổng thống, vì bà kết hôn với một
người nước ngoài. Nhưng ngoài việc đó ra: bà, đảng của bà, Liên minh Quốc gia
vì Dân chủ, có thắng được cuộc bầu cử năm 2015 hay không? Tổng thống Mỹ Barack
Obama dự đoán người bạn chính trị của ông sẽ thắng cử, người mà ông ấy trong
lần viếng thăm Myanmar vào cuối năm 2012 đã sôi nổi ôm choàng lấy đến mức bà ấy
phải hơi giật mình lui lại. “Chúng tôi nhìn đến cuộc bầu cử 2020, đó là một tầm
nhìn thực tế hơn”, Zarganar nói – và nhiều nhà phân tích trong nước cũng nói
như thế. Đến lúc đấy, phe đối lập, có Aung San Suu Kyi hay là không, sẽ ổn
định.
Niềm hân hoan, cái mà Aung San
Suu Kyi, biểu tượng cho hòa bình của Myanmar, tạo ra trong toàn Phương Tây, ngược
với một cách nhìn khác hơn ở trong nước. Được yêu mến và được tôn sùng ở một
mặt, bị phê phán là không có kinh nghiệm chính trị và có lúc trơ trơ trước
những ý kiến cố vấn ở mặt kia. Ngay cả khi nó dường như là như thế trong cái
nhìn đầu tiên: Myanmar trong thời của những biến đổi không đơn giản chỉ là đen
hay trắng, tốt hay xấu. Tương lai có thể sẽ được vẽ ra trong những màu xám đậm
nhạt khác nhau.
Christoph Hein/Udo Schmidt
Phan Ba dịch
Đọc các bài khác ở trang Con đường Miến Điện
No comments:
Post a Comment