Sunday 15 December 2013

LÝ TƯỞNG CỘNG SẢN & MẶC CẢM QUÁ KHỨ (Lưu Thủy Hương - Tiền Vệ)





Tôi đọc bài viết đăng trên BBC, về những phát ngôn của anh Nguyễn Lân Thắng, [*] với một cảm giác ngỡ ngàng như vấp phải hòn đá. Vẫn là hòn đá cũ nhưng được sơn phết lại bằng một màu sắc khác, bởi những bàn tay trẻ tuổi mang tư tưởng tiến bộ khác.

Mở đầu cho tấn bi kịch đấu tranh tư tưởng, biên tập viên BBC mượn lời anh Nguyễn Lân Thắng để hướng người đọc đến cái to lớn sang trọng - là lý tưởng - từ đó quên đi cái tầm thường nhỏ nhoi - là sổ hưu. “Một phần sâu thẳm hơn ở sâu thẳm những người đảng viên kỳ cựu là họ rất khó vượt qua mình. Bởi vì cả cuộc đời của họ, họ hy sinh cho lý tưởng cộng sản, họ hy sinh thực sự cả sinh mạng của mình cho Đảng cộng sản.”

Có thật vậy không? Từ bỏ Đảng trong sâu thẳm là từ bỏ lý tưởng cộng sản? Ở thời điểm này, có còn ai đứng trong hàng ngũ Đảng thực sự là vì lý tưởng cộng sản, vì sẵn sàng hy sinh cuộc sống mình cho Đảng? Và cái lý tưởng cộng sản đó chắc chắn phải lớn hơn tình yêu tổ quốc và quyền lợi dân tộc?

BBC đưa khuôn mặt tranh đấu mới mẻ Nguyễn Lân Thắng ra đường đua để hòng đặt lại vấn đề lý tưởng. Nhưng cái lý tưởng trăm lần sơn phết loè loẹt đó vẫn lộ nguyên hình là hòn đá cuội cũ xì đã bị Đảng mài hết góc cạnh. Bây giờ nó bị lôi ra nằm trơ trẽn giữa đường, nó làm người ta khựng lại với đôi chút bực mình. Nhìn vào hòn đá cũ đó, tôi e ngại rằng, những phát ngôn của anh Nguyễn Lân Thắng qua ngòi viết đài BBC đã không còn sòng phẳng và khách quan. Khi đài BBC mượn lời người khác để đòi hỏi hai chữ “cảm thông” cho lý tưởng của các Đảng viên, họ đã cố tình bỏ qua sự thật: các Đảng viên đang sống và hưởng thụ phè phỡn trên mồ hôi và xương máu của người dân. “Những Đảng viên này đang chịu một mặc cảm tâm lý ‘xấu hổ’ khi nhìn lại quá khứ hợp tác và phục vụ cho Đảng.” Ý tưởng này không rõ là lời phát biểu trực tiếp của anh Nguyễn Lân Thắng hay câu văn đã qua chế biến. Nó làm tôi thắc mắc, liệu có mối liên quan nào giữa tâm lý biết xấu hổ vì những sai lầm trong quá khứ, với thái độ thanh thản tiếp tục hành động cấu kết cùng tội ác trong hiện tại.

Như trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn, lý tưởng được đem ra tô vẽ lại, chẳng chóng thì chầy, quá khứ cũng được lôi dưới mồ lên. Nhà cầm quyền Trung Cộng cũng như nhà cầm quyền Việt Cộng thường dùng chiêu bài quá khứ để giải oan. Công trạng cũng từ quá khứ mà sai lầm cũng nằm đâu đó trong quá khứ. Quá khứ thời nhà Sản đôi lúc mang hình cái bánh kem, đôi lúc mang hình cái thùng rác. Những người đi ra từ quá khứ đó, như ông Lê Hiếu Đằng, đã không cần níu kéo lý tưởng cộng sản mà ngang nhiên đứng lên tố cáo sự suy thoái và biến chất của Đảng đang trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước. Tại sao ở đây những người trẻ tuổi lại dẫm lên vết xe nhà Sản mà đi thụt lùi về quá khứ. Tại sao những người không liên quan đến quá khứ lại không thể bỏ qua quá khứ mà nhìn thẳng vào hiện tại.

Từ bỏ Đảng là từ bỏ bổng lộc, quyền lợi, tước vị của bản thân và cả gia đình. Ở thời điểm hưởng thụ và thả sức đục khoét này sẽ không có ai chối bỏ những đặc quyền đặc lợi ấy vì mang mặc cảm xấu hổ. Người ta cần một lực đẩy lớn hơn, hay cần những lời chỉ trích thẳng thừng hơn. Không thể đòi hỏi những con người lầm than, đôi vai cong oằn vì trăm thứ bất công, phải gánh thêm hai chữ “cảm thông”.

Lưu Thuỷ Hương

_________

Ghi chú:






No comments:

Post a Comment

View My Stats