Sunday 22 December 2013

LÒNG MẸ (FB Nguyễn Văn Thạnh)




22-12-2013

Dù đã trên 30 tuổi, nhưng trong mắt mẹ tôi, tôi như một đứa trẻ. Bà luôn lo lắng, điện thăm hỏi, lâu lâu còn gửi tiền cho tôi. Bà nghĩ rằng, tôi sức khỏe kém, sợ làm không có tiền, bị đối tượng xấu dụ dỗ, vì thiếu tiền mà làm chuyện bậy bạ. Bà hay nói với tôi “nếu sống ở thành phố không được thì về quê má bảo bọc”. Dù rất vất vả nhưng mấy năm gần đây, do con cái đã lớn, không còn chi phí nhiều nên bố mẹ tôi làm vẫn có dư chút đỉnh.

Khi nghe tôi bị đánh (chiều 12.12.2013, có 5 kẻ lạ mặt liên tục đeo bám tôi, sau đó tạo cớ đụng xe và đánh tôi một chỏ, một cú lên lưng), có một nguồn tin báo cho má tôi biết, vì quá lo lắng cho tôi nên bà run lẩy bẩy, tim đập chân run nên bị té xe, bị xây xước. Bà liên tục gọi điện giục tôi về quê. Tôi lấy lý do có việc cần làm nên hẹn vài hôm sẽ về.

Tối (18.12.2013) tôi bị một lực lượng đông đảo gồm: công an, công an mặc áo chống đạn, dân phòng, thường phục,…yêu cầu kiểm tra hành chính tại phòng trọ em trai tôi và bị kẻ lạ mặt đánh. Tin này bà cũng biết, bà khóc lóc, yêu cầu tôi về ngay, không hẹn gì nữa. Vì quá lo lắng cho tôi nên bị suy kiệt tụt huyết áp phải nhập viện.

Tôi vì muốn những người quan tâm vụ việc gọi điện để động viên nên đã cho số điện thoại lên face, không ngờ người quan tâm cũng có mà những kẻ “xấu” gọi vào đó đe dọa, khủng bố ba má tôi cũng nhiều.

Chiều ngày 20.12.2013, khi chủ nhà trọ mới chuyển đến thông báo không cho thuê nhà, tôi biết có ở thêm cũng không làm được gì. Không thể ở mãi khách sạn (dù mini) vì quá tốn kém, tôi nhờ bạn thuê một phòng ở nhà nghỉ giá 2tr/tháng cho vợ tôi ở. Chiều 21.12.2013, tôi về quê.

Hơn 10h tối đó, tôi về đến nhà, mặc dù rất khuya (ở quê tầm 8-9h tối là người dân đi ngủ sớm, chỉ còn đêm vắng tĩnh mịch với tiếng ếch nhái kêu râm rang) nhưng mẹ tôi còn thức đợi tôi về.

Gặp tôi, bà rất vui mừng, mặc dù mặt tôi chỉ còn có dấu vết sưng một ít (do bị kẻ lạ mặt đánh vào tối 18.12.2013), phải rất để ý mới nhận ra nhưng mới nhìn qua, bà biết ngay.

Mỗi khi nằm viện, nghe tiếng trẻ con khóc thâu đêm, tôi thấy công lao nuôi dưỡng của bố mẹ thật như trời biển. Một đứa trẻ bình thường, nuôi nấng lớn khôn đã là một kỳ công. Với tôi, công sức bỏ ra còn hơn thế nhiều lần, bỡi lẽ tôi bị chứng máu khó đông từ khi còn rất nhỏ (http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/122499/khong-tien-chay-chua--gia-dinh-4-nguoi-nam-cho-chet.html).

Tối đó, bố mẹ tôi nói chuyện, phân tích, dẫn chứng đủ điều với mục đích yêu cầu tôi về quê sống, không làm gì động chạm đến chính quyền mà thiệt thân. Ông bà rất sợ chính quyền. Ông bà nói “mấy ông đó rất đa nghi, thà giết lầm còn hơn bỏ sót, con làm tốt cho người dân, tốt cho đất nước nhưng nẫu (họ) lại nghi ngờ con làm để được lòng dân, sau này xúi dục người dân chống lại nẫu. Pháp luật trong tay, nẫu xử mình kiểu gì không được, nẫu cho người đụng xe chết, rồi nói điều tra, người của nẫu thì điều tra khi nào ra? Ba má mất con,…”.

Tôi nghe mà lòng buồn rười rượi, biết nói gì đây?

Ngày hôm nay (22.12.2013), tôi phải đi đưa tang bà (cố nội, bà sống 100 tuổi) vừa mất. Đám tang bà được đông đảo bà con lối xóm đến. Tình cảm người dân quê thật nồng ấm.

Bà được chôn cất ở một đồi đất cao, cách đó không xa là một di tích nổi tiếng của người Chăm Pa-tháp Dương Long.

Là một bộ phận không may mắn trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, số phận người Chăm Pa cho ta nhiều bài học. Tôi hay đọc lịch sử về họ, ngắm các phế tích họ để lại từ thánh địa Mỹ Sơn đến các tháp Chăm rải rác mà lòng nghĩ ngợi nhiều điều.

Ngắm ba ngọn tháp sừng sững trong chiều tà, tôi như nghe thấy những con người Chăm quanh đây. Cảnh còn đây mà người đâu rồi? Tại sao một dân tộc có trình độ phát triển rực rỡ, xây nên những công trình to lớn, hoành tráng như vậy mà đi vào lụi tàn?

Trong khuôn viên di tích, một người đàn ông trung niên khỏe mạnh đang trông nom hai con bò gặm cỏ. Xa xa, trong cảnh chiều tà, một nhóm nông dân đang cặm cụi làm việc trên những mảnh ruộng nhỏ bé của họ.

Lịch sử cho thấy, năng suất sản xuất sẽ quyết định sự thịnh vượng của xã hội, quyết định sự thành bại của một dân tộc trong việc cạnh tranh với các dân tộc khác. Vào thế kỷ 21, thế kỷ của khoa học kỹ thuật, cạnh tranh toàn cầu mà một dân tộc có cảnh một người khỏe mạnh đi chăn hai con bò, những người nông dân thì “chổng mông” trên những mảnh ruộng nhỏ như manh chiếu thì dân tộc đó chắc chắn sẽ thua cuộc và suy vong.

Làm sao để cứu lấy dân tộc này khỏi bước đường suy vong, mang lại thịnh vượng, ấm no cho họ?

Chiều tà buồn thảm theo những cơn gió lạnh, mang theo những tiếng kèn, trống của đám ma trên đồi hoang vắng. Bên cạnh là sự trầm mặt, sừng sững của ba ngọn tháp Chăm Pa. Người bà quá cố của tôi đã đi trọn một thế kỷ sóng gió của dân tộc nhưng vấn đề thì vẫn còn.

Có lẽ, thế hệ chúng tôi sẽ phải giải quyết nó!

Tây Sơn 22/12/2013
Nguyễn Văn Thạnh

-------------------------------------------

HÀ CẦM QUYỀN VN TRUY BỨC KỸ SƯ NGUYỄN VĂN THẠNH

Không chốn nương thân - Tặng Nguyễn Văn Thạnh
Người Buôn Gió    Thứ sáu, ngày 20 tháng mười hai năm 2013

NHỮNG BÀI VIẾT của NGUYỄN VĂN THẠNH

Lê Anh Hùng  -  Lê Thị Phương AnhChi tiết    Thứ ba, 17 Tháng 12 2013 17:01


Nguyễn Đức Quốc   -   Bauxite Việt Nam    17/12/2013

Nguyễn Đức Quốc    -    DienDanCTM    06:33 - 17/12/2013




No comments:

Post a Comment

View My Stats