Sunday 22 December 2013

KHÔNG THỪA THÌ GIỜ NÓI CHUYỆN "HÒA HỢP, HÒA GIẢ" (Thục Quyên - Dân Luận)




Thục Quyên
Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Hai, 23/12/2013

Một người ký tên Nguyễn Jung đã viết lời phản biện bài viết của tôi đăng trong tờ Dân Luận "Có phải là mảng trời xanh mà ta hằng quen thuộc?".
Đọc lời lẽ ôn hòa của Nguyễn Jung, đã định viết một câu ngắn cám ơn. Nhưng nhận thấy những điều người viết phản biện nhắc tới cũng là những điều nặng trĩu tâm tư tôi, nên xin phép trích lời phản biện và chia sẻ một vài suy nghĩ.

Nguyễn Jung viết:
Cá nhân tôi không cho rằng giữa chúng ta, những thường dân Việt Nam có hay đã gây nợ máu với nhau/Nếu có đi chăng nữa chỉ là những món nợ cá nhân. Món nợ khác lớn hơn "gấp vạn lần" là món nợ máu đảng CSVN đã gây ra, không chỉ cho người tỵ nạn mà cho rất nhiều những công dân Việt Nam, từ ngày chủ nghĩa CS được du nhập vào Việt Nam và đảng CSVN nắm quyền độc tôn điều hành đất nước. Song song đó, là lòng nghi kị, không tin tưởng, sợ hãi lẫn nhau giữa nhà nước và người dân.
Nhà nước ở đây được đại diện bởi những đảng viên đảng CS. Những người có được ân huệ, liên quan vật chất từ việc là đảng viên đảng CS.
Một khi ở trong nước, nhà nước CS vẫn tiếp tục bỏ tù, trù dập những người khác chính kiến, hay phá hoại những buổi hội như hội Nhân Quyền do các Blogger Việt Nam tổ chức ngày hôm nay thì sẽ khó mà tạo được niềm tin cho người dân đối với nhà nước và giữa đảng viên với dân thường, dù họ ở trong hay ngoài nước.
Ở nước ngoài còn khó hơn, vì nhà nước đã đưa rất nhiều đảng viên ra nước ngoài làm công tác dân vận. Khó để mà nhận ra một người nào đó là đảng viên được cử làm công tác dân vận hay chỉ là một người dân thường, lắm lúc phát biểu... khi trò chuyện chỉ là thói quen.
Đối với các cựu sinh viên du học thời trước thì dễ biết hơn, lúc đó chiến tuyến rất rõ ràng. Không ai dấu diếm chuyện mình theo CS. Còn bây giờ?
Câu hỏi cô Quyên đặt ra có lẽ dành cho những người tỵ nạn. Tôi cho rằng, để kết hợp được những người tỵ nạn, hay con cháu của họ, giải toả những nghi ngờ của họ, để họ chịu đứng chung với những người không tỵ nạn tạo thành một lực lượng đòi hỏi tự do dân chủ da nguyên, nhân quyền... để bạo quyền Cộng sản Việt Nam (cô Quyên viết thiếu chữ CSVN) lui bước hay phải chấp nhận đa nguyên đa đảng thì những người không tỵ nạn cần phải chứng minh rất nhiều, như hãy chứng minh mình không phải là đảng viên đảng CSVN, hay đã ly khai đảng CS, không bị chi phối bởi toà đại sứ VNCS...
Nhưng chỉ có thể kết hợp nhau, thảo luận, đồng ý về một phương hướng hành động chung chứ không thể được, bị chỉ đạo bởi những người không tỵ nạn.
Tôi rất ngưỡng mộ bác Lái Gió, bác Đỗ Trường (những người lớn lên ở VN trong chế độ CS) vì qua những bài viết, 2 bác biểu lộ rất rõ quan điểm của mình.
Chỉ có minh bạch, chân thành mới giải toả được mối nghi ngờ, mới có thể hoà giải để hoà hợp, cùng nhau hướng tới tương lai.
Nguyễn Jung

*

Thưa bạn Nguyễn Jung,

Cám ơn bạn đã chia sẻ ý kiến và đã cẩn thận viết là ý kiến cá nhân.

Theo tôi hiểu, lẽ dĩ nhiên chúng ta khi phát biểu là phát biểu ý kiến cá nhân (dù trước đó có học ý kiến này của ai khác) nhưng nhấn mạnh "đây là ý kiến cá nhân tôi" là một cách lịch sự để cho người kia biết mình không buộc người ta là sai và có tác dụng đẹp là mời người ta vào đối thọai.

Do đó tôi định không chỉ viết vài lời ngắn ngủi này mà viết thật nhiều vì những điều bạn nhắc tới cũng là những điều nặng trĩu tâm tư tôi. Nhưng thời giờ hiện đang quá hạn hẹp. Chắc chắn bạn cũng như tôi đang theo dõi những diễn biến vi phạm nhân quyền trầm trọng đang xảy ra tại Việt Nam, song song với sự thành hình/ra mắt của những tổ chức xã hội dân sự:

- Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam (http://vnwhr.net/)

- Mạng Lưới blogger Việt Nam (http://mangluoiblogger.blogspot.de)

- Hội Bầu Bí Tương Thân với mục đích góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính và sự đơn độc cho tù nhân lương tâm, dân oan và gia đình của họ bằng việc hỗ trợ vật chất và chia sẻ tinh thần......

- Ngoài ra André Menras, Hồ cương Quyết đang kêu gọi ký Kiến nghị công dân Avaaz "Bảo vệ ngư dân miền Trung Việt Nam trước sự gây hấn quân sự của Trung Quốc. Nói không với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh!" để gửi Tòa án quốc tế về quyền biển Hambourg,Tòa án hình sự quốc tế La Haye,Hội đồng Nhân quyền của LHQ

Thêm vào đó, vấn đề bảo vệ môi sinh và chống điện hạt nhân cũng cấp bách và đòi hỏi nhiều thời gian cũng như năng lượng của nhóm SaveVietnam´sNature của chúng tôi.

Có thật nhiều việc cần làm.
Tôi mong muốn một ngày nào đó sẽ có thời giờ viết những lời chia sẻ, tâm tình dài hơn.

Trong khi chờ đợi chỉ xin đưa ra một suy nghĩ căn bản:
Bạo quyền ngày hôm nay tại Việt Nam đang mang tên Cộng Sản, đúng vậy.
Nhưng bạo quyền dù trong tương lai có thay đổi tên tuổi thì chúng ta cũng phải luôn sáng suốt để nhận diện. Kẹt vào chữ "Cộng sản" rồi lại bị lừa lần nữa.

Thưở những người trai trẻ nước Việt hăng say gia nhập những nhóm đảng tranh đấu đánh đưổi thực dân Pháp, họ chỉ biết liều mình bất chấp gian khổ chết chóc để tìm tự do dân chủ cho dân tộc. Mấy ai để ý Cộng sản là gì hay đề phòng Cộng sản lợi dụng? Cộng sản Hồ Chí Minh lúc đó cũng có ra mặt là Cộng Sản đâu? Mọi người chỉ hừng hực "chống Tây đánh Tây" nhưng không đề phòng, để bạo quyền tây vừa tiêu tan thì bạo quyền cộng sản đã chực tới!

Nước Việt Nam hiện nay có xấp xỉ 90 triệu dân, trong đó có khoảng 3 triệu đảng viên cộng sản và gần 4 triệu người Việt Nam ở hải ngoại. Như vậy vận mạng của dân tộc Việt Nam, theo tôi, là vận mạng của hơn 80 triệu dân trong nước, và lụn bại hay thành công trong việc xây dựng nền tự do dân chủ cũng tùy thuộc ở những đồng bào này. Người trong nước là những người gánh chịu mọi hậu quả và cũng là những người phải gánh trách nhiệm trên vai.

Nếu đảng Cộng Sản đang không đi ngược lại sự tự do dân chủ, đang chẳng đày ải dân thì đã chẳng gọi là bạo quyền. Những người dân đang trực tiếp bị đàn áp là những người dân trong nước. Vậy thù oán, chia rẽ hay đòan kết với nhau để chiến thắng bạo quyền đang đày ải họ, phải tùy nơi người dân trong nước là chính. Nếu một mai thắng rồi, hành xử với những kẻ thuộc nhóm bạo quyền ra sao thì rồi cũng tùy sự quyết định của họ.

Tôi là một người Việt sống tại hải ngọai, không đang phải chịu chung số phận của người dân trong nước. Sự tự do no ấm của thân tôi tùy thuộc vào quốc gia nơi tôi sinh sống.

Nếu còn quan tâm đến sự tự do no ấm của đồng bào ruột thịt nơi quê mẹ thì tôi chỉ có thể cố công góp sức với họ trong cuộc tranh đấu của họ, tùy theo khả năng của mình.

Không đặt ra câu hỏi ai chỉ huy ai.

Vả lại, tôi có lòng tự tin không ai chỉ huy được tôi vì tôi là người sống và hấp thụ tinh thần tự do của đạo Phật và sức mạnh của Nhân Quyền. Tôi có suy nghĩ và có lý trí để quyết định những gì nên hay không nên làm, và biết quyền lợi cùng bổn phận của mình.

Tôi không bao giờ mất thì giờ suy nghĩ về vấn đề "hoà giải hoà hợp" giữa những nhóm người Việt Nam ở hải ngoại với đảng cộng sản Việt Nam vì đó là điều không bao giờ cần phải đặt ra, vì không cần thiết và vô bổ. Cả hai nhóm chỉ là những thiểu số.

Đáng quan tâm là những tổ chức xã hội dân sự xuất hiện trong nước đang đánh dấu thời điểm người dân thoát khỏi những tuyên truyền gây chia rẽ mù quáng hơn 60 năm qua, để hợp sức giành lại quyền tự quyết.

Thục Quyên



--------------------

Tin liên quan:





No comments:

Post a Comment

View My Stats