TS. Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 11:24 GMT -
chủ nhật, 8 tháng 12, 2013
Sài
Gòn đang bước vào thời tiết đẹp nhất trong năm, nhưng hàng chục ngàn nhân viên
ngân hàng lại đang tiếp nhận cơ hội bước ra đường.
Kế hoạch sa thải hàng loạt của nhiều ngân hàng,
trong đó có cả những ngân hàng lớn như Eximbank, Vietinbank, ACB, Techcombank…
đã giáng một đòn khó hiểu đối với tầng lớp “cổ cồn trắng” trong khi chỉ còn hai
tháng nữa sẽ đến cái Tết nguyên đán.
10-15% là tỷ lệ cắt giảm nhân sự của nhiều ngân hàng
như thế. Một số ngân hàng khác, tuy không công bố, nhưng vẫn âm thầm kiên định
chiến lược giảm thiểu các phòng ban. Gần Tết năm ngoái, một đợt sa thải cũng đã
bộc phát, cho dù khi đó các ngân hàng còn đang cố giấu đi sự trả giá của họ.
Những
vết khoét thấu xương
Mặt thật của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phơi bày
với những vết khoét mưng mủ đang thấm vào xương - giá trị còn lại của một thị
trường đầu cơ tín dụng không giới hạn và bất chấp đạo lý trong quá khứ.
Trừ một ít ngân hàng như SHB, BIDV… có lãi thật sự
nhưng còn xa mới được xem là khả quan so với thời gian trước năm 2011, ít nhất
50% số ngân hàng ở Việt Nam chỉ lãi rất ít hoặc âm lợi nhuận. Nợ và nợ xấu vẫn
đeo đẳng không khoan nhượng tại những ngân hàng đang phải ôm đống tài sản thế
chấp không biết làm sao rũ bỏ của các đại gia bất động sản.
Tuy thế, những báo cáo chính thức trước Quốc hội của
Ngân hàng nhà nước - cơ quan vừa được nâng cấp thành Ngân hàng trung ương - vẫn
không thừa nhận một mảng đen tối nào khác hơn tỷ lệ chỉ 5-6% nợ xấu.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới đây còn phô diễn một
lời đánh đố đối với giới nghị sĩ: nếu Ngân hàng nhà nước không hỗ trợ và sắp
xếp lại nợ cho các ngân hàng thương mại, hẳn là tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống
ngân hàng đã phải lên đến 12%.
Nhưng cũng tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vào
tháng 11/2013, ông Bình đã lần đầu tiên phải nêu ra con số 300.000 tỷ đồng đã
được Ngân hàng nhà nước chuyển từ nhóm nợ xấu lên nhóm nợ “chưa xấu”, theo một
văn bản “đảo nợ” của cơ quan này vào tháng 6/2013. Trước đó vào tháng 4/2012,
Ngân hàng nhà nước đã thực hiện một động tác tương tự và giúp cho các ngân hàng
thương mại cùng khối con nợ bất động sản tránh thoát một bàn thua trông thấy.
Con số “tái cơ cấu nợ” khi đó là khoảng 250.000 tỷ đồng.
Một năm rưỡi sau, bất chấp những báo cáo tô hồng về
“nợ xấu đã được giải quyết một phần”, hoặc Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã
mua đến 30.000 -35.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng, số nợ quá khó hoặc hầu
như không thể thu hồi vẫn tiếp tục tạo thế xung kích, trong khi vẫn chưa có bất
cứ một dấu hiệu nào cho thấy tình hình đỡ thê thiết hơn.
Cứ gần hết mỗi quý, lãi vay ngắn hạn lại là thuốc
độc đối với những con nợ đến hạn phải trả, trong khi hàng tồn kho bất động sản
trung cấp và cao cấp vẫn không làm cách nào khiến túi tiền người tiêu dùng xúc
động. Không bán được hàng và cũng chẳng có tiền trả lãi, một doanh nghiệp bất
động sản hàng đầu như Quốc Cường Gia Lai thậm chí chỉ còn chưa đầy 2 tỷ đồng
trong ngân quỹ.
Cái
chết của nợ xấu
Cho dù có phải cắm mặt với sự thật, tỷ lệ nợ xấu 12%
mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình buộc phải thừa nhận là có thể xảy ra vẫn chỉ bằng
1/3 con số mà Ủy ban giám sát tài chính quốc gia lần đầu tiên buộc phải công bố
vào giữa năm nay. Con số đó mang tính thực chất hơn nhiều: 35-37%. Đây cũng là
con số khiến người ta phải liên hệ với hình ảnh tương phản đến mười lần về số
liệu nợ xấu ở Thái Lan trước và trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997: 5%
và 50%.
Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân vào tháng 4/2013, một
nhóm chuyên gia độc lập và cả vài vị quan chức nhà nước đã lần đầu tiên tung ra
con số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam lên đến 540.000 tỷ đồng.
Ít nhất 70% nợ xấu đó thuộc về hàng trăm dự án bất
động sản đang hoàn toàn bất động ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng.
Cơn bội thực nhà đất ở Việt Nam lại hầu như chưa có
điểm kết thúc. Cho đến nay và sau hai năm ruỡi quay quắt trong mớ bùng nhùng
thắt nút, vẫn không có bất cứ số liệu tổng hợp nào về tình hình tiêu thụ của
các phân khúc căn hộ cao cấp và trung cấp được công bố bởi Bộ Xây dựng.
Bất kể rất nhiều chiến dịch tuyên truyền có định
hướng về “nền kinh tế đang thoát đáy” và “thị trường nhà đất đang dần phục
hồi”, tâm lý người mua nhà đã thuộc về một độ trơ chưa từng thấy kể từ con sóng
nhà đất đầu tiên vào năm 1995. Và dù không có bất cứ chỉ số niềm tin nào được
Bộ Xây dựng thực hiện, tất cả đều phải thừa nhận là thị trường đã làm sụp đổ
lòng tin.
Nói cách khác, cuộc khủng hoảng bất động sản chỉ mới
bắt đầu.
Giờ đây, câu hỏi đặt ra là sau hai cú đảo nợ vào
tháng 4/2012 và tháng 6/2013, liệu đến giữa năm 2014 những kẻ “ngồi mát ăn bát
vàng” có chấp nhận cho các những người “mong một buổi sáng không nợ nần” của nó
được gia hạn thêm thời gian khất nợ?
Nhưng giả định đó lại là điều rất khó hình dung, bởi
bản thân nhiều ngân hàng Việt Nam hiện nay đang rơi vào tình trạng “ăn vào thịt
của mình”. Tăng trưởng tín dụng cho vay là quá tồi tệ so với mong ước 15% từ
đầu năm 2013. Cho đến nay, phần lớn ngân hàng chỉ có thể đạt 4-5% cho tiêu chí
tăng trưởng này, so với “quyết tâm” của Ngân hàng nhà nước là 12%.
Thậm chí trong một văn bản mới đây, thống đốc ngân
hàng đã tháo khoán cho các ngân hàng được quyền cho vay với cả những doanh
nghiệp đang chìm ngập trong nợ xấu - một hành động chưa từng có tiền lệ mà cũng
diễn tả tâm trạng cực kỳ bế tắc của nhóm lợi ích từng là tác nhân gây ra nợ xấu
khủng khiếp ở Việt Nam.
Sụp
đổ dây chuyền
Song đảo nợ không thể là một phạm trù vĩnh viễn, khi
thời điểm Minsky về đáo hạn các món nợ xương máu đã biến thành vết hằn trong
tận xương tủy của thế giới tư bản dã man đến khó tả ở Việt Nam.
Đơn giản là đến tháng 6/2014, nếu không thể thanh
toán được các món nợ đáo hạn, không chỉ các con nợ bất động sản “chết” mà cả
những ngân hàng đang ôm nợ và tài sản thế chấp cũng sẽ “băng hà” - như một câu
châm ngôn trong lịch sử và văn hóa Việt Nam.
“Cứu doanh nghiệp cũng là cứu ngân hàng” - không ít
doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc có liên quan đến bất động sản đã nói
tuột ra với báo giới.
Hầu như chắc chắn, cuộc khủng hoảng ngân hàng đang
lộ ra gót chân đen sì của nó, trước khi hiện hình tấm thân phì nộn trong cơn
lên máu đầy cảm hứng tai biến cùng tứ chi tê liệt.
Từ đầu năm nay, một số biểu hiện hỗn loạn không thể
chối cãi đã hiện hình. Một trong những biểu hiện hết sức bất đắc dĩ như vậy là
Agribank - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Luôn giữ vững ngôi vị
quán quân về thu hút tín dụng tiền gửi cùng số lãnh đạo ngân hàng bị bắt giam
vì tham nhũng, Agribank là địa chỉ mà nợ xấu bất động sản có thể tạo ra một cơn
địa chấn đủ lớn khiến dắt dây sang nhiều ngân hàng mang đặc thù về “sở hữu
chéo”.
Với tất cả những gì đã tích tụ, Agribank lại khá gần
gũi với chân dung ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ vào tháng 10/2007. Người ta
đang tự hỏi liệu có diễn ra một kịch bản sụp đổ tương tự như thế ở Việt Nam vào
thời gian này của năm sau - cuối 2014?
Thậm chí có thể sớm hơn, tức vào giữa năm 2014, khi
một ngân hàng hạng trung hoặc nằm trong nhóm “G12” buộc phải tuyên bố phá sản
do không thể thu hồi nợ xấu và cũng không đủ tiền để trả cho khách hàng. Và nếu
sau đó có tiếp 3-4 ngân hàng không thể cầm cự, cơn động kinh nào sẽ xảy ra?
Những gì mà VAMC đang làm hiện nay chỉ có ý nghĩa
như một chiến dịch “đánh bùn sang ao”. Nhà nước chỉ mua lại nợ xấu bằng trái
phiếu, tức bằng giấy chứ không hề biểu trưng cho “tiền tươi thóc thật”. Nhà
nước cũng không có đủ can đảm để in thêm tiền rót cho chính hệ thống ngân hàng,
vì ngay lập tức lạm phát và vô số hậu quả xã hội của nó sẽ tràn ngập.
Một cái chết song trùng là hoàn toàn có thể xảy ra
giữa khối con nợ và các chủ nợ, để đến lượt mình, các chủ nợ ngân hàng lại có
thể kiến tạo một cuộc sụp đổ dây chuyền trong không bao lâu nữa. Khi đó, sẽ có
ít nhất một phần ba số ngân hàng phải phá sản.
Khác rất nhiều với đánh giá “kinh tế Việt Nam đang
có dấu hiệu phục hồi” của những tổ chức tài chính quốc tế danh giá như ngân
hàng HSBC và thậm chí của cả IMF hay ADB, chưa có gì đáng gọi là “thoát đáy”
dành cho nền kinh tế được mặc định bởi thuốc nhuộm “định hướng xã hội chủ nghĩa”
cùng vô số nhóm lợi ích tung hoành.
Màu sắc của nền kinh tế ấy cũng vì thế đã luôn
“hồng” như báo cáo của Chính phủ, nhưng lại “xám” trong con mắt Quốc hội và quá
“tối” trong sâu thẳm tâm khảm của dân nghèo.
Tương lai khủng hoảng cũng vì thế lại trở nên sáng
lạn hơn bao giờ hết.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn
của tác giả, một nhà báo tự do đang sống ở TP. Hồ Chí Minh.
P.C.D.
No comments:
Post a Comment