Nguyễn
Đình Ấm
18/12/2013
Mấy chục năm qua, hằng ngày sân bay Tân Sơn Nhất vẫn
bình thản đưa, đón 300-400 chuyến bay hạ, cất cánh, mặc dù thường xuyên có
chuyện nhà dân xây cất vi phạm tĩnh không phải xử lý. Thế nhưng, từ cuối tháng
11/2013 đến gần đây, khi mà Quốc hội, Hội đồng nhân dân TP HCM họp, có nhiều ý
kiến phản đối việc lấy đất sân bay làm sân golf và đưa sân bay TSN về Long
Thành tốn hàng chục triệu USD thì trên báo đài xuất hiện các thông tin máy bay
liên tục làm tốc mái nhà dân gần sân bay TSN khiến dư luận hoang mang.
Tân Sơn Nhất được người Pháp quy hoạch từ những năm
1930, là sân bay quốc tế nhộn nhịp nhất Việt Nam. Năm 1975, TSN có diện tích
quỹ đất 2.500 ha, cách trung tâm TP HCM 10 km. Tuy nhiên, từ sau năm 1975,
chính quyền thành phố đã để các khu dân cư lấn vào quỹ đất dự trữ (sân bay bao
giờ cũng phát triển theo từng giai đoạn tăng trưởng khách để tiết kiệm vốn) nên
TSN bị thu hẹp. Theo đo đạc, khảo sát, quy hoạch của cục HKVN năm 2010, hiện
TSN chỉ còn 1.150 ha. Dù vậy, qua nhiều lần cải tạo, mở rộng nhà ga, cơ sở dịch
vụ hạ tầng… hiện nay TSN có công suất hơn 20 triệu khách/năm và có thể nâng
cấp, mở rộng để có công suất 40-80 triệu khách/năm, ngang với các sân bay nhộn
nhịp cỡ nhất châu Á như Tokyo (Nhật), Check Lap Kok (Hongkong)… vì sân bay
Check Lap Kok cũng chỉ rộng 1.200 ha mà nay đang có công suất 45 triệu
khách/năm và có thể nâng lên 80 triệu khách/năm.
Tuy nhiên, những năm gần đây, TSN quá tải sân đỗ làm
cho nhiều chuyến bay đến TSN phải bay vòng chờ, cảng HK TSN phải thuê chỗ đỗ
máy bay và hãng HK quốc gia Vietnam Airlines phải thuê chỗ đỗ xe phục vụ mặt
đất bên phía quân sự. Hiện tượng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” này là
kết quả của sự bất hợp lý trong việc giao đất từ năm 1975: Phía HK dân dụng
phát triển hai con số thì chỉ được sử dụng 205 ha, trong khi phía quân sự hoạt
động rất ít và giảm dần thì lại có những 545 ha (400 ha thuộc khu vực khu bay
dùng chung). Năm 2007, Thủ tướng chính phủ cho phép HK TSN quy hoạch sang phía
quân sự 30 ha để xây thêm 30 chỗ đỗ máy bay nhưng không thành.
Thế nhưng, thời gian gần đây, một doanh nghiệp quân
đội lại được giao 157 ha đất quốc phòng (cũng là của nhà nước VN) thuộc quỹ đất
TSN để làm sân golf, nhà hàng, khách sạn. Việc này đã làm dấy lên làn sóng phản
đối gay gắt của nhân dân, cử tri TP HCM, CBNV, các đại biểu QH, lão thành ngành
HKVN... Theo đó, những lý do phải chi hàng chục tỷ đô la để chuyển sân bay TSN
qua Long Thành do “TSN đã hết quỹ đất” trong khi lại có những 157 ha đất TSN
phục vụ một số đại gia kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, trái pháp luật (trái
quyết định 1946/2009 của thủ tướng CP…) bị nhiều ý kiến của cử tri, các bài báo
“lề phải, lề trái” bác bỏ hoàn toàn.
Sự việc đang còn dằng co thì nay không biết vì lý do
gì, khi kỳ họp 6 Quốc hội 13 đang họp, ngày 22/11/2013 VTV1 phát phóng sự với
các thông tin sai sự thật khẳng định nếu chuyển TSN về Long Thành sẽ tiết kiệm
hơn 1 tỷ USD; ngày 29/11/2013 và ngày 1/12/2013 khi HĐND TP HCM bước vào họp
thì xuất hiện các thông tin máy bay hạ cánh làm tốc mái ngói nhà dân và ngay
tức khắc được hàng chục tờ báo đồng loạt loan tin…
Hiện tượng trên nếu là sự thật thì sẽ rất “đau đầu”
cho các chuyên gia hàng không dân dụng, bởi lẽ: Khi một máy bay hoạt động, cất,
hạ cánh ở sân bay nào đó thì mọi yếu tố phải bảo đảm chắc chắn không uy hiếp an
toàn; việc máy bay hạ thấp đến nỗi làm tốc mái ngói là rất nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Thành Trung – nguyên phi công F5E, Boeing
707, 777, nguyên phó TGĐ TCT HKVN khẳng định: “Tất cả các máy bay hạ, cất cánh ở TSN đều buộc phải hạ cánh theo hệ
thống hỗ trợ ILS (Instrument Landing system) cung cấp các thông tin về khoảng
cách, vị trí, góc hạ cánh chính xác cho máy bay, giúp phi công thực hiện quá
trình hạ cánh an toàn, do đó khó có chuyện gây ảnh hưởng nhà dân... và nếu có
thì tất cả các nhà trong khu vực chịu tác động chứ không phải chỉ một ngôi nhà
nào…”.
Nếu một sân bay do chật hẹp hay bất kể nguyên nhân
gì không bảo đảm an toàn thì không một nhà chức tránh nào kể cả Việt Nam và
quốc tế (tổ chức HKDD quốc tế - ICAO) cho phép khai thác sân bay đó, và cũng
không phi công nào bay đến đó. HKDDVN là thành viên của ICAO, mọi sự cố liên
quan đến an toàn đều phải báo cáo và được cập nhật từng giờ trên mạng không báo
của ICAO toàn cầu. Nếu TSN không bảo đảm an toàn, phải bay sát sạt nhà dân để
hạ cánh thì hiệp hội các hàng HK thế giới (IATA) cũng sẽ khuyến cáo các thành
viên của mình không bay đến đó nữa. Trong vận tải HK an toàn là trên hết. Thế
nhưng lâu nay TSN vẫn bình thường, không có báo cáo của phi công, khuyến cáo
của các nhà chức trách.
Do có các thông tin “kinh khủng” này, nên ngày
12/12/2013, khi trả lời các ý kiến phản đối dự án Long Thành của cử tri TP HCM,
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho biết: “Máy bay lên xuống gần khu vực
dân cư là không an toàn cho nên phải sắp xếp lại”… Đặc biệt, ông vẫn tuyên
bố TSN chỉ có diện tích hơn 800 ha (sai hoàn toàn) và “…quan điểm của
TP HCM là để an toàn cho khu dân cư thì cần di chuyển sân bay ra ngoài”…
mặc dù ông thừa nhận “có nhiều công trình xây không phép, sai phép không
tuân thủ đúng quy định xây dựng độ cao xây dựng, độ cao giới hạn trong khu vực
phễu sân bay”.
Từ chỗ các đại gia, Bộ GTVT, cán bộ các cỡ không còn
lý lẽ nào để biện hộ cho việc lấy 157 ha sân bay TSN làm sân golf, đẩy TSN về
Long Thành tốn hàng chục tỷ đô trong khi nó vẫn còn khả năng đáp ứng nhu cầu
phát triển nhiều năm nữa… Thì nay “nghi án” máy bay làm tốc mái các nhà dân đã
làm dư luận phản đối phải nghĩ lại.
Dự án Long Thành “thiêng” thật!
N.Đ.A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 05:52
-------------------------------------------------
Cử
tri TP. HCM phản đối dự án đầu
tư sân bay Long Thành (giaoduc.net.vn)
“Nên
bỏ dự án sân golf, dừng xây
dựng sân bay Long Thành” (vneconomy.vn)
Kiến
nghị dừng dự án sân bay Long Thành:
Nhu cầu ảo về lượng khách (Thanh Niên Online)
No comments:
Post a Comment