Nhóm
phóng viên tường trình từ Việt Nam
2013-12-23
Gần đây, tin người dân Thanh Hóa đánh chết kẻ bắt
chó trộm rồi đốt xác, đốt xe đã đăng tải khá nhiều ở các đài, báo. Điều này tạo
ra những nguồn dư luận trái chiều và những bình phẩm về yếu tố nhân tính không
kém phần gay gắt. Câu chuyện tạm lắng đi một thời gian, thế rồi nạn bắt chó
trộm, thậm chí cướp chó ngay trước mặt chủ diễn ra ngày càng bạo hành, táo tợn
hơn trong dịp năm hết Tết đến. Một lần nữa, đời sống người dân Thanh Hóa trở
nên náo động và bất an.
Từ
ăn cắp đến ăn cướp
Ông Hữu, cư dân huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, cho
chúng tôi biết là trong một tuần trở lại đây, nạn bắt chó trộm bắt đầu bạo
phát, mức độ và tính táo bạo lên cao không thể ngờ. Cách đây hai hôm, nhà ông
bị mất hai con chó, kẻ bắt chó hành động như điên như dại khiến gia đình ông
chỉ còn biết kinh ngạc và đứng ngây người trong mấy phút đồng hồ mới trấn tỉnh
lại được. Lúc này, kẻ bắt chó đã ra đến đầu ngõ nhưng ông can ngăn người trong
gia đình, không cho họ truy hô, vì nếu truy hô, nhất định sẽ có đổ máu.
Ông Hữu kể rằng trong lúc cả nhà đang ăn cơm trưa,
hai con chó đang quấn quýt dưới bàn ăn, kẻ bắt chó ăn mặc lịch sự chẳng khác
nào trí thức, thắt caravat, bỏ áo vào quần, họ dừng xe ngoài ngõ, vẫn để nổ
máy, một người xuống xe và đi thẳng vào nhà. Cả nhà ngưng bữa cơm trong giây
lát vì nghĩ rằng sắp có khách. Lúc này, hai con chó đang bữa ăn, thấy có khách
thì xông ra sủa. Kẻ bắt chó liền rút bình xịt hơi cay trong túi quần ra, xịt
thẳng vào hai con chó khiến chúng quằn quại, sặc sụa. Ông Hữu và mọi người
trong nhà vẫn nghĩ rằng có lẽ ông khách sợ chó cắn nên mới tự vệ. Một phần nể
khách, một phần sợ chó nhà xông ra cắn khách nên ai cũng la chó.
Không ngờ kẻ bắt chó tiến thẳng đến, mỗi tay xách
vào gáy một con chó, với các loài vật như mèo, chó mà xách kiểu này thì chúng
hoàn toàn thúc thủ, chỉ kêu loạn xạ mà thôi. Xách chó lên và quay lưng đi ra
đường một cách ung dung như không có người. Phía bên ngoài, kẻ ngồi trên xe
đang chĩa mũi súng hoa cải về phía gia đình ông để yểm trợ cho kẻ bắt chó. Ra
đến xe, hai gã thanh niên bỏ nhẹ nhàng hai con chó vào bao tải và ung dung cho
xe chạy.
Người con trai trưởng của ông Hữu rút con dao chặt
cỏ bờ và đuổi theo, truy hô nhưng ông Hữu kịp bịt miệng và giữ anh ta lại. Ông
nói nhanh với người trong gia đình đừng truy hô, vì nếu truy hô, nhất định hàng
xóm của ông sẽ xông ra ngay tức thì và chắc chắn súng hoa cải của kẻ bắt chó sẽ
nổ, sẽ có người dính đạn và một khi đã có người bị thương, nhất định bà con
hàng xóm sẽ vây bắt và đánh kẻ bắt chó đến chết. Như vậy, án mạng thương tâm
xãy ra… Ông Hữu buồn bã nói rằng trong cái buồn vẫn còn chút niềm vui, buồn vì
mất chó nhưng vui vì chưa có án mạng.
Một người tên Thúc, ở Quan Hóa đã bức xúc: “Hiện
tượng mất trộm chó này vẫn thường xuyên xảy ra với hình thức là câu xích, xô
chủ để cướp chó. Cho nên là dân chúng ở đây rất căm phẫn, mà các cơ quan pháp
luật thì chưa ra tay trừng trị hết, cho nên tôi đề nghị mọi người cảnh giác,
đấu tranh với loại tội phạm này.”
Ông này nói thêm rằng cho đến thời điểm bây giờ,
không thể gọi là nạn bắt cho trộm nữa mà phải nói là nạn cướp chó ngay trước
mặt chủ. Và người chủ nếu có phản ứng nào để bảo vệ vật nuôi, thú cưng của mình
thì nguy cơ bị trọng thương, thậm chí chết người có thể diễn ra tích tắc. Ngày
xưa, người ta nuôi chó nhằm bảo vệ tài sản cho con người, bây giờ, con người
phải bảo vệ lại chó nhưng cũng không xong. Mà gần đây thì cả người và chó đều
có thể trở thành mục tiêu sát hại nếu các tay cướp chó xuất hiện.
Chính
quyền lép vế đám bắt chó
Tuy nạn cướp chó lộng hành như vậy, nhưng có vẻ như
nhà cầm quyền, ngành công an không đoái hoài gì đến hoặc nếu có chú ý đến chăng
thì họ cũng làm việc qua loa, chiếu lệ, chưa bao giờ họ nhiệt tình trong việc
phòng ngừa và truy bắt kẻ cướp chó. Cũng chính bởi thái độ thờ ơ của cơ quan an
ninh là nguyên nhân dẫn đến sự tức giận, căm phẫn và hành động quá đà của người
dân.
Ông Thụ, sống ở Ngọc Lặc, chia sẻ với chúng
tôi: “Chó là một loài động vật thông minh và gần gũi với con người.
Nhưng người Việt nói chung và người miền Bắc nói riêng lại xem đó là một món
khoái khẩu dẫn đến hiện tượng trộm chó hay cẩu tặc xảy ra liên miên. Bản thân tôi
cảm thấy rất bất bình và phẫn nộ cũng như là cảm thấy tội nghiệp cho những
người ăn trộm chó. Đã có những vụ bị thương hay là án mạng xảy ra giữa chủ và
người ăn trộm chó vì lý do rất đơn giản là vì một con chó. Nguyên nhân dẫn tới
trình trạng đó là ý thức của chúng ta chưa cao, tình trạng thiếu công ăn việc
làm nên dẫn đến ăn trộm vặt xảy ra. Thứ hai là nhu cầu ăn thịt chó quá cao của
người dân mình. Và quy định xử phạt về bắt trộm chó thì quá nhẹ. Nhân đây tôi
xin đề nghị các cấp chính quyền cần thiết đưa ra chế tài, các hình thức xử phạt
nặng hơn. Bản thân chúng ta thì cần có ý thức hơn, yêu quý động vật, chúng ta
nên hạn chế các món ăn về thịt chó mà thay vào đó là các món ăn khác.”
Ông Thụ nói thêm rằng ông lấy làm buồn nản vì thái
độ rất ư thờ ơ của nhà cầm quyền địa phương cũng như cơ quan an ninh. Hầu như
công an xã không làm được bất cứ việc gì để giúp dân đối phó với nạn trộm, cướp
chó giữa ban ngày. Nếu như kẻ trộm bắt chó vào ban đêm thì có thể viện dẫn lý
do đã hết giờ hành chính, cơ quan an ninh không làm việc nên không biết, đằng
này, kẻ bắt trộm chó vào tận nhà ông để bắt, ngay giữa giờ hành chính. Ông truy
hô, hàng xóm chạy đến vây bắt, bị kẻ cướp lấy roi điện ra bấm, nhiều người ngã
sóng soài, kẻ bắt chó chạy thoát.
Thế nhưng cơ quan công an xã bên cạnh nhà ông, cách
đúng một bức tường rào vì nhà ông nằm cạnh ủy ban xã. Mặc dù nghe kêu la nhưng
họ vẫn im lặng, đợi khi bọn cướp đi hẳn thì mới ra hỏi vài ba câu và lập biên
bản có vẻ rất năng nỗ, nhiệt tình. Tất cả hành động của các nhân viên an ninh
đều cho thấy họ không có một chút nhiệt tình nào trong việc bảo vệ tài sản của
người dân.
Ông Hiền, sống ở Thường Xuân, chua chát nói với
chúng tôi rằng đất có thổ công, sông có hà bá, các nhóm buôn chó đã làm việc
rất kĩ, thậm chí có đường dây chung chi, ăn nhậu với công an cấp xã nên bọn
chúng làm ăn rất ổn định. Ổn định vì chúng có vũ khí, mà một khi có vũ khí thì
uy hiếp người dân dễ dàng nếu như chính quyền làm lơ, không truy tố về việc
tàng trữ vũ khí.
Chứ nếu như chính quyền làm rốt ráo, chỉ cần chặng
chúng tịch thu vũ khí và phạt vì tội tàng trữ vũ khí trái phép không thôi cũng
đã triệt tiêu được rất nhiều đường dây cướp chó. Đã không làm thế, mà công an
xã còn đưa ra luận điệu là con chó có giá trị thấp, rất khó phạt để người ta từ
bỏ nghề bắt chó trộm.
Vào vai những người đi thu mua chó để chở ra Hà Nội,
chúng tôi bắt liên lạc được với một người tên Hường, gốc Nghệ An, hiện đang tạm
trú tại Thường Xuân, Thanh Hóa. Hường cho biết anh ta sẵn sàng cung cấp mỗi
tuần hai chục con chó còn sống với giá trung bình mỗi con 700 ngàn đồng, lớn
nhỏ chung một giá. Vì chó bị bắt về không chịu ăn nên có con ốm, có con mập.
Muốn có nguồn ổn định thì phải chấp nhận điều kiện của anh ta.
Chúng tôi hỏi đường dây vận chuyển có an toàn, kín
đáo không, vì chúng tôi sợ bị bắt. Hường cười khẩy, nói rằng khỏi phải lo
chuyện bò trắng răng như thế, nếu không chung chi đầy đủ thì làm sao mà nghề
này tồn tại được lâu như thế. Trả lời xong, anh ta nhìn chúng tôi đầy vẻ hoài
nghi, chúng tôi vờ nói lảng sang chuyện khác.
Câu nói của kẻ cầm đầu đường dây cung cấp thịt chó ở
Thanh Hóa cho thấy nạn bắt chó trộm, cướp chó vẫn còn đang dữ dội, chưa hề
thuyên giảm, mặc dù đã có án mạng xãy ra vì… chó!
Nhóm
phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment