Sunday 8 December 2013

CÓ PHẢI LÀ MẢNG TRỜI XANH MÀ TA HẰNG QUEN THUỘC ? (Thục Quyên , Người Buôn Gió)




Thục Quyên
Tác giả gửi đến Dân Luận
Chủ Nhật, 08/12/2013

Đó là cái tên Hội Văn Bút Đức (PEN Germany) đã chọn cho buổi lễ tối thứ hai 02/12/2014, đánh dấu sự hoàn thành nơi cư trú thứ hai tại thành phố München (thứ 8 tại Đức) cho các nhà văn được học bổng của PEN trong chương trình "Những nhà văn lưu vong".

Từ năm 1999, chương trình này với sự tài trợ của chính phủ liên bang Đức đã đỡ đầu gần 40 nhà văn từ 20 quốc gia đến sinh sống tại 7 thành phố khác nhau của nước Đức. Những người này được hưởng một khỏan trợ cấp và được bảo trợ bởi các thành viên của PEN cũng như Hội những người bạn của PEN "để họ có thể tối thiểu tìm được chút an bình, và tập trung sức lực cho ngòi bút của họ".

Ông Josef Haslinger, chủ tịch Hội Văn bút Đức và bà Franziska Sperr, đặc trách chương trình "Những nhà văn lưu vong", đã giới thiệu và phỏng vấn ba thành viên của chương trình này là nhà báo nữ Ana Lilia Pérez từ Mexico, nhà đạo diễn Amer Matar từ Syrie và nhà thơ Qassim Haddad từ Bahrain, cũng như đã chào mừng những thành viên của chương trình được đỡ đầu năm 2013.

Trong số những thành viên mới này Blogger Việt Nam Người Buôn Gió - Bùi Thanh Hiếu, là người đã từng được PEN International (Hội Văn Bút Thế Giới) can thiệp đòi chính quyền Việt Nam phải trả tự do, cũng như PEN đã can thiệp cho Hoà Thượng Thích Quảng Độ, nhà thơ Nguyễn Hữu Cầu, blogger Điếu Cầy Nguyễn văn Hải, luật sư Lê quốc Quân....

Chấm dứt chương trình là buổi hội thảo giữa ông Josef Haslinger thay mặt cho Hội Văn Bút Đức, TS Hans-Georg Küppers đại diện Viện văn hóa Goethe Institut và giáo sư TS Klaus Dieter Lehmen thuộc Bộ Văn Hóa thành phố München về các vấn đề liên quan đến chính sách văn hóa và nhân quyền.

Dưới thời Đức Quốc xã, hàng ngàn nhà văn và trí thức bị buộc phải rời khỏi nước Đức đi lưu vong. Sự bất công thửơ đó là một trong những lý do tại sao Hội Văn Bút Đức lưu tâm đặc biệt đến trường hợp các nhà văn, nhà báo và các nhà xuất bản bị đàn áp, sách nhiễu, bỏ tù, tra tấn, mạng sống bị đe dọa, để giúp đỡ những người này, và trong phạm vi có thể, giúp họ vượt thoát bàn tay của bạo lực để họ còn có dịp tiếp tục đóng góp bảo vệ những giá trị nhân bản và xây dựng nền tự do cho xứ sở họ.

Nhắc tới nhà văn Áo Stefan Zweig, vì có gốc Do Thái mà các tác phẩm bị cấm đóan, và dù trong cuộc sống lưu vong tại Brasil ông vẫn được trọng vọng, cuộc sống vật chất đầy đủ, viễn tượng không bao giờ được trở lại quê cũ đã đưa ông tới tình trạng trầm cảm và ông đã tự tử, chủ tịch Hội Văn Bút Đức, ông Hasslinger, đã khẳng định "Bảo trợ những nhà văn đang sống lưu vong không những làm giàu có cho nền văn hóa Đức mà còn là một bổn phận, một món nợ cần trả"

Đó có phải là mảng trời xanh mà ta hằng quen thuộc là một câu trong bài thơ ray rứt "Bầu trời" của nhà văn Iran Khalil Rostamkhani viết trong nhà tù Saveh.

Con người ở đâu, ngôn ngữ nào, thì hình như cũng nhắc tới bầu trời xanh như sự tự do mà con người theo tiềm năng luôn khao khát. Nhìn Người buôn Gió ngồi nhỏ thó giữa những người âu châu hiện diện trong phòng họp sang trọng của Literaturhaus München, tôi nhớ tới bài "Cho ta gởi một mảnh trời xanh biếc" (1) anh vừa gởi về Việt Nam cho TS Cù Huy Hà Vũ đang đón sinh nhật trong tù.

Khalil Rostamkhani đã viết (tạm dịch như sau):
Sao hôm nay cả bầu trời không có lấy một đám mây?
Nhưng có thể gọi là cả một bầu trời không?
Nếu tầm nhìn của tôi chỉ rộng như cái lỗ nhỏ
trên trần nhà?

Phải có ngồi trong tù cộng sản Việt Nam vì tranh đấu bất bạo động đòi quyền con người cho nhân dân và chủ quyền cho đất nước, thì có lẽ Người buôn Gió mới thấm được sự tận cùng của địa ngục đang đày ải Lê Quốc Quân, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ....và còn bao người không ai biết tới tên tuổi?

Một Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, André Menras ngồi tù thời Việt Nam Cộng Hoà liệu có thấu được những đày đọa của người tù cộng sản hay không? Chỉ có ông Lê Hiếu Đằng đã có can đảm nhìn nhận đã được ngồi học và còn được tạm xuất tù đi thi.

Còn những người lính Việt Nam Cộng Hoà bị hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác trong các trại cải tạo trong khi được tin cha mẹ, vợ con ở nhà bị hà hiếp đói khổ và những đồng bào của mình thì vui mừng khuân của cải từ miền Nam về miền Bắc. Làm sao họ quên được và làm sao họ hiểu được những người dân chửi mình là Mỹ ngụy cũng đã khốn khổ chịu tang tóc trốn dưới hầm khi bom đạn ngày đêm đổ trên đầu?

Những món nợ máu chúng ta có với nhau có qúa lớn để không còn bao giờ dân tộc Việt vượt được nỗi đau, nối lại tình huynh đệ, chung sức chống lại bạo quyền?

Bao nhiêu thù hận, bao nhiêu lầm lỡ, nhưng từ muôn thưở tổ tiên chúng ta và chúng ta chỉ khao khát có một mảng trời xanh chung, mảng trời xanh của tự do.

Trong phòng họp tối ngày 02/12/2013 tại Literaturhaus München, Đức quốc, có mặt rất nhiều người Đức gốc Do Thái.

Thục Quyên (Việt Nam 21)
_____________________________________


December 1, 2013 at 1:58pm

Thế là đã đến tháng 12, tuyết đã rơi trên những vùng cao ở Châu Âu. Người ta đã mở chợ bán những mặt hàng đón Giáng Sinh và năm mới. Ở những siêu thị lớn, các cây thông khổng lồ đang được dựng lên và trang trí... và thế là đã xa quê hương gần 8 tháng rồi.

Sống ở đây trong an bình đến êm ả. Cái yên bình không những ở trong lòng mà nó còn ở bên ngoài cửa sổ, những con chim nhởn nhơ kiếm ăn trên bãi cỏ, lối đi. Chúng đỉnh đương phớt lờ người đi lại. Nhất là bọn quạ, chúng đi lại vênh váo và ngạo mạn. Ở quê hương 40 năm, mình chưa hề nhìn thấy con quạ bao giờ, dù đi ngược xuôi khắp đất nước rất nhiều...

Những con chim bồ câu thì khỏi nói, chúng là loại quá thuần mặc dù ở đây chúng sống tự do không nuôi như ta làm chuồng. Nhưng giống chim hoang dã như chích chòe, quạ, én, vịt trời, le le, thiên nga thì chúng cũng nghênh ngang tự tại ung dung mà chẳng lo gì cả.


Không hiểu vì sao, ở đến tháng thứ ba, khi hạn visa trong cuốn hộ chiếu hết. Người ta cấp cho tôi một cái thẻ. Tôi không hiểu cái thẻ nói gì. Ông Giắc cứ dẫn tôi đến sở ngoại kiều, ở đó họ chỉ tôi ký vào đâu tôi ký đó và nhận cái thẻ đi về. Đến khi có một người Việt xem và thốt lên ngạc nhiên lúc nhìn cái thẻ. Đó là thẻ cư trú có thời hạn. Nó có nghĩa là tôi có thể cư trú lại đây nếu tôi muốn, chỉ cần tôi kiếm được việc làm, chứng minh mình có thể sống mà không nhờ ai trợ cấp. Với điều kiện ấy tôi xin gia hạn cư trú thoải mái ở đây.

Bây giờ trong đầu tôi bị ám ảnh bởi lũ chim xứ này. Gần 20 năm trước trong khu kiên giam đặc biệt của một trại tù, tôi bị nhốt cách ly. Người ta xây khu kiên giam biệt lập, xung quanh là bức tường cao vút. Kiên giam là nhà tù trong nhà tù. Để ra được sân trại giam tù nhân thường chỉ một lần mở khóa, còn tù ở kiên giam phải 3 lần. Ở trong khu kiêm giam không nhìn thấy gì và thậm chí không nghe thấy gì cả. Một mình tôi ở căn buồng rộng đến 60 mét vuông trống vắng. Cả đời tôi chưa bao giờ được ở một mình trong căn phòng diện tích như thê, thật xa xỉ trong khi các bạn tù khác phải khéo léo để thu xếp đồ đạc của mình trên diện tích bằng 2/3 cái chiếu đơn. Ở đây là thiên đường của sự tĩnh mịch, nhưng nếu sự tĩnh mịch được nuôi dưỡng bằng song sắt phi 12 và những bức tường dày 30 cm cao 6 mét hết ngày này qua ngày khác thì nó lại là địa ngục.

Sự tĩnh mịch chỉ tồn tại trong nửa tháng đầu tiên, sau đó là sự âm u.

Ngày hai lần, cán bộ trực trại mở khóa để thằng tù bếp lẻn vào nhanh như con sóc, nó ném vào buồng giam một túi nilon vo nắm cơm bằng quả cam xã Đoài, đôi khi nắm cơm bằng quả cam Bố Hạ. Vì tù thiếu chất C, nên tôi hay ví nắm cơm là quả cam.

Tôi phát hiện thấy đôi khi có vài con chim sẻ xà xuống khoảng sân trước mặt buồng giam kiếm ăn, chúng nhặt cái gì trên khoảnh sân trống trơn ấy, có gì ăn được lọt qua khoảng tường cao 6 mét kia vào đây cho chúng, khi mà con người ở đây cũng đói lả triền miên. Chúng sà xuống giây lát và bay đi, để lại cho kẻ sau hàng song sắt phi 12 tiếc nuối khoảnh khắc sinh động của sự sống.

Tôi dành cơm để vất ra sân, mấy ngày đầu hạt cơm khô đi, không có con vật nào đến. Rồi vài ngày sau lũ chim nhảy xuống và nhặt hạt cơm. Đến tối lại có mấy con chuột từ cống chui ra nhặt hạt cơm. Hàng ngày tôi có thể thấy lũ chim ríu rít ngoài sân. Những tháng ngày biệt giam đó tôi có lũ chim làm bạn.

Bởi thế tôi nhìn lũ chim ở đây, lũ chim trên đường phố Paris, Berlin, Gienevo, Budapet, Oslo... chúng béo mượt và dạn dĩ khiến tôi chạnh nhớ lũ chim sẽ nhỏ bé năm nào trong khu kiên giam.

Tôi cầm tấm thẻ được quyền cư trú có hình tôi ngắm, bỗng tôi chợt thấy đè trên ảnh mình là ảnh của những người anh, người bạn, người em bạn mình lần lượt hiện lên. Lê Quốc Quân, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ,... những người anh em quen biết hiện đang ở trong tù.

Tôi ngồi đây giữa Châu Âu, ngắm lũ chim béo mọng nhơn nhở. Những người anh em kia của tôi đang nằm sau song sắt phi 12 của nhà tù giữa mùa đông lạnh giá tê tái đang đến. Đôi khi tôi tự dằn vặt mình như có lỗi với họ, mặc dù chúng tôi là bạn và con đường đi của mỗi người có khác nhau. Tôi ưa thành một nhà văn hơn là một người hoạt động xã hội. Chẳng phải tôi hèn, mà thiên hướng bẩm sinh trong người nghiêng về phía viết tào lao phù phiếm nhiều hơn những câu chữ cần sự nghiêm túc, chính xác như luật.

Nhưng quả thật cảm giác ngồi hưởng tự do ở đây trong khi những người bạn đang trong chốn lao tù là cảm giác rât day dứt, nhất là mình đã từng trải qua nhà tù, biết rõ về nơi đó.

Ngày mai 2 tháng 12 năm 2013 là ngày sinh nhật tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Thế là đã hơn 3 năm tù và 4 lần tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đón sinh nhật của mình trong nhà tù, chẳng phải ở căn biệt thự cổ giữa trung tâm Hà Nội đầy đủ tiện nghi. Con người ấy đã dấn thân chấp nhận cuộc sống đầy đủ để tiến vào con đường đòi hỏi công bằng, đòi quyền con người cho nhân dân và chủ quyền cho đất nước.

Bản án 7 năm tù dành cho những phát biểu, bài viết của anh là một sự bất công. Không nói đến bất công so với quốc tế với tiêu chí tự do ngôn luận. Mà nó bất công ngay với cả cách hành luật vốn dĩ đã bất công ở Việt Nam. Với những gì mà tiến sĩ nói thì bất công lắm như thường lệ cũng chỉ khép anh vào điều 258 là cùng. Thế nhưng sự bất công vốn có sẵn trong hệ thống lại được cộng thêm sự thù hằn cá nhân, lợi ích nhóm đã đẩy tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sang một tội danh nặng nề hơn để kết án anh 7 năm tù đằng đẵng.

7 năm hay 12 năm sẽ trôi đi, nhưng những vết nhơ trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam vì những bản án bất công thế này sẽ còn mãi mãi đến nhiều đời sau.

Khi hưởng sự tự do, mới thấm thía sự mất mát của những con người dù xác định phía trước là nhà tù, vẫn hiên ngang bước tới, chấp nhận rời xa hạnh phúc cá nhân để lên tiếng vì một tương lai tốt đẹp và tươi sáng cho dân tộc, đất nước.

Và anh, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, con của bộ trưởng Cù Huy Cận là người như thế đó.

Nếu khi này còn ở Việt Nam, tôi sẽ mang một lẵng hoa có dòng chữ "chúc mừng sinh nhật tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ" đến nhà anh, gõ cổng chính vào giữa buổi sáng để trao chị Dương Hà, nhờ gửi giúp đến anh lời chúc mừng anh sớm trở về với gia đình, bình an và mạnh khỏe. Nhưng năm trước thì được, năm nay ở xa, xin gửi về sinh nhật anh bài hát để bày tỏ ít tình anh em.

Ai trở về xứ Việt.
Ca sĩ ; Lâm Thúy Vân.



No comments:

Post a Comment

View My Stats