Thanh
Trúc, phóng viên RFA
2013-12-07
2013-12-07
Sinh
viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên, lãnh án treo và ra khỏi nhà tù hồi tháng Tàm,
vừa nhận được quyết định buộc thôi học do Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm thành
phố Hồ Chí Minh gởi tới.
Không chỉ
Phương Uyên, bản thân người bào chữa cho cô là luật sư Hà Huy Sơn cũng đã gặp
nhiều khó khăn với các cấp chính quyền cũng như với Đoàn Luật Sư Hà Nội.
Trái
pháp luật
Ngay sau phán quyết 3 năm án treo và được ra khỏi
trại giam từ phiên xử phúc thẩm ngày 16 tháng Tám, đến ngày 19 tháng Tám bạn
trẻ yêu nước Nguyễn Phương Uyên cùng gia đình lên trường Đại Học Công Nghiệp
Thực Phẩm thành phố Hồ Chí Minh xin đi học trở lại.
Từ
Bình Thuận, bà Nhung, mẹ của Nguyễn Phương Uyên, cho biết:
“Sau đó một thời gian, có lẽ tầm hơn hai tuần, nhà
trường có gọi điện về gia đình, yêu cầu cung cấp các hồ sơ còn thiếu như bản
án, lệnh tha, cũng như những giấy tờ cần thiết.”
Ban giám hiệu đại học còn hứa sẽ giải quyết sau khi
hội ý cấp trên. Tuy nhiên, hôm thứ Sáu ngày 6 vừa qua, Đại Học Công Nghiệp Thực
Phẩm thành phố Hồ Chí Minh gởi quyết định buộc Nguyễn Phương Uyên thôi học với
lý do cô vi phạm pháp luật của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đây
là quyết định từ ngày 29 tháng Mười Một, có chữ ký của hiệu trưởng Đại Học Công
Nghiệp Thực Phẩm TP Hồ Chí Minh.
“Điều này
hoàn toàn chính xác, thông báo quyết định rất rõ ràng, do hiệu trưởng trường
Đại Học Công Nghiệp thành phố Hồ Chí Minh ký từ ngày 29 tháng Mười Một, gởi đi
vào ngày 3 thì ngày hôm qua là ngày 5 là nhận được gởi về nhà, buộc sinh viên
Nguyễn Phương Uyên phải thôi học.”
Nhấn mạnh chi tiết “buộc thôi học” là không đơn giản
mà vô cùng khắc nghiệt, bà mẹ của Nguyễn Phương Uyên trình bày tiếp:
“Một khi vi phạm điều gì đó trong nhà trường thì họ
có thể đuổi học, còn ở đây là buộc thôi học nó còn nặng hơn từ đuổi học nữa.
Tuyệt vọng và khóc lóc thì thực sự Uyên không có, Uyên cũng biết trước việc
ngày hôm nay là có thể xảy ra đến 80% và hy vọng chỉ có 20% thôi.”
Cần biết theo Bộ Luật Hình Sự Việt Nam, nhiều trường
hợp bị án giam mà sau khi ra khỏi tù thì khả năng bị đình chỉ việc đảm nhiệm
chức vụ từ một đến năm năm là có.
Bên cạnh đó, luật thi hành án hình sự không có điều
khoản nào ngăn cấm người đang thi hành án treo được tiếp tục học. Điển hình là
Điều 65, Khoản 3 qui định người đang thụ án treo mà được cơ sở giáo dục phổ
thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận cho học thì được hưởng quyền lợi theo qui
chế của cơ sở giáo dục đó.
Dưới mắt gia đình Nguyễn Phương Uyên, nếu Đại Học
Công Nghiệp Thực Phẩm thành phố Hồ Chí Minh chấp hành đúng công văn của Vụ Công
Tác Học Sinh Sinh Viên để buộc Nguyễn Phương Uyên phải thôi học thì hóa ra qui
định đó còn khắc nghiệt hơn cả Bộ Luật Hình Sự, phương chi quyết định buộc thôi
học đối với Nguyễn Phương Uyên là thôi học vĩnh viễn.
Với
câu hỏi Nguyễn Phương Uyên và gia đình có tìm cách khiếu nại hay không, bà
Nhung trả lời:
“Thực sự gia đình chỉ muốn có tiếng nói để cô chú
bác anh chị em gần xa nghe biết và hiểu được việc Phương Uyên bị buộc thôi học
nó như thế nào. Thực chất hiện nay là Uyên vừa gánh vác việc gia đình và vừa
nhận được thông báo ngoài ý muốn như vậy thì tâm trạng cũng như sức khỏe của
cháu không được tốt. Ngày hôm nay, khi cầm được cái quyết định buộc thôi học thì
gia đình không còn hy vọng gì hết, cũng không muốn khiếu nại hay là thêm một
điều gì nữa hết tại vì phải nói rằng qua quyết định buộc thôi học này họ đã hết
sức độc ác đối với một sinh viên trẻ, họ rất là độc ác.
Thay vì nhẹ tay hơn thì họ đã thông báo toàn trường
để cho các sinh viên khác biết rằng Nguyễn Phương Uyên là một đối tương vi phạm
pháp luật bị buộc thôi học để làm gương. Đó là việc làm cố tình bôi đen một
sinh viên trẻ như vậy, Uyên không hề khóc lóc, không hề hối tiếc, nhưng mà đó
là một điều đáng buồn.”
Luật sư
cũng gặp khó khăn
Không chỉ đáng buồn mà thực tế còn rất phi lý, luật
sư Hà Huy Sơn, từng bào chữa pháp lý cho Nguyễn Phương Uyên, khẳng định là theo
hướng dẫn của văn bản thông tư về tù án treo thì người tù treo vẫn có quyền lao
động học tập bình thường:
“Quyết định của trường đại học bảo Phương Uyên vi
phạm pháp luật Việt Nam và bị đình chỉ mà trong quyết định đấy cũng không nói
rõ lý do là vi phạm pháp luật theo bản án hay cái vi phạm gì. Quan điểm của
tôi, đình chỉ việc học đối với Phương Uyên là điều không tốt, không phù hợp với
pháp luật của nhà nước Việt Nam hiện nay.”
Ông nói ông có thể hiểu được tâm trạng và cảm nghĩ
của gia đình Nguyễn Phương Uyên khi không muốn làm đơn khiếu nại chuyện cô bị
buộc nghỉ học một cách đáng tiếc như vậy:
“Theo tôi thì
Phương Uyên có thể làm đơn khiếu nại cái quyết định buộc thôi học vì gia đình
Phương Uyên cũng biết phần nào về cái thực tế của pháp luật Việt Nam, nó còn
nhiều cái không khách quan và không công bằng. Trong quá trình đi bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của Phương Uyên thì gia đình cũng rất là cô đơn nên chuyện
thất vọng cũng là lẽ đương nhiên trong hoàn cảnh hiện nay.”
Trong thời gian qua, luật sư Hà Huy Sơn cho
hay ông cũng gặp khá nhiều khó khăn mà theo ông hiểu thì những chuyện đó đến từ
việc ông nhận bào chữa cho những vụ án bị nhà nước cho là nhạy cảm và dính líu
đến vấn đề an ninh hay chính trị:
“Từ khi tôi bảo vệ cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ thì
tôi đã được công an rồi bên Sở Tư Pháp rồi Đoàn Luật Sư cũng đã gặp gỡ tôi một
số lần rồi, tôi biết sự chú ý của họ đối với tôi.”
Cũng là người bào chữa cho blogger Điều Cày Nguyễn
Văn Hải, tiếp đến luật sư Hà Huy Sơn còn nhận bênh vực pháp lý cho Nguyễn
Phương Uyên, Đinh Nhật Uy:
“Nói chung là nhiều những các vụ án mà dân chúng người
ta gọi là nhạy cảm về mặt chính trị, nên việc bị gây khó khăn từ vụ nào thì tôi
không xác định được, cái này phải hỏi lại các cơ quan ở phía Việt Nam.
Thí dụ khi văn phòng làm việc ở đâu thì cơ quan quản
lý người ta cũng hay kiểm tra, người ta cũng hay dò hỏi nhiều, hoặc là Đoàn
Luật Sư thì cũng có những cái để ý nhiều hơn so với những luật sư khác. Trong
công việc hành nghề, đi gặp thân chủ thì có khi là tôi đi ở nhà nghỉ thì bị nhà
nghỉ làm mất Chứng Minh Nhân Dân một cách rất vô cớ. Về lại Cơ Quan Quản Lý Hộ
Khẩu xin cấp lại Chứng Minh Nhân Dân thì họ cũng gây rất nhiều phiền hà thì mới
cấp lại được.”
Mới đây nhất, hồi trong tháng, luật sư Hà Huy Sơn bị
ngăn không cho tham gia đại hội lần 9 của Đoàn Luật Sư Hà Nội:
“Họ không có văn bản chính thức nào, họ cũng không
nói là tôi không ở trong trường hợp không đóng lệ phí hay có ai khiếu nại tố
cáo gì cả, thì chỉ còn trường hợp mà người ta cho rằng tôi đang ở diện mà Đoàn
Luật Sư đang xem xét hay là kỷ luật gì đó mà không được tham dự.
Trong văn bản bày tỏ thái độ của tôi thì tôi cũng đã
nói rồi, đây là việc xúc phạm đến danh dự của cá nhân tôi nói riêng và của giới
luật sư nói chung, rằng đây là vi phạm điều lệ của Đoàn Luật Sư Hà Nội cũng như
vi phạm điều lệ của Đoàn Luật Sư Việt Nam . Tóm lại, Đoàn Luật Sư Hà Nội làm
như vậy là trái với pháp luật Việt Nam.”
Đó là chuyện xảy ra tính đến lúc này, còn trong
tương lai, luật sư Hà Huy Sơn nói, chắc chắn sẽ còn những chuyện lôi thôi phiền
toái khác xảy tới cho ông cũng như cho bạn trẻ yêu nước Nguyễn Phương Uyên, một
khi đã lọt vào tầm ngắm không mấy thiện cảm của chính quyền và công an.
-----------------------
Saturday, December 07th, 2013
SỰ TÔN TRỌNG QUYỀN HỌC TẬP CỦA CON NGƯỜI
GS
Nguyễn Đăng Hưng
Tại
Nam Phi dưới chế độ kỳ thị chủng tộc Apartheid, Nelson Madela (vừa qua đời) đã phải trả giá 27
năm tù tội vì dấn thân đấu tranh cho dân chủ và công bằng. Trong nhà tù, ông đã
được phép đi học hàm thụ và ông đã tốt nghiệp cử nhân luật đại học
London.
Tại
Việt Nam, trong những năm 60, ông Lê Hiếu Đằng (vừa chính
thức tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam sau 40 năm tuổi đảng) đã từng bị
chính quyền Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt, cũng được chế độ Việt Nam Cộng hòa
cho đi thi tú tài khi đang ở tù.
Tại
Việt Nam hiện nay, dưới chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa, sinh viên Nguyễn
Phương Uyên vừa bị ông hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp thực phẩm ký
quyết định đuổi không cho tiếp tục học chỉ vì bị án treo!
Té ra Việt
Nam ngày nay trong việc tôn trọng quyền học tập của con người, không khá hơn
chế độ Apartheid và cũng không bằng chế độ mà người ta vẫn thường cho là ngụy
quyền!
Thú thật hôm nay tôi buồn vô cùng và và để giải sầu
tôi quyết định đăng lại sau đây bài thơ:
EM
HAI MƯƠI TUỔI
(Thơ viết tặng Phương Uyên sau phiên tòa lịch sử
tháng tám 2013)
Em hai mươi tuổi nào ngờ
Em thành thần thoại giữa bờ tương lai
Em cười áo trắng mảnh mai
Em mang thế hệ trên vai nhẹ nhàng
Cái thời tà chánh ngổn ngang
Cái thời biển đảo bạn vàng lấn xâm
Cái thời như dại như câm
Cái thời ô nhục óai oăm làm người!
Em hai mươi tuổi một lời
Em như nói hết lẽ đời ngàn xưa
Lời em là nắng là mưa
Là sớm là tối là trưa vĩnh hằng
«Tôi tin ở lẽ công bằng
Tôi chỉ chống cái nhố nhăng cường quyền»
Đỏ tươi màu máu còn nguyên
« Giặc Tàu phải cút » lời nguyền sắt son
Lời em là của nước non
Lời em là lẽ sống còn hôm nay
Ơi người con gái thơ ngây
Nghìn năm lịch sử còn đây rạng ngời…
2/9/2013
No comments:
Post a Comment