Theo
kết quả thăm dò của công ty tư vấn Reputation Institute được công bố vào tháng
Chính năm 2011, Nelson Mandela được chọn là lãnh tụ được yêu mến nhất, kính
trọng nhất, thán phục nhất và tin tưởng nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Barack
Obama đứng hạng thứ 14, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đứng hạng thứ 27, Thủ
tướng Anh David Cameron đứng hạng thứ 34.
Nhân loại yêu chuộng tự do, dân chủ và hòa bình kính
phục Nelson Mandela không phải chỉ vì ông yêu nước, yêu tự do, can đảm ở tù
suốt 27 năm dài lao động khổ sai nhưng quan trọng hơn ông không dùng sự khổ đau
chịu đựng của riêng mình làm thước đo cho chiều dài tương lai của đất nước Nam
Phi và không đặt đôi gánh nặng quá khứ hận thù lên trên đôi vai của các thế hệ
Nam Phi mai sau. Thay vào đó, Nelson Mandela đã dùng đức tính bao dung, kiên
nhẫn, khôn ngoan, biết nhìn ra thấy rộng để vực dậy một đất nước bi phân hóa
bởi màu da, chủng tộc, xã hội giáo dục, kinh tế chính trị và cả văn hóa lịch sử
kéo dài hơn 300 năm từ thời nô lệ, thuộc địa cho đến thời kỳ Nam Phi độc lập.
Con người cũng như đất nước, giá trị được thẩm định
không phải ở sự chịu đựng nhưng ở chỗ biết vượt qua. Một con người bình thường
phải vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt để tiến thân, một dân tộc chỉ có thể
đuổi kịp đà tiến của nhân loại nếu dân tộc đó vượt qua được những bất hạnh của
chính mình và vận động được sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Một câu nói nổi
tiếng của Nelson Mandela về hòa giải “Hòa giải thật sự không đơn giản chỉ là
việc quên đi quá khứ”. Nelson Mandela được kính trọng không phải vì ông quên đi
quá khứ nhưng nhờ ông đã sống rất trọn vẹn trong quá khứ, đã chiêm nghiệm và
chuyển hóa những hào quang và chịu đựng, thành công và thất bại, hy vọng và
tuyệt vọng của quá khứ thành nhựa nguyên, nhựa luyện cho những hàng cây xanh
tốt tươi và hy vọng của tương lai Cộng Hòa Nam Phi.
Hãy tưởng tượng, Nelson Mandela, người bị tù hơn 27
năm và đã có thời gian chọn lựa phương pháp đấu tranh bằng võ lực, không chủ
trương hòa giải mà nhất định trả thù cho bằng được thiểu số da trắng một thời đã
áp đặt những chính sách bất công, phân biệt chủng tộc lên trên số phận của đa
số người da đen rồi nước Cộng hòa Nam Phi ngày nay liệu có thể là quốc gia ổn
định và phát triển hay không?
Chắc chắn là không.
Hãy tưởng tượng, công việc đầu tiên của tổng thống
Nelson Mandela không phải là việc thành lập Ủy Ban Hòa Giải và Sự Thật mà là
lập một danh sách mấy trăm ngàn viên chức chính quyền Nam Phi đã có liên hệ ít
nhiều đến việc đàn áp các phong trào chống phân biệt chủng tộc để rồi sau đó
tống giam họ trong các trại tù tận vùng núi rừng KwaZulu-Natal xa xôi hiểm trở,
bắt thiểu số da trắng phải giao nộp nhà cửa, tài sản, đày sang các vùng kinh tế
mới ở miền Northern Cape hoang vu để trả thù cho những cực hình đày đọa mà dân
da đen đã từng chịu đựng dưới ách phân biệt chủng tộc của chính quyền da trắng
Nam Phi thì liệu hòa giải dân tộc có thật sự đến cho quốc gia này hay không?
Chắc chắn là không.
Rất nhiều tác phẩm viết về Nelson Mandela và một số
tác phẩm khác trích từ các cuộc phỏng vấn ông, nhưng Bước đường dài đến tự do
(Long walk to freedom) là tác phẩm cho chính ông chấp bút từ những năm 1970 khi
còn bị tù ở đảo Robben, ngoài Cape Town, Nam Phi. Phần lớn các chi tiết trong
bài viết này cũng được trích dẫn từ hồi ký dày hơn sáu trăm trang Bước đường dài
đến tự do của Nelson Mandela.
Hình bìa sách “Long walk to freedom”
Nelson Mandela ra đời ngày 18 tháng 7 năm 1918 tại
Mvezo, một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Mbashe thuộc quận Umtata, thủ phủ của
Transkei, một trong những khu vực lớn nhất của Nam Phi. Ông được đặt tên là
Rolihlahla. Theo ngôn ngữ Xhosa, Rolihlahla có nghĩa “kéo một cành cây xuống”
nhưng chính xác hơn có nghĩa là “kẻ gây rối”. Cha của ông, Gadla Henry
Mphakanyiswa, cai quản khu vực Mvezo và cũng là một cố vấn của vua bộ lạc
Thembu. Mandela kế thừa không những cá tính mà cả vóc dáng cao và thẳng của cha
ông ta. Cha của Mandela có bốn vợ, và bà Nosekeni Fanny, mẹ của Mandela là vợ
thứ ba. Theo cách gọi trong gia đình, vợ thứ nhất được gọi là Vợ Cả, Vợ Phía
Tay Phải (mẹ của Mandela), Vợ Phía Tay Trái, và Vợ Chăm Sóc Gia Đình. Mandela
là con lớn của mẹ ông nhưng lại là con trai nhỏ nhất trong số bốn anh em cùng
cha khác mẹ.
Khi còn nhỏ Mandela chịu phép rửa tội theo đạo Tin
Lành phái Methodist Church. Khi đi học, cô giáo Mdinggane thêm tên Nelson vào
tên gia đình đặt. Từ đó, ông được gọi là Nelson Rolihlahla Dalibhunga Mandela.
Năm Mandela lên 9 tuổi, cha ông qua đời vì bịnh phổi. Nelson Mandela được
Jongintaba Dalindyebo, người kế tục chức vụ của cha ông, nhận làm con nuôi. Sau
lễ cắt bao quy đầu vào năm ông 16 tuổi, Nelson Mandela được đưa vào trường
trung học nội trú Clarkebury.
Năm 1937 khi vào tuổi 19, Nelson Mandela theo học
đại học Healdtown, Fort Beaufort. Giống như Clarkebury, Healdtown là một trường
đạo Tin Lành thuộc phái Methodist Church và là trường đại học nội trú duy nhất
dành cho người da đen. Sinh viên da đen ưu tú từ khắp Nam Phi theo học tại đây.
Một biến cố tinh thần đã xảy ra cho Nelson Mandela vào năm cuối tại Healdtown
là buổi viếng thăm trường của nhà thơ lớn Krune Mqhayi, người dân tộc Xhosa.
Lần đầu tiên trong đời Nelson Mandela xúc động lắng nghe một nhà thơ lên tiếng
phê bình chính sách phân biệt chủng tộc của chính quyền da trắng một cách công
khai với sự hiện diện của viện trưởng và toàn ban giảng huấn trường, rất đông
trong số họ là da trắng.
Năm 1960, Nelson Mandela theo học tại đại học
University College of Fort Hare. Đây là trường đại học nội trú da đen lớn nhất
ở Nam Phi. Mandela hy vọng sẽ tốt nghiệp Cử Nhân tại trường này. Ông được bầu
vào Hội Đồng Sinh Viên và tức khắc trở thành một lãnh tụ sinh viên tranh đấu
cho các quyền lợi sinh viên. Trong một lần xung đột với ban lãnh đạo trường về
tiêu chuẩn thực phẩm dành cho sinh viên, Nelson Mandela từ chức khỏi hội đồng
sinh viên. Viện trưởng viện đại học tức giận trục xuất ông khỏi trường cho đến
cuối niên khóa.
Mandela trở lại nhà nhưng chỉ để biết tin cha nuôi
đang chuẩn bị cưới vợ cho mình. Mandela không muốn và cùng người anh nuôi bỏ
trốn sang Johannesburg. Tại đây, Mandela tiếp tục học hàm thụ các lớp còn lại
của hệ cử nhân và chính thức tốt nghiệp tại Fort Hare vào năm 1942. Năm 1943,
Nelson Mandela theo học cử nhân luật tại trường đại học Witwatersrand với ý
định trở thành một luật sư.
Chàng thanh niên Nelson Mandela là một người đàn ông
cứng rắn nhưng cũng rất đa cảm. Mandela yêu nhiều người. Trong thời gian trú
trại khu Alexandra thuộc thành phố Johannesburg, Mandela gặp Ellen Nkabinde, cô
bạn luôn có nụ cười tươi, làm nghề dạy học mà Mandela quen biết khi cả hai còn
ở Healdtown. Họ yêu nhau. Khu Alexandra đông đúc và chật hẹp, cặp tình nhân đang
yêu không biết đi đâu ngoài việc ngồi ngắm những vì sao trên nền trời vào ban
đêm. Dù sao, Ellen mang đến cho Mandela tình yêu, sự ủng hộ, niềm tin và hy
vọng trong lúc anh ta đang lạc lõng giữa thành phố Alexandra còn xa lạ. Rất
tiếc chỉ vài tháng sau Ellen rời thành phố mang theo mối tình đầu của Mandela.
Sau khi Ellen đi, Mandela lại yêu một người con gái
khác. Nàng tên là Didi, xinh nhất trong năm người con gái của gia đình Xhosa mà
Mandela đang trọ. Cuộc tình rồi cũng không đi đến đâu vì Didi không thật sự để
mắt xanh đến anh chàng Mandela đa cảm đang trọ trong nhà mình. Nhưng lần thứ ba
thì khác. Trái tim Mandela hướng về phía người con gái trẻ đẹp đang theo học
nghề y tá tại Johannesburg tên là Evelyn Mase. Cha mẹ Evelyn chết sớm và cô
sống với người anh. Vài tháng sau khi yêu nhau, Mandela hỏi cưới. Evelyn là vợ
đầu của Nelson Mandela cho đến năm 1958.
Nelson Mandela bắt đầu tham gia các hoạt động của tổ
chức Nghị Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress) gọi tắt là ANC vào
năm 1942 và cuộc đời hoạt động của ông từ đó được chính trị hóa. Như ông ta
giải thích trong Bước đường dài đến tự do: “Thật khó để xác định thời điểm nào
tôi bị chính trị hóa khi tôi biết mình đã dành cả cuộc đời trong cuộc đấu tranh
giải phóng. Làm một người Phi trong xã hội Nam Phi có nghĩa là bạn được chính
trị hóa từ lúc mới ra đời, dù bạn có thừa nhận điều đó hay không. Một hài nhi
ra đời trong bịnh viên chỉ dành cho da đen. Đưa về nhà trên xe bus chỉ dành cho
da đen. Nếu may mắn được đi học cũng chỉ học trường dành cho da đen. Khi cô hay
cậu đó lớn lên cũng chỉ làm những công việc người da đen phải làm và mướn một
căn nhà để ở cũng chỉ được ở trong khu da đen”.
Nhắc lại, ANC được thành lập vào ngày 8 tháng Giêng
năm 1912 tại Bloemfontein để đấu tranh cho quyền của người da đen Nam Phi do
nhà biên khảo John Dube và nhà thơ Sol Plaatje sáng lập. Chủ tịch đầu tiên của
tổ chức là John Dube. Trong suốt hơn 70 năm tranh đấu, ANC đã trở thành đảng
chính trị chiếm đa số trong cuộc bầu cử năm 1994 và trong cuộc bầu cử năm 2009,
ANC chiếm đến gần 66 phần trăm trong tổng số cử tri đi bầu. Nhiều người ảnh
hưởng đến quan điểm chính trị của Nelson Mandela đối với tổ chức ANC nhưng như
chính Mandela thừa nhận, ảnh hưởng nhất phải là Walter Sisulu vì đức tính cương
quyết, có lý có tình, thực tế và tận tụy của ông ta. Walter tin tưởng ANC là
phương tiện cần thiết để thay đổi Nam Phi, là nơi gìn giữ của khát vọng của
tầng lớp da đen bị trị tại Nam Phi. Mandela cũng tin tưởng sâu xa điều đó.
Sau khi gia nhập, Mandela trở thành một thành viên
tích cực của phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Nam Phi. Năm 1943, Nelson
Mandela là một trong những thành viên sáng lập của Liên Đoàn Thanh Niên ANC
nhằm đưa cuộc đấu tranh vào quần chúng, tổng hợp sức mạnh của giới nông dân ở
nông thôn và tầng lớp công nhân tại các thành phố. Nelson Mandela cho rằng các
hình thức thư thỉnh nguyện, cầu xin giới lãnh đạo da trắng không phải là hình
thức đấu tranh thích hợp nhưng phải đánh trực tiếp vào quyền lợi của chúng qua
các hình thức tẩy chay, đình công bãi thị, bất hợp tác với giới cầm quyền. Mặc
dù ban đầu gặp trở lực từ các thế hệ lãnh đạo già, các hoạt động của Liên Đoàn
Thanh Niên ANC dần dần đã được trung ương ANC chấp nhận. Vai trò lãnh đạo của
Nelson Mandela được chính thức hóa qua các hoạt động cương quyết của ông. Năm
1947, Mandela được bầu vào ban chấp hành ANC vùng Transvaal. Người lãnh đạo
trực tiếp của ông là C.S. Ramohane, một người yêu nước và kế hoạch xuất sắc.
Bản thân Ramohane không có cảm tình với Cộng Sản nhưng làm việc với họ vì ông
cho rằng ông ta nên đón nhận sự ủng hộ từ mọi phía. Mandela cũng là tác giả của
đề án Mandela làm tiêu chuẩn hoạt động cho cả tổ chức ANC trong đó đặt nặng vai
trò chỉ đạo từ trung ương khi nhà cầm quyền da trắng đặt ANC ra ngoài vòng pháp
luật.
Chiến Dịch Thách Thức Những Luật Bất Công (Defiance
Campaign of Unjust Laws) là chiến dịch có quy mô lớn của ANC đòi hủy bỏ sáu đạo
luật bất công trước ngày 29 tháng Hai năm 1952 và nếu không ANC sẽ có những
hoạt động ngoài hiến pháp chống chính phủ da trắng. Dĩ nhiên, chính phủ da
trắng không nhượng bộ mà còn đàn áp quyết liệt. Ngày 6 tháng Tư năm 1952, hàng
loạt cuộc đình công đã được thực hiện tại các thành phố lớn như Johannesburg,
Pretoria, Port Alizabeth, Durban và Cape Town. Ngày 30 tháng Bảy năm 1952, Nelson
Madela bị bắt cùng với hai mươi lãnh đạo ANC khác. Nelson Mandela bị kết án
chín tháng tù ở nhưng sau đó được chuyển thành hai năm tù treo.
Năm 1952 cũng là năm có nhiều thay đổi trong nội bộ
ANC. Albert Luthuli, một lãnh tụ có khuynh hướng đẫy mạnh các hoạt động của ANC
được bầu vào chủ tịch. Mandela, trong cương vị chủ tịch khu Transvaal, là một
trong bốn phụ tá của của Albert Luthuli. Nelson Mandela tiếp tục cuốn hút vào
các hoạt động cho ANC cho đến ngày tháng 12 năm 1956, Nelson Mandela bị bắt lần
nữa. Lần này bị truy tố với một tội nặng hơn nhiều: mưu phản. Nelson Mandela
đóng tiền tại ngoại hầu tra. Phiên tòa mưu phản kéo dài hai năm đã làm Nelson
Mandela kiệt quệ về mọi mặt, tình cảm gia đình tan nát và điều kiện tài chánh
suy sụp. Cũng trong thời gian khó khăn này, sự khác biệt về cách sống, lý tưởng
đã làm hai vợ chồng Mandela và Evelyn vốn khác biệt đã khác biệt sâu sắc hơn.
Cuối cùng cả hai đã đồng ý chia tay nhau.
Một lần trên đường từ tòa về qua một ngã tư đường,
Nelson Mandela chợt lưu ý một cô gái đang đứng chờ xe bus. Nét đẹp của nàng
cuốn hút Mandela nhưng ông ta biết khó mà có dịp gặp lại nàng. Như mối duyên
tiền định, một hôm, khi đang ngồi làm việc trong văn phòng luật sư vừa mới lo
tái trang bị, Mandela gặp lại cô lần nữa. Cô gái tên là Nomzamo Winifred
Madikizela, và thường được gọi tắt là Winnie. Từ đó, họ gặp nhau bất cứ khi nào
có thể. Họ ăn trưa với nhau và cùng nhau đi dạo trên cánh đồng cỏ xanh giống
như cánh đồng cỏ ở quê hương Transkei. Mandela chia sẻ với Winnie những hy vọng
và khó khăn. Như Mandela thuật trong hồi ký “Tôi không hứa hẹn với nàng vàng
bạc hay kim cương, tôi sẽ không bao giờ có khả năng tặng nàng những món quà như
thế”. Winnie hiểu và chấp nhận mọi khó khăn. Vì Mandela vẫn còn trong thời gian
bị truy tố, lễ cưới phải được tòa án chấp nhận. Đám cưới của Mandela và Nomzamo
Winifred Madikizela được tổ chức vào ngày 14 tháng Sáu năm 1958 tại một nhà thờ
nhỏ. Toàn bộ ban chấp hành trung ương ANC đã được mời nhưng một số đông, giống
như Mandela đang bị truy tố nên không tham dự được. Vì không có tiền và thời
gian để đưa nhau đi tuần trăng mật, đám cưới xong, chú rễ Mandela lại tiếp tục
ra tòa.
Sáng 29 tháng Ba năm 1961, sau hơn bốn năm dài từ
khi bị bắt, hỏi cung, ra tòa với hàng ngàn tài liệu và hàng trăm nhân chứng,
chính quyền da trắng vẫn không đủ bằng chứng tin cậy để kết án ANC là tổ chức
Cộng Sản. Chánh án Rumpff, một thẩm phán có lương tâm công lý, tuyên bố các bị
can vô tội và được thả tức khắc.
Mandela biết việc trắng án chỉ có giá trị tạm thời,
nhà cầm quyền da trắng sau nhiều năm với biết bao nhiêu tốn kém để truy tố ông
chắc chắn thế nào cũng tìm bắt lại. Thay vì về nhà, Mandela quyết định lui vào
hoạt động bí mật. Hầu hết các hoạt động của Nelson Mandela trong giai đoạn này
được giữ kín với hành tung bất thường. Ông ẩn mình vào ban ngày và thường hoạt
động vào ban đêm. Các lực lượng công an cảnh sát tung nhiều đợt lục soát để tìm
bắt ông. Không những công an mà cả báo chí cũng tung phóng viên để thăm dò tung
tích của Mandela. Nhiều báo phóng đại việc Mandela tránh thoát hệ thống công an
trong đường tơ kẽ tóc.
Thật ra không ai biết thật sự “đường tơ kẽ tóc” đó
như thế nào nếu không do chính Mandela viết trong hồi ký. Một lần khi Mandela
lái xe và nhìn qua người khách đang ngồi trong xe bên trái không ai khác hơn là
Đại tá Spengler, giám đốc sở an ninh Witwatersrand. Tuy Mandela hóa trang nhưng
khó mà qua được đôi mắt chuyên nghiệp của Spengler. Cũng may viên đại tá có
trách nhiệm lùng bắt Mandela đã không nhìn sang hướng của ông. Rất nhiều lần
khác, các cảnh sát yêu nước đã tìm cách báo cho bà Winnie biết trước khi có
cuộc hành quân lục soát xảy ra trong vùng Mandela đang trốn. Mandela là người
tổ chức từ bóng tối cuộc tổng đình công 29 tháng Năm năm 1961 tại Nam Phi.
Nhiều trăm ngàn công nhân Nam Phi chấp nhận rủi ro mất việc đã ở nhà để ủng hộ
lời kêu gọi của Mandela và ANC. Tuy nhiên, sau khi đánh gía kết quả ngày đình
công, Mandela cho rằng nếu phía chính phủ da trắng đàn áp thẳng tay, cuộc đình
công sẽ thất bại.
Trong thời điểm khó khăn và quyết liệt đó, Mandela
và nhiều lãnh đạo ANC nghĩ không có một chọn lựa nào khác hơn là con đường võ
trang. Tháng Sáu năm 1961, cánh quân sự của ANC, Umkhonto we Sizwe gọi tắt là
MK, được thành lập nhằm mục đích lật đổ chính quyền phân biệt chủng tộc da
trắng bằng các biện pháp quân sự. ANC giao trách nhiệm thành lập, tổ chức và
chỉ huy cánh quân sự cho Nelson Mandela. Như chính ông ta thú nhận “Tôi, chưa
bao giờ là một người lính, chưa từng chiến đấu trong mặt trận nào, thậm chí
chưa bắn một viên đạn, lại được giao trọng trách thành lập một quân đội”. Nhưng
cũng từ đó, Mandela bắt đầu đọc các sách về chiến tranh du kích, sách chiến
lược và chiến thuật quân sự và học rất nhanh.
Ngày 26 tháng Sáu năm 1961, Nelson Mandela, từ một
địa điểm bí mật công bố qua báo chí lá thư công khai với nội dung sau:
“Tôi được báo một trát tòa bắt giữ tôi đã được phát
ra, đồng thời công an cảnh sát đang lùng bắt tôi. Hội Đồng Hành Động Quốc Gia
thuộc ANC đã nhận xét kỹ lưỡng và khuyến cáo tôi không nên đầu hàng. Tôi đồng ý
với lời khuyên và sẽ không nộp mình cho một chính quyền mà tôi không công nhận.
Bất cứ nhà chính trị chín chắn nào cũng hiểu rằng trong tình trạng hiện nay của
đất nước, tìm cách làm một thánh tử đạo rẻ tiền qua việc giao nộp sinh mạng cho
cảnh sát là một hành động ngây thơ và là một trọng tội. Tôi đã chọn con đường
này, một con đường khó khăn và đòi hỏi nhiều rủi ro, gian khổ hơn là ngồi trong
nhà tù. Tôi đã phải tự tách rời khỏi vợ con thân yêu, xa mẹ già và các chị em
tôi để sống như một kẻ sống ngoài vòng pháp luật trên chính đất nước của mình.
Tôi đã phải đóng cửa cơ sở làm việc, từ bỏ ngành nghề chuyên môn và sống trong
đói khát như nhiều triệu đồng bào tôi… Tôi sẽ chiến đấu chống chính quyền phân
biệt chủng tộc sát cánh bên các bạn trong từng phân, từng dặm cho đến chiến
thắng cuối cùng. Các bạn sẽ làm gì? Đến để cùng chiến đấu với chúng tôi hay hợp
tác với chính quyền để trấn áp các đòi hỏi và khát vọng của nhân dân Nam Phi?
Các bạn sẽ im lặng và bàng quan mặc trước những vấn đề sống và chết của nhân
dân tôi và nhân dân chúng ta? Phần tôi, tôi đã có một chọn lựa cho riêng mình.
Tôi sẽ không rời Nam Phi và cũng chẳng đầu hàng. Chỉ thông qua gian khổ, hy
sinh và hành động quân sự, mục đích tự do mới đạt được. Đấu tranh là cuộc đời
tôi. Tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu vì tự do cho đến những ngày cuối của đời
mình.”
Sau khi công khai phát động cuộc đấu tranh võ trang,
tháng 10 năm 1961, Nelson Mandela di chuyển vào nông trại Liliesleaf ở Rivonia,
vùng ngoại ô phía bắc Johannesburg. Nông trại được xem là tổng hành dinh của MK.
Nelson Mandela mang tên mới là David Motsamayi, một người giữ nhà do chủ phái
đến chăm sóc nhà cửa đất đai. Sau Mandela, các chỉ huy vùng của MK lần lượt đến
nông trại. MK cũng xoay xở khéo léo để Winnie và các con đến thăm Mandela vào
vài cuối tuần. Cấu trúc tổ chức của MK cũng tương tự như ANC, gồm bộ chỉ huy
trung ương và các địa phương. Hàng ngàn truyền đơn được rải khắp các thành phố
lớn để công bố ngày ra đời của MK.
Tháng Hai năm 1962, Nelson Mandela bí mật xuất ngoại
đại diện cho cả ANC lẫn MK tại hội nghị của Phong Trào Tự Do Liên Phi cho Đông,
Trung và Nam Phi Châu, gọi tắt là PAFMECSA được tổ chức tại thủ đô Addis Ababa
thuộc Ethiopia. Tổ chức này là tiền thân của Tổ Chức Đoàn Kết Châu Phi hiện
nay. Đây là một hội nghị vô cùng quan trọng vì là lần đầu tiên ANC có cơ hội
kêu gọi sự yểm trợ trực tiếp của các quốc gia Phi Châu trong cuộc đấu tranh võ
trang chống chính phủ da trắng Nam Phi. Trong dịp này, Mandela thăm viếng và
kêu gọi viện trợ từ các quốc gia Phi Châu như Egypt, Lybia, Tunisia, Ghana,
Algeria, Morocco, Mali, Guinea, Sierra Leone, Liberia, Senegal. Tuy cùng một
Phi Châu nhưng không phải quốc gia nào cũng nhiệt tình ủng hộ. Một số lãnh đạo
quốc gia viện trợ năm ngàn bảng Anh và cũng có một số quốc gia không tặng đồng
nào. Trước khi lên đường trở lại Nam Phi, Nelson Mandela tham dự khóa huấn
luyện quân sự tám tuần lễ tại Ethiopia. Trong thời gian Mandela ra nước ngoài,
các cuộc đánh phá do MK chủ trương diễn ra tại nhiều nơi ở Nam Phi. ANC yêu cầu
Mandela thu ngắn thời gian thụ huấn quân sự để về nước.
Tuy nhiên vài hôm sau khi trở lại Nam Phi, Nelson
Mandela bị bắt vào ngày 5 tháng Tám năm 1962. Lần này, Nelson Mandela bị kết án
5 năm vì hai tội sách động công nhân đình công và xuất ngoại bất hợp pháp.
Mendela bị đưa đến nhà tù Pretoria Local.
Thời gian ngắn sau đó, tổng hành dinh của MK tại
nông trại ở Rivonia bị khám phá, lục soát và nhiều tài liệu quan trọng bị tịch
thu. Phần lớn các cấp chỉ huy trung ương của MK cũng lần lượt bị bắt. Một số ít
may mắn thoát được nhưng đã phải lưu vong sang các quốc gia Phi Châu. Trong lúc
đang bị tù, Nelson Mandela lại bị truy tố với một tội nặng hơn trong phiên tòa
được báo chí gọi “Chính phủ chống lại Bộ Chỉ Huy Quốc Gia Tối Cao và những
người khác”. Mandela là bị cáo đầu tiên trong danh sách nên phiên tòa còn được
gọi là “chính phủ chống lại Nelson Mandela và những người khác”. Phiên tòa kéo
dài gần hai năm. Khắp thế giới bùng lên phong trào ủng hộ Mandela. Hội Đồng Bảo
An Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Nam Phi ân xá. Sinh viên đại học London bầu
Nelson Mandela làm chủ tịch sinh viên dù vắng mặt bởi vì Mandela vẫn còn là
sinh viên hàm thụ khoa Luật của đại học London và vừa hoàn tất kỳ thi cuối khóa
hai ngày trước ngày tuyên án.
Đêm trước đó, Mandela và các bạn đã quyết định dù
bản án nặng đến đâu hay thậm chí có tử hình đi nữa, cũng không kháng án. Theo
lời Mandela giải thích với các luật sư bào chữa, kháng án chỉ làm giảm giá trị
đạo đức của lý tưởng mà họ đã và đang đeo đuổi, kháng án cũng có nghĩa là phải
giải thích khác hơn và từ chối những hành động chính nghĩa mình đã làm. Mandela
tin nếu bản án do tòa quyết định là tử hình, chắc chắn sẽ có một phong trào
quần chúng mạnh mẽ đứng lên phản đối, ông không muốn làm nhẹ tinh thần của cuộc
đấu tranh đó. Như Mandela viết, “không có sự hy sinh nào có thể gọi là quá to
lớn trong cuộc đấu tranh vì tự do”. Mandela còn chuẩn bị cả câu nói cuối cùng
trường hợp chánh án De Wet hỏi ông sau khi nghe tuyên đọc án tử hình: “Tôi
chuẩn bị chết trong niềm tin vững chắc rằng cái chết của tôi sẽ là niềm khát vọng
cho lý tưởng mà tôi đang dâng hiến cuộc đời mình”.
Ngày 12 tháng Sáu năm 1964, ngoại trừ hai người, một
được miễn tố và một nhẹ tội, Nelson Mandela và các bạn còn lại bị kết án chung
thân. Kết án xong, nửa đêm ngày hôm sau, Mandela và 6 thành viên lãnh đạo của
MK bị đưa đến nhà tù Robben Island, tương tự như đảo Alcatraz ngoài vịnh San
Francisco của Mỹ, trong một máy bay quân sự bí mật với các lực lượng công an
cảnh sát vây kín từ nơi tạm giam đến phi trường. Xà lim của Mandela rộng khoảng
1.8 mét. Mỗi phòng có một tấm bảng giấy ghi tên và số tù. Bảng của Mandela ghi
là “N Mandela 466/64”. Năm đó Mandela 46 tuổi. Mandela dành hơn 100 trang trong
hồi ký để mô tả đời sống vô cùng khắc nghiệt trong suốt 17 năm dài tại nhà tù
Robben Island, nơi đó mỗi ngày ông phải đập đá dưới cơn nắng cháy da và ban đêm
ngủ trong xà lim mới dựng còn rất ẩm thấp. Đó cũng là thời gian Mandela bị
nhiễm vi trùng lao.
Sau 21 năm qua hai trại tù, từ Robben đến Pollsmoor
với tất cả gian lao và chịu đựng, trong một lần khám bịnh thường lệ, bác sĩ
khám phá tiền tuyến liệt của Mandela bị sưng to và cần phải được giải phẫu.
Nhưng sau khi giải phẫu xong, viên điều hành trại tù, Thiếu tướng Munro, đưa
Mandela đến một phòng giam khang trang nhiều so với phòng giam mà ông ta sống
trước đó. Tuy không nói ra, Mandela biết chính quyền da trắng đã có ý thăm dò
phản ứng của ông về cách đối xử mới của chính quyền.
Trong suốt cuộc đời tranh đấu từ khi gia nhập ANC,
Nelson Mandela đã chọn nhiều phương pháp đấu tranh, trong đó có bất bạo động và
cả bạo động. Tuy nhiên, sau nhiều năm suy tư về con đường đất nước đã trải qua
và hy vọng nào còn đang chờ trước mặt, Mandela đã thay đổi phương pháp đấu
tranh. Ông kết luận “Sự thay đổi, tôi quyết định, không phải chỉ là trách nhiệm
mà còn là cơ hội… Tôi đắn đo từ lâu về việc bắt đầu nói chuyện với phía chính
phủ. Tôi kết luận thời gian đã đến khi cuộc đấu tranh sẽ thuận lợi hơn nếu được
đẫy mạnh qua phương cách đàm phán. Nếu chúng ta không bắt đầu đàm phán sớm, cả
hai bên phải lao vào đêm tối của áp bức, bạo động và chiến tranh.”
Nelson Mandela viết trong hồi ký “Sự thay đổi,
tôi quyết định, không phải chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội… Tôi đắn đo từ
lâu về việc bắt đầu nói chuyện với phía chính phủ. Tôi kết luận thời gian đã
đến và cuộc đấu tranh sẽ thuận lợi hơn khi cần được đẫy mạnh qua đàm phán. Nếu
chúng ta không bắt đầu đàm phán sớm, cả hai bên phải lao vào đêm tối của áp
bức, bạo động và chiến tranh.”
Mandela nhìn lại cuộc đấu tranh của ANC trong suốt
70 năm, rất nhiều thường dân vô tội đã bị giết nhưng chính quyền phân biệt
chủng tộc da trắng vẫn nhất định không nhường bước. Thật là vô nghĩa nếu cuộc
đấu tranh võ trang tiếp tục và mỗi ngày nhiều mạng sống bị cướp mất đi. Không
ít các hoạt động của MMK là hành động khủng bố. Tuy nhiên, một bên nào muốn
dừng lại cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nhà cầm quyền da trắng đã nhiều lần
khẳng định ANC và MK là những tổ chức khủng bố Cộng Sản trong lúc ANC cũng
không kém phần quyết liệt khi cho rằng chính phủ Nam Phi là chỉ là một chính
quyền phát-xít, phân biệt chủng tộc và do đó sẽ không có gì để đàm phán với họ
cho đến khi nào họ công nhận ANC. Về phần nội bộ ANC, việc thông tin giữa
Mandela và các lãnh đạo trung ương của ANC cũng rất khó khăn vì một số đang bị
tù, một số khác đang lưu vong và số còn lại hoạt động bí mật rải rác khắp nơi.
Nelson Mandela cuối cùng chọn một giải pháp, đó là
tự quyết định cách giải quyết vấn đề một mình và tuyệt đối không cho ai, kể cả
các thành viên ANC đang bị tù chung biết. Nếu thành công sẽ có lợi cho đất nước
và nếu thất bại chỉ một mình ông ta chịu trách nhiệm. ANC có thể cho rằng vì
Mandela không tiếp cận với thực tế và đầy đủ thông tin nên đã có những quyết
định không đúng với đường lối của ANC.
Vài tuần sau khi về phòng giam mới, Mandela viết thư
cho bộ trưởng tư pháp Nam Phi Kobie Coetsee và đề nghị thảo luận về những vấn
đề cần thảo luận. Đầu năm 1986, Mandela tiếp đón một phái đoàn bảy thành viên
đại diện nhiều quốc gia thăm viếng Nam Phi để tìm hiểu sự thật. Phái đoàn do
Tướng Olusegun Obasanjo, cựu tổng thống Nigeria và cựu ngoại trưởng Úc Malcolm
Fraser cầm đầu. Tại buổi gặp gỡ, Nelson Mandela lần nữa đưa ra chủ trương đối
thoại nhưng nhấn mạnh đó là việc đối thoại giữa ANC và chính phủ chứ không phải
riêng ông ta và chính phủ. Mandela khẳng định với phái đoàn quốc tế rằng ông là
một người Quốc Gia Nam Phi chứ không phải là Cộng Sản. Mặc dù có làm việc với
nhiều đảng viên Cộng Sản, Mandela từ lâu đã quan niệm rằng cuộc đấu tranh của
ANC chống chính quyền da trắng là cuộc đấu chống kỳ thị chủng tộc chứ không
phải là cuộc đấu tranh giai cấp hay đấu tranh vì lý do kinh tế như đảng Cộng
Sản Nam Phi lý luận. Tuy chưa tuyên bố công khai từ bỏ phương tiện võ trang,
Mandela thừa nhận rằng bạo động không bao giờ có thể là giải pháp cuối cùng cho
vấn đề Nam Phi. Trong buổi hội kiến với phái đoàn quốc tế, Mandela cũng đòi hỏi
phía nhà cầm quyền da trắng phải bày tỏ thiện chí trước bằng cách giải tỏa vòng
vây công an cảnh sát khỏi các thôn ấp da đen. Nếu làm được như vậy, ông tin
phía ANC cũng sẽ đáp ứng bằng cách hạn chế các cuộc tấn công để làm tiền đề cho
đàm phán. Mandela cho phái đoàn biết việc trao trả tự do cho bản thân ông trước
áp lực quốc tế đang phát động không giải quyết được vấn đề tranh chấp tại Nam
Phi.
Trong năm 1987, Tổng thống Nam Phi Botha thành lập
một ủy ban bí mật trong đó có bộ trưởng tư pháp Kobie Coetsee có trách nhiệm
đàm phán riêng với Nelson Mandela. Các buổi thảo luận bí mật diễn ra nhiều lần
giữa Mandela và ủy ban tổng thống. Vào thời điểm quan trọng này, Nelson Mandela
xét thấy cần phải hội ý với các lãnh đạo MK đang bị tù với ông và hiện đang bị
giam giữ ở tầng trên. Ông gặp riêng từng người và tất cả đều không chống đối
phương pháp đàm phán nhưng đồng thời cũng không tin tưởng hoàn toàn nơi thiện
chí của nhà cầm quyền da trắng. Ngoài ra, Oliver Tambo, lãnh tụ của ANC đang
hoạt động bên ngoài đã biết về sự đối thoại đang diễn ra giữa Mandela và chính
quyền, và đã đặt ra cho Mandela nhiều câu hỏi. Để các lãnh đạo ANC bên ngoài an
tâm, trong một tin nhắn bí mật cho Oliver Tambo, Mandela xác định việc đàm phán
thật sự chỉ diễn ra giữa ANC và chính quyền da trắng chứ không phải giữa ông ta
và chính quyền da trắng.
Ngày 4 tháng Bảy năm 1989, Nelson Mandela bí mật
được đưa đi gặp tổng thống Nam Phi P. W. Botha tại dinh tổng thống vào lúc 5:30
sáng. Trong buổi hội kiến ngắn chưa đầy 30 phút, Nelson Mandela yêu cầu tổng
thống Botha trả tự do cho tất cả tù chính trị Nam Phi trong đó có cả ông. Tổng
thống Botha từ chối. Tuy nhiên, không đầy một tháng sau, Botha từ chức tổng
thống Cộng Hòa Nam Phi và quyền lãnh đạo quốc gia được trao qua de Klerk. Tháng
mười cùng năm, de Klerk tuyên bố trao trả tự do cho bảy lãnh tụ cao cấp của
ANC.
Tháng Chạp cùng năm, tổng thống de Klerk mời Mandela
hội kiến. Trong dịp này, Nelson Mandela nhắc lại các đòi hỏi tiên quyết trong
đó bao gồm việc hủy bỏ luật ngăn cấm ANC hoạt động, trả tự do cho tất cả tù
chính trị còn lại, hủy bỏ luật tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép các lãnh
tụ đảng phái chính trị đang lưu vong trở về nước. Mandela lưu ý tổng thống de
Klerk, nếu chính phủ Nam Phi không làm được những điều đó, một mai khi được trả
tự do, Nelson Mandela tại tiếp tục tranh đấu như trước và chẳng lẽ chính phủ da
trắng lại bắt giam, kết án và tù đày ông như hai mươi bảy năm trước đó hay sao.
Ngày 2 tháng Giêng năm 1990, Tổng thống F. W. de
Klert trong diễn văn lịch sử đọc trước quốc hội Nam Phi tuyên bố hủy bỏ chính
sách phân biệt chủng tộc và đặt nền tảng cho cải cách dân chủ tại Nam Phi. Nói
chung, tổng thống de Klerk đã thực hiện hầu hết các điều khoản do Mandela yêu
cầu trong lần gặp gỡ trước đó. Lần đầu tiên trong 30 năm, hình ảnh và các lời
tuyên bố của Nelson Mandela được công khai trưng bày trong dân chúng.
Ngày 10 tháng Giêng sau đó, de Klerk mời Nelson
Mandela gặp lần nữa và thông báo chính phủ sẽ đưa ông về lại Johannesburg và
trao trả tự do cho ông tại đó vào ngày hôm sau. Nelson Mandela từ chối việc
được trả tự do tại Johannesburg và cũng không muốn được trả sớm như vậy. Trong
suốt 27 năm tranh đấu để được tự do, không bên nào nghĩ cuối cùng việc trả tự
do ở đâu lại trở thành vấn đề tranh cãi. Cả Mandela lẫn nhà cầm quyền cũng
không ngờ có một ngày bên chính phủ muốn thả tự do cho tù nhân Mandela nhưng
chính tù nhân Mandela lại muốn ở thêm một tuần lễ nữa. Cuối phiên họp, mỗi bên
nhượng bộ một phần. Nelson Mandela sẽ ra khỏi cổng nhà tù ông đang ở nhưng
không thể ở lại thêm ngày nào khác.
Lúc 3:30 chiều ngày 11 tháng Giêng năm 1990, Nelson
Mandela bước ra khỏi cổng nhà tù cuối cùng Victor Verster giữa rừng người đang
hân hoan chờ đợi.
Video
: Kỷ niệm Sinh nhật lần thứ 90 của Nelson Mandela – Nhà lãnh đạo lớn trong lịch
sử nhân loại
No comments:
Post a Comment