Thursday, 19 December 2013

BLOGGER TRƯƠNG DUY NHẤT "KHÔNG NHẬN TỘI" (Người Việt Online)




Wednesday, December 18, 2013 2:57:02 PM

HÀ NỘI (NV) .- Chủ nhân blog “Một góc nhìn khác” có rất đông độc giả sắp bị đưa ra tòa lãnh án vì bị cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” nhưng ông “không nhận tội.”

Ông Trương Duy Nhất, 49 tuổi, chính thức bị quy chụp tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo điều 258 của Luật Hình Sự CSVN, qua bản “Kết luận điều tra” của Bộ Công An đề ngày 19/11/2013, được gia đình ông cho công bố trên mạng Xã Hội Dân Sự và nhiều trang mạng khác tiếp tay phổ biến.

Ông bị Bộ Công an cho người tới Đà Nẵng bắt ngày 26/5/2013 vừa qua, đưa về giam giữ ở Hà Nội. Bản “Kết luận điều tra” nêu ra 11 “chứng cứ” lọc ra từ 11 bài viết trên blog “Một góc nhìn khác” của ông. Đó là những câu phân tích, bình luận mang tính phê phán, đả kích các sai trái của giới lãnh đạo đảng và nhà nước độc tài đảng trị tại Hà Nội.

Hiến pháp CSVN,  dù là bản cũ có từ năm 1992 đến bản mới được thông qua sửa đổi hồi tháng trước, vẫn tuyên xưng “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật,” nhưng điều luật hình sự 258 lại bỏ tù người dân khi họ bị vu cho tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã nhiều lần đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ điều luật phi lý này. Nó không những trái với hiến pháp của chế độ , mà đồng thời còn ngược lại với Công Ước Quốc Tế về Các Quyền dân Sự và Chính Trị mà CSVN đặt bút ký cam kết tôn trọng từ năm 1982.

Bản kết luận điều tra của công an nói rằng ông Trương Duy Nhất “không thừa nhận hành vi phạm tội, không tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi của mình” nên cơ quan này đòi “cần nghiêm trị trước pháp luật”. Bản án sẽ có vẻ không nhẹ đối với ông nếu bị lôi ra tòa trong những ngày sắp tới.

Điều 258 Luật Hình Sự CSVN viết rằng “1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”

Bản “Kết luận điều tra” cáo buộc ông Trương Duy Nhất “bôi nhọ tư cách đạo đức người đảng viên, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng CSVN” qua bài “Trong đảng, ngoài đảng”; “bôi nhọ, hạ thấp uy tín của thủ tướng chính phủ, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ...” qua bài “Chấm điểm thủ tướng”; “có nội dung sai sự thật, thể hiện kết quả chấm điểm vô căn cứ, vô thẩm quyền nhằm hạ thấp uy tín cá nhân tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ...” qua bài “Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ”....

Các bài viết trên blog “Một góc nhìn khác” của ông Trương Duy Nhất đều liên quan đến các vấn đề thời sự chính trị và xã hội tại Việt Nam. Ông viết blog này từ năm 2009 khi còn là một ký giả của báo Công An Đà Nẵng rồi qua làm cho tờ Đại Đoàn Kết ở Đà nẵng. Năm 2011 ông bỏ viết báo nhà nước, chỉ viết blog cho đến khi bị bắt.

Blog của ông Nhất có rất đông độc giả. Nhiều bài có hàng  ngàn độc giả và hàng trăm người viết bình luận. Blog này từng bị tin tặc phá nhiều lần và phải đổi qua nhiều địa chỉ khác nhau. Công an cáo buộc ông đã phổ biến hơn 1,000 bài viết và một số bài của những người khác mà nhiều bài “có nội dung vi phạm pháp luật”.

Trong các năm 2011 và 2012, ông Trương Duy Nhất đã bị gọi tới các cơ quan công an và thông tin ở  Đà Nẵng “nhắc nhở”, đòi ông chấm dứt những bài viết không có lợi cho chế độ, nhưng không được đáp ứng.

Hơn hai tuần lễ sau khi bắt Trương Duy Nhất, nhà cầm quyền Việt Nam cũng đã bắt giam ông Phạm Viết Đào, một blogger khác cũng khá nổi tiếng với những bài châm chọc chế độ. Ông bị bắt ngày 13/6/2013 và cũng bị vu cho tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ...”

Sau hai vụ bắt giữ này, một nhóm Bloggers ở Việt Nam đã thành lập “Mạng Lưới Blogger Việt Nam” mở chiến dịch chống điều luật 258. Họ đã tới các tòa đại sứ tây phương quan tâm đến nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam và đi tiếp xúc với các cơ quan, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, vận động sự tiếp tay của họ cải thiện nhân quyền tại Việt Nam mà cụ thể là đòi nhà cầm quyền Việt Nam bỏ điều luật 258. (TN)



No comments:

Post a Comment

View My Stats