Hùng
Tâm/Người Việt
Wednesday,
December 18, 2013 3:19:15 PM
Vì sao Vladimir Putin vừa thắng một keo tại Ukraine?
Hôm
Thứ Ba, 17 Tháng Mười Hai, vừa qua, Ukraine được Liên Bang Nga cấp cứu về kinh
tế sau cuộc hội kiến của hai tổng thống Viktor Yanukovich và Vladimir Putin tại
Moscow. Ðây là lần thứ hai trong vòng hai tuần mà Tổng Thống Yanukovich bay qua
Nga để thương thuyết về viện trợ. Trong khi ở nhà, dân chúng Ukraine tiếp tục
biểu tình phản đối Yanukovich với sự lên tiếng hỗ trợ của lãnh đạo Âu Châu và
Hoa Kỳ. Biện pháp cấp cứu kinh tế của Putin là gì? Hậu quả sẽ ra sao cho khu
vực Trung Âu và các nước Ðông Âu nay đã hội nhập vào Liên hiệp Âu Châu? Hồ sơ
Người Việt trình bày bối cảnh sâu xa của sự chuyển động này.
Vladimir Putin mua chuộc Ukraine
Theo
sự thỏa thuận giữa hai nguyên thủ Putin và Yanukovich, Nga sẽ xuất ra một ngân
khoản tương đương với $15 tỷ từ quỹ an sinh National Welfare Fund để mua trái
phiếu Ukraine và Gazprom sẽ bán khí đốt cho Ukraine với giá 268 Mỹ kim một ngàn
thước khối. Khi đọc thấy tin là Nga mua trái phiếu, chúng ta nên hiểu trái
phiếu là tờ giấy nợ và mua trái phiếu có nghĩa là cho vay. Còn giá khí đốt vừa
thỏa thuận của tập đoàn quốc doanh Gazprom thấp hơn giá hiện hành ($400) được
33%. Biện pháp viện trợ của Nga có nghĩa là ngay trước mắt, ngân sách Ukraine
có thêm tiền mặt và trong lâu dài sẽ tốn ít hơn khi mua năng lượng của Nga.
Chúng
ta nên trở ngược lại tình hình vào cuối năm 2008 thì sẽ hiểu rõ hơn những khúc
mắc bên trong biện pháp mua chuộc của Nga.
Thời
đó, Ukraine vừa có cuộc Cách Mạng Màu Da Cam với chiến thắng của hai lãnh tụ
dân chủ và thiên về Âu Châu là Tổng Thống Viktor Yushchenko và nữ Thủ Tướng
Yulia Timoshenko. Mà Putin vừa đưa quân vào yểm trợ phe ly khai tại hai khu vực
của Georgia vào Tháng Tám năm 2008. Ukraine bênh vực Georgia và phản đối việc
can thiệp của Nga. Nhưng mỗi tháng, xứ này phải mua $1 tỉ tiền khí đốt của Nga
và đang nợ Gazprom hơn $2 tỉ, mà khí đốt của Nga bán cho các nước Âu Châu lại
chạy qua ống dẫn trên lãnh thổ Nga.
Khủng
hoảng bùng nổ ngày 1 Tháng Giêng năm 2009, khi Gazprom đòi nợ, thêm hơn $500
triệu tiền phạt và tăng giá bán cho Ukraine. Vì chính quyền Ukraine chỉ trả
được $1.5 tỉ và không đồng ý với giá mới, Gazprom phong tỏa ống dẫn khí thổi
qua Ukraine tới Âu Châu. Khi đó nạn suy trầm kinh tế đang gây khó khăn cho Liên
Âu nên đòn bắt bí của Nga khiến Ukraine bị một lúc hai áp lực: đã thiếu năng
lượng còn gặp sức ép của các nước Âu Châu là nên nhượng bộ.
Trở
lại chuyện ngày nay, ngân sách Ukraine bị hụt $17 tỉ, trong đó có $11 tỉ là hóa
đơn mua khí đốt của Gazprom. Từ bốn tháng nay, Nga còn hạn chế mua hàng và dọa
tăng sức ép nên Yanukovich càng khốn đốn, phải yêu cầu Liên Âu viện trợ cho mấy
tỷ. Lời yêu cầu gặp trở ngại khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đòi chấn chỉnh chi thu
ngân sách và Liên Âu đòi Yanukovich trả tự do cho bà Timoshenko bị cầm tù từ
năm 2011 vì tội danh tham nhũng.
Trong
khi đó, Ukraine đang thương thuyết việc tăng cường hợp tác với Liên Âu trong
khuôn khổ sáng kiến Eastern Partnership do Ba Lan và Thụy Ðiển đề xướng để lôi
kéo xứ này ra khỏi quỹ đạo Nga.
Ðược
Quốc Hội Ukraine chấp thuận từ đầu Tháng Chín, việc thương thuyết đã xong và lễ
ký kết hiệp định hợp tác về ngoại thương và kinh tế với Liên Âu được dự trù tại
thủ đô Vilnius của Lithuania vào ngày 29 Tháng Mười Một vừa qua.
Chính
là trong tình trạng giằng co giữa hai áp lực từ phía Ðông của Nga và phía Tây
của Liên Âu mà Yanukovich bất ngờ quyết định không ký hiệp ước Âu Châu khiến
dân Ukraine biểu tình phản đối từ mấy tuần qua. Thỏa thuận viện trợ của Putin
để cấp cứu chính quyền Yanukovich cần được đặt vào khung cảnh đó.
Nhưng
ta không quên rằng kinh tế của Nga cũng gặp nhiều khó khăn với đà tăng trưởng
sẽ giảm trong vài năm tới như Putin xác nhận tuần qua trong bài diễn văn về
tình hình Liên Bang Nga.
Bây
giờ ta mới mở rộng tầm nhìn vào toàn cảnh.
Thảm kịch Ukraine
Ngay
từ tên nước, do nguyên ngữ của chữ “ukraine” bằng tiếng Nga hay Ba Lan, Ukraine
có nghĩa là “biên vực.”
Ðây
là khu vực địa dư của Trung Âu không may nằm ngoài rìa của các đế quốc lớn từ
mấy trăm năm, như Ba Lan, Nga, Ottoman, rồi Hung-Áo (Austria-Hungary). Số phận
địa dư ấy khiến từng phần lãnh thổ có lúc thuộc về đế quốc này có khi lại nằm
trong một cường quốc khác. Qua Thế kỷ 20, Ukraine có một giai đoạn độc lập ngắn
ngủi sau Thế Chiến I, rồi là một nước nằm trong Liên Bang Xô Viết cho tới khi
Liên Xô tan rã vào năm 1991. Sau đó, Ukraine mới tìm lại độc lập, được hơn hai
thập niên.
Chỉ
riêng chi tiết ấy cũng cho thấy cảnh ngộ hiện tại, khi Ukraine lại trở về vị
trí biên vực giữa hai khối Ðông Tây, Nga và Âu Châu. Nhưng khác xưa là nay
Ukraine đã có nền độc lập, dù chỉ 22 năm thì cũng là lâu dài nhất từ nhiều thế
kỷ. Vấn đề là người dân Ukraine nghĩ gì và muốn gì?
Mà
“dân Ukraine” là ai?
Sau
cả ngàn năm lần lượt bị quân Mông Cổ, Lithuania, Ba Lan, Thổ, Cossack, và Nga,
v.v... tấn công và cai trị, lãnh thổ xứ này là đất ngụ cư của nhiều sắc dân có
chung một số phận là bị ngoại bang thống trị, hoặc là con cháu của dân thống
trị. Sống trên một vùng bình nguyên tương đối trù phú, nên mới bị xâm lược,
người dân thấy biên giới thường xuyên thay đổi nên đổi cả quốc tịch và khó tìm
ra quốc tính. Họ có thể là công dân cũ của Ba Lan, Hung, Nga, Slovakia, v.v...
Hoàn
cảnh lạ thường đó khiến người dân miền Tây nghĩ rằng và mong là mình thuộc về
Âu Châu và muốn Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Nhiều người tại miền Ðông
thì thấy mình là con cháu của dân Nga và Ukraine có hội nhập với Liên Bang Nga
thì cũng hợp lý. Số còn lại rất hiểu được thế lực của nước Nga, nhưng vẫn muốn
Ukraine phải được độc lập. Họ theo “chủ nghĩa quốc gia” trong ý hướng là xứ sở
phải có quyền quyết định về vận mệnh của mình.
Trong
bối cảnh đó, khi châm thêm hai yếu tố kinh tế và chính trị, ta thấy bài toán
của dân Ukraine.
Nếu
tăng cường buôn bán với Âu Châu, họ sẽ có thịnh vượng và dân chủ, tương tự như
người dân Ðông Âu tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Cộng Hòa Tiệp, v.v... Họ chống lại
vụ Yakunovich gian lận bầu cử và mở ra cuộc Cách Mạng Màu Da Cam với thắng lợi
vẻ vang được mấy năm. Nhưng khi tranh chấp bùng nổ giữa Tổng Thống Yushchenko
và Thủ Tướng Timoshenco, thì Yanukovich thắng thể và cho Timoshenko vào tù.
Ngược
lại, cũng có người nghĩ rằng nếu vẫn ở trong quỹ đạo Nga, họ có thể được viện
trợ hoặc tiếp tục sống trong chế độ bao cấp thời Xô Viết, cái giá phải trả cho
sự ổn định này là hơi mất tự do. Nhiều doanh gia làm ăn lâu đời với hệ thống
Nga rất ủng hộ việc đó và không thấy phiền hà gì về nạn độc tài: họ thuộc vào
tầng lớp ở trên.
Khốn
nỗi, khi Liên Bang Nga của Putin vùng dậy và giành lại ảnh hưởng đã mất, từ năm
2008, Liên Âu lại bị suy trầm kinh tế và khủng hoảng trong khối Euro.
Khó
khăn kinh tế của Liên Âu gây ra nhiều vấn đề cho các nước trong khối Euro lẫn
các nước Ðông Âu mới được giải phóng khỏi chế độ Xô viết và hội nhập vào Âu
Châu. Họ bị người dân Tây Âu nghi ngờ, thậm chí kỳ thị vì... cướp mất việc làm
hoặc có lối sống vẫn còn chậm tiến. Khuynh hướng chung tại nhiều nước Âu Châu
là nghi ngờ kết quả hội nhập, trở lại chủ nghĩa quốc gia nhuốm mùi cực đoan,
hạn chế hoặc kỳ thị di dân. Nếu dân Ba Lan mà còn bị Tây Âu kỳ thị thì nói gì
đến dân Ukraine?
Những
chuyển động ấy được Vladimir Putin theo dõi và triệt để khai thác.
Nước cờ Putin
Sau
khi Liên Xô tan rã, các nước Ðông Âu đã giành lại độc lập và gia nhập Âu Châu
qua hai cấp, là thành viên của Minh ước Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương NATO và hội
viên của Liên Âu. Ba nước Trung Âu trong vùng Baltic là Estonia, Lituania và
Latvia còn tiến xa hơn vậy. Là những nước không chấp nhận sự thống trị của Liên
Xô ngay từ đầu, họ mau mắn gia nhập NATO và vì vậy mặc nhiên đẩy lá chắn chiến
lược của NATO tới sát lãnh thổ Nga.
Việc
Georgia và Ukraine tại Trung Âu cũng muốn được NATO bảo vệ và hội nhập vào Liên
Âu trở thành một bài toán chiến lược cho Putin: Liên bang Nga bị NATO uy hiếp,
đằng sau là sức mạnh của siêu cường Hoa Kỳ. Huống hồ Ukraine còn kiểm soát một
phần Hắc Hải ở phía Nam.
Vì
vậy, Putin không che giấu chủ trương của mình, là phải đưa các nước Trung Âu
như Belarus, Ukraine và Georgia trở lại quỹ đạo Nga như trong thời Xô viết và
dần dần trung hòa ảnh hưởng của các nước dân chủ từ vùng Baltic xuống đến Ðông
Âu là Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp, Slovakia, Hung, Romania, Bulgaria. Ngoài ra, từ
năm 2010, Putin còn mở ra sáng kiến xây dựng Liên hiệp Quan thuế Âu Á, kéo dài
từ Trung Âu qua Trung Á đến Á Châu, một vùng tự do mậu dịch do an ninh của Nga
bảo đảm.
Việc
khống chế Georgia từ năm 2008 và khuynh đảo Ukraine nằm trong tính toán đó. Và
Putin có nhiều lợi thế trong kế hoạch quy mô này.
Nga
là nước xuất cảng năng lượng cho Âu Châu, qua các tập đoàn quốc doanh do Putin
điều động được. Tổng thống Mỹ không thể yêu cầu Chevron hay ExxonMobile bán xăng
dầu với giá rẻ cho xứ khác để thực hiện chiến lược bành trướng của Hoa Kỳ được!
Lợi
thế thứ hai là Liên Âu không có chủ trương thống nhất và khả năng thực hiện chủ
trương này qua biện pháp kinh tế (thí dụ như Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu), hay
quân sự, như Minh Ước Phòng Thủ Âu Châu, một cơ chế võ trang không hề có. Bên
trong, cường quốc số một của Liên Âu là Cộng Hòa Liên Bang Ðức lại có quan hệ
kinh tế gắn bó với Nga và đến nay thì vẫn cần khí đốt của Nga. Khi có tranh
chấp giữa Liên Âu và Liên Bang Nga, Ðức là nước trung gian thủ vai hòa giải,
như người ta đã thấy sau vụ Putin đưa quân vào lãnh thổ Georgia năm 2008.
Lợi
thế thứ ba, đáng kể nhất, là Hoa Kỳ lại theo đuổi ưu tiên khác.
Chính
quyền Obama đang cần sự hợp tác của Putin để giải quyết vụ Syria và để hòa giải
với Iran, một đồng minh của Nga. Khi vụ Ukraine bùng nổ, Hoa Kỳ có lên tiếng
bênh vực dân biểu tình vì lý do đạo đức nhưng chưa có hành động nào cụ thể hơn.
Việc viện trợ cho Ukraine giải quyết bài toán ngân sách và năng lượng chưa được
Quốc Hội Mỹ thảo luận vì quá bận với hồ sơ ngân sách liên bang. Trong hoàn cảnh
hiện tại, ít ai dám đề nghị viện trợ mươi tỷ cho Ukaine với điều kiện chấm dứt
đàn áp, cải cách tài chánh và kinh tế để hội nhập vào Liên Âu.
Một
biện pháp tự nhiên và bình thường nhất là cho phép doanh nghiệp Mỹ xuất cảng
dầu thô để tăng số cung và giảm giá dầu trên thế giới cũng chưa vào tới nghị
trình thảo luận của Quốc hội, ít ra cho đến năm tới.
Kết luận ở đây là gì?
Yanukovich
có thể là tổng thống thân Nga, hay của Nga, chuyện ấy thật ra không quan trọng.
Hoàn
cảnh Ukraine vẫn khó thay đổi nếu dân biểu tình thắng thể và bầu lên một hệ
thống lãnh đạo có chủ trương thân Tây phương hơn. Lần trước, họ từng bị phân
hóa sau khi chiến thắng và xứ sở vẫn nằm dưới tầm đạn năng lượng của Putin, trước
sự bất nhất của Liên Âu.
Nếu
cuộc cách mạng về năng lượng tại Hoa Kỳ tỏa sáng ra ngoài làm giá dầu sụt mạnh,
chính Putin mới rơi vào cùng quẫn. Liên Bang Nga chỉ là một nước chậm tiến đi
bán dầu và có thể uy hiếp xứ khác nếu dầu thô còn cao giá. Khi kinh tế bị suy
thoái và dầu thô mất giá, Putin sẽ bị chống đối ở nhà.
Chúng
ta nên theo dõi cả một chuỗi liên hoàn quái dị này.
-----------------------------------------------------
Nga
khôn khéo kéo Ukraina vào quỹ đạo của mình
RFI 18-12-2013
No comments:
Post a Comment