Wednesday 2 October 2013

XỬ LUẬT SƯ LÊ QUỐC QUÂN 30 THÁNG TÙ GIAM (BBC Việt Ngữ)




Cập nhật: 09:45 GMT - thứ tư, 2 tháng 10, 2013

Tòa án TP Hà Nội vừa tuyên án 30 tháng tù với luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân vì tội trốn thuế theo Điều 161 Bộ Luật Hình sự.

Công ty của ông Lê Quốc Quân còn bị phạt 1,2 tỷ đồng, luật sư Trần Thu Nam, một trong các luật sư bào chữa cho ông Quân, nói với BBC.

Mức án 30 tháng tù là mức cao nhất mà Viện Kiểm sát đề nghị trong phiên tòa diễn ra từ 8:30 phút sáng 2/10 và mới kết thúc lúc khoảng 2 giờ chiều.
Tuy nhiên nó thấp hơn mức cao nhất ghi ở Khoản 3 Điều 161 Bộ Luật Hình sự, trong đó trốn thuế hơn 600 triệu đồng thì mức hình phạt tối đa là 7 năm tù.

Kế toán của công ty, bà Phạm Thị Phương, 31 tuổi, bị án tám tháng tù.

Cũng theo luật sư Nam, gia đình ông Quân sẽ kháng cáo.
"Ông Quân đã tuyên bố tại tòa là mình vô tội và sẽ kháng cáo", ông Nam nói thêm.
Luật sư bào chữa cho ông Lê Quốc Quân cũng cho biết bản án này là nằm trong dự đoán.
"Tôi đã dự đoán là tầm hai năm hoặc trên hai năm," ông nói.
"Cái này nằm trong dự định rồi, họ đã quyết định từ lâu, nên việc ngày hôm nay xảy ra không bất ngờ lắm."
Trả lời BBC sau phiên tòa, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ ông Lê Quốc Quân nói gia đình "cực lực phản đối bản án bất công này".
Bên ngoài Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, một số người ủng hộ ông Lê Quốc Quân đang tụ tập hô khẩu hiệu phản đối bản án.

Bản án cho LS Quân 'nằm trong dự đoán'
Luật sư Trần Thu Nam, người bào chữa trực tiếp cho ông Lê Quốc Quân tại phiên tòa sơ thẩm sáng 2/10 nói ông không bất ngờ trước bản án.


Phản ứng của quốc tế

Ngay sau khi bản án được đưa ra, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã có lập tức có thông cáo bày tỏ quan ngại.
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam kết tội và tuyên án 30 tháng tù về tội trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân. Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại," thông cáo viết.
"Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế."
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa."

Ông Phil Robertson, từ tổ chức nhân quyền đặt trụ sở ở Mỹ, Human Rights Watch, nói với BBC sau phiên tòa:
“Bằng cách bỏ tù Lê Quốc Quân với cáo buộc có động cơ chính trị, Việt Nam một lần nữa chứng tỏ đặt ưu tiên cho việc bịt miệng những nhân vật nổi bật cổ vũ nhân quyền và chính trị.
Đây là dấu đen cho hồ sơ nhân quyền Việt Nam và cho thấy chính phủ trắng trợn bỏ qua các ràng buộc nhân quyền.
Những nhà tài trợ cần công khai lên án sự bất công này, đòi thả Lê Quốc Quân và nói rõ rằng việc Việt Nam không tôn trọng nhân quyền sẽ có hại cho việc ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ tháng 11 này."


Chặn đường đến tòa

Trả lời phỏng vấn BBC sáng 2/10, ông Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Quân, nói ông cùng với nhiều giáo dân và một số người dân mất đất ở Dương Nội đi ủng hộ cho anh trai mình bị ngăn ở phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, không cho tiến tới tòa án.
"Lực lượng an ninh đông vô cùng, họ đưa cả trung đoàn cơ động đến," ông nói.

Các nguồn tin trên mạng xã hội cho biết ngoài bà Hiền và một người chú của ông, gia đình Lê Quốc Quân không có ai khác được cho phép vào dự phiên tòa.

Hãng thông tấn AP trong tin đăng ngày 2/10 cũng cho biết hàng trăm cảnh sát và nhân viên an ninh đã được huy động trấn thủ các con đường xung quanh tòa án để ngăn người dân tới dự phiên tòa.
"Việt Nam đã chuyển mình thành nền kinh tế thị trường vào cuối những năm 1980 và muốn hội nhập với thế giới, tuy nhiên nước này vẫn giữ nguyên sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với quyền tự do ngôn luận và biểu đạt chính trị", AP bình luận.
"Bloggers, các nhà hoạt động và một số khác thường xuyên bị bắt giữ. Đại diện báo chí nước ngoài được phép đến Việt Nam, nhưng bị giới hạn về những nơi họ có thể đến và những tin tức có thể đưa."

Lực lượng an ninh và cảnh sát cơ động được huy động để chốt chặn các con đường xung quanh tòa án

Trốn thuế

Sáng ngày 2/10, báo Công an Nhân dân (CAND) phiên bản điện tử cho đăng tải bài viết trong đó công bố các tài liệu, chứng cứ do cơ quan cảnh sát điều tra thu thập mà tờ này nói là cơ sở để truy tố ông Quân tội trốn thuế:
Để "làm tăng chi phí, giảm thu nhập cho công ty nhằm mục đích trốn thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Lê Quốc Quân đã "chỉ đạo kế toán, thủ quỹ ... nhờ một số người thân quen có bằng cấp kế toán, tài chính... để lấy thông tin của họ rồi đưa vào các hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn với Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, lập khống hợp đồng tư vấn môi giới thương mại, mua hóa đơn giá trị gia tăng khống hàng ..." CAND cho biết.
Theo CAND, ông Quân sau đó đã đưa số chi phí này vào khi kê khai tại Chi cục Thuế quận Cầu Giấy.
"Chỉ tính riêng trong hai năm 2010 và 2011, Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam đã lập và ký hợp đồng với 9 chuyên gia tư vấn nhằm tăng chi phí và giảm thu nhập cho Công ty với số tiền là 1,75 tỷ đồng. Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp Công ty này đã trốn là hơn 437 triệu đồng," trang này nói.
"Cũng trong năm 2010 và 2011, thông qua Phạm Thị Phương và Nguyễn Thị Thơm, Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam đã mua nhiều hóa đơn giá trị gia tăng khống của nhiều công ty với nhiều mặt hàng, qua đó khai tăng chi phí doanh nghiệp nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp."
CAND nói bà Phạm Thị Phương và Nguyễn Thị Thơm cùng 'một số đối tượng liên quan' đã "nhận thức được sai phạm và khai rõ toàn bộ hành vi sai phạm của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam" tại cơ quan điều tra.
"Những người là chuyên gia tư vấn cho Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam cũng trình bày rõ, họ không tham gia làm gì cho Công ty này, không nhận số tiền hàng trăm triệu đồng như phiếu chi mà chỉ ký hợp đồng, phiếu thu, phiếu chi hợp thức cho Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam," trang này nói.
"Mỗi người phải ký 12 hợp đồng, 12 phiếu thu, 12 phiếu chi/lần. Sau khi ký hợp thức, mỗi người được Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam trả từ 1 - 3 triệu đồng."

Hàng trăm người đã tham gia biểu tình ủng hộ luật sư Lê Quốc Quân

'Không dễ dàng bị đè bẹp'

Hôm thứ Ba 1/10, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đã có thông cáo trong đó gọi việc buộc tội ông Quân là nhằm mục đích chính trị và kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức.

"Tội trạng của Lê Quốc Quân, đó là đã phê phán chính quyền Việt Nam một cách công khai," ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của HRW, nói trong thông cáo đăng tải trên trang web của tổ chức này.
"Đến khi nào chính quyền Việt Nam mới chấp nhận rằng quyền tự do biểu đạt bao gồm quyền được tự do bày tỏ ý kiến khác với ý kiến của đảng cầm quyền một cách ôn hòa?"
"Chính phủ Việt Nam lo ngại về vị thế của mình trong xã hội đến nỗi phải tìm đủ cách để bịt miệng và cầm tù hết nhà bất đồng chính kiến này đến nhà bât đồng chính kiến khác."
"Hà Nội cần hiểu rằng sự chỉ trích nhằm vào chính phủ phản ánh một quan điểm đang ngày càng lan rộng trong nước, rằng đã đến lúc Việt Nam cần trở thành nước dân chủ đa đảng thực sự, nơi quyền tự do ngôn luận được tôn trọng."
"Những tiếng nói này sẽ không dễ dàng bị đè bẹp bằng thủ đoạn tàn nhẫn."

Ông Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27/12/2012 và đáng ra đã ra tòa ngày 9/7/2013 vì tội Trốn thuế theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên một ngày trước đó, tòa có quyết định tạm hoãn vì chủ tọa bị bệnh.

Sinh năm 1971, ông từng là Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam và sau đó bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội truy tố về tội Trốn thuế theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự.
Là tín đồ Công giáo và là người tham gia đấu tranh dân chủ tích cực trước khi bị bắt, ông đã bị cáo buộc trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Luật sư Lê Quốc Quân cũng là tiếng nói bất đồng mạnh mẽ ở Hà Nội và từng bị giam 100 ngày sau khi du học từ Hoa Kỳ về nước.



Cập nhật: 14:12 GMT - thứ ba, 1 tháng 10, 2013

Phiên xử luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân về tội “trốn thuế” dự kiến diễn ra ngày 2/10 tại Hà Nội, sau hai tháng đình hoãn.

Công an Việt Nam nói đã thu thập được chứng cứ cho thấy công ty do ông Lê Quốc Quân làm giám đốc đã trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.Trước khi bị bắt, ông
Ông Quân cùng bà Phạm Thị Phượng, kế toán của công ty, bị bắt ngày 27/12 năm ngoái về tội danh trốn thuế, được quy định tại Điều 161 – Bộ luật Hình sự.
Khoản tiền trốn thuế được Thông Tấn xã Việt Nam loan đi là 649 triệu đồng - mặc dù một vài tờ báo trong nước khác chạy con số 437 triệu.
Một luật sư bào chữa cho ông Quân, Hà Huy Sơn, nói với BBC rằng 649 triệu đồng là con số ghi trong cáo trạng.
Vụ bắt giữ được chính phủ và tổ chức nhân quyền nhiều nước, kể cả Liên Hiệp Quốc, đặc biệt quan tâm.

Một nhóm các tổ chức nhân quyền và luật sư, lấy tên chung Media Legal Defence Initiative, đã gửi thỉnh nguyện thư cho Nhóm công tác về việc giam giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD), nêu trường hợp ông Quân.
UNWGAD lại gửi thư cho chính phủ Việt Nam về trường hợp này, và nhận được trả lời chính thức của Việt Nam ngày 29/8, chỉ một ngày trước khi phiên họp lần thứ 67 của UNWGAD bế mạc.

Trong lá thư trả lời của Việt Nam, mà BBC có trong tay, chính phủ Việt Nam nói về cáo buộc "trốn thuế".
"Liên quan tới việc trốn thuế, các điều tra cho thấy từ năm 2009-2011, ông Quân đã chỉ đạo nhân viên liên hệ và thu thập thông tin cá nhân cũng như liên quan tới công việc của các quan chức và chuyên gia kinh tế để tạo các hợp đồng khống về tư vấn và môi giới thương mại mà mục tiêu là chính thức hóa chi phí đầu vào "gia tăng" của công ty và sau đó kê khai chi phí này với cơ quan thuế nhằm tránh đóng thuế thu nhập.
"Số tiền trốn thuế mới lên tới 649 triệu đồng, cho thấy bằng chứng về việc vi phạm Khoản 3, Điều 161 của Bộ Luật Hình sự về Tội Trốn thuế.
"Ông Quân là một luật sư, với kiến thức và nghĩa vụ bảo vệ công lý và luật pháp, làm việc trong lĩnh vực đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng việc ông dùng những xảo thuật lừa đảo tinh vi để lừa dối cơ quan thuế đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp và đạo đức kinh doanh."

Lá thư trả lời Liên Hiệp Quốc cũng nói về vấn đề tiếp cận ông Quân trong thời gian giam giữ.
"Liên quan tới việc gia đình thăm viếng và tiếp tế..., trong giai đoạn điều tra, gia đình không đề nghị vào thăm. Ngoài giai đoạn này, vợ và em ông Quân gặp ông hàng tháng với đồ tiếp tế với chế độ như những người bị giam giữ khác theo quy định của Trung tâm.
"Lúc mới bị tạm giam, ông Quân từ chối các bữa ăn của Trung tâm nhưng vẫn dùng đồ của gia đình. Bởi vậy thông tin nói rằng ông Quân tuyệt thực trong 15 ngày và rằng 'ông Quân sụt cân vì tuyệt thực', và 'tình trạng sức khỏe của ông hiện không rõ ràng nhưng gây lo ngại sâu sắc' là vô căn cứ."
Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Phạm tội trốn thuế với số tiền từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
"Chúng tôi tái khẳng định rằng việc bắt, giam giữ và điều tra ông Lê Quốc Quân được thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục mà luật pháp Vệt Nam quy định cũng như các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế.

Bình luận về trả lời của chính phủ Việt Nam, nhóm Media Legal Defence Initiative nói ông Quân “bị bắt và giam giữ vì thực hiện quyền tự do thể hiện ý kiến và ngôn luận, quyền tự do lập hội và quyền tham gia vào việc điều hành việc công”.
Về tội “trốn thuế”, nhóm này nói: “Nếu không có bất cứ chứng cứ rõ ràng giải thích cho những cáo buộc về việc trốn thuế của ông Quân, thì những tuyên bố của chính phủ không đáng tin, cũng chẳng thể làm mất uy tín của sự biện hộ của những tổ chức ký tên cho rằng những cáo buộc thế này thường được chính phủ Việt Nam sử dụng để bịt miệng những lời chỉ trích.”
Nhóm này cũng cho rằng quyền được xét xử công bằng của ông Quân đã “không được tôn trọng trong suốt thời gian ông bị giam giữ”.
“Trái ngược với những gì chính phủ Việt Nam cam đoan trong bình luận của họ, gia đình ông và luật sư của ông đã liên tục gửi yêu cầu được gặp mặt ông Quân tại nơi bị giam giữ.”
"Những yêu cầu này luôn bị từ chối…Tất cả mọi yêu cầu gặp mặt từ phía luật sư của ông Quân cũng bị từ chối cho đến khi cuối cùng ông được phép cho gặp mặt thân chủ trong một cuộc thẩm vấn vào tháng 3/2013.”

Vụ án Lê Quốc Quân đã được UNWGAD thảo luận tại phiên họp hôm 30/8, và dự kiến nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc sẽ công bố ý kiến của họ sau mấy tháng nữa.
Theo lịch trình, UNWGAD đầu tiên sẽ gửi ý kiến của họ cho chính phủ Việt Nam và sau đó gửi cho Media Legal Defence Initiative.
Sau khi các bên đã có phản hồi, UNWGAD sẽ công bố chính thức ý kiến của họ về vụ án



No comments:

Post a Comment

View My Stats