Nguyễn Hồng Hải
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
Thứ Ba, 15/10/2013
Văn hóa chính trị Việt Nam đang
chuyển biến dần từ toàn trị sang đa nguyên đa đảng (pluralism). Tại sao vậy?
Bởi vì xã hội dân sự độc lập và ngày càng phát triển đang thách thức công khai
sự cai trị của Đảng CSVN.
Ví dụ sinh động nhất là bản
kiến nghị được ký bởi Nhóm
72, một phong trào của những nhân sĩ, trí thức, đảng viên và quan
chức cao cấp đã về hưu được nhiều người biết đến trên cả nước. Vào đầu năm
2013, Nhóm 72 đã gửi bản nháp Hiến Pháp do họ tự thảo với tư tưởng phương Tây
tới Quốc hội Việt Nam, yêu cầu một hệ thống bầu cử đa đảng và không loại trừ,
và đòi hỏi Việt Nam chuyển đổi từ độc đảng sang dân chủ. Sau hoạt động của Nhóm
72, các kiến nghị và các phong trào khác đã nổ ra khiến nhà cầm quyền phải tăng
cường kiểm soát và đàn áp.
Các phong trào gần đây bao gồm,
ví dụ, Tuyên
Bố của Các Công Dân Tự Do, Tuyên
Bố 258, bởi một nhóm các blogger; và gần đây nhất là một
lá thư ngỏ được viết và truyền bá trên mạng Internet bởi một cựu
đảng viên Đảng CSVN kêu gọi thành lập một đảng chính trị mới để cạnh tranh với
Đảng CSVN.
Và giờ đây đã có một sự lựa
chọn rõ ràng về phương tiện truyền thông, giữa các lý thuyết gia và tuyên
truyền viên của Đảng CSVN, những người sử dụng hệ thống truyền thông do nhà
nước quản lý, và các thành viên của xã hội dân sự, những người viết trên các hệ
thống mạng xã hội.
Và các thành viên của xã hội
dân sự đã có những thành công. Vào tháng Năm 2013, một nhóm gồm 20 tổ chức đã
thuyết phục được Quốc hội Việt Nam - nơi vẫn hoạt động dưới chỉ đạo của Đảng
CSVN - để tạm
hoãn thông qua một bản dự thảo luật đất đai bằng cách đệ trình
những khuyến nghị độc lập dựa trên tham vấn cộng đồng.
Nhiều thành viên bất đồng chính
kiến của xã hội dân sự là đảng viên Đảng CSVN và đã từng là các quan chức trong
chính quyền. Những người này cất tiếng nói vì họ quá tức giận với sự suy sụp
của Việt Nam. Đã gần 70 năm trôi qua kể từ khi Đảng CSVN nắm quyền ở miền Bắc,
và 38 năm kể từ khi họ kiểm soát được toàn bộ đất nước, chưa bao giờ quyền lực
và tính chính danh của họ bị thách thức như hiện nay.
Lý do đơn giản là vì Đảng đã thất bại trong con mắt của
người dân.
Thứ nhất, mặc dù Hiến Pháp Việt Nam quy định về việc trưng cầu dân ý, nhưng điều
này chưa bao giờ được thực hiện tại đây. Thay vào đó, Đảng đã nắm quyền kiểm
soát Hiến Pháp. Nhóm
72 và các tổ chức xã hội dân sự khác gần đây đã thực hiện một chiến
dịch lâu dài, tốn kém và được nhiều người biết đến để thu thập ý kiến của công
chúng về bản dự thảo hiến pháp. Và Đảng CSVN đã lờ họ đi.
Thứ nhì, tham nhũng đang tràn lan, nhưng nó không được giải quyết một cách hiệu
quả vì nhiều lý do, trong đó bao gồm cả một nền tư pháp lệ thuộc vào Đảng CSVN.
Chính phủ được xây dựng trên nền tảng quan hệ móc nối trong - ngoài.
Thứ ba, nhà cầm quyền tùy tiện cưỡng chế người dân di dời khỏi mảnh đất của mình
cho những dự án xây dựng, mặc dù nông dân chiếm tới 80% dân số và là người ủng
hộ nhiệt tình cho Đảng CSVN. Vấn đề này là kết quả của những điều luật không
đúng chuẩn mực và mơ hồ. Đất đai được sở hữu bởi cá nhân, nhưng được điều hành
bởi chính quyền.
Thêm vào đó, quyền con người và các quyền tự do bị xâm
phạm, bao gồm cả quyền được biểu
tình phản đối hành vi gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông.
Thứ năm, kinh tế đang ở ngưỡng nguy hiểm, có xu hướng trượt sâu vào trì trệ.
Tất cả những vấn đề trên đều là
vấn đề của thể chế, như các nhà hoạt động xã hội dân sự đã chỉ ra. Hiệu suất
của lực lượng lao động bị cản trở vì sự sáng tạo và tự do bị cấm đoán. Chỉ khi
nhà nước độc đảng chuyển thành một xã hội dân chủ đa nguyên thì quốc gia mới có
thể thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và chính trị.
Nghiên
cứu so sánh về thay đổi thể chế - từ cộng sản sang dân chủ - ở các nước Trung và
Đông Âu cho thấy xã hội dân sự có thể là lực lượng thúc đẩy thay đổi. Xã hội
dân sự ở Trung Âu đã trải qua 4 bước phát triển: phòng thủ, nổi lên, huy động
lực lượng và thể chế hóa. Trong hai bước đầu tiên (phòng thủ và nổi lên) các cá
nhân, các nhóm độc lập và các phong trào đòi quyền tự chủ và theo đuổi những
mục tiêu bị giới hạn trong một không gian công được nới rộng khi mà nhà nước
độc đảng buộc phải có những nhượng bộ nhất định. Trong bước thứ ba (huy động
lực lượng), các nhóm và cá nhân tìm cách hạ thấp tính chính danh của nhà nước
độc đảng và cung cấp cho công chúng những dạng thức chính quyền thay thế. Trong
giai đoạn thứ tư (thể chế hóa), chúng ta chứng kiến quan hệ hợp tác giữa nhà
nước và xã hội dân sự, khi mà luật pháp được thiết lập để đảm bảo bầu cử tự do.
Những phát triển gần đây ở Việt Nam cho thấy các nhà hoạt động xã hội cũng đang
đi theo 4 bước tương tự.
Sự thành lập của Diễn Đàn Xã Hội
Dân Sự ở Việt Nam ngày 23/9/2013 cho
thấy xã hội dân sự Việt Nam bắt đầu 'huy động lực lượng' - bước thứ ba trong
quá trình phát triển của nó. Diễn đàn này là sản phẩm của một Tuyên Ngôn gọi là
"TUYÊN
BỐ Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị", được ký bởi một
nhóm 130 công dân Việt Nam. Diễn đàn được đặt ra như một nơi 'trao đổi và tập
hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn
trị sang dân chủ một cách ôn hòa'. Việc Đảng CSVN trả lời sao trước sáng kiến
này sẽ là dấu hiệu cho thấy thái độ của nó trước văn hóa chính trị thay đổi ở
Việt Nam.
Việc thành lập Diễn đàn Xã hội
Dân sự có thể là bước đầu tiên để tiến tới sự thay đổi thể chế. Nó cũng có thể
chỉ là một lời sáo rỗng mà không đem lại thay đổi đáng kể nào. Nhưng nếu không
phải nó, thì một tổ chức khác sẽ là chất xúc tác. Xã hội dân sự Việt Nam đang
thay đổi chính trị ở quốc gia này.
Nguyễn Hồng Hải là nghiên cứu
sinh tại Trường Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc Tế, Đại học Queensland.
No comments:
Post a Comment