Monday, 14 October 2013

VÕ NGUYÊN GIÁP - BÀI TOÁN SỬ LỚN CÒN ĐỂ LẠI (Phan Châu Thành - Dân Luận)




Phan Châu Thành
Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Ba, 15/10/2013

Sau những ngày quốc tang bất đắc dĩ (đối với những người tổ chức) dành cho vị tướng tài ba của VN, chúng ta thấy rõ một điều: Chính quyền này sợ người đã chết hơn nể người còn sống một cách cũng hèn hạ như nhau. Chính quyền này làm việc gì cũng đê hèn thế, kể cả việc nghĩa tử là nghĩa tận! Cũng ông tướng đó, khi còn sống chính quyền không hề tôn trọng, thậm chí luôn đồng thanh công khai sỉ nhục ông, phủ nhận tài năng và công lao của ông, phớt lờ như ông không tồn tại suốt gần nửa thế kỷ liền. Khi ông ra đi, họ định làm lễ tang cấp nhà nước vì phải “theo chức vụ cao nhất của ông”, rồi thấy nhân dân tự động đến viếng ông đông như viếng Cụ Phan Chu Trinh ngày xưa dưới thời Pháp, người ta sợ (dân nổi dậy?) quá đổi thành quốc tang, chỉ để kiểm soát tình cảm và nỗi đau của dân. Nhưng với entry này tôi không muốn nói về bè lũ đê hèn đó.
Tôi cũng sẽ không ca ngợi ông Giáp lên thành thánh tướng như cả triệu người đang lên đồng tập thể. Việc đó tôi không thể làm.

Nhưng tôi, một người Việt thế hệ sau, vẫn có rất nhiều câu hỏi lớn về ông, dù tôi luôn cố gắng tìm câu trả lời cho mình trong cả ngàn vạn bài viết, nguồn tin về ông. Tất nhiên, không chỉ bây giờ khi ông ra đi tôi mới quan tâm đến ông, mà đây chỉ là dịp để tôi nhìn lại. Tôi gần hơn với những cách nhìn của ông Bùi Tín, Đinh Tấn Lực… và thấy thương cảm những người coi ông là thánh nhân vì sự khủng hoảng và bám víu thần tượng của họ. Âu đó cũng là bi kịch của cả dân tộc này ngày nay: thiếu người tốt minh bạch để tin thờ, quá nhiều kẻ “tốt” nhờ không minh bạch của hệ thống cai trị này để thờ… Tôi đặc biệt có thiện cảm với sự im lặng đáng trân trọng của những người Việt “bên thua cuộc”.

Tôi muốn có một cái nhìn khách quan, không cảm tính, không bầy đàn, và cùng không (hay cố gắng ít nhất) bị ảnh hưởng bởi xuất thân (tôi là con một người đã là quân của ông từ 1949 đến 1954, còn ông nội ông ngoại tôi chắc chắn là tham gia phong trào giải phóng dân tộc trước tướng Giáp), bởi môi trường sống hay quan điểm riêng (tôi yêu dân chủ và căm thù cộng sản vì những gì họ đã làm hại cho dân tộc tôi)… Nói tóm lại, tôi muốn có một cái nhìn của một nhà “sử học trong dân” – tôi xin tạm gọi thế, không biết thế có là tham vọng lớn quá không. Nhưng tôi tin sau này Lịch sử và thời gian sẽ có một cái nhìn như thế về Võ Nguyên Giáp.

Việc nhìn lại cuộc đời tướng Giáp dẫn tôi đến rất nhiền câu hỏi không có giải đáp về lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam. Việc trả lời các câu hỏi đó là một công việc khổng lồ mà có lẽ sẽ cần nhiều thời gian và nhiều người tham gia. Vì thế tôi gọi ông Giáp là một bài toán sử mà tôi chưa tìm được lời giải. Muốn giải được nó, phải giải quyết được những định đề và nghi vấn lớn hơn về đảng CSVN và những lãnh tụ của họ, như: Hồ Chí Minh là ai, có phải là Nguyễn Ái Quốc không? Tại sao trong hàng chục hàng trăm người cộng sản có công hoặc/và tiền bối hơn Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, chỉ có hai người này (hai anh em cọc chèo?) còn sống qua thời gian ngắn khoảng trên dưới chục năm (1936-1945) và hưởng trọn thành quả (quyền lực và danh tiếng) về chính trị và quân sự của cả cuộc cách mạng giải phóng dân tộc???

Nhìn lại cuộc đời tướng Giáp, bỏ qua khoảng 16 năm niên thiếu, có thể chia thành bốn giai đoạn với những đặc điểm khác biệt rõ ràng, như sau:

Giai đoạn I: Từ 1927 đến 1940: đây là giai đoạn hoạt động hay không hoạt động phi cộng sản (chưa tham gia cộng sản) của ông Giáp, trong đó có tới 6 năm (1931-1937) đi học luật tại trường Albert Sarraut của Pháp và một năm làm giáo vụ (không phải dạy sử) tại tư thục Thăng Long. Có hai câu hỏi nhỏ về ông trong thời gian này: Đây là giai đoạn ông tiếp xúc (1931) và lấy bà Minh Thái là cộng sản nòi (em bà Minh Khai) nhưng lại không tham gia cộng sản? Đây là giai đoạn mà tuyệt đại đa số lãnh tụ cộng sản đã tham gia cộng sản và thành lãnh tụ, vậy thực chất ông làm gì và thiên hướng của ông là gì? Làm giáo vụ thì phải phối hợp với phòng nhì Pháp để quản lý giáo viên và học sinh qua giáo trình giảng dạy. Tại sao ông Giáp phải khai gian điều này trong lý lịch?

Giai đoạn II: Từ tháng 5/1940 đến tháng 5/1954: đây là giai đoạn đầy bí ẩn và khó lý giải nhất trong cuộc đời tướng Giáp. Từ một trí thức Tây vừa tham gia đảng cộng sản đã được giao chỉ huy quân đội, bộ trưởng Nội vụ và Tổng tư lệnh quân đội, cướp cả quân và công của hàng chục tướng lĩnh dày dạn và giỏi chiến trận hơn như Chu Văn Tấn, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Bình, Lương Văn Tri… và điều lạ lùng nhất là tất cả các tướng lĩnh đó – hơn một chục người! đều không may mắn và lần lượt chết hết trong thời gian ngắn từ 1941 đến 1944 để dọn chỗ cho ông Hồ giao cho ông Giáp cầm quân. Cũng trong giai đoạn I và II này, tất cả các đối thủ tranh chấp quyền lực chính trị trong đảng của sư phụ ông Giáp là ông Hồ cũng lần lượt bị Pháp bắt và giết hết. Đó là các tổng bí thư chính thức của đảng CSĐD (được Quốc tế 3 bổ nhiệm hay công nhận) là: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Hoàng Văn Thụ, Ngô Gia Tự, Nguyến văn Cừ và các lãnh tụ nổi tiếng khác như Nguyến Đức Cảnh, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn thị Minh Khai, Nguyến An Ninh…

Điểm chung của tất cả những lãnh tụ cộng sản đó là đều không phục và không theo, không làm việc với và không biết đến Hồ Chí Minh là ai (đa số biết Nguyễn Ái Quốc là ai), còn tất cả các tướng lĩnh tử trận bí hiểm và bất ngờ đều không phục và không chịu theo dưới quyền ông Giáp? Còn những người theo ông Hồ là Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng… thì đều nhu nhược và ngộ nhận Hồ là Nguyễn Ái Quốc?

Lịch sử quá ưu ái ông Hồ và ông Giáp chăng? Hay có một bàn tay vô hình (mang tên Hoa nam chẳng hạn) luôn tính trước đi sau cho từng bước đi của hai ông? “Bàn tay” này, chúng ta sẽ thấy còn đi theo ông Hồ và ông Giáp đến cả sau khi hai ông đã ra đi. Đây là câu hỏi bí ẩn lớn nhất của lịch sử về cuộc đời ông Giáp (và cả ông Hồ) mà tương lai sẽ trả lại cho chúng ta sự thật.

Giai đoạn III: từ t5/1954 đến 1976: Đây là giai đoạn huy hoàng may mắn của tướng Giáp, ông đã thể hiện tài năng quân sự của mình, lóe sáng trong một trận chiến Điện Biên Phủ và có thể một phần chiến dịch Hồ Chí Minh. Có nhiều người nói ông ăn may, vì đây là công của toàn quân và toàn dân Việt nam sau hàng trăm năm bị nén (Điện Biên Phủ) và của Trung Quốc và Liên Xô (đổ vũ khí để Việt Nam đánh Pháp rồi Mỹ cho họ). Ông ăn may vì khi đó thế của các nước cộng sản mới nổi lên làm cả thế giới thứ ba hướng theo (trước khi biết là bé cái nhầm), nên “thế giới ngưỡng mộ ông”.

Tôi không phải chuyên gia quân sự để đánh giá tài năng của ông Giáp, nhưng tôi biết người Việt bấy nay háo danh, khát thần tượng, mê anh hùng, sĩ diện hão và ưa giả dối như thế nào. Nếu có ai đó vô hình và khổng lồ (như Hoa nam và cả bộ máy đảng CS cầm quyền Việt Nam và Trung Quốc) có ý thức muốn dựng nên các “anh hùng dân tộc” hay “thiên tài quân sự” để người Việt tự sướng rồi dắt mũi họ chết thay mình thì người Việt đúng là vật liệu dễ dàng nhất để nặn nên những bù nhìn anh hùng và đám đông cuồng si nhiều thế hệ như thế. Những kẻ đằng sau làm việc đó vì họ cần những con bù nhìn đó, nhưng chính vì họ đã làm thế nên họ cũng khinh những con bù nhìn đó. Chỉ những con bù nhìn thì lại tin mình là vĩ đại (và ngu dân cũng thế), hoặc luôn tự biết mình rất đáng khinh nhưng vẫn rất thích mình là “vĩ đại”. Họ đâu có lối thóat nào? Có lẽ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là như thế. Nếu hơn thế nữa, thì Hồ Chí Minh không phải người Việt, không phải Nguyễn Ái Quốc. Điều này cũng rất hợp lý bởi người Tàu suốt trên 4 nghìn năm luôn muốn đồng hóa người Việt, và người Tàu cũng nổi tiếng với nghệ thuật buôn vua bán chúa. Đó là cách chinh phục cả quốc gia khác không mất viên đạn nào mà người Tàu khoái nhất, và công cụ đó có thể là Hồ Chí Minh?

Để hiều giai đoạn này của cuộc đời tướng Giáp lại phải hiểu bản chất Hồ Chí Minh và đảng CSVN từ hai giai đoạn trước của đời ông. Tại sao Hồ Chí Minh ưu ái Võ Nguyên Giáp như vậy trước cả khi ông lập công đầu và duy nhất Điện Biên Phủ?

Giai đoạn IV: Từ 1976 đến 2013: Chỉ cần một trong ba chữ để khắc họa ông: Nhẫn (nếu bạn tôn thờ ông), Nhục (nếu bạn thương hại ông) và Hèn (nếu bạn không ưa ông). Và cả ba chữ đều đúng với ông. Để hiểu 37 năm cuối đời ông Giáp, để trả lời tại ông phải sống như thế cuối đời, chúng ta phải hiểu thực sự ông đã làm gì trong những năm đầu sự nghiệp (28 năm của giai đoạn I và II, từ 1927 đến 1954). Người ta bắt đầu ra sao thì kết thúc như vậy?

Nhưng chúng ta không biết rõ điều đó, như phần lớn lịch sử đảng CSVN và tiểu sử của các lãnh tụ của họ. Tôi muốn nói là sự thực về họ, không phải những cái họ viết ra muốn chúng ta tin. Việc này cần thời gian và công sức của tất cả những ai muốn điều tốt đẹp cho dân tộc, góp vào.
Tại sao tôi nói thế? Bởi vì sự thật lịch sử sẽ góp phần trả lại vị trí đúng và xứng đáng cho dân tộc Việt nam. Hiện nay, đó vẫn còn là bài toán sử hóc búa nhất mà dân tộc ta đang phải đương đầu. Chỉ cần minh bạch lịch sử là chế độ này có thể nhanh chóng đi đến sụp đổ. Nếu không, nó vẫn “chính danh” bằng họng súng. Như Gorbachov minh bạnh chính sách của đảng CSLX là dẫn đến Liên bang Sô viết sụp đổ. Không dân tộc nào chiụ được sự lừa dối và tội ác với lịch sử.
Bài toán sử Võ Nguyên Giáp có lẽ không cần thiên tài kiểu Ngô Bảo Châu để giải, mà cần thật nhiều người cũng quan tâm để giải nó, nếu chúng ta không cam tâm để số phận dân tộc mãi nằm dưới sự lừa bịp và tội ác cộng sản, phải không các bạn?

Còn tướng Giáp, có thể lịch sử vẫn sẽ ghi nhận ông là tướng có tài. Nhưng có lẽ quan điểm về cuộc đời ông sẽ còn bị chia rẽ như lòng dân trên đất nước mà ông cùng sư phụ và đồng đội để lại hôm nay. Vì tướng tài của một nước không đồng nghĩa là người có công với dân tộc đó.

Sài Gòn, 14/10/2013
Phan Châu Thành
___________________________________________

Dân Luận xin bổ sung thêm status trên FB của Phan Nguyên Trường:

Người ta nói: Cái quan nghị luận. Bây giờ ông Võ Nguyên Giáp đã mồ yên mả đẹp rồi, có nghị luận ngang dọc thế nào ông cũng chẳng bận tâm, nhưng mỗ nghĩ nghị luận là để rút ra bài học cho chúng ta và cho hậu thế. Nếu các bạn đồng ý như thế thì mỗ đề nghị mỗi người chúng ta cùng suy nghĩ ba vấn đề sau đây:

1. Ông Võ Nguyên Giáp có biết những người như Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Đình Huỳnh… và nhiều người khác nữa là bị oan hay không? Nếu biết thì vì sao ông không lên tiếng? Biết người ngay bị oan mà không lên tiếng thì có phải là người Nhân hay không?

2. Ông Võ Nguyên Giáp có biết giá trị của chế độ dân chủ pháp quyền (các nhà trí thức châu Âu và những vị khai quốc công thần Mĩ đã biết cách đây 2-3 thế kỉ) hay không? Nếu không biết thì có thể gọi là người Trí hay không?

3. Ông Võ Nguyên Giáp có biết những cộng sự gần gũi với mình như Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Chu Văn Tấn và nhiều sĩ quan trong Bộ tổng tham mưu bị oan hay không? Khi tay chân của mình bi người ta đối xử bất công mà mình không dám đứng lên bảo vệ thì có phải là người Dũng hay không?

Xin bạn hãy tự trả lời. Viết ra hay không không phải là điều quan trọng. Mỗ nghĩ đây là một bài tập tốt cho trí não.



No comments:

Post a Comment

View My Stats