Thứ tư 02 Tháng Mười 2013
Tòa án thành phố Hà Nội hôm nay 02/10/2013 tuyên án 30
tháng tù giam cùng với 1,2 tỉ tiền phạt, truy thu 600 triệu đồng đối với luật
sư, nhà đấu tranh nhân quyền Lê Quốc Quân với tội danh « trốn thuế ».
Ngay sau khi bản án được tuyên,
nhà báo Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng dành cho RFI Việt ngữ
một cuộc phỏng vấn.
RFI : Thân chào nhà báo Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh
đã dành thì giờ cho RFI Việt ngữ hôm nay. Thưa anh, cảm nhận chung của anh về
bản án đối với luật sư Lê Quốc Quân ra sao ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Một cách công bằng, Lê Quốc Quân đáng ra phải được trả tự do.
Tôi cho rằng ngay trong nội bộ Bộ Chính trị cũng không hẳn thống nhất về quan
điểm mức án. Nhưng cho dù ai đó có yêu cầu “phóng thích” Lê Quốc Quân, phái
“lập trường kiên định” vẫn còn tương đối lấn át.
Nhưng dù sao, một mức án như
thế đối với người con của Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng không phải là quá
nặng nề, so với tất cả những gì mà ngành tư pháp, công an Hà Nội và giới tuyên
giáo đảng từng muốn mặc định về tội danh ở khung hình phạt cao nhất đến 7 năm
đối với một thành viên hoạt động nhiệt thành trong Hội đồng Công lý và Hòa
bình.
Hà Nội hôm nay vang dội lời cầu
nguyện từ nhà thờ Thái Hà và rất nhiều giáo xứ ở Việt Nam cho người tuẫn nạn Lê
Quốc Quân. Cành thiên tuế xanh đơn sơ mộc mạc trên tay các giáo dân vốn là tình
yêu vô điều kiện tiếp nhận từ đấng Thiên Chúa, nhưng vào ngày này, dường như nó
cũng toát lên hình tượng ngọn giáo bất tuân đối với quá nhiều chuyện bất công
trong xã hội ngày nay.
Hình ảnh hiệp thông đồng khắp
như thế cũng khiến người ta phải nhớ lại cuộc biểu tình ở Long An vào ngày
16/08/2013 để đòi trả tự do cho nữ sinh áo trắng Phương Uyên. Dù không phải là
tín đồ Công giáo nhưng Phương Uyên và gia đình cô đã nhận được mối chia sẻ rất
lớn từ giáo hội, đặc biệt là Dòng Chúa cứu thế ở Sài Gòn. Cuộc biểu tình diễn
ra trong không khí bị trấn áp khá thô bạo, nhưng thông điệp của nó rốt cuộc đã
làm cho nhà cầm quyền không thể bỏ ngoài tai.
Nếu Phương Uyên đã được trả tự
do ngay tại tòa Long An, thì việc Lê Quốc Quân không phải chịu một mức án quá
nặng nề tại Hà Nội cũng không phải là một ngoại lệ, nhưng hoàn toàn không phải
một trường hợp được Nhà nước đối xử “khoan hồng”. Rõ ràng người ta đang rất lo ngại Lê Quốc Quân có thể trở
thành một thủ lĩnh nào đó của phong trào dân chủ, nếu được trả tự do ngay vào
thời gian này.
RFI : Trước khi phiên tòa xử Lê Quốc Quân diễn ra, anh
đã dự báo nhiều khả năng bản án sẽ “nhẹ”. Dự báo này dựa vào những cơ sở nào?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Có một điểm trùng hợp giữa vụ Phương Uyên và
vụ Lê Quốc Quân. Đó là thời điểm thông báo về lịch xử án đối với Uyên xảy ra
khá gần với thông tin được công bố về chuyến đi của ông Trương Tấn Sang – chủ
tịch nước và là nhân vật số hai trong đảng – đến Washington để diện kiến Tổng
thống Barak Obama. Khá tương đồng, thời điểm thông báo về lịch xử đối với Lê
Quốc Quân cũng xảy ra gần như đồng thời với thông báo về chuyến đi Paris và New
York của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sự trùng hợp này cho thấy điều
gì? Phải chăng “án treo” đối với Phương Uyên không phải là một ngoại lệ, và đến
lượt “án nhẹ” Lê Quốc Quân cũng như thế? Cả hai vụ xử án này lại đều diễn ra
sau hai chuyến công du nước ngoài của các chính khách cao cấp, và hẳn không nằm
ngoài thực đơn đối ngoại của Nhà nước ứng với từng hoàn cảnh và “đối tượng” cụ
thể.
Một chi tiết đáng chú ý nữa là
thời điểm vụ xử án Lê Quốc Quân lại diễn ra trùng với thời gian Hội nghị trung
ương 8 của Đảng. Cách đây gần ba tháng, đã đột biến xảy ra việc hoãn phiên xử
Lê Quốc Quân vào ngày 09/07/2013 với lý do thẩm phán Lê Thị Hợp bị “cảm đột
xuất”, lồng trong bối cảnh giáo dân từ Nghệ An và tại Hà Nội dâng cao không khí
hiệp thông và đổ về tòa án Hà Nội để mong nguyện tham dự một phiên tòa được coi
là “công khai”. Lẽ dĩ nhiên, chẳng một cấp lãnh đạo nào trong Bộ Chính trị lại
muốn một lần nữa diễn ra tinh thần hiệp thông mà có thể gây ra “nội loạn” như
thế, nhất là khi vụ xung đột Mỹ Yên ở Nghệ An còn chưa nguôi ngoai, làm ảnh
hưởng đến không khí “thảo luận nghiêm túc” của cuộc họp được coi là “hội nghị
giữa nhiệm kỳ” của đảng đang diễn ra mà có thể liên đới với con đường chính trị
của một số chính khách chủ chốt.
Do vậy theo lẽ thông thường,
lịch xử án Lê Quốc Quân phải được dời lại sau khi Hội nghị trung ương 8 kết
thúc. Nhưng vì cả hai sự kiện này cùng diễn ra, người ta có thể đặt câu hỏi là
liệu đã xảy ra một tác động nào, đủ lớn và đủ sâu sắc, trong nội bộ hoặc thậm
chí từ “các thế lực thù địch”, để chính quyền Hà Nội không thể kéo dài hơn nữa
việc hoãn xử Lê Quốc Quân, và do đó bà thẩm phán Lê Thị Hợp cũng mau chóng khỏi
bệnh.
Câu hỏi này càng có ý nghĩa nếu
liên hệ với một hoài nghi khác: chuyến đi Vatican của đoàn Ban Tôn giáo Chính
phủ, được dẫn đầu bởi viên trung tướng an ninh chuyển sang làm tôn giáo vận, đã
đạt được một thành tích đáng ngạc nhiên là các viên chức Tòa Thánh tỏ ra không
mấy quan ngại về vụ Mỹ Yên, thậm chí còn cho rằng nhà nước Việt Nam đã đạt được
những tiến bộ về tự do tôn giáo. Sự chuyển biến bất ngờ này cũng khiến giới
phân tích không thể không đặt ra câu hỏi là liệu giữa Tòa Thánh Vatican và Nhà
nước Việt Nam đã đạt được một vài thỏa thuận không công bố nào đó, liên quan
đến chủ đề tự do tôn giáo cho Việt Nam. Câu hỏi này tất nhiên cũng cần được móc
xích với điều kiện dân chủ và nhân quyền và giới chức thương mại Hoa Kỳ và
chính Tổng thống Obama đang đặt ra đối với Nhà nước Việt Nam, liên quan đến lộ
trình tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – TPP.
Một khi ngay cả Tòa Thánh cũng
bày tỏ thái độ “im lặng” trước những gì bị xem là hoàn toàn không yên tĩnh giữa
mối quan hệ các tôn giáo với chính quyền ở Việt Nam, thì có lẽ sự lắng tiếng
của phái đoàn nhân quyền Cộng đồng châu Âu sau cuộc đối thoại nhân quyền với Hà
Nội vào ngày 11/9/2013 cũng có hàm ý không kém. Việc không có bất kỳ thông tin
nào được tiết lộ từ cuộc hội đàm này cũng có thể làm người ta nhớ lại tâm thế
“xuống giọng” của ông Dan Baer – Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách về nhân
quyền – sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào giữa tháng 4/2013, mặc dù
trước đó Dan Baer là một trong những nhân vật lên tiếng mạnh mẽ nhất phản đối
thái độ và hành xử mang tính đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới
hoạt động dân chủ và nhân quyền tại quốc gia này.
RFI : Trước đó chính quyền đã có những động thái “dân
vận” và tuyên truyền xung quanh phiên tòa, anh có đánh giá ra sao về những hành
động này?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Một trong những động thái đó đến từ thái độ
đưa tin và bình luận của báo chí giới đảng – vốn được xem là nhiệt kế cho quan
điểm và cách hành xử của nhà nước đối với những trường hợp “quá “nhạy cảm” như
Lê Quốc Quân. Một ngày trước khi phiên tòa xử Lê Quốc Quân, Đài truyền hình
trung ương và Thông tấn xã Việt Nam cùng phát đi một bản tin với nội dung gần
sát nhau, lược tả vụ “trốn thuế” của Quân. Tất nhiên, không khó khăn để đánh
giá nội dung bản tin này xuất phát chủ yếu từ cáo trạng của Viện Kiểm sát, và
nguồn của Viện Kiểm sát lại đến từ Công an Hà nội.
Tuy nhiên, nếu so sánh với thái
độ và cách thức đưa tin của một số vụ việc trước đây như vụ xét xử Câu lạc bộ
nhà báo tự do, vụ Đinh Nguyên Kha và Phương Uyên, có thể thấy giọng điệu trong
bản tin của Thông tấn xã Việt Nam về vụ Lê Quốc Quân đã nhẹ nhàng hơn khá
nhiều: không “luận” về tội danh, không định hướng phải “kiên quyết xử lý”, và
mặc dù đoạn cuối có nêu về “núp sau nó là các động cơ chính trị rõ ràng nhằm
can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây phức tạp tình hình để trục
lợi”, nhưng cũng không chỉ rõ thế lực xuyên tạc chính trị nào cả.
Trong khi đó, ngoài hành lang
tòa án lại diễn ra một chiến dịch vận động không tiền khoáng hậu của các tổ
chức chính trị - xã hội của nhà nước để làm sao hạn chế đến mức tối thiểu số
người muốn tham dự phiên tòa “công khai và minh bạch”. Không khí ngăn trở quá
lộ liễu và rất hài hước như thế cũng làm người ta không thể không nhớ lại những
cuộc vận động tương tự đã xảy ra vào giữa năm 2011 để ngăn cản người dân đi
biểu tình chống Trung Quốc. Vậy sự tương hợp về cách thức ngăn cản này cho thấy
cái gì?
Ít nhất, nhà cầm quyền đã nhận
thức ra một điểm chung giữa hai hành động chống Trung Quốc và vụ Lê Quốc Quân
là tính chính danh thuộc về dân chúng chứ không phải của những người xử án. Từ
đó có thể thấy, nếu đã buộc phải phần nào chấp nhận các cuộc biểu tình chống
Trung Quốc của dân chúng, lẽ nào hành động chính trị của Lê Quốc Quân, trong đó
chủ yếu là phản kháng Trung Quốc, lại không được nhà nước “bỏ qua”?
RFI : Từ bản án của Lê Quốc Quân, theo anh xu hướng
chính trị ở Việt Nam có thể diễn biến như thế nào?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Nhìn tổng quan, hiện thời Nhà nước Việt Nam đang nằm trong hệ trục tay ba
cùng với người Mỹ và Bắc Kinh. Không chỉ với Phương Uyên, bất kỳ mức án nặng nề
nào đối với Lê Quốc Quân đều phơi bày tính phi logic trong mối tương quan với
thực đơn chính trị đối ngoại ở Việt Nam trong giai đoạn hết sức “nhạy cảm” hiện
thời.
Trong hệ trục tay ba đó, một
bản án được coi là “nhẹ” đối với Lê Quốc Quân sẽ vẫn giữ phần nào thể diện, hay
còn gọi là “sĩ diện”, cho chính thể. Cùng lúc, Bắc Kinh vẫn tạm hài lòng vì dù
sao vẫn có án, còn các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ở nửa kia thế giới
cũng có thể tạm thỏa mãn, nhưng chỉ là tạm thôi, với những cố gắng vận động
không mệt mỏi trước đó của họ.
Còn kết quả cuối cùng thuộc về nội lực. Không thể nói khác hơn, hai cuộc
biểu tình ở Long An và tháng 8/2013 và tại Hà Nội vào ngày hôm nay đã chứng
thực cho hiệu ứng “trong ra – ngoài vào”: trách nhiệm bảo vệ những thành viên
và người thân chính là một hành động cần phải có của hoạt động dân sự và các
phong trào dân sự đang khởi phát ở Việt Nam, tạo ra hiệu ứng tác động đối với
quốc tế, để đến lượt mình, cộng đồng quốc tế lại có thể làm cho Hà Nội bớt “cảm
mạo”, khiến Nhà nước Việt Nam phải xem xét lại những bất công do họ gây ra đối
với điều được coi là “tự do tôn giáo” và hàng loạt nhu cầu chính trị - xã hội
khác.
Thêm một lần nữa hoạt động dân
chủ chính trị và tôn giáo ở Việt Nam tiếp nhận được tín hiệu chuyển hóa –
chuyển hóa từ ngoài vào và có thể cả từ trong nội bộ Đảng. Tín hiệu đó, dù nhỏ,
nhưng cho thấy không chỉ một số nhân vật “tù nhân lương tâm” sẽ có cơ hội dần
thoát khỏi bốn bức tường đen đúa trong thời gian tới, mà rất nhiều bức bối xã
hội khác như dân oan đất đai, nạn nhân môi trường, nạn nhân bị công an bạo
hành… nếu được liên kết, thống nhất và được tổ chức tốt, đều có thể cất lên
tiếng nói xứng đáng và đích đáng trong một xã hội dân sự đang hình thành và
hướng đến việc phản biện mạnh mẽ đối với một số chính sách, cách điều hành bất
hợp lý và bất công của chính thể cầm quyền.
Đường còn dài. Dù Lê Quốc Quân
chưa được tự do, nhưng ít nhất lộ trình dân chủ ở Việt Nam đang được rút ngắn.
RFI : Có những ý kiến so sánh với các vụ án trốn thuế
khác, chẳng hạn vụ xử ngày 26/9, tức là chỉ cách đây vài ngày, một « đại gia »
ở Bắc Ninh trốn thuế 11 tỉ đồng nhưng chỉ bị tù treo. Theo anh thì bản án vừa
rồi có mâu thuẫn với lộ trình dân chủ ở Việt Nam hay không ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Ở Việt Nam luôn luôn có sự mất công bằng như
thế. Trong rất nhiều vụ án kinh tế tôi đã nghe, có rất nhiều án treo, và thậm
chí có những trường hợp vi phạm, trốn thuế tới mức có thể xử chung thân thậm
chí cao hơn nữa, nhưng không biết người ta chạy chọt làm sao, cuối cùng cũng
chỉ nhận mức án treo.
Nhưng trường hợp Lê Quốc Quân
thì lại khác hoàn toàn, nằm ở bản chất có thể nói là vấn đề chính trị của nó.
Nếu không vì vấn đề chính trị thì trường hợp Lê Quốc Quân « trốn thuế » rất dễ
dàng nhận một bản án – tôi không nghĩ là án treo nữa, mà có thể thậm chí là tại
ngoại ngay. Nhưng trường hợp chính trị thì lại khác, và trước đó tôi đã nghe
những thông tin thực ra vấn đề của Lê Quốc Quân có thể lên tới 5 năm. Năm năm
tù giam chứ không phải là ít.
Còn trong trường hợp này thì
Viện Kiểm sát đề nghị từ 24 tới 30 tháng tù giam. Đề nghị này làm tôi nhớ đến
vụ xử sơ thẩm Đoàn Văn Vươn tháng 4/2013, thì trước đó cũng có những thông tin
là với tội danh chống thi hành công vụ và có vũ khí như vậy là tội trạng rất
nguy hiểm, án có thể lên tới từ 15- 20 năm. Rất nặng ! Thậm chí có thể cao hơn
– chung thân hoặc tử hình.
Nhưng sau đó dưới áp lực mạnh
mẽ của dư luận và cả cộng đồng quốc tế nữa, thì mức án của anh Vươn đã giảm
xuống chỉ còn có 5 năm thôi. Nhiều người không hài lòng, cho điều đó là bất
công đối với Đoàn Văn Vươn. Nhưng theo tôi thì chúng ta đang sống ở Việt Nam,
và Việt Nam đang có nhiều bất công. Ở đây đòi hỏi một sự công bằng là điều quá
xa xỉ.
Do vậy, đối với những trường
hợp như Đoàn Văn Vươn, chỉ về đất đai mà lãnh án 5 năm, còn trường hợp Lê Quốc
Quân thiên về chính trị, có màu sắc chính trị, mà nhận mức án như thế, theo tôi
là trong hoàn cảnh này có thể tạm chấp nhận được. Vì đường còn dài, và trước
mắt vẫn còn phiên tòa phúc thẩm.
Chúng ta hãy nhớ lại, trong
phiên tòa sơ thẩm xử Nguyễn Phương Uyên đã bị xử 6 năm. Cay đắng ! Không thể
tin nổi có một mức án như thế. Nhưng đến phiên phúc thẩm thì gần như trắng án
và được trả tự do ngay tại tòa. Cho nên chúng ta cũng nên nhìn vào đó để hy
vọng cho trường hợp Lê Quốc Quân - có nghĩa là công bằng sẽ được lặp lại. Nhưng
công bằng chỉ được lặp lại với điều kiện đấu tranh của không chỉ những người
Công giáo, và cả cộng đồng nhân dân chung quanh nữa.
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng.
-----------------------------------
Thứ tư 02 Tháng Mười 2013
Tòa án thành phố Hà Nội hôm nay 02/10/2013 tuyên án 30
tháng tù giam đối với luật sư Lê Quốc Quân, nhà ly khai và blogger nổi tiếng,
trong một phiên tòa kéo dài vài tiếng đồng hồ về tội « trốn thuế », nhưng bị tố
cáo là một vụ án chính trị, theo như ghi nhận của AFP. Hàng trăm người biểu
tình đòi trả tự do cho ông. Luật sư Lê Quốc Quân ngay sau đó đã phản đối bản
án.
Chủ tòa phiên tòa, bà Lê Thị
Hợp, tuyên bố ông Lê Quốc Quân phạm tội « trốn thuế ». Ngoài bản án tù, ông còn
bị phạt số tiền tương đương 59.000 đô la. Theo cáo trạng, vị luật sư 42 tuổi bị
buộc tội đã tìm cách trốn thuế 20.000 đô la cho công ty mà ông đã thành lập vào
năm 2001.
Hàng mấy trăm người biểu tình
đòi trả tự do cho nhà ly khai này đã bị ngăn cản không cho tham dự phiên tòa.
AFP ghi nhận, đông đảo người ủng hộ, với các biểu ngữ như « Tự do cho Lê Quốc
Quân » đã bị hàng rào an ninh dày đặc ngăn chận tại các nẻo đường, trong không
khí căng thẳng.
Một số nhà báo trong đó có
phóng viên AFP được phép vào tòa án để theo dõi phiên xử trên màn hình ở phòng
bên cạnh, mà âm thanh có thể bị cắt khi có những lời tuyên bố nhạy cảm. Ngược
lại, phóng viên AFP bị công an mặc thường phục buộc phải rời đám đông biểu
tình. Nhiều người ủng hộ luật sư Lê Quốc Quân cho biết họ bị ngăn cản không cho
ra khỏi nhà để đến tòa án.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human
Rights Watch tố cáo đây là một vụ án chính trị: “Chính quyền Việt Nam tỏ ra quá
lo lắng về vị trí của mình trong xã hội đến mức phản ứng bằng việc tìm cách bịt
miệng và bỏ tù hết nhà bất đồng chính kiến này đến nhà bất đồng chính kiến
khác". HRW kêu gọi trả tự do cho luật sư Lê Quốc Quân. Nhà ly khai người
Công giáo này được nhiều người biết đến với những bài viết trên internet chống
lại những vụ vi phạm nhân quyền, tự do tín ngưỡng và tình trạng độc đảng.
Theo các tổ chức nhân quyền, Việt Nam hiện có hàng trăm tù nhân chính
trị, và kể từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 46 nhà tranh đấu bị bắt giam. Hoa
Kỳ cho rằng có 120 tù chính trị tại Việt Nam. Hà Nội cũng chỉ đứng sau Bắc Kinh
về số blogger bị giam cầm, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới.
Đại sứ quán Hoa Kỳ ra tuyên bố về bản án LS Lê Quốc Quân
Đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra tuyên
bố cho biết « quan ngại sâu sắc » về bản án đối với luật sư nhân quyền và
blogger Lê Quốc Quân. Tuyên bố cho rằng : « Việc kết án này dường như không phù
hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước quốc
tế về các quyền dân sự và chính trị cũng như các cam kết trong Tuyên ngôn Nhân
quyền Quốc tế ». Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam thả các tù
nhân lương tâm và cho phép người dân bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn
hòa.
No comments:
Post a Comment