28/10/2013
Mấy ngày gần đây, báo chí nhà
nước đồng loạt mở cuộc tấn công vào các “nhà ngoại cảm”. Rằng đó là trò lừa
đảo, là mất đạo đức, là thiếu lương tâm… vì đã lợi dụng nỗi đau của thân nhân
những người đã chết để kiếm lợi bất chấp tất cả. Những bài báo lên án mạnh mẽ,
chắc chắn và hùng hồn như chưa bao giờ được kết án. Đoạn video được VTV đưa lên
mạng Internet cho thấy sự nhẫn tâm sự xảo trá đến mức khó ngờ của một “nhà
ngoại cảm” xuất thân từ công an và đã bị đi tù ra. Hiện cả hai vợ chồng nay
hành nghề ngoại cảm. Hoặc những nhà ngoai cảm lâu năm, có tiếng, nay mới phát
hiện là đã tìm hàng trăm ngôi mộ mà xương các liệt sĩ là xương trâu, bò chó lợn
để đưa về thờ tự.
(Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nổi tiếng bởi
báo chí nhà nước và tai tiếng bởi báo chí nhà nước)
Đặc biệt, hệ thống báo chí kết
án say sưa như đó chỉ là lỗi của mấy ông, bà tự xưng là “nhà ngoại cảm” rồi đổ
tất cả mọi tội lỗi, sự nhiếc móc và hậu quả lên đầu họ.
Tôi vốn chẳng tin chuyện ngoại
cảm hoặc bói toán. Tôi cực lực phản đối chuyện làm táng tận lương tâm con người
khi dùng đất đá, xương chó mèo, trâu bò để lừa là xương cốt liệt sĩ để trục
lợi. Quả là mức độ man rợ của con người khó có thể tưởng tượng. Những việc làm
đó cần lên án. Nhưng đổ tất cả lên đầu những người hành nghề “ngoại cảm” như
vậy là sự chưa công bằng và chưa chính xác.
Sản phẩm của Truyền thông nhà nước
Một thời gian dài, báo chí nhà
nước đã đưa tin rầm rộ về việc một số hài cốt liệt sĩ, các thân nhân quan chức
và nhiều người dân nhờ các nhà ngoại cảm đã tìm được và đưa về nơi an táng.
(Các “nhà ngoại cảm” tham gia tìm hiếm Tổng bí
Thư đảng Cộng sản Hà Huy Tập)
Ở đó, người ta mô tả công lao,
sự linh thiêng của những người đã tìm được và không quên những linh ứng, những
thành công của các nhà ngoại cảm. Trên báo chí, truyền hình thường xuyên có các
thông tin, thành công của các “nhà ngoại cảm” là rực rỡ và gây ngạc nhiên. Hàng
ngàn bài báo, trang tin nói về việc tìm được người nọ, tìm ra người kia nhờ
ngoại cảm.
Thậm chí, những người từng là
ông tổ của Cộng sản ở Việt Nam, giữ chức Tổng bí thư như Hà Huy Tập, người mà
khi sống theo chủ nghĩa cộng sản, một chủ thuyết vô thần vô thánh, đạp đổ mọi ý
thức tâm linh. Quan điểm của họ và chuyện thần thánh, ma quỷ, linh hồn như nước
với lửa, có tao không mày. Thế nhưng, báo chí rầm rộ đưa tin: Tìm kiếm họ, lại
phải nhờ tâm linh, thần thánh, ma quỷ, linh hồn. Quả là chuyện… loạn.
Với tư duy người dân Việt Nam
gần 2/3 thế kỷ nay được đổ xuôi một chiều và sự lãnh đạo sáng suốt của đảng,
thì những lời nói kia từ báo chí của đảng có ai dám nghi ngờ, dám chối cãi. Sau
2/3 thế kỷ, niềm tin được phép duy nhất của người dân Việt là Chủ nghĩa Xã hội
tươi đẹp, giờ đây, không chỉ là người dân mà ngay cả Tổng Bí Thư còn mù mờ
rằng: “Đến hết thế kỷ này, không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay
chưa?” thì việc người dân mất niềm tin không có gì là lạ.
(Thủ lĩnh tà đạo Hồ Chí Minh)
Và khi khủng hoảng niềm tin, sẽ
nảy sinh nhiều tà đạo, nhiều mê tín dị đoan. Tà đạo Hồ Chí Minh xuất
hiện trong thời kỳ đó, nơi này hô thần nhập tượng Hồ Chí
Minh, nơi kia thì Thủ tướng đúc tim cho ngựa và Thánh Gióng, Chủ tịch nước
hô Thánh Gióng về trời vui thú điền viên… loạn hết cả lên. Thậm chí, có nơi còn
đưa Hồ Chí Minh vào làm “đồng thành hoàng” của làng.
Và cứ thế, người dân thành một
phong trào tìm người thân, liệt sĩ bằng “ngoại cảm”. Kéo theo đó, hiện tượng
đồng cốt, bói toán, vàng mã, mê tín dị đoan… một thời gian dài bị cấm tiệt nay
có cơ hội nảy nở như nấm sau mưa.
Và cứ thế, người dân bòn rút
bằng ruộng vườn, đất đai, xương máu và mồ hôi nước mắt để cống cho những đám
thực hiện những chiêu “tâm linh” này.
Thế rồi hôm nay, cũng chính báo
đảng đưa tin, đó là trò lừa đảo.
Thế rồi hôm nay, người dân giật
mình hiểu rằng mình là nạn nhân.
Mọi thứ đều bắt đầu và kết thúc
ở truyền thông của nhà nước.
Nỗi đau không hàn miệng
Không có một đất nước nào muốn
có chiến tranh, bởi chiến tranh là bất hạnh, dù đó là cuộc chiến chính nghĩa.
Trong mọi hoàn cảnh, chiến tranh chỉ là giải pháp chẳng đặng đừng và không còn
lối thoát nào khác. Nhưng, với một chính thể được xây dựng bằng bạo lực cách
mạng và tôn thờ học thuyết “bạo lực cách mạng” thì chuyện chiến tranh là điều
khó tránh khỏi.
Trong cuộc chiến vì ý thức hệ
giữa hai miền Bắc và Nam Việt Nam, ngoài hàng triệu người chết thê thảm bởi bom
đạn khắp nơi, thì hàng triệu chiến binh đã bỏ mình trên chiến trường Việt Nam,
Lào và cả Campuchia. Hậu quả cuộc chiến còn dai dẳng chưa biết đến hồi nào chấm
dứt khi mà đến nay vẫn còn hàng trăm ngàn người chưa biết thân xác mục nát ở đâu,
dù chiến tranh đã đi qua hơn 1/3 thế kỷ.
Những người lính là con em nhân
dân không có ngày trở về đã là nỗi đau cho hàng triệu gia đình người dân Việt
Nam. Ngược lại, cơ đồ mà họ đã bỏ mạng để xây đắp nên, hôm nay “bầy sâu tham
nhũng”, là một “bộ phận không nhỏ” phản nước, hại dân đang ngự trị. Còn bản
thân họ, không thể nói gì hơn, đa số nằm vào hoàn cảnh “bỏ mặc” cho gia đình.
Hậu quả của chính sách: thật, giả tùy… tiền
Những trớ trêu, oan khuất của
bản thân các quân nhân và gia đình quân xuất phát từ chính chính sách, chế độ
và thái độ đối với họ. Trước hết, một chế độ chính sách, dựa trên bộ máy quan
liêu, tham nhũng, đục khoét và vô cảm trước nỗi đau của người dân đã tạo nên
những thảm cảnh cho người hi sinh lẫn người sống.
Sâu xa hơn, chính bản chất chế
độ vô thần, tôn thờ vật chất đã đẩy nhiều người hành động bất chấp tất cả mọi
băn khoăn, day dứt của lương tâm trước tội ác. Dù đảng, nhà nước cộng sản luôn
hô hào “đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước, nhớ nguồn” và muôn vàn lời hay ý đẹp
khác nữa. Nhưng, những gì họ tạo ra cho các quân nhân và gia đình quân nhân
hiện nay, còn tiếp tục gây nên những nhức nhối, những nỗi đau càng lâu càng
mưng mủ, càng ung thối trên cơ thể thân nhân của họ.
Cần phải khẳng định ngay rằng:
Việc nhà nước đưa con em nhân dân đi ra trận, thì họ có nghĩa vụ đưa trở về trả
lại cho nhân dân. Trường hợp sống, chết, thương tật thì vẫn phải đầy đủ thông
tin cho họ. Nhân dân không thể đi theo con mình để giữ gìn hoặc theo dõi.
Nhưng, thực tế, nhà nước chỉ làm tốt một phần: Đưa đi.
Chiến tranh ác liệt, nhà nước
động viên, bắt bớ bằng đủ mọi loại hình thức để ra trận nhưng khi họ tử trận,
trách nhiệm của nhà nước đến đâu? Những liệt sĩ đã bỏ mình ngoài mặt trận không
có tin tức, thậm chí chỉ có một dòng tin hết sức mơ hồ, đánh đố người thân rằng:
“Hi sinh tại mặt trận Phía Nam”, hoặc “đã an táng tại nghĩa trang đơn
vị”. Rồi với những thông tin đó, gia đình tự đi tìm người thân của mình,
tùy theo khả năng và hoàn cảnh. Nhưng, nhà nước không động tĩnh gì thì gia đình
có cách nào để có thể biết người thân mình đang ở đâu? Có lẽ mò kim đáy biển
còn dễ hơn tìm người thân tại “Mặt trận Phía Nam”.
Gia đình vợ tôi, có hai chú là
Liệt sĩ thời đánh Mỹ, đến nay vẫn không biết đang lưu lạc phương nào, thân xác
không thể trở lại quê hương. Hàng năm, cứ hết ngày tết, rằm lại đến ngày thương
binh liệt sĩ, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa… nhưng tin tức của hai chú
thì ngày càng mù mịt theo thời gian. Nhà nước không để ý, người nhà không có
thông tin và khả năng. Điều duy nhất còn lại, là hai tấm hình vẽ lại, mờ ảo
lạnh lẽo nhìn sự bạc bẽo của cuộc đời, sự tráo trở của con người.
(Thương binh giả lộng hành ở Hà Nội)
Hài hước thay trong khi có hàng
ngàn thương binh giả được công nhận, ngang nhiên lấy tiền dân hàng ngày, hàng
tháng và được ưu tiên đủ mọi mặt. Mới đây, đã phát hiện trên 7.000
trường hợp thương binh giả. (Phần lớn thì đây là những người đã từng chạy trốn nghĩa vụ, đẩy sự hy
sinh cho người khác để sống lành lặn đến hôm nay, thậm chí buôn gian bán lậu có
tiền để mọc ngoặc làm giả thương binh). Thì ngược lại, các liệt sĩ, những người
bỏ xác trong rừng sâu, trên đầm lầy hầu như chẳng ai chú ý đến họ, bỏ mặc nỗi
đau và sự cố gắng vô vọng cho thân nhân.
Thậm chí, không chỉ là người đã
chết để không thể trở về nói với người thân nơi mình đang nằm chứ chưa phải là
công lao, mà ngay cả người đang sống trở về cũng chịu những oan khuất và đày ải
và nhục nhằn không kém. Đơn giản chỉ vì giấy tờ họ không giữ được sau khi đi
qua chiến trận.
Làng tôi, có hai anh em ông
Nguyễn Huy Hồng và ông Nguyễn Huy Hòang. Cả hai anh em đều đã ra trận trở về,
người bệnh tật và cuộc sống muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, hầu như cả hai ông
không hề được bất cứ một chế độ, chính sách nào gọi là có.
(Ông Nguyễn Huy Hoàng hai lần tham gia kháng
chiến nhưng không giữ được giấy tờ nên không có chế độ)
Khi hỏi đến, các ông cho biết
là vì ra trận trở về không còn giữ được giấy tờ do đơn vị cấp trong quá trình
chiến đấu và ra quân nên đành chịu thiệt thòi. Đặc biệt ông Nguyễn Huy Hoàng là
người đã tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, trở về phục vụ tại địa phương
lao động sản xuất, thế rồi lại tiếp tục vác ba lô lên đường đánh Mỹ. Ông đã
từng là sĩ quan khi tham gia chiến dịch Bình Giã. Rồi cuộc sống quá gian nan,
khoảng năm 1981, ông đưa cả gia đình trở lại Bình Giã trong vai trò một kẻ di
cư. Thế rồi chết tại đó không một chế độ gì. Ông đã thắng trong cuộc chiến ở
đó, và thua sau cuộc chiến ở đó.
Hiện ông Hồng vẫn còn sống
trong đau yếu, khổ sở chỉ vì không còn giấy tờ tại quê hương.
Người lính khi ra trận, suốt
ngày đêm lo chinh chiến trở về mang được cái xác đã là may mắn, giờ buộc họ cất
giữ giấy tờ nếu không thì làm người còn khó. Thật sự đó là cách quản lý xã hội
và chính sách đầy mâu thuẫn và ngược với lẽ thường. Chính vì thế, mà nảy sinh
những thói hạch sách, tham nhũng, giả mạo và cửa quyền nhằm kiếm lợi.
Đó là những ví dụ cho việc thực
hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa đang bị lộng giả thành chân tạo nhiều đau đớn
cho các liệt sĩ, thân nhân hiện nay.
Chiến tranh càng lùi xa, thì
nỗi day dứt, băn khoăn của thân nhân người đã mất đối với những người không trở
về càng mãnh liệt và gấp gáp. Những thông tin ngày càng mờ dần. Do vậy nhiều kẻ
cơ hội đã xuất hiện. Những nhà ngoại cảm, những dịch vụ tìm mộ, những trò lừa
đảo táng tận lương tâm đã có thời cơ nở rộ.
Sẽ không có chuyện người dân
phải nôn nao, tự làm và tự mắc bẫy, nếu nhà nước có sự quản lý chặt chẽ, thông
tin đầy đủ về các liệt sĩ, tử sĩ và thân nhân.
Thay vì tập trung chống Diễn
biến hòa bình, nhà nước bỏ tiền làm các trang thông tin, những chương trình phố
biến thông tin về người đã mất để người dân dễ dàng tiếp cận, cung cấp thông
tin và tìm hiểu thông tin về thân nhân.
Thay vì đầu tư hàng loạt những
lễ hội, công trình hình thức tốn kém bằng tổ chức tìm kiếm những người không
trở về một cách rộng rãi, thì chắc sẽ không có hiện tượng người dân phải tự mày
mò và tiền mất tật mang.
Nhưng, nếu làm vậy, thì “lấy
đâu ra cán bộ mà làm việc”?
Hà Nội, ngày 27/10/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment