Thursday, 3 October 2013

TRUNG QUỐC ĐÃ VÀ ĐANG THẮNG NGA Ở TRUNG Á (Nguyễn Hoàng Hà)




12:00:am 02/10/13

Sau việc thấy bàn tay của Trung quốc lấn sân truyền thống của mình, nay Nga đang phải ngồi lại đúc kết sự cay đắng khi thấy Trung quốc đang hất cẳng Nga khỏi khu vực này trước nhất là vấn đề năng lượng. Đặc biệt trong chuyến công du Trung Á gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ là chuyến thăm cấp nhà nước bình thường mà nó là chuyến đi thắng lợi khắp khu vực.

Trung Quốc đã đánh bại Nga trong cuộc đấu nước nào có ưu thế hơn ở Trung Á. Người ta cho rằng đó là cuộc chiến lớn đã diễn ra trong hai thập niên và kết quả được quyết định bằng sai lầm trong chiến lược của Nga và sự tài tình trong chiến lược của Trung Quốc. Chỉ chưa đầy một thập niên trước đây, khi các nước Trung Á mới độc lập tập trung lực vào dầu và khí, Nga vẫn có ảnh hưởng lớn đối với cơ sở hạ tầng năng lượng và thị trường ở khu vực này.

Tuy nhiên, hiện nay, khi các khu mỏ mới bắt đầu đi vào hoạt động, các đường ống dẫn lại hướng sang phía đông – Trung Quốc va dòng dầu đang chẩy về đây sẽ giúp họ trong tương lai thoát khỏi sự quá lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Để nhấn mạnh điều này, khi Chủ tịch Tập Cận Bình công du Trung Á, ông đã thảo luận về nhiều hợp đồng năng lượng, cam kết đầu tư hàng tỷ đô vào khu vực này. Rõ ràng, chuyến công du này cho thấy Trung Quốc là siêu cường kinh tế mới ở khu vực.

Trong thời kỳ Xô viết, các nhà lập pháp Trung Quốc hầu như ngó lơ khu vực rộng lớn, 4 triệu km vuông trải dài từ biển Caspian tới Mông Cô, gọi khái quát là Trung Á.

Thậm chí là khi Liên Xô sụp đổ, người Trung Quốc vẫn tiếp tục không để ý tới khu vực này. Thái độ lơ là này xuất phát từ việc Bắc Kinh có rất ít chuyên gia hiểu biết về Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, 5 quốc gia đã rời khỏi Liên Xô.

Trung Á

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc biết rằng 5 quốc gia mới độc lập ở Trung Á đều là theo đạo Hồi, tất cả đều còn khá nghèo dù sở hữu một tài nguyên năng lượng đáng kể và chính phủ các nước này đều kiểm soát lãnh thổ khá lỏng lẻo.

Bắc Kinh lo sợ rằng các nước cộng hòa Trung Á sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho lực lượng Hồi giáo chính thống phát triển, đe dọa tỉnh Tân Cương của nước này.

Phải đợi mãi tới năm 1997, người ta mới thấy thỏa thuận khai thác các mỏ dầu và khí ở Kazakhstan, nước cộng hòa lớn nhất ở Trung Á, của Trung Quốc mới được ký kết nhưng thực sự mãi tới năm 2000, Trung Quốc mới bắt đầu đầu tư vào Trung Á. Và kể từ đó, Trung Quốc đã bù đắp cho thời gian đã mất, kim ngạch thương mại của Trung Quốc đã tăng từ 1 tỷ USD vào năm 2000 lên tới 30 tỷ USD vào năm 2010.

Nay Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của 4 trong số 5 nước trong vùng (ngoại trừ Uzbekistan). Trong chuyến công du vừa qua của ông Tập Cận Bình, truyền thông quốc gia Trung Quốc cho biết, khối lượng giao dịch thương mại của Trung Quốc với Trung Á đã lên tới 46 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 100 lần kể từ khi nước này độc lập khỏi Liên Xô cách đây hai thập niên.

Các nhà bình luận quốc tế cho rằng: “ Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc rõ ràng và mặc dù Nga vẫn kiểm soát phần lớn việc xuất khẩu năng lượng ở Trung Á nhưng ảnh hưởng thương mại đối với khu vực này đã giảm, Nga giờ không hơn một điểm đến của hàng triệu lao động di cư. Trong nhiều năm liền, Nga coi Trung Á như một đặc khu, mua dầu và khí ở đây với giá thấp hơn giá thị trường thông qua các đường ống dẫn có từ thời Xô viết trong khi bán ra với giá cao. Việc này đã khiến Kazakhstan và Turkmenistan, cả hai nước có nguồn dự trứ năng lượng dồi dào, rơi vào tay Trung Quốc.

Khi đề cập tới vấn đề an ninh ở Trung Á, về mặt công khai, Trung Quốc hiện vẫn phục tùng Nga. Cả hai nước thận trọng quan sát NATO rút quân khỏi Afghanistan. Mối lo chính của Trung Quốc xuất phát từ đe dọa do lực lượng ly khai Uighur và những người ủng hộ lực lượng này ở Trung Á.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực cũng lớn dần. Nay bàn tây của con gấu trắng đã vươn cả sang Ucraina với đại dự án vừa ký kết là Trung quốc thuê 1/3 đất canh tác và cả đất bỏ hoang để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khi mà đất ở Trung quốc đang bị ngộ độc nặng vì các chất thải mấy chục năm qua do phát triển kinh tế gây ra khiến các loại ngũ cốc, lúa, mì và hoa quả không thể dùng ăn được phải đổ đi nếu không muốn chết vì các chất độc gây ra các chứng bệnh ung thư hay tiểu đường, tăng huyết áp v.v…Nếu nay người dân Trung quốc có trồng trọt thì các sản phẩm đó là để bán sang các nước lân bang trong đó có Việt Nam với đường biên giới chung va phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy rất thuận lợi. Còn họ thì lại mua Thực phẩm và thủy sản như tôm, cá, lúa gạo từ Việt Nam sang gây xáo trộn về xuất khẩu của Việt Nam, đẩy giá cả tăng vọt và dẫn đến lạm phát cao nếu nhà nước không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt các lái buôn từ Trung quốc sang chiếm lĩnh thị trường thu mua của nước này.

Người ta đang thấy Trung quốc bỏ hàng trăm tỷ mua và thuê cảng của Hy lạp để chủ động đổ hàng vào châu Âu. Bên cạnh sự bành trướng của các dự án lớn về các mục tiêu kinh tế thì việc ký dự án sản xuất hỏa tiễn phòng thủ và tấn công hiện đại với Thổ Nhĩ Kỳ (như ở bài số 1) đã và đang làm không chỉ Nga mà ngay cả Mỹ và khối NaTo phải giật mình. Trung quốc đang trở thành tên Thực dân mới nhiều tiền của thế giới ngày nay và đang thách thức vai trò số một của Mỹ khi quốc gia này đang gặp phải tai họa tài chính nợ nần chồng chất có thể dẫn đến tình trạng ngay chính phủ cũng không có ngân sách để trả lương hay chi bảo hiểm y tế cho dân.

Mỹ và cả Nga thì nay không gì hơn chắc chắn phải củng cố vị thế của mình tại Trung Á đồng thời phải gây ảnh hưởng mạnh và rộng lớn tại Đông nam Á để buộc con gấu trắng phải quay về phòng ngự sân nhà. Mỹ càng đẩy mạnh mối quan hệ liên minh với Nhật, Hàn quốc, Việt Nam và khối Asian để đối phó với Trung quốc nếu không nói là quá muộn. Việt nam không gì hơn lúc này là phải gắn bó với Nga, Ấn độ, Hoa kỳ và cả châu Âu nhau để đối phó với một Trung quốc thực dân và hung hăng hiện nay nằm sát nách mình, kẻ đã là đang luôn cướp đất, đảo biển của chính mình. Vấn đề biển Đông sẽ là thước đo, là thử thách để thấy rõ các chính sách của các Nhà nước này trước một sức mạnh đầy ngông cuồng và tham vọng của Bắc kinh. Một mình đứng giữa đường sẽ là tự nộp mạng cho Trung quốc.

Đó là nhận thức chung của thời đại hôm nay.

Ngày 29 tháng 9 năm 2013
© Nguyễn Hoàng Hà
© Đàn Chim Việt


No comments:

Post a Comment

View My Stats