05:04:am 23/10/13
Kính
gửi: Ban Điều Hành Đàn Chim Việt
Nhân buổi thăm Thức tháng 10 vừa qua tại trại giam
Xuyên Mộc, Bà rịa – Vũng tàu. Tôi muốn gửi bài viết này đến Ban Điều Hành Đàn
Chim Việt nhờ phổ biến.
Rất mong Ban Điều Hành Đàn Chim Việt quan tâm và
chia sẻ cho cộng đồng.
Chân thành cảm ơn và mến chúc Ban Điều Hành Đàn Chim
Việt thành công và phát triển!
Trần
Văn Huỳnh.
———————————————————–
Trần Huỳnh Duy Thức trước tòa
Hôm Chủ Nhật 6/10 rồi, tôi cùng gia đình lại quày
quả từ Sài Gòn đi Xuyên Mộc thăm Thức. Tình cảnh trớ trêu của những gia đình tù
nhân lương tâm: người tù và người thân gia quyến sống cách xa nhau hàng trăm
cây số. Thế nên mới có chuyện những người mẹ, người vợ, người con trên khắp dải
đất hình chữ S này sẵn sàng bỏ cả công ăn việc làm, lặn lội nghìn trùng mặc
nắng mưa, cốt để được nhìn thấy, được yên lòng, được tìm đến cái ôm lấp đầy nỗi
trống vắng từ người con, người chồng, người cha thân thương. Dù chỉ là 30 phút
chóng vánh, hay xót xa hơn là 5 phút trong cái chớp mắt. Bởi đơn giản đó là
người thân máu mủ của chúng tôi.
Đó là điều dễ hiểu. Chắc rằng ai trong vị trí như
chúng tôi cũng sẽ làm vậy thôi. Điều khó hiểu là vì sao lại có khoảng cách quá
xa và không cần thiết như thế? Tôi mong sao người thân chúng tôi được đưa về
gần nơi chúng tôi sống. Người có lương tâm nào cũng thấy sự cần thiết của yêu
cầu này. Và tôi tin đó cũng là chính sách nhân đạo vốn luôn được Nhà nước khẳng
định trong các tuyên bố và phát ngôn.
Lần
thăm này, gia đình tôi chỉ được gặp Thức trong 15 phút. Tình cờ chúng tôi
gặp cháu Na, vợ tù
nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Cường, ở cổng trại giam. Cháu vừa trở ra từ
buổi thăm chồng mình, đang chờ bắt xe ngược về Sài Gòn. Cháu Na cho biết chỉ
được gặp Cường trong 15 phút, thế là tôi cùng mấy đứa con, đứa cháu cũng theo
đó chuẩn bị tinh thần trong điều kiện thời gian rút ngắn. Có lẽ trong cùng cảnh
ngộ con người ta dễ hiểu và cảm thông cho nhau hơn, nên cuộc trò chuyện với
cháu Na như muốn dài thêm mãi. Có quá nhiều trăn trở, quá nhiều nỗi niềm, quá
nhiều lo lắng trong lòng gia đình các tù nhân lương tâm. Còn với cháu Na, một
trong những nỗi lo lúc này là sức khỏe tinh thần của chồng mình. Do bị biệt
giam nhiều tháng liền không tiếp xúc với ai nên Cường đã bắt đầu cho thấy dấu
hiệu trầm cảm.
Nhìn dáng cháu liêu xiêu bước trên con đường đất đỏ
dưới trời nắng đổ, bất giác đầu tôi hiện ra hình ảnh những người phụ nữ đã mất
chồng con về tay giặc ngoại bang cách đây hơn chục năm về trước. Nghĩ đến điểm
tương đồng giữa người mẹ đất đỏ Bà Rịa năm xưa và cháu Na mà lòng tôi quặn
thắt.
Vì là ngày cuối tuần nên hôm ấy thân nhân đi thăm
khá đông. Trong khi đó phòng thăm gặp ở Xuyên Mộc lại nhỏ. Thế là các cán bộ
trại đã chọn phương án gây bức xúc cho nhiều gia đình: các phạm nhân chỉ được
cho gặp mặt 5 phút để nhận quà và ra về. Đến lượt gia đình tôi, cán bộ bất ngờ
thông báo chúng tôi không được gặp Thức, bởi vì chúng tôi lên không đúng ngày
so với tháng trước. Trước một lý do rất đỗi vô lý như vậy, tôi yêu cầu vị cán
bộ này dẫn ra cơ sở pháp lý cụ thể, và đề nghị gặp cán bộ quản lý để giải quyết
cho tường tận. Đến đây thì sổ thăm gặp của gia đình tôi được tiếp nhận, nhưng hơn
1 tiếng rưỡi đồng hồ sau đó tôi mới được nhìn thấy con trai mình. Lòng tôi cảm
nhận thấy có một áp lực nào đó đang dành cho gia đình chúng tôi.
Đến khi gặp Thức, cảm giác về áp lực đó càng được khẳng định. Có những cách đối xử với con tôi mà tôi chỉ có thể kết luận đó là sự hành hạ dựa trên các nội quy không thể tìm thấy căn cứ pháp lý nào mà thấp thoáng đằng sau đó là sự lạm quyền và ngầm trừng phạt sau sự việc ở Xuân Lộc. Cụ thể:
- Từ Xuân Lộc chuyển sang Thức có mang theo mền, áo
ấm và áo gió. Nhưng trại Xuyên Mộc chỉ cho phép dùng duy nhất 1 cái mền dù dạo
gần đây trời trở lạnh nhiều, còn áo ấm và áo gió họ tịch thu. Những ngày mưa
bão vừa qua, mặc cho nhiệt độ xuống thấp, trời gió to, trại giam cấm tuyệt đối
con tôi không được đóng cửa sổ. Trong khi đó Thức vốn có bệnh suyễn bẩm sinh,
một lần tại trại tạm giam B34, con tôi đã suýt mất mạng trong buồng giam đóng
kín nếu không được người bạn tù cùng phòng phát hiện. Tôi chợt nhớ lại trường
hợp của luật gia Cù Huy Hà Vũ và hiểu được vì sao anh phải phản ứng như đã thể
hiện.
- Dép của Thức bị rọc dao để kiểm tra bên trong xem
có giấu gì không. Dép không dùng được nữa nên Thức nhờ gia đình sớm gửi vào đôi
mới.
- Đồ ăn khô gia đình gửi vào đủ dùng, đã bao bì bảo
quản được cả tháng thì nay chỉ ăn được trong ngót nghét tuần lễ. 3 phần dùng
kịp, phần còn lại hư hỏng hết do bị lục tung khám xét.
- Tôi có cho Thức biết đã gửi quà theo bưu điện hàng
tháng nhưng tháng 7 và tháng 8 bưu điện đều trả về không cho nhận. Trong khi
Xuân Lộc vẫn cho phép. Tôi muốn hỏi luật này là luật gì? Con tôi cũng không
nhận được thư từ, bưu thiếp bạn bè gửi đến (cả nước ngoài) mà không có lấy một
lý do chính đáng. Từ lúc Thức về Xuyên Mộc, gia đình tôi cũng chưa hề nhận được
lá thư nào từ con trai tôi, mặc dù Thức nói đã nhờ trại giam gửi đi.
- Trong thời gian 3 tháng chuyển đến đây mà Thức đã
bị soát phòng 3 lần.
Qua những điều kể trên, dường như trại giam đang cố
tâm tìm mọi lý do hòng gây áp lực tinh thần lên con trai tôi. Việc giam cách ly
không cho giao tiếp đã đủ khiến con người rơi vào trạng thái trầm cảm, nay họ
còn tạo ra những sự việc căng thẳng đánh vào tinh thần. Mục đích của trại giam
là gì?
Đúng như cháu Na nói, tôi chỉ được gặp con mình
trong vỏn vẹn 15 phút. Gần nhau chưa được bao nhiêu thì giờ thăm đã hết. Nhìn
quà nhà gửi vào, Thức chỉ trầm ngâm. Khi đó tôi biết chắc rằng con mình sắp
phải chịu đựng một đợt tra xét mới, những món ăn thức uống với biết bao tâm
tình của gia đình một lần nữa rồi sẽ bị phá hủy không thương tiếc.
Nếu tình trạng đối xử phân biệt và hà khắc còn tiếp
diễn với Thức, gia đình tôi nhất định sẽ làm đơn khiếu nại trại giam cho ra lẽ.
Việc xảy ra cho Thức lại trở về câu hỏi tôi băn khoăn bấy lâu nay. Thật lòng
tôi không thể hiểu được vì sao cơ quan công quyền trong nước luôn có thái độ
ngờ vực và tiêu cực với công dân của chính mình. Như 2 cháu tôi vừa rồi sau khi
tham gia khóa học xã hội dân sự từ Philippines về đã bị câu lưu 24 tiếng vì
những mối nghi ngờ thiếu căn cứ. Không rõ người ta đã làm việc với chúng ra
sao, nhưng cháu tôi đã nói thế này với tôi, những điều nó đã không nói được
trong 24 tiếng đồng hồ kia:
“Họ bảo gia đình mình đừng cố đòi tự do cho cậu nữa,
có làm gì hay nhận sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế thì sẽ thiệt cho mình. Bản
án xử cậu là đúng người đúng tội. Nhưng ông ơi, nếu đúng người đúng tội, sao
ông không được cho vào phòng xử án ngày người ta xét xử cậu, dì dượng phải đứng
bên ngoài đội mưa không được vào sân tòa, dù đó được khẳng định là phiên tòa
công khai? Nhóm hành động chống giam giữ tùy tiện (WGAD) thuộc Hội đồng Nhân quyền
LHQ đã lên án bản án của cậu và yêu cầu cậu được tự do, vậy sao nhà nước mình
chưa phản hồi, trong khi Việt Nam đang cố gắng trở thành 1 thành viên Hội
đồng?”
Niềm tin của người dân sẽ có khi một nhà nước minh
bạch và có trách nhiệm. Miễn là nhà nước trả lời thỏa đáng câu hỏi của cháu
tôi, cũng như có giải pháp đúng đắn cho nỗi lòng người dân, lúc đó sẽ không còn
sự đối kháng, hay thậm chí là đối đầu giữa cơ quan công quyền và nhân dân. Tôi
tin một chính quyền minh bạch, có trách nhiệm và đặt phẩm giá con người lên
hàng đầu là những giá trị mà các lãnh đạo có lòng luôn hướng đến. Vấn đề nằm ở
chỗ làm sao đưa những giá trị danh nghĩa này tìm gặp các giá trị đang thực tế
tồn tại. Đó cũng là điều con tôi mong mỏi qua cuốn sách dang dở “Con Đường Việt
Nam”.
Xin kết thúc bài viết này bằng 1 câu chuyện vui. Lúc
vừa gặp mặt, Thức đã đem ra 1 quả dưa hấu cho con gái nặng gần 3 kg và nói
đây là trái dưa do anh Điếu Cày trồng. Sau đó, Thức nói rằng vừa được biết
phòng mình cạnh phòng giam anh Điếu Cày trước đây. Ngẫu nhiên nhớ lại bài viết
của anh Nguyễn Ngọc Già “Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức” cách nay mấy tháng,
tôi chợt thấy vui vì dường như có cái duyên nào đó giữa hai người.
22/10/2013
Trần
Văn Huỳnh
No comments:
Post a Comment