Saturday 19 October 2013

TRẠCH GẦM RA MẮT TẬP THƠ "DẤU GIÀY CHINH CHIẾN" (Thanh Phong - Viễn Đông)




Tối Thứ Bảy 12.10.2013, hơn 100 thân hữu và những người yêu thơ Trạch Gầm đã đến Thư Viện Việt Nam để dự buổi ra mắt tập thơ “Dấu giày chinh chiến.” Đây là tập thơ thứ ba của Trạch Gầm, sau hai hai tập Vụn Vặt (2007) và Ráng Chịu (2009).
Bài và Hình: Thanh Phong/Viễn Đông
VienDongDaily.Com - 16/10/2013

Cháu Jenifer, ái nữ của Trạch Gầm: “Con rất vui được đọc thơ của bố Trạch Gầm”.

GARDEN GROVE. Tối Thứ Bảy 12.10.2013, hơn 100 thân hữu và những người yêu thơ Trạch Gầm đã đến Thư Viện Việt Nam để dự buổi ra mắt tập thơ “Dấu giày chinh chiến.” Đây là tập thơ thứ ba của Trạch Gầm, sau hai hai tập Vụn Vặt (2007) và Ráng Chịu (2009).

Có lẽ để bạn bè nhớ lại một thời gian trong tù, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người miền Nam phải ăn củ mì thay cơm, nên trong buổi ra mắt thơ, mọi người được mời lót dạ bằng món khoai mì mà trước đây mỗi ngày mình phải nén nỗi uất hận nuốt vào lòng cho đỡ đói. Nhưng chắc chắn, hương vị củ mì hôm nay ngon hơn, sạch hơn, hấp chín hơn củ mì nấu trong lon guigoz mà Trạch Gầm diễn tả trong bài “Nói với củ Mì” (trang 55).

Theo ghi nhận của giáo sư Khưu Ngọc Sang, thầy cũ của nhà thơ ở trường trung học Võ Trường Toản, Saigon, thì Trạch Gầm không có gầm gừ gì hết, rất hiền lành. Anh tên thật là Nguyễn Đức Trạch, và nếu Giáo sư Khưu Ngọc Sang không tiết lộ, ít ai biết Trạch Gầm Nguyễn Đức Trạch chính là con bà Tùng Long, mà hầu như lớp người trung niên và cao niên ở miền Nam không ai không nghe biết, mê đọc tiểu thuyết của bà đăng trên các nhật báo, tuần báo ở thủ đô Saigon, và sau in thành sách phổ biến rộng rãi khắp miền Nam Việt Nam.

Mỗi lần Trạch Gầm lên đọc thơ, ngâm thơ, người xướng ngôn viên quen thuộc là anh Vũ Long Sơn Hải thường giới thiệu với khán giả “Người lính làm thơ Trạch Gầm”. Anh đúng là người lính, người lính chiến thật sự, xông pha trận mạc, chứng kiến bao nhiêu bạn bè, đồng ngũ ngã gục trước mặt mình, tai nghe bao nhiêu tiếng nổ long trời lở đất, và sau cùng chứng kiến cảnh chiến tranh hạ màn một cách bất ngờ, khiến anh và hầu hết người miền Nam phải bật khóc, tiếc thương cho hàng hàng lớp lớp thanh niên miền Nam đã hy sinh, hay đã trở thành phế nhân mà không bảo vệ được miền Nam, để lọt vào tay bọn tội đồ dân tộc với chủ thuyết cộng sản ngoại lai, làm quê hương tan nát, người người phải bỏ tổ quốc ra đi.

Với những chứng kiến và nỗi đau đó, Trạch Gầm đã mượn thơ để nói lên tâm trạng của mình, tâm trạng của một người thiết tha yêu quê hương, và đặc biệt yêu bạn bè, đồng đội. Trong thơ anh, rất nhiều chữ “mày, tao” và thậm chí cả những câu chửi thề quen miệng mà nhà văn Lê Tâm Anh, sau khi đọc thơ Trạch Gầm, anh đến tham dự với một cuộn giấy canvas quấn tròn cầm trên tay, không ai biết đó là cái gì. Hỏi thì Lê Tâm Anh trả lời “lát nữa biết”. Và rồi anh lên trao tặng Trạch Gầm. Nhà văn Lê Tâm Anh nói với mọi người: “Từ trước tới nay tôi chưa thấy có một nhà thơ nào dám chửi thề trong thơ, chỉ có Trạch Gầm dám chửi thề trong thơ, nên đêm hôm qua tôi đã nghĩ ra bốn câu thơ thế này:

“Trạch Gầm nỗi nhớ xôn xao
Mày tao chi tớ thuốc lào, cà phê
Thơ để đời một tiếng chửi thề
Sao anh hùng thế, hương quê thắm tình,

và anh trao cho Trạch Gầm tặng vật, bảo mở ra. Mọi người cười ồ lên, một chân dung Trạch Gầm mới nhất, dưới tấm ảnh là câu chửi thề rất dễ thương, viết khá lớn, ngồi hàng ghế cuối Thư Viện vẫn nhìn thấy.

Nói về Trạch Gầm thì trong tập thơ Dấu Giày Chinh Chiến đã có nhiều người viết về anh. Nhưng tóm tắt con người và nét đẹp của Trạch Gầm có thể trích câu ngắn gọn của giáo sư Khưu Ngọc Sang cũng tạm đủ: “...Những giáo sư dạy Sử cho Trạch thật không uổng công, bởi những trang sử ấy đã hun đúc tình yêu quê hương, khiến Trạch cả đời hết đem sinh mệnh thì đến đem tấm lòng hiến dâng cho đất nước..” Trong buổi ra mắt, nhóm bạn Phú Nhuận của anh đã giúp ẩm thực nhẹ cho tất cả người tham dự.

Ký giả Du Miên, mũ đỏ Vũ Long Sơn Hải, MC Vũ Hùng và ca nhạc sĩ Quốc Anh, Quang Lãng, các ca sĩ Yên Ly, Lệ Ngọc, đã hết lòng với Trạch Gầm trong buổi ra mắt tập thơ.

Dấu Giày Chinh Chiến dày 190 trang, trong đó có 103 bài thơ của Trạch Gầm. Trong 103 bài có 14 bài thơ Trạch Gầm viết tặng người yêu là ca sĩ Yên Ly. Ngoài ra, còn một số bài viết về Trạch Gầm của Thầy, bạn và thân hữu. Một số bài thơ được phổ nhạc cũng có trong tập thơ.

Để có sách xin liên lạc qua Email: trach_gam@yahoo.com .



No comments:

Post a Comment

View My Stats