FB Trương Ba Không (Trương văn
Dũng)
Vốn là người có dính dáng chút
kinh doanh nên tôi quan tâm tới vụ án trốn thuế của công ty tư nhân do Luật sư
Lê Quốc Quân làm chủ.
Tối 1/10/2013 VTV thông tin dài
như một bản luận tội thông báo 8 giờ 2/10/2013, tòa án nhân dân thành phố Hà
Nội sẽ xét xử vụ này. Vì vậy tôi cố gắng đi ngủ sớm để lấy sức ngày mai còn “đi”
xem xét xử “công khai”. Kinh nghiệm cho hay, những vụ án kiểu này chỉ có
“đi” chứ làm gì được “ngồi” xem dù bảo “công khai”.
Đêm, giấc ngủ không bình yên
trong tiếng chó sủa lạ hơn thường ngày và mấy cuộc điện thoại đổ vào lúc đồng
hồ đã chỉ gần 4 giờ sáng.
(Chó sủa và điện thoại quấy trong đêm.)
7 giờ ngày 2/10/2013, tôi thoát
ra khỏi nhà trọ đi vào nội thành.
Phố đã giăng dây và sai nha
đứng đầy nhóc các lối dẫn vào cổng tòa án nhân dân thành phố. Ừ thì công khai
đó. Khi lòng dân bất an, đầy đường những dân hư xấu trong khi ta là người chính
nghĩa đầy mình, lẽ phải là ta, công lý là ta, yêu thương dân như cha mẹ là ta
thì tôi chẳng mong gì ở cái nền cai trị này mà chỉ mong mỗi một điều: Minh
tường. Minh tường với vụ án này là cứ xử công khai, phát phiếu thăm dò xem có
bao nhiêu người dân có nhu cầu cần xem để học tập, để suy ngẫm, để hiểu bản
chất tốt đẹp của chính thể thì từ đó mà liệu chọn khán phòng phù hợp. Dân đến,
dân nghe các công tố viên buộc tội, nghe ông quan tòa cho tranh luận, cho kẻ có
tội cãi xem có cãi đường nào rồi từ đó mà luận hình thì thử hỏi ai không cứng
lưỡi, sáng óc mà tâm phục, khẩu phục. Đằng này, nhốn nháo cả một thành phố với
dây nhợ và biết bao sai nha có sắc phục và không sắc phục mà bằng con mắt tinh
tường người ta đoán cứ 1 người dân muốn đi xem thì cũng có không dưới một ông
bà sai nha theo gọt, ngăn trở. Lại cứ bảo rằng, làm thế để bảo vệ luật pháp vì
sợ những thế lực thù địch nó lợi dụng. Nhưng tôi thì tôi chẳng tin bởi với số
đông áp đảo như thế thì việc ngồi kèm nhau trong tòa giữa dân và sai nha, tôi
đố dám thế lực nào mà dở trò được đấy ngoài việc nghe ông Tòa sấm truyền.
Loay hoay một vòng, tôi mới gửi
được xe sau bệnh viện Việt Đức đoạn Quán Sứ - Hàng Bông.
Tôi lững thững đi về phía tòa
án.
Vườn hoa Thợ Nhuộm. Tôi chạm
trán anh Cường một người tiếng tăm của công an Hoàn Kiếm trong các vụ bắt bớ
biểu tình chống Trung Quốc. Tôi thoáng nghe anh nói với một nhân viên của mình
khi tôi đi qua.
Tôi lại gặp anh VT. Hai năm
trước quen anh ở Bờ Hồ. Anh kiệm lời, khiêm nhường và không phải loại người
hung hăng, kích động. Anh xuống đường chỉ vì anh yêu Tổ Quốc như yêu máu thịt
mình thôi. Nhưng giờ đây anh đã thành dân oan mất đất trong một vụ cưỡng chế.
Anh đi biêng biêng, ngơ ngác như một người tâm thần lạc chốn trần gian. Cứ nhớ
hình ảnh con người hiền lành của 2 năm trước giờ tiều tụy như thế này tôi không
khỏi xót xa. Ừ thì cứ cho là cưỡng chế đúng đi để phục vụ lợi ích công cộng
nhưng một xã hội tốt đẹp thế nào nếu để một người dân hiền lành vô tội giờ
thành một kẻ tâm thần này?
Vòng về đầu phố Quang Trung,
tôi gặp ở đó mấy người bạn: Hoàng Dũng cdvn, anh Kim Môn, bác Lê Hùng, Ngô Duy
Quyền và Hữu Khiêm. Chúng tôi chưa kịp chào nhau thì đã được các sai nha mẫn
cán xua đuổi như tà ma.
Người đàn ông đi qua đường tạt vào
nói: - Xã hội loạn mẹ nó rồi. Chẳng biết
xét xử cái gì mà ngăn đường đến vỡ thành phố mất rồi. Còn đằng Lê Duẩn kia, tắc
đường cả cây số vì có biểu tình ngăn không cho dân đến tòa xem. Loạn rồi, quang
minh chính đại thì cứ cho họ vào xem có làm được gì không, sao mà cứ phải xử
giấm, xử giúi cho loạn cả lên.
Tôi kéo Khiêm đi về phố Lê
Duẩn. Con phố được chặn xe từ ngã ba Lê Duẩn – Trần Nhân Tông cho đến ngã tư
hầm chui Kim Liên. Họ ngăn đường vì đoàn người muốn tới tòa đi từ nhà thờ Thái
Hà qua đó thì bị giam cứng lại. Trời nắng. Đoàn người như bị luộc dưới mặt
đường nhựa nóng bỏng khi biết chẳng thể tới tòa nhìn người bạn mình được thì họ
đành rủ nhau về bên Chúa mà cất tiếng cầu nguyện.
Nhưng họ đi đâu cho được với
hàng rào vô cảm kia bởi trong đầu hàng rào ấy họ đâu là người dân mà chỉ là kẻ
quấy rối công cộng nên họ bị đối xử hết sức lạnh lùng. Đoàn người đi trong
tuyệt vọng vào phố Hồ Ba Mẫu rẽ qua con ngõ nhỏ sang phố Xã Đàn mới để về nhà
thờ Thái Hà. Nhưng đâu thoát khi hàng lũ sai nha đã nhanh chân chặn đầu lao một
xe oto vào con ngõ nhỏ chặn vây họ. Không còn đường nào khác, chị Bùi Hằng và
Thúy Nga đã lớn tiếng chửi rủa họ không tiếc lời. Tôi không phải người thích
ủng hộ sự cãi cọ kiểu mày ba que thì tao sẽ bảy que nhưng quả thật buồn làm sao
cho một chính thể khi mà người dân nói mãi với họ bằng đơn từ, kính thưa kính
gửi không xong thì lạ thay dăm cơn hăng tiết của mấy bà nạ dòng lại khiến họ
cúi mặt mà đẩy xe, nhường chỗ cho đoàn người đi về với Chúa!
Quần chúng tự phát chỉ muốn Déo
với ĐM quần chúng khác. Ô hô văn minh Đảng ta!
Phố Xã Đàn. Mấy quần chúng ưu
tú tự phát hung hăng định đớp cái con Nga Thúy từ Hà Nam lên. Thế là lại chửi
nhau rồi. Ừ thì thôi, cái con mẹ Bùi Hằng hay Thúy Nga là loại phản động biến
chất nên họ cứ chói tai với mấy từ: tà quyền, cha tiên sư bố đảng đểu chứ ai đời
Đảng ta là đạo đức, Đảng ta là văn minh mà chẳng hiểu sao lại giác ngộ để những
quần chúng tự phát kia thấm nhuần những cú Đéo, ĐM mày mà văng ra giữa thanh
thiên bạch nhật thế?!
Đàn Xã Tắc. Đám sai nha quyết
dồn vào hòng nuốt chửng nhóm người yêu Lê Quốc Quân giữa cái nắng nóng ong ong
mùa thu đất Bắc vốn hay đỏng đảnh. Tôi im lặng chọn một góc trên bậc tam cấp
của một nhà dân đứng bấm 1 kiểu ảnh cảnh chẳng khác gì phim thế giới động vật
mà tivi vẫn hay chiếu: Đàn trâu bị lũ sói hung hăng xiết chặt dần vòng vây.
Người đàn ông không mặc sắc
phục bảo với 2 cậu cảnh sát trẻ: - Cháu
xem dẹp cái máy quay của thằng già già kia đi kìa!
2 cậu cảnh sát trẻ tiến đến
người đàn ông đứng gần tôi đang quay phim định vồ cướp lấy nhưng khó quá vì cả
đám người cùng quây lại và hỏi họ lý do gì để cướp máy người dân trong khi đội
quân an ninh đi theo có cả mấy chục máy quay dí vào tận sát mặt từng con người
chúng tôi?
Đuối lý, họ lờ đi. Người đàn
ông mặc thường phục càu nhàu: - Đm, không bắt thì không được mà bắt thì chẳng loáng cái đầy hình trên
mạng à, rồi lại nói làm ăn dở có thế mà không biết bịt cho kín.
Định giở trò bắt người ở Xã
Đàn. Nhưng không hiểu sao phút chót lại thôi!
Trời vẫn nắng quá. Vòng vây cứ
xiết mãi thêm ngột ngạt. Nhưng bỗng một cuộc điện thoại thế là những con người
tội nghiệp có cơ hội về được bên Chúa sau những phút giây tưởng như sắp bị ăn
thịt giữa thanh thiên bạch nhật.
14 giờ. Tôi và mấy người đi xe buyt về ngồi ở điểm dừng xe buýt trước Hỏa Lò. Xe
cộ và dòng người vẫn đi lại bình yên nhưng 14 giờ 15 thì mọi ngả dẫn vào tòa
lại được phong tỏa. Con phố Hai Bà Trưng loáng cái chỉ còn trơ lại 5 chúng tôi
giữa hàng mấy chục con mắt nhìn của anh xe ôm, cậu nghệ sỹ chụp ảnh nhưng họ
chẳng thể đuổi được chúng tôi đi vì chúng tôi đang ngồi như những người đợi xe
buýt mà xe thì giờ này bị chính họ bẻ lái rẽ rồi. Phòng khám Ung Bướu bên kia
đường cũng bị buộc phải hạ cửa cuốn xuống để bệnh nhân không nhìn được ra
đường. Đối diện ngay chính cổng tòa là mấy chị phụ nữ đến từ miền Nam vẳng lại
phía chúng tôi tiếng đôi co của họ với đám sai nha mẫn cán. Ô hô, xử công khai
là đây sao?
16 giờ 10. Xe chuyên dụng chở phạm nhân chạy ra từ phố Hỏa Lò, dây căng hạ xuống,
phố lại đầy người qua lại nhưng các sai nha vẫn chật cứng trước tòa. Ở đó, có
đám người thân của anh Lê Quốc Quân đang rơm rớm nước mắt và hô đả đảo một
phiên tòa vô nhân đạo. Đám người hô đến lạc giọng nhưng đối lại tôi chỉ thấy
những bộ mặt dửng dưng của những con người chỉ biết lấy sự im lặng đến vô nhân.
Diễu hành biểu thị tình cảm với
Lê Quốc Quân
Đoàn người bất lực, họ kêu lên
những tiếng kêu tuyệt vọng rồi không biết làm gì nữa họ đành lầm lũi đi về phía
Chúa để hằng tìm lại chút bình yên cho cuộc sống quá đỗi bất công này.
Tôi đi theo họ cho đến khi họ
bước khuất vào trong giáo đường rồi vội vã ra về. Tôi cũng nhỏ bé như họ thậm
chí còn nhỏ bé hơn nên chẳng biết làm được gì cho họ lúc này cả.
Tôi lặng lẽ lấy xe.
Có tin nhắn báo từ một đứa em: - Em suýt bị bắt lén nhưng đã thoát được.
Bất giác tôi thở dài. Ôi cuộc
sống!
Một kỉ niệm trong những lần biểu tình chống Trung
Quốc với Lê Quốc Quân.
No comments:
Post a Comment