Friday, 11 October 2013

THƠ & NHẠC TRUYỆN KIỀU với NHẠC SĨ QUÁCH VĨNH THIỆN tại AUSTRALIA (Ly Hương)




28/09/2013

Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cùng với phu nhân, bà Phan Thanh Vân, đã được ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC) trận trọng chào đón và ca ngợi qua những sự thành công và đóng góp về lãnh vực chuyên môn đối với đất nước đã cưu mang mình và đối với quê hương Việt Nam qua công trình phổ nhạc đại tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều). Thành quả này đã góp phần đưa Truyện Kiều trở thành di sản của thế giới và ông Quách Vĩnh Thiện đã được Viện Hàn Lâm Khoa Học Nghệ Thuật và Văn Chương Châu Âu mời ông làm thành viên vào năm 2009. Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện quả là một niềm hãnh diện, tự hào và vinh dự cho Người Việt chúng ta.

Được mời sơ lược về Truyện Kiều, ông Nguyễn Thế Phong (Trưởng Ban Uỷ Ban Quản Trị Đền Thờ Quốc Tổ) đã không ngần ngại thú nhận là "thuở còn ở ghế nhà trường, Truyện Kiều của môn văn là một bài mà tôi sợ nhất và ghét nhất vì nó quá dài, quá khó và có quá nhiều điển tích để cho tôi hiểu và học thuộc lòng."

Tuy rất khiêm nhường khi tự nhìn nhận mình là "làm sao một người hậu bối với một mớ trí thức về Kiều cỏn con và nông cạn như tôi dám 'muá rìu qua mắt thợ' " nhưng ông Nguyễn Thế Phong đã có những nhận định sâu sắc như sau:

".....
Đoạn Trường Tân Thanh là một câu chuyện nói về thuyết “Định Mệnh” bao trùm lên trọn cuộc đời của một người tài sắc vẹn toàn, tâm địa tốt lành, hiền hậu, thuỷ chung, hiếu thảo nhưng gặp muôn vàn nghiệt ngã, gian truân và thử thách, dù người ấy đã cố gắng vượt ra khỏi, nhưng rốt cuột cũng đành phải xuôi tay. Sự “tiền định” trong câu chuyện đã làm cho người đọc cãm nhận được thân phận nhỏ bé, đau khổ, trần ai và bất lực của con người trong việc làm chủ cuộc đời và vận mệnh của chính mình. Nhưng rồi Trời cao có mắt, cuối cùng Thuý Kiều cũng được đoàn viên, công lý rồi cũng được sáng tỏ “đức đã thắng số” và “tâm đã thắng tài”.

Đoạn Trường Tân Thanh không chỉ là nơi Nguyễn Du dùng thuyết “tài mệnh tương đố” (tài và mệnh ghét nhau, người tài sắc nhiều thì gian truân càng nhiều) làm luận đề cho câu chuyện, mà là còn là nơi để Nguyễn Du thổ lộ nỗi lòng và hoàn cãnh của mình.

.....

Đoạn Trường Tân Thanh mang trong nó một vũ trụ quan và nhân sinh quan của Nguyễn Du, phản ảnh một phần nào nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Việt về thuyết định mệnh và ảnh hưởng triết lý Nhân Quả của Phật giáo.

Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.


Nhưng cuối ngày lại chính Nguyễn Du sau khi đã trải qua tình trạng “cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần đến đâu” ấy đã ngộ ra được rằng:

Có trời mà cũng có ta
Chử tâm kia mới bằng ba chữ tài


Và vì thế ông đã viết “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” để nhắn gởi cho những người đi sau rằng làm người thì phải sống, phấn đấu, tin tưởng vào lẽ phải, sống thật với tâm ngay thẳng của mình trong mọi tình huống thì trời cũng sẽ ngưng cơn thử thách để đải ngộ người hiền lương. Kẻ ác rồi cũng tàn lụi, người lành rồi cũng sẽ thắng.

Một đặc điểm của Truyện Kiều làm cho nó có giá trị và nổi tiếng là tính cách đa dạng của nhân vật Thuý Kiều. Tuỳ theo hoàn cảnh, thời điểm, tâm trạng và số phận của người đọc mà chuyện Kiều mang một ý nghĩa khác nhau.

.....

Sau hơn 38 năm lớp thì lưu lạc ở xứ người, tuyệt đại đa số còn lại phải sống trong đau khổ, áp bức, phụ nữ buộc phải bán thân nuôi miệng, nuôi cha nuôi mẹ, nuôi em ... đồng bào của chúng ta đang trải qua số phận của một nàng Kiều của thế kỷ 21. Đất nước đang giàu đẹp như thế, con người VN thông minh, tài giỏi như thế, VNCH nhân bản như thế tại sao lại phải chịu đoạ đày, khổ ãi như thế này? Thật là:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng


Nhưng cũng như Thuý Kiều, tôi tin chắc chắn rằng chánh nghĩa, cái tâm rồi cũng sẽ thắng cái tà. Vận mệnh đất nước VN rồi cũng sẽ thuộc về những người có thiện tâm và chánh nghĩa. Vì cũng như Thuý Kiều sau cơn bĩ cực đến hồi thái lai, trời cao cũng sẽ cho đất nước và đồng bào đau khổ của chúng ta:

(Có đâu thiên vị người nào)
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.

....."

Và ông Nguyễn Thế Phong đã kết luận -

".....
Có được một tác phẩm quan trọng như Truyện Kiều là một chuyện, nhưng làm sao để phổ biến, lưu truyền và biến nó tiếp tục thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ hiện nay và mai hậu lại là một chuyện khác nữa, đặc biệt là trong bối cảnh của cộng đồng người Việt hải ngoại và người dân trong nước đang đầu tắt mặt tối chạy ăn từng ngày và một hệ thống giáo dục phi giáo dục, phi nhân-lễ-nghĩa-trí-tín như hiện nay tại VN.

Nói đến đây, tôi liên tưởng đến những phương pháp hữu hiệu, phổ thông và bình dân mà ông bà tổ tiên của chúng ta đã xữ dụng từ hàng ngàn năm nay để truyền đạt và bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc VN chúng ta. Đó là ca dao, câu hò, câu đối, cải lương, hát ã đào, thi văn và sấm giảng v.v.. tất cả đều là những thể điệu mang tính âm điệu của thơ và âm nhạc, dễ nhớ, dễ nghe, dễ cảm, dễ học và dễ truyền. Do đó, việc chuyễn Truyện Kiều sang âm nhạc là một sáng kiến hay và có thể giúp ích rất hiều trong việc quảng bá và bảo tồn tác phẩm quan trọng này trong dân gian cũng như trong các thế hệ kế tiếp tại hải ngoại cũng như trong nước.

Mong sao qua âm nhạc do nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện dày công sáng tác, tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du với những triết lý, đạo lý và ý nghĩa của nó sẽ được nhiều người biết đến, thưởng thức và lưu truyền để cho câu nói: “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn, Tiếng Việt còn, nước Việt còn” sẽ vĩnh viễn trường tồn.
....."

Giới thiệu về Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện, ông Nguyễn Thành Thụy đã có những lời thật giản dị, dí dõm như giới thiệu một người bạn vì ông là một người học cùng trường với Nhạc Sĩ. Những chi tiết đáng ghi nhớ về Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện - học sinh Petrus Ký (1956 - 1963), mê âm nhạc từ nhỏ, lập ban nhạc Les Fanatics; năm 1964 đi du học ở Pháp, học về kỹ sư điện toán. Và đứng sau lưng sự thành công vĩ đại của Nhạc Sĩ (trong công trình phổ nhạc Truyện Kiều) là một người đàn bà cũng có tâm hồn về thơ, nhạc đã hoà nhập vào tài năng thiên phú của Nhạc Sĩ và đã cùng chia sẽ những ngọt bùi, đắng cay trên bước đường đời của Nhạc Sĩ đó là bà Thanh Vân, quê ở Vĩnh Long, học Đại Học Cần Thơ, trước năm 1975 là xướng ngôn viên của Đài Truyền Hình Cần Thơ (bà là 1 trong 2 người đã được trúng tuyển trong số 2000 ứng viên nạp đơn).

Người hướng dẫn chương trình là hai thành viên trẻ trung của Hội Văn Hoá Nghệ Thuật (AVA) - Dáng Thơ và Quang Vũ. Nói về Truyện Kiều, Nguyễn Du, và Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện, cô Dáng Thơ đã mượn lời của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên VNCH, ông đã viết như sau:

"...Truyện Kiều vẫn luôn đứng vững ở vị thế số một trong nền văn học Việt Nam. Cho đến hết thập niên đầu của thế kỷ 21, Đoạn Trường Tân Thanh vẫn được xem như một tác phẩm vô tiền tuyệt hậu. Tạo được một tác phẩm như vậy Nguyễn Du quả thật là một thiên tài có một không hai của nền văn chương nước nhà ... phổ hơn ba ngàn câu thơ lục bát của Nguyễn Du thành 77 bản nhạc, Quách Vĩnh Thiện đã hoàn thành một công trình nghệ thuật thật vĩ đại. Từ trước đến giờ chưa có một nhạc sĩ nào làm được việt đó, và về sau cũng chưa chắc sẽ có người làm nổi việc này".

Đứng trước cử toạ, Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện, qua làn nước mắt vì quá cảm động, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự chào đón nồng nghiệt của đồng hương và sự chu đáo của BTC.

Chương trình được xen kẽ với các tiết mục ngâm thơ, ca, múa do các nghệ sĩ địa phương trình bày - Minh Hiếu, Thuý Lan, Hoàng Vân, Bạch Trâm và nhóm múa Âu Cơ. Đặc biệt, Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện cũng đã đóng góp hai bản nhạc vui nhộn qua ngón đàn guitar solo độc đáo và điêu luyện của chính Nhạc Sĩ.

Nói về tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, nhân vật Thuý Kiều và công trình phổ nhạc của Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện, bà Thanh Vân đã có những chia sẽ như sau:

"..... Trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh có 3254 câu thơ diễn đạt một cách tài tình, tuyệt diệu, đầy xúc cảm cuộc đời của một người thiếu nữ, Thuý Kiều, tài sắc vẹn toàn nhưng vì chữ hiếu nàng đã bán mình chuộc cha trong khi nàng đã yêu và đã thề nguyền với Kim Trọng. Cuộc đời nàng vì vậy đã phải long đong trôi dạt trong vòng 15 năm trường. Anh Quách Vĩnh Thiện đã dựa vào tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh để phổ thành 77 bài nhạc.

......

Công trình của anh Quách Vĩnh Thiện không phải chỉ là phổ nhạc tập thơ của Nguyễn Du mà là đã giữ nguyên vẹn những vần thơ của Nguyễn Du để diễn đạt, để đem phổ biến cho sâu rộng hơn. Vì đọc thơ của Nguyễn Du thì khó mà đọc từ đầu cho tới cuối, trong khi nghe nhạc thì dễ đi vào đầu hơn và dể nhớ những câu thơ hơn. Đó là điều đáng trân quý.
....."

Trong phần điểm sách thơ và nhạc Truyện Kiều, TS Kiều Tiến Dũng (Giám Đốc điều hành đài phát thanh Hồn Việt và chương trình VNTV của đài 31) đã có những nhận xét sau đây:

".....
Qua mối cảm thông với Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã sáng tạo ra Đoạn Trường Tân Thanh. Nguyễn Du viết bằng tiếng Nôm rồi khoảng hơn 100 năm sau thì cụ Petrus Trương Vĩnh Ký dịch sang chữ Quốc Ngữ đã giúp cho Truyện Kiều được phổ biến rộng rãi trong dân gian, và qua đó tiếng Việt được phong phú thêm bởi những câu thơ lục bát bình dân giống như các câu vè, giản dị, phổ thông. Và trong đó có cả những câu lục bát hàn lâm, thâm thuý - đây là cái tài của Nguyễn Du, cái hay của văn chương Kiều. Văn chương Kiều đã đi vào kho tàn ngôn ngữ của ta, đã biến thành những câu "ca dao" của Việt Nam.
.....
Thật là khó có thể sáng tác một tác phẩm nào mà có đủ mọi người, đủ mọi trình độ có thể thưởng thức được như Truyện Kiều - có những câu rất là bình dân giản dị, có những câu vô cùng thâm thuý, và có những câu lại có nhiều điển tích, ... rất rộng, rất sâu.
.....
Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện đã tiếp nối con đường sáng tạo này với công trình phổ nhạc 3254 câu thơ của Đoạn Trường Tân Thanh không bớt 1 câu, không bỏ 1 chữ.
.....
Phổ thơ lục bát cho linh động mà không nhàm chán là một việc rất khó. Quách Vĩnh Thiện đã thành công trong cả hai vấn đề - sáng tác và kỹ thuật, kéo dài hơn 5 năm với 77 ca khúc.
....."

Để nói tiếp về công sức và tài năng của Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện, TS Kiều Tiến Dũng đã trích dẫn lời của Nhạc Sĩ Đỗ Bình như sau:

"......
Để thực hiện bản trường ca, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã phải bỏ ra 6 tháng để phân tích dàn trải cấu trúc toàn thi tập, tạo những thể điệu khác nhau và hơn 4 năm từ đầu năm 2005 đến đầu 2009 mới hoàn tất xong trường ca. Gọi là trường ca vì những chuỗi hình nốt, giai điệu, tiếp nối nhau diễn tả dựa trên lời thơ không gián đoạn ý mà soạn cấu trúc nhạc theo lối tây phương.

.....

Điểm khó nhất đối với một thi phẩm lớn là không được sửa lời thơ, hay đổi thứ tự chữ để giai điệu, câu nhạc có kết hay…vv. Nhạc sĩ đã dùng nhiều biến cung thăng, giảm để dòng nhạc ít quay về chủ âm (tonique), hoặc khéo léo dùng những thể điệu, tiết tấu, uyển chuyển của dòng nhạc Balade pha lẫn Blue Jazz, Bossanova, Boléro, Valse Andantino, Rock lente, Mambo, ... tạo sự biến đổi cấu trúc giai điệu thành từng đoạn khác nhau làm phong phú ý nhạc.

Thực hiện bản trường ca Đoạn Trường Tân Thanh, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã gieo vào vườn hoa nghệ thuật một hạt mầm để ươm thêm sắc màu cho muôn hoa. Và trong cõi bất tận của âm thanh, có những dòng nhạc khai phá sáng tạo của riêng anh. Đây cũng là tấm lòng bày tỏ sự ca ngợi thi phẩm và cảm ơn tác giả thi hào Nguyễn Du đã cho đời một tác phẩm hay và cho nhạc sĩ một nguồn cảm hứng phổ nhạc.
....."

Nguyễn Du đã mở đầu Truyện Kiều bằng những câu:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.


Đã làm chạnh lòng Người Việt ly hương khi nghĩ về vận nước, khi nghĩ đến hiện trạng bi thảm của quê hương Việt Nam.

Rồi vào đoạn cuối của tập thơ với hai câu:

Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Nguyễn Du đã làm chúng ta liên tưởng đến những con dân nước Việt, ở trong nước cũng như ở hãi ngoại, đang âm thầm dấn thân, hy sinh công sức, thì giờ, tiền bạc, và đôi khi ngay cả sự an toàn của bản thân, bền tâm vững chí gánh vác chuyện chung (cộng đồng, xã hội, văn hoá, nghệ thuật, truyền thông, chính trị, đấu tranh ...) đó quả là những người vừa có tâm, vừa có tài!


Melbourne
28/09/2013

Ghi chú: Nếu muốn biết thêm về Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện xin vui lòng bấm vào link bên đây :
http://thienmusic.free.fr

Một số hình ảnh của chương trình Thơ và Nhạc Truyện Kiều




No comments:

Post a Comment

View My Stats