Cập nhật lần cuối ngày Thứ năm,
17 Tháng 10 2013 02:01
“…Một chế độ xã hội trong đó
không cho phép người dân tư hữu thì lấy gì làm tưởng thưởng những người lao
động tiếp tục hăng say làm việc? Và một “sáng kiến” để điều hành một chế độ như
vậy là dùng luật lệ và trừng phạt, nhưng luật lệ và trừng phạt bản thân nó
không phải là một chất xúc tác giúp tăng năng suất lao động…”
*
Tướng Giáp ra đi, hàng dài
người đứng xếp hàng chỉ để mong dâng ông một nén hương và cũng để chào ông lần
cuối. Quan sát dòng người đến viếng, phải hơn một nữa là những người sinh ra
sau chiến thắng Điện Biên Phủ và phải hơn 90% là những người không có một quan
hệ nào với ông. Người ta đến với ông đơn giản bởi vì ông đại diện cho một thế
hệ đứng lên giành độc lập cho đất nước mà không màng đến danh lợi và vật chất.
Ông là hình ảnh của những ông ngoại, ông nội, những người chồng, người cha đã
bỏ cày, cầm súng chống Pháp giành độc lập như một lẽ thường “giặc đến nhà đàn
bà cũng đánh”. Ông cũng như ông ngoại và ông nội tôi, bỏ tuổi trẻ để làm cách
mạng mong nước nhà giành độc lập và cường thịnh. Người ta tiếc thương ông như tiếc cho một thế
hệ bi hùng, “rũ bùn đứng dậy”, làm rạng ngời Việt Nam, trong khi bất lực với xã
hội đương thời và khinh thường nhà nước.
Bi kịch của dân tộc nằm ở chổ ông và các đồng chí của mình chọn chủ nghĩa
cộng sản, thay vì chủ nghĩa quốc gia dân tộc, – một chủ nghĩa sai lầm và gây
nhiều di hại cho đất nước đến ngày nay. Ở đây, tôi không muốn bàn đến cuộc chiến tranh giữa hai miền Bắc Nam,
giữa một bên kiên trì theo chủ nghĩa cộng sản và một bên chủ trương tư bản như
một phần của chiến tranh ý thức hệ và có tính quy ước, đã tàn phá đất nước, vì
đó là một chủ đề dài và nằm ngoại phạm vi của bài này. Tôi muốn nói đến sự sai
lầm về nội dung của chủ nghĩa cộng sản; những người thực hiện nó một cách cứng
nhắc phần nào cũng là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết.
Cho đến cuối đời, tướng Giáp,
một người cộng sản trung kiên và kiên trì theo chủ nghĩa cộng sản, trăn trở nền
kinh tế phát triển chậm. Có những lí do để hiểu điều đó. Hoặc là ông không tìm
hiểu kĩ chủ nghĩa cộng sản và thấy nó sai. Hoặc là ông đã hiểu cặn kẽ và
vẫn tin rằng nó là một chủ nghĩa đúng đắn.
Vậy như thế nào là một chủ
nghĩa đúng. Đơn giản, một chủ nghĩa đúng không gì hơn là một chủ nghĩa đem lại
sự cường thịnh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân, và bắt buộc phải áp dụng
được. Một chủ nghĩa bản thân nó là một định hướng về mặt kinh tế. Và một chủ
nghĩa đúng trước hết nó phải đúng về mặt kinh tế, theo nghĩa nó làm cho xã hội
tận dụng được những nguồn lực của mình một cách tối ưu, tạo ra của cải vật chất
nhiều nhất với cùng một nguồn lực. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một định
hướng kinh tế đúng đắn. Nếu bạn không có thời gian đọc hết những tác phẩm của
Karl Marx để hiểu về chủ nghĩa cộng sản, có thể bạn chỉ cần đọc một câu tóm lược của ông:
“The theory of communism may be summed up in one sentence: abolish all
private property”, dịch là “lý thuyết chủ nghĩa cộng sản có thể chỉ gói gọn
trong một câu: xóa bỏ tất cả tài sản tư hữu”. Một chế độ xã hội trong
đó không cho phép người dân tư hữu thì lấy gì làm tưởng thưởng những người lao
động tiếp tục hăng say làm việc ? Và một “sáng kiến” để điều hành một chế độ
như vậy là dùng luật lệ và trừng phạt, nhưng luật lệ và trừng phạt bản thân nó
không phải là một chất xúc tác giúp tăng năng suất lao động, tạo ra tối ưu của
cải cho toàn xã hội và người dân hạnh phúc, mà ngược lại nó tạo ra một xã hội
đàn áp, lo sợ và mất niềm tin. Một chế độ kinh tế đúng đắn phải là một xã hội cho
phép người dân sở hữu tài sản và người giỏi cần được khuyến khích và tưởng
thưởng bằng vật chất và tinh thần nhiều hơn.
Quan sát những gì diễn ra ở
Việt Nam và các nước cộng sản, một mo-tip tương tự diễn ra: sau cách mạng, thực
hiện mô hình đánh tư bản, bảo đảm không ai còn tư hữu. Đó là một phần của chủ
nghĩa cộng sản và các nhà chính trị chỉ việc rập khuôn làm theo. Không may là
họ rập khuôn một chủ nghĩa sai lầm và cuối cùng gây tai họa cho dân tộc.
Sau khi gây tai họa, các lãnh đạo chính trị ở Trung Quốc và Việt Nam bỏ
theo nền kinh tế thị trường, mà thực chất là một nền kinh tế tư bản, hay nói
một cách khác là một cách không chính thức vứt bỏ chủ nghĩa cộng sản.
Nhưng sai lầm của chủ nghĩa cộng sản không chỉ nằm ở định
hướng kinh tế và bỏ đi nền kinh tế tập trung, quản lý bằng mệnh lệnh và thay
bằng nền kinh tế thị trường thì sẽ giải quyết xong; mà chủ nghĩa cộng sản đưa ra một hệ thống chính
trị tồi dở.
Nếu hiểu một hệ thống chính trị tốt là một hệ thống chính trị kiến tạo ra những
nhà lãnh đạo “bởi người dân và cho người dân” thì hệ thống chính trị cộng sản
không có. Đó là một hệ thống mà chỉ một thiểu số đồng thuận với nhau cho những
quyết định của toàn xã hội. Hệ thống đó không cho phép có sự đồng thuận của
người dân trong các quyết sách lớn và nhỏ của đất nước, mà đó là sự đồng thuận
của một nhóm người lãnh đạo. Và chính vì các chính sách không đại diện cho đồng
thuận của dân tộc, rất nhiều lần các chính sách sai lầm tai hại đã xảy ra.
Tôi biết rất nhiều người như
tướng Giáp, họ tin rằng chủ nghĩa cộng sản tốt đẹp và cho rằng chỉ những người
thực hiện nó sai. Như đã phân tích ở trên, một chủ nghĩa đúng chỉ khi nào nó áp
dụng được, mang lại thịnh vượng, sung túc và hạnh phúc cho người dân. Chủ nghĩa
cộng sản không có những điều đó. Và đó là bi kịch của dân tộc.
Minh Việt
No comments:
Post a Comment