Huỳnh Thục Vy
Gửi cho BBCVietnamese.com từ
Quảng Nam
Cập nhật: 15:51 GMT –
thứ ba, 15 tháng 10, 2013
Xã hội dân sự được minh định trong sự tách biệt với các
không gian hoạt động khác, bao gồm xã hội kinh tế (hoạt động vì mục tiêu lợi
nhuận) và xã hội chính trị (các định chế quyền lực chính trị và các đảng phái).
Tự nguyện, tự vận hành, phi lợi
nhuận và độc lập với quyền lực chính trị là những đặc tính cơ bản định hình sự
tồn tại riêng biệt của xã hội dân sự.
Vài nét khái quát
Trong một nền dân chủ tự do,
tác động tương hỗ giữa ba mảng hoạt động này (dân sự, kinh tế, chính trị) diễn
ra liên tục tạo nên bối cảnh xã hội sinh động và đưa đến những điều kiện làm
thay đổi tính chất lẫn trình độ phát triển của nền dân chủ.
Với những chuyển động phức tạp
của xã hội, điều cần thiết là giữ được mối quan hệ cân bằng giữa ba không gian
hoạt động này. Vì sự cân bằng này bị phá vỡ sẽ dẫn đến sự suy thoái hoặc biến
mất của một trong ba lĩnh vực này; mà khả năng cao nhất sẽ là mối đe doạ nhắm
vào xã hội dân sự.
Như một thành tố cấu thành nên
một xã hội dân chủ, sự tồn tại của xã hội dân sự cũng như uy tín và vai trò của
nó là không thể phủ nhận. Nhưng, những trở ngại không nhỏ đã và đang ngăn cản
nỗ lực xây dựng không gian dân sự trong các quốc gia độc tài cũng như các quốc
gia đang chuyển hoá dân chủ hoặc đang xây dựng một nền dân chủ non trẻ.
Việt Nam là một quốc gia độc
tài đặc biệt hơn, với mô hình chính trị nhắm thẳng sự tấn công vào xã hội dân
sự. Vì thế, nỗ lực dân chủ hoá đặt trên nền móng xã hội dân sự ở xứ sở này cũng
khó khăn gấp bội.
Thực vậy, việc tập trung các tổ
chức dân sự dưới trướng một Mặt trận Tổ quốc do đảng Cộng sản điều khiển đã
biến tiềm năng sinh hoạt tập thể của người dân thành năng lực phục vụ cho quyền
lực chính trị, đã biến các diễn đàn thể hiện ý chí của người dân thành các buổi
họp chi bộ Đảng.
Thêm vào đó, việc cấm chỉ hoạt
động của các tổ chức, các nhóm không được chính quyền chấp nhận đã triệt tiêu
không gian dân sự gần như hoàn toàn ở Việt Nam.
Những năm gần đây, với sự trợ
giúp hữu ích của internet, các diễn đàn thảo luận chính trị online và các nhóm
sinh hoạt bí mật trên mạng xã hội đã thực sự tạo không gian cần thiết cho sự tự
do bày tỏ quan điểm chính trị. Đó chính là những dấu hiệu khởi phát đáng mừng
của xã hội dân sự.
Hơn thế, tầm quan trọng của xã
hội dân sự trong cuộc vận động dân chủ hoá được nhiều nhà hoạt động, nhất là
giới trẻ đặc biệt quan tâm.
Các trí thức xuất thân cộng sản
cũng dần dần nhận thấy vai trò của mình trong nỗ lực cổ vũ cho sự hình thành và
phát triển của xã hội dân sự.
Các trí thức hải ngoại cũng tìm
thấy sức sống và hy vọng mới cho phong trào Dân chủ qua triển vọng xã hội dân
sự. Nhiều nhóm đối kháng đã được thành lập và bước đầu đã cho thấy tiềm năng
của mình, dù vấp phải nhiều đàn áp từ Nhà cầm quyền.
Hai điều kiện tiên quyết để thành công
Các điều kiện cho một không
gian dân sự hoạt động thành công không dễ dàng như chúng ta nghĩ. Một thực thể
chỉ là chính nó khi hoạt động mà không có sự can thiệp thái quá từ bên ngoài.
Uy tín và thẩm quyền đạo đức
của các tổ chức dân sự, vì thế, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng giữ cân bằng
và tự chủ. Mất đi sự độc lập thích đáng này, xã hội dân sự không chỉ rơi vào
tình trạng tồn tại trên hình thức, hiệu quả hoạt động bị tiêu giảm, trở thành
những thực thể "phản dân sự", làm tay sai cho quyền lực Nhà nước, là
con rối của các thực thể kinh tế; mà còn tự loại bỏ mình khỏi đời sống xã hội
vì đã bị "hoà tan" vào hai không gian hoạt động kia (xã hội chính trị
và xã hội kinh tế).
Có hai điều kiện cần thiết để
đảm bảo sự độc lập thích đáng của xã hội dân sự, đó là độc lập về tài chính và
nhân sự chủ chốt.
Thứ nhất, là sự độc lập tài
chính.
Không một tổ chức nào có thể
hoạt động nếu không có nguồn tài chính ổn định và thích hợp, nhưng cũng chính
vì thế mà không một thực thể nào giữ được sự độc lập ý chí nếu bị phụ thuộc về
tài chính.
Các tổ chức bảo vệ Nhân quyền
như Human Rights Watch, Reporters without Borders, Amnesty International, Pen
International... tới nay vẫn là những NGO quốc tế có uy tín và vị thế quan
trọng trong cuộc vận động bảo vệ Nhân quyền, vẫn mạnh mẽ ủng hộ các nhà đối
kháng, các nhóm thiểu số bị đàn áp trên khắp thế giới trong khi chính phủ các
quốc gia dân chủ vẫn "mắt nhắm mắt mở" vì lợi ích quốc gia họ.
Thực tế đó xuất phát từ khả
năng giữ được sự cân bằng khi phải đối mặt với vấn đề tài chính. Nếu chúng ta
để ý, sẽ thấy mục "Donation" trên trang nhà của các tổ chức này. Ở
đó, họ kêu gọi sự đóng góp của các cá nhân giúp họ giữ được sự độc lập cần
thiết. Thực vậy, từng đóng góp nhỏ từ một khối người lớn sẽ giúp được rất nhiều
cho các tổ chức này, nhưng không khiến họ bị phụ thuộc vào một cá nhân hay tổ
chức kính tế, chính trị nào.
Trong "Phát biểu vắn tại
Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN", tôi rất ngạc nhiên khi giáo sư
Tương Lai hy vọng : “Mặt trận sẽ không tiếp tục thực hiện vai trò cây kiểng làm
dáng, ăn theo nói leo với những lời tụng ca như đang và đã từng " và
" là nơi quy tụ ý chí nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân"; mà
không chú trọng đến một sự thật rằng Mặt trận này sẽ mãi mãi chẳng bao giờ là
tiếng nói của người dân nếu nó vẫn hoạt động bằng nguồn tài chính từ chính
quyền do đảng cộng sản lãnh đạo. Sự phụ thuộc tài chính là nguyên nhân dễ thấy
của sự phụ thuộc ý chí, nó cũng chính là gốc rễ của cái tư duy “sổ hưu” của các
đảng viên cộng sản.
Thứ hai, là sự độc lập của các
nhân sự chủ chốt.
Các nhân sự quan trọng trong
một tổ chức dân sự phải thực sự là một nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp, có
nghĩa là họ nhất thiết không phải là công chức Nhà nước, không là thành viên
của bất cứ đảng phái chính trị nào và cũng không liên quan đến hoạt động vì mục
tiêu lợi nhuận.
Thử hình dung, một đảng viên
của đảng A, cũng là nhân sự lãnh đạo trong một NGO (B), người đó có thể có đủ
bản lĩnh để không bị chi phối bởi lợi ích chính trị của đảng phái mà hoạt động
xã hội một cách vô tư hay không?
Lại cũng như thế, nếu một người
là giới chức chính quyền hoặc đang làm việc cho một tập đoàn kinh tế, anh ta có
đủ khả năng để làm việc hoàn toàn theo lương tâm và sự thật như một nhà hoạt
động xã hội không, hay lại bị khống chế bởi quyền lực chính trị hoặc mệnh lệnh
kinh tế?
Lại nêu lên trường hợp Mặt trận
Tổ quốc, nhân sự chủ chốt của Mặt trận này là đảng viên cộng sản, họ không phục
tùng và làm việc cho lợi ích của đảng cộng sản thì mới là bất bình thường.
Bởi vậy, thật nghịch lý khi kêu
gọi Mặt trận này phải đứng về phía nhân dân, ủng hộ dân chủ và đa đảng khi Đảng
cộng sản mới là cơ quan chủ quản của nó chứ không phải là khối dân sự. Một ví
dụ khác, gần đây dư luận chú ý đến sự xuất hiện của Diễn đàn xã hội dân sự.
Tôi không biết danh tính đầy đủ
của những người khởi xướng diễn đàn này (và cũng không nghi ngờ thiện chí của
họ) nhưng tôi có thể khẳng định: nếu nhiều người trong số họ vẫn còn mang thẻ
đảng, thì tính chất dân sự thực sự của Diễn đàn này vẫn còn xa vời lắm. Bởi vì
chỉ có dân sự phục vụ lợi ích và thể hiện ý chí dân sự, còn kinh tế và chính
trị thì chỉ nhằm mục đích lợi nhuận và quyền lực. Phải nhận thức rõ ràng như
thế mới mong đặt nền móng xã hội dân sự một cách thành công ở xứ sở này.
Thay lời kết
Hiện nay, trong vòng kiềm toả
của chế độ độc tài, mọi hoạt động của những nhà đấu tranh cho dân chủ đều
"underground"; họ đều mang một danh xưng chung là
"activist" mà không có sự phân định rõ ràng giữa những cá nhân hoạt
động đảng phái và những người làm việc theo xu hướng xã hội dân sự.
Dưới các động thái thù địch của
chế độ nhắm vào các đảng phái đối lập, điều này dễ hiểu. Nhưng về lâu về dài,
sự thiếu phân minh này sẽ ảnh hưởng đến sự tiến bộ và vững chắc của xã hội dân
sự, để lại hệ luỵ cho công cuộc xây dựng dân chủ.
Bởi, sự hiện diện của thành
viên các đảng phái trong các tổ chức xã hội dân sự, cũng như việc nhân danh xã
hội dân sự để hoạt động đảng phái, trong trường hợp xấu nhất, sẽ tạo điều kiện
để chính trị khuynh loát hoặc chi phối xã hội dân sự sau này. Và đó không phải
là một tương lai đáng mong muốn cho dân chủ Việt Nam.
Không phải chúng ta ca ngợi tầm
quan trọng của xã hội dân sự thì nó tự nhiên có đủ phẩm chất để gánh vác trọng
trách trong cuộc vận động dân chủ hiện nay.
Không gian dân sự này có đủ khả
năng làm nền tảng cho dân chủ hay không tuỳ thuộc vào nhận thức và bản lĩnh của
các nhà hoạt động dân sự lẫn đảng phái.
Xã hội dân sự không thể mãi là
cái vỏ bọc cho hoạt động chính trị, điều đó là không chính đáng. Các hoạt động
đảng phái là cần thiết và chỉ tốt đẹp nếu nó mang đúng tên của mình.
Nên lưu ý rằng, dù chương trình
làm việc của xã hội dân sự liên quan mật thiết đến các vấn đề chính trị, thì tự
thân nó, xã hội dân sự không bao giờ giống với đảng phái. Thiết nghĩ, sự phân
biệt rõ ràng giữa xã hội dân sự và đảng phái chính trị sẽ là một bước trưởng
thành quan trọng của phong trào dân chủ Việt Nam. Nếu không có bước tiến này,
xã hội dân sự sẽ còn phải đi một quãng đường rất chông gai nữa để có thể tự
khẳng định mình.
Bài viết thể hiện cách hành văn
và quan điểm riêng của tác giả.
Các bài liên quan
No comments:
Post a Comment