Nguồn: Zachary Abuza (2001). “The Nhan Van–Giai
Pham Affair, the 1967 Purge, and the Legacy of Dissent”, in Z. Abuza, Renovating
Politics in Contemporary Vietnam (London: Lynne Rienner Publisher). [1]
Biên dịch: Vương Thảo Vy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 03/10/2013
Download: Su
kien Nhan Van – Giai Pham.pdf
Văn hóa, nghệ thuật cũng như
mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính
trị.
– Hồ Chí Minh
Nhà soạn nhạc Xô Viết phải tìm
kiếm những giá trị anh hùng, vĩ đại và cao đẹp, phải chiến đấu chống lại chủ
nghĩa hiện đại mang tính phá hoại lật đổ, điển hình cho thời kỳ suy tàn của nền
nghệ thuật tư sản. [Âm nhạc phải] mang tính dân tộc về mặt hình thức và xã hội
chủ nghĩa về mặt nội dung.
- Maxim Gorky, “Bàn về chủ
nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, 1934
Những kiếp người sống lâu trăm
tuổi
Y như một cái bình vôi,
Càng sống càng tồi.
Càng sống càng bé lại.
- Phan Khôi
Từ ngày đất nước thống nhất năm
1975 đến Đại hội Đảng lần thứ Sáu vào tháng Mười Hai năm 1986 khi chương trình
cải cách kinh tế được tiến hành, hầu như không tồn tại bất cứ mối bất đồng nào
trên cả nước, ngoại trừ những cựu thành viên chống cộng sản của chế độ Việt Nam
Cộng hòa. Nhưng ngay cả mối bất đồng này cũng bị hạn chế vì sự độc đoán và
những cuộc trừng trị không nương tay ngày càng mở rộng của chính phủ đối với những
kẻ thù trước đây. Những người không bị “học tập cải tạo” và đưa đến “những vùng
kinh tế mới” (hơn 300.000 người) sẽ bị hăm dọa buộc phải phục tùng nhà nước.
Những nguyên nhân của mối bất đồng xuất hiện trong suốt thời kỳ đổi mới có
nguồn gốc từ trước ngày đất nước thống nhất, và cũng cần xem xét một bối cảnh
lịch sử đặc biệt liên quan đến hai sự kiện nhằm giải thích cho mối bất đồng
trong thời kỳ đương đại. Sự kiện đầu tiên liên quan đến việc đối xử đối với các
trí thức gia, tác giả, nhà thơ, và văn nghệ sỹ – những người đã gia nhập hàng
ngũ Việt Minh trong những năm 1940-1950 nhưng sau đó đã bị thanh trừng vì yêu
cầu đòi mở rộng quyền tự do trí thức, bao gồm quyền được xuất bản các tác phẩm
độc lập. Thực tế cho thấy rất nhiều trong số những nhà trí thức này vẫn là
những nhân vật đi đầu trong các hoạt động chống đối trong thời điểm hiện tại
trong khi những vấn đề và yêu sách tương tự tiếp tục vẫn còn dư âm. Sự kiện thứ
hai là cuộc thanh trừng nội bộ Đảng vào giữa đến cuối những năm 1960 mà trong
đó những người chống lại chính sách leo thang chiến tranh chống Mỹ sẽ bị thanh
trừng vì đã vi phạm những nguyên tắc của chế độ tập trung dân chủ. Những đảng
viên nào đưa ra bất cứ phương án khác cho cuộc chiến ở miền Nam mà đi ngược lại
với chủ trương không khoan nhượng của những nhà cầm quyền sẽ bị ngược đãi không
thương xót, điều này đã vô hình chung chấm dứt những cuộc tranh luận công khai
và ý nghĩa trong nội bộ đảng. Từ năm 1967 đến khi chính sách Đổi Mới được thực
hiện, tất cả quá trình ra quyết định bị giữ độc quyền trong tay của những nhà
lãnh đạo mà không ai dám chống đối hoặc có ý nghi ngờ, do đó đã tạo ra sự trì
trệ trong chính sách nhà nước và chính sách đối ngoại. Mặc dù sự kiện Nhân Văn
– Giai Phẩm và cuộc thanh trừng nội bộ đảng vào năm 1967 đã được phân tích một
cách thấu đáo trong các tác phẩm khác, nhưng tác giả vẫn sẽ bàn luận hai sự
kiện trên trong bài viết này. Chúng chính là những sự kiện đầu tiên và mang
tính cấu thành nhất đối với tình trạng bất đồng chính kiến dưới sự cầm quyền
của Đảng Cộng sản, và những vấn đề được những người chống đối đưa ra vào những
năm 1950-1960 cho đến giờ vẫn không thay đổi. Di sản của những sự kiện này mang
tính thu hút, và chúng đã trở thành điểm quy tụ cho những người chống đối ngày
nay: sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm như là một biểu tượng của sự thất bại của
đảng trong lời hứa sẽ mang lại tự do cho giới trí thức, và cuộc thanh trừng nội
bộ đảng chính là dấu chấm hết cho nền dân chủ nội đảng và dập tắt tư duy trong
quá trình ra quyết định. Cuối cùng là, cách thức mà chế độ đáp trả đối với
những sự kiện này, ngay cả thời điểm hiện tại, cho ta thấy về tình trạng cải
cách chính trị tại Việt Nam.
Sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm
Bối cảnh sự kiện
Năm 1950, vào giữa cuộc chiến
chống Pháp của Việt Minh, Hồ Chí Minh đến Trung Quốc và ký kết thỏa thuận viện
trợ quân sự với nhà lãnh đạo cộng sản mới của Bắc Kinh. Khi viện trợ quân sự
được đưa vào, thì dòng chảy ồ ạt các thể chế, cải cách và lực lượng cố vấn mang
phong cách Trung Quốc cũng từ đó mà tràn vào. Một chiến dịch gấp gáp được khởi
động để học tập kinh nghiệm cách mạng của Trung Quốc, và 200.000 bản sao của 43
cuốn sách của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã được dịch và in ra. Các thể chế kinh
tế và chính trị Trung Quốc ngày càng phổ biến. Trước năm 1952, có gần 7.000
binh sĩ và cố vấn Trung Quốc hiện diện tại Bắc Bó (một chiến khu phía Bắc).
Trong giai đoạn 1949-1954, Trung Quốc huấn luyện và trang bị cho gần 50.000 bộ
đội Việt Nam tại các doanh trại ở Vân Nam và Quảng Tây thành lập vào mùa xuân
năm 1950. Theo đề xuất của Trung Quốc, Đảng Lao Động mang tính xã hội chủ nghĩa
được công khai thành lập vào tháng Hai năm 1951, sự kiện này đã chấm dứt cáo
buộc cho rằng Việt Minh là một tổ chức chống thực dân có cơ sở rộng khắp mà lại
không có điểm tựa về mặt tư tưởng.[2] Theo như một nhà sử học, Kháng chiến nhất định thắng lợi
của Trường Chinh, tác phẩm đặt ra cuộc cách mạng ba giai đoạn cho chiến tranh,
lại “gần như ăn cắp ý tưởng của chủ nghĩa Mao.”[3] William Duiker đã ghi nhận một cách súc tích rằng đường hướng
lãnh đạo của Việt Minh đơn thuần là để “vuốt ve cái tôi của những nhà lãnh đạo
Trung Quốc” bởi vì sự trợ giúp của họ là hoàn toàn thiết yếu.[4]
Chiến dịch chỉnh huấn khổng lồ
trong nội bộ Đảng (hay Cheng feng theo tiếng Hoa), lấy hình mẫu của chiến dịch
Diên An tại Trung Quốc, đã được khởi động và hàng ngàn cán bộ bị thanh trừng;
số lượng Đảng viên giảm gừ 50.000 trong năm 1950 xuống còn 40.000 vào năm 1954.
Chiến dịch cải cách ruộng đất hai giai đoạn bắt chước mô hình của Trung Quốc cũng
được tiến hành. Giai đoạn ôn hòa từ năm 1953 đến năm 1954 nổi bật là việc giảm
tô, theo sau đó là giai đoạn thay đổi rõ rệt hơn từ năm 1954 đến năm 1956 với
việc tái phân phối một khối lượng lớn tài sản ở phía Bắc.[5] Đây là hồi chuông cảnh báo giới trí thức bởi vì hầu hết trong
số họ đều có vài mối liên hệ đến tầng lớp có ruộng đất “phong kiến” và “phản
động”.[6] Vào tháng Ba năm 1953, chính phủ quyết định và ban hành một
danh sách đặt tên các giai cấp trong xã hội, trong đó chính phủ nỗ lực làm dịu
đi nỗi sợ hãi bằng cách khẳng định rằng “giới trí thức không tự họ hình thành
nên một tầng lớp riêng” mà địa vị của họ dựa trên “thành phần” của gia đình.
Bởi vì nhiều trí thức gia được xếp vào thành phần “kẻ thù giai cấp”, nên ngược
lại cũng có một thành phần mới được tạo ra, đó là “cá nhân tiên tiến”, danh
hiệu này sẽ được cấp cho ai ngoài việc phục vụ cho cách mạng còn tình nguyện
giao nộp toàn bộ của cải cho chính phủ.
Trong khi sự trợ giúp về mặt
hậu cần từ phía Trung Quốc là cần thiết, thì một nhiệm vụ cũng không kém phần
quan trọng đối với công cuộc đấu tranh chống thực dân của Việt Minh là thu phục
được sự đồng lòng của giới trí thức. Nhiều trí thức gia cảm thấy họ không có
lựa chọn nào khác ngoài việc phải lên Việt Bắc và tham gia cách mạng; nếu không
làm như vậy, họ sẽ bị đánh đồng với việc bắt tay với giặc Pháp. Một số lượng
lớn các trí thức gia tham gia Việt Minh vì lòng yêu nước, chứ không phải vì chủ
nghĩa cộng sản. Thực tế cho thấy vì các nhà lãnh đạo Việt Minh cố gắng che giấu
đi những mối liên hệ với chủ nghĩa cộng sản của tổ chức này, bằng cách trên
danh nghĩa giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương vào năm 1946, nên rất có thể nhiều
nhà trí thức tin theo lời Hồ Chí Minh từng công khai cho rằng đây là một tổ
chức theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải cộng sản. Thật vậy, một học giả miền
Nam Việt Nam có luận điểm cho rằng giới trí thức “được động viên bởi hy vọng
rằng họ có thể dùng tổ chức kháng chiến này để tập hợp các phần tử dân tộc và
tạo nên một lực lượng có thể điều chỉnh cán cân chống lại những người cộng sản
trong số những thành viên tham gia kháng chiến.[7] Dù cho lý do có là gì đi nữa thì các nhà trí thức cũng tham
gia cuộc đấu tranh chống thực dân với đầy nhiệt huyết.
Ngay từ buổi ban đầu, [các nhà
văn] đã dốc hết tâm huyết và sức lực cho tất cả các hoạt động mà đất nước kêu
gọi sự giúp sức của họ trong thời chiến. Họ sát cánh với những người phu và
nông dân để chiến đấu chống lại kẻ thù của đất nước. Họ chia sẻ với những con
người này đời sống khổ cực trong rừng rậm, và cũng như thế, họ sống và làm việc
trong bầu không khí ngập tràn lòng yêu nước.[8]
Nhưng ngay từ buổi ban đầu,
Đảng đã kiên quyết kiểm soát giới trí thức và ngăn cản họ khỏi tình trạng quá
độc lập. Dựa trên tác phẩm của Mao, Lenin, và Maxim Gorky,[9]các văn nghệ sỹ Việt Nam bị bắt buộc phải chấp nhận những
nguyên lý của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và phải xem xét lại lập
trường tư tưởng của mình. Trong một bài phát biểu năm 1948, Tổng Bí thư Đảng
Cộng Sản Trường Chinh đã yêu cầu văn học và văn hóa “phải duy trì lòng trung
thành hoàn toàn với Tổ quốc và cuộc kháng chiến.”[10]
Năm 1951 chứng kiến hai ràng
buộc sâu sắc hơn đối với giới trí thức: Ràng buộc đầu tiên chính là việc đưa
vào “chế độ tập trung dân chủ” như là quy trình hoạt động trung tâm của Đảng.
Nguyên tắc này trở thành mối liên kết giữa giới tinh hoa và quần chúng: một khi
Đảng đã đưa đến một quyết định nào đó thì không có bất cứ sự chống đối nào được
chấp nhận. Sau đó, trong một bức thư gửi đến giới nghệ sỹ và trí thức vào năm
1951, Hồ Chí Minh đã sử dụng ngôn từ mà Mao đã sử dụng trong buổi nói chuyện
với giới trí thức tại Diên An, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc đã làm rõ rằng
“thực tế không có nghệ thuật vị nghệ thuật, không có nghệ thuật đứng trên giai
cấp, không có nghệ thuật tách rời hoặc độc lập với chính trị. Văn học và nghệ
thuật vô sản là một phần của toàn bộ lý tưởng đấu tranh cách mạng của giới vô
sản.”[11] Ông giải thích cho giới trí thức về khái niệm của chủ nghĩa
hiện thực xã hội chủ nghĩa. “Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, người chiến đấu
trên mặt trận văn hóa cần có một lập trường chính trị vững vàng và một hệ tư
tưởng đúng đắn: Nói tóm lại, anh phải đặt lợi ích của cuộc cách mạng, của quốc
gia và dân tộc lên trên tất cả.”[12] Để thực hiện được mục tiêu này, Hồ Chí Minh lập luận rằng
“Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải
ở trong kinh tế và chính trị.”[13] Kết quả là, những hình thức thay đổi sự thật hoặc nguyên tắc
từ ngữ ngữ pháp tiêu chuẩn trong các tác phẩm nghệ thuật bị hạn chế, và theo
như học giả người Pháp Georges Boudarel, “những tác phẩm của họ được kỳ vọng
xoay quanh những đặc tính điển hình và phục vụ kịp thời cho các đòi hỏi về mặt
chính trị của phong trào. Từ phổ biến hay dùng là từ “căm thù”: căm thù đế quốc
nước ngoài và phong kiến bản địa hoặc những điền chủ.”[14]
Những bó buộc đối với giới văn
nghệ sỹ này, cùng với việc thi hành những khía cạnh khác của chủ nghĩa cộng
sản, “đã đẩy một làn sóng trí thức gia khổng lồ tới khu vực thuộc quyền kiểm
soát của Pháp.”[15] P.J.Honey khẳng định rằng “càng áp dụng nhiều nguyên lý từ
những người cộng sản Trung Quốc, thì hàng ngũ những trí thức gia bị vỡ mộng
ngày càng nhiều, điều này loại bỏ đi những thành phần tham gia hoạt động kháng
chiến.”[16] Những người nào còn trụ lại gần như chỉ có việc sáng tác cho
chiến dịch văn chương của Việt Minh và phải chịu đựng những nguyên lý khắt khe
của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Trong một nỗ lực lớn hơn nhằm
bắt giới tri thức phải chịu sự kiểm soát của Đàng, người ta đã gây áp lực để
giới này phải gia nhập đảng. “Họ bị đe dọa rằng nếu từ chối tư cách thành viên,
họ sẽ bị lên án là những kẻ phản động, cùng lúc đó, họ cũng được dụ dỗ gia nhập
bởi lời hứa về những ưu đãi đặc biệt.”[17] Tuy nhiên, ngay cả những người trí thức ở lại chiến khu và
gia nhập Đảng cũng phải chịu đựng chiến dịch học tập cải tạo dẫn đầu bởi “những
cán bộ văn hóa cộng sản đặc biệt” – những người đã từng được “chỉ dẫn bởi
‘những người đàn anh ở phía bên kia đường biên giới’ [các cán bộ Trung Quốc]
trong ‘hệ thống nghệ thuật và văn chương Trung Quốc.’”[18]
Nhìn chung, hầu hết các trí
thức gia trụ lại là do những lý do xuất phát từ lòng yêu nước. Cuộc kháng chiến
chống Pháp chính là một động cơ thúc đẩy thực sự. Vì muốn giành độc lập, các
văn nghệ sỹ sẵn sàng chấp nhận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và mệnh
lệnh của đảng buộc công việc của họ phải là một phần trong toàn bộ phong trào
kháng chiến lãnh đạo bởi Đảng Lao Động. Họ chấp nhận sự kiểm soát, kiểm duyệt
của Đảng và hy sinh một phần tự do cho nền độc lập dân tộc. Như một nhà chống
đối hàng đầu từng viết:
Khi Hội [văn hóa cứu quốc] ở
Việt Bắc thì đường lối hoạt động dường như rất đơn giản. Để phục vụ đất nước
dân tộc, và trên hết là cuộc kháng chiến cấp bách, thì phải tuân theo chủ nghĩa
Mác. Không thể cho rằng các văn nghệ sỹ lúc bấy giờ hoàn thành đúng và đủ hoàn
toàn các nhiệm vụ được giao, nhưng có một điều chắc chắn rằng họ nỗ lực hết
mình để đi theo đường lối hoạt động nói trên. Liệu họ có bao giờ cảm thấy bất
mãn với cấp trên của mình? Rất hiếm hoi. Hoặc nếu có đi chăng nữa, họ cũng
không để tâm lắm đến điều đó vì tâm hồn của họ đã đắm chìm trong cuộc kháng
chiến gian khó mà vĩ đại. Họ không có thì giờ rỗi rãi để nghĩ đến các vấn đề
khác nữa.[19]
Con người họ tràn ngập niềm tự
hào và lửa nhiệt tình với mong muốn xây dựng một Việt Nam mới độc lập, và họ
tin rằng chính việc phục vụ cách mạng sẽ mang lại cho họ tự do sáng tác. Họ
mong muốn rằng, sau cuộc kháng chiến, họ sẽ nhận được tự do nhiều hơn cả dưới
thời Pháp và sự can thiệp của đảng vào văn học nghệ thuật cũng sẽ chấm dứt.
Vào thời kỳ đầu tình hình cho
thấy họ có vẻ sẽ được tự do. Đảng Lao Động gửi các cán bộ văn hóa đến Hà Nội
vào tháng Chín năm 1954 để thuyết phục những người đã rời khỏi Việt Bắc thôi
không chuyển vào miền Nam trong khoảng thời gian 300 ngày như hiệp định Geneva
đã cho phép. Để lấy lại sự ủng hộ của giới trí thức, vào năm 1954-1955 Đảng Lao
Động đã thực hiện một đường lối mang tính tự do đối với những trí thức và
chuyên gia đã phục vụ cho Pháp; những người nào ở lại miền Bắc được đối xử rất
tốt, thường kiếm được nhiều hơn những người cùng với Đảng Lao Động vào Hà Nội
vào năm 1954.[20] Tố Hữu, một trí thức hàng đầu của đảng, đã thông báo một
chính sách hòa giải vào năm 1955: “Đảng có thể cung cấp sự lãnh đạo trí thức để
chống lại kẻ thù, nhưng hiện nay là giai đoạn cho công việc mang tính xây dựng.
Đảng có thể sẽ không lãnh đạo nữa, mà nên nhường đường cho giới trí thức.”[21] Nhưng cùng thời điểm đó, Đảng Lao Động buộc tất cả văn nghệ
sỹ phải gia nhập Hội Văn Nghệ chính thức. Cuộc trấn áp bắt đầu.
Loạt đạn mở màn
Tình trạng bất đồng bắt đầu khi
Trần Dần, một tác giả quân đội đồng thời là Đảng viên, đã viết một cuốn sách
phóng sự về trận chiến Điện Biên Phủ vào tháng Hai năm 1955. Sau này Bảo Ninh
và Dương Thu Hương có các tác phẩm tương tự vào những năm 1990, các nhân vật
trong tác phẩm của ông không phải là những hình mẫu anh hùng chủ nghĩa xã hội
mà đảng đã ra lệnh phải theo. Quyển sách là bức chân dung phác họa cuộc sống
khổ cực bên trong chiến hào nơi hầu như không thấy bằng chứng cho thấy sự thắng
lợi của cuộc chiến hay tính đúng đắn của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên
ông đã được cử đến Trung Quốc để viết kịch bản phim; ở đó ông đã trải qua một
cuộc tranh cãi quyết liệt với viên chính ủy người đã được gửi đến làm việc với
ông. Trần Dần trở về nước với tâm trạng thất vọng và đã tập hợp một nhóm các
nhà trí thức có cùng tư tưởng trong nội bộ quân đội mà mục tiêu của họ là
thuyết phục các lãnh đạo đảng trả lại cho họ sự tự do sáng tác. Họ mong muốn
đòi lại sự tự do không chỉ từ các nhân viên kiểm duyệt quân đội mà còn từ các
viên chính ủy của đảng. Theo như cương lĩnh được soạn thảo và đệ trình cho Ban
chấp hành Trung ương vào năm 1955 của Trần Dần và gần 30 các trí thức gia khác,
Biểu hiện cao nhất về trách
nhiệm của một tác giả là sự tôn trọng và trung thành của anh ta đối với sự
thật… Sự thật, với phạm vi của nó, vượt qua tất cả những chỉ thị, tất cả lý
thuyết…Nếu nó đi ngược lại một kế hoạch hoặc mệnh lệnh nào đó, các tác giả cần
bám theo sự thật, không bóp méo nó cũng như không được ép sự thật vào khuôn khổ
chính trị… Cách mạng không cần bất cứ nhà tông đồ nào để đốt hương và ca tụng
các kế hoạch và cũng chẳng cần đến các vị pháp sư cúng tế khi họ vỗ chiêng và
tụng kinh cầu…Ngày nay, người ta tìm thấy trong văn chương của chúng ta khá
nhiều kỹ xảo (và ngay cả bộ mặt đạo đức giả).[22]
Ông lập luận rằng “một tác giả
phải được cho phép sự tự do gần như hoàn toàn trong việc lựa chọn chủ đề, nhân
vật, phong cách thể hiện thái độ và cảm xúc. Tất cả trở ngại và hạn chế phải bị
bài trừ như những kẻ thù của chủ nghĩa hiện thực.” Trong thời gian ở Trung
Quốc, Trần Dần chịu ảnh hưởng bởi một nhân vật trong nền văn chương Trung Quốc
là Hồ Phong, người muốn mở rộng những biên giới có thể chấp nhận được của văn
học. Khi trở về, Trần Dần đã viết, “Tại sao không có ai viết về các quan chức
chính phủ chẳng hạn? Hoặc về tình yêu? Tại sao cứ phải giới hạn các nhân vật
vào vai những cá nhân mang thân phận người công nhân hoặc nông dân? Chủ nghĩa
hiện thực khuyến khích hàng trăm trường phái cùng phát triển mạnh.”[23] Những lời tấn công thẳng thắng như vậy vào sự kiểm soát của
đảng đã khơi dậy khí phách trong lòng giới trí thức, những người đã tập hợp lại
để bảo vệ cho ông. Phan Khôi, cha đẻ của nền thơ ca hiện đại Việt Nam,[24] khi đó 70 tuổi, đã viết “mỗi người trong chúng ta sở hữu nghệ
thuật của chính bản thân mình và phản ánh tính cách của chúng ta trong đó. Chỉ
có loại hình nghệ thuật và tính cách này mới có thể tạo ra quang cảnh trăm hoa
đua nở. Trái lại, nếu các tác giả bị ép buộc phải viết theo cùng một phong
cách, thì sẽ có ngày tất cả loài hoa đó sẽ trở thành hoa cúc vạn thọ hết thảy.”[25]
Một nhà trí thức khác, Lê Đạt,
đã than phiền rằng hiện thực xã hội chủ nghĩa giống như:
Việc đặt các đồn cảnh sát và
máy móc thiết bị vào giữa trái tim con người
Việc buộc cảm xúc phải thể hiện
theo như một bộ quy tắc mà chính phủ ban hành.
Phản ứng ban đầu của đảng đối
với Trần Dần và những nhà chống đối khác là đặt họ trong chế độ quản thúc tại
gia và sau đó cải tạo họ.[26] Tố Hữu, nhà thơ của chính phủ, sau đó đã phát động một chiến
dịch nhằm tái củng cố đời sống của giới trí thức với những nguyên lý của chủ
nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tố Hữu yêu cầu các nhà trí thức phải tuân thủ
nghiêm ngặt các tham số được quy định trong bài phát biểu của chủ tịch Mao tại
Diên An: “những nhân vật mang tính tích cực,” “những anh hùng cách mạng,” và
“nông dân và công nhân như lực lượng tiên phong.” Nói tóm lại, Tố Hữu kêu gọi
sự tổng hợp không thỏa hiệp giữa chính trị và nghệ thuật bởi vì “nội dung quyết
định hình thức.”
Trong khi nhiều nhà trí thức ý
thức được tương lai không lành sẽ xảy ra và tuân theo đường lối của đảng thì
những người khác lại tạm lánh mặt cho đến đầu năm 1956 khi tuyển tập mang tên Giai
Phẩm Mùa Xuân được xuất bản. Tính táo bạo của tạp chí này, trong đó bao gồm
một bài thơ Trần Dần viết nhằm miêu tả tình trạng tệ hại không thể chấp nhận
được ở miền Bắc, đã làm chất xúc tác cho các nhà trí thức khác.[27] Khi đảng trao giải Nhất Giải thưởng Văn học vào năm 1954-1955
cho một tác phẩm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa tầm thường của nhà thơ
trung thành với đảng – Xuân Diệu, giới trí thức nổi dậy.[28]
Tại Hội nghị tháng Tám năm 1956
của Hội Văn nghệ, các nhà trí thức công khai đòi quyền tự do nhiều hơn, cũng
giống như đồng sự của họ ở Trung Quốc và Liên Xô tại thời điểm đó. Ở Trung
Quốc, Lục Định Nhất kêu gọi “phá vỡ sự trì trệ trong hoạt động của giới trí
thức ở Trung Quốc” trong bài phát biểu “Trăm hoa” của ông. Cụ thể là ông đã yêu
cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép “sự tự do trong suy nghĩ độc lập về hệ tư
tưởng, các hoạt động nghiên cứu khoa học và nghệ thuật; tự do ngôn luận; tự do
tham gia vào các công việc sáng tạo và phê bình tác phẩm của những người khác;
tự do bày tỏ ý kiến; và tự do thu lại ý kiến.” Các học giả cũng bàn luận về
những thay đổi trong chính sách của Xô Viết đối với giới trí thức kể từ Đại hội
lần thứ Hai mươi của Đảng Cộng Sản Liên Xô khi Khrushchev đưa ra bài phát biểu
phi Stalin hóa của mình.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn
làn sóng chỉ trích, Hoài Thanh – một quan chức cao cấp của đảng đã xuất bản một
bài viết tự phê bình trong tuần báo Văn Nghệ. Nhưng đã quá trễ, giới trí thức
bắt đầu xuất bản tạp chí riêng của họ dựa trên triết lý của trí thức gia đối kháng
Trung Quốc Hồ Phong, người đã cho rằng “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa
cần phải chuyển sang khía cạnh con người và khẳng định bản thân như một loại
hình của chủ nghĩa nhân văn.” Vào ngày 15 tháng Chín năm 1956, tạp chí Nhân Văn
độc lập đã được cấp phép xuất bản. Biên tập bởi Phan Khôi, Nhân Văn xuất bản
năm lần từ 20 tháng Chín đến 20 tháng Mười Một năm 1956. Trong giai đoạn đó,
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chấp nhận trong thời gian ngắn sự thẳng thừng của các
tác giả và biên tập viên.
Càng nhiều thứ thay đổi…
Ngoài nhu cầu tự do sáng tác và
quyền tự do thành lập các ấn phẩm độc lập mà không chịu sự kiểm soát và kiểm
duyệt của đảng, những người bất đồng ý kiến còn có rất nhiều khiếu nại khác.
Cũng giống như nhiều đồng nhiệp của họ vào những năm 1990, giới trí thức những
năm 1950 rất cẩn trọng trong việc thách thức chủ nghĩa xã hội hoặc sự độc quyền
về quyền lực của đảng. Theo Georges Boudarel, một học giả hàng đầu trong nghiên
cứu phong trào này: “Nhưng họ không đồng ý việc đánh đồng chủ nghĩa xã hội với
chủ nghĩa nhất thể (monolithism), và chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa toàn trị
(totalitarianism).”[29]
Phần lớn nhu cầu của họ tập
trung vào vấn đề “sự thật” và tính hợp pháp của các nguồn thông tin độc lập và
thay thế. Các nhà đối kháng hiểu sự cần thiết của công tác tuyên truyền, nhưng
họ cũng cảnh giác trước việc Đảng sẽ diễn dịch sai hoặc nói dối về các sự kiện
nhằm thúc đẩy các mục tiêu của mình. Phùng Quán đã yêu cầu một cách rõ ràng về
sự minh bạch trong một bài thơ nổi tiếng (Lời mẹ dặn – ND):
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ.[30]
Tương tự như vậy, Trần Vệ Lan
giải thích cho sự thiếu thốn các nguồn thông tin thay thế là do tính thiếu
trách nhiệm tai hại và lạm dụng quyền lực của đảng. “Nếu như các cuộc phê bình
công khai được áp dụng sớm hơn trong công chúng và báo giới, mà trong đó ai
cũng có thể thẳng thắn nói ra điều họ nghĩ để các nhà lãnh đạo của chúng ta dần
dần nói ra sự thật từ những dối trá trong việc thực hiện các chính sách, thì
nhiều thảm họa đã có thể tránh được.”[31]
Sai lầm tối quan trọng chính là
chương trình cải cách ruộng đất đặc trưng bởi “sự nổi lên của phong trào nông
dân bạo lực.” Những người chống đối quan tâm đến thực tế là có ít tính hợp pháp
ở khu vực nông thôn hơn là ở Hà Nội – khu vực trong tầm kiểm soát của Pháp: Bài
xã luận của Nguyễn Hữu Đang trong kỳ 4 tạp chí Nhân Văn, vào ngày 5 tháng 11
năm 1956, đã nhắc lại lời tố cáo của Khrushchev về việc sử dụng bạo lực và
khủng bố của Stalin và Beria, nhưng đồng thời cũng khẳng định rằng “Điều này ở
xã hội ta không phải ai cũng công nhận dễ dàng. Vì lòng khinh bỉ của chúng ta
đối với pháp lý tư sản lớn quá đến nỗi ở một số đông người nó đã trở thành lòng
khinh bỉ pháp lý nói chung… Ít luật lệ là một điều thuận tiện cho
sự lạm quyền, độc đoán. [32]
Để thúc đẩy tạo dựng nên xã hội
mang tính pháp trị hơn, giới trí thức đã kêu gọi chỉnh sửa Hiến pháp, yêu cầu
đảng trao tự do cho quốc hội, và mong muốn một nhánh tư pháp được độc lập. Vị
luật sư nổi tiếng, Nguyễn Mạnh Tường, đã vạch ra bốn cuộc cải cách pháp lý cơ
bản vào tháng 10 năm 1956 cần phải được thực hiện để tránh những việc lạm dụng
ngoài vòng pháp luật như đã xảy ra trong suốt chiến dịch cải cách ruộng đất:
thiết lập thời hiệu khởi kiện; chấm dứt việc xử tội đồng lõa của gia đình và
các thế hệ liên quan đến phạm nhân; thiết lập một tiêu chuẩn cao hơn cho chứng
cứ; và cung cấp quyền lợi cho người bị khởi tố trong suốt thời gian điều tra.
Theo ông, những trở ngại thêm vào đó là “sự khinh bỉ đối với pháp lý – thứ đứng
dưới quyền lực chính trị – và sự khinh bỉ đối với các chuyên gia.”[33]
Các nhà phê bình cũng đề cập
rất nhiều đến sự thiếu dân chủ, sự chiếm hữu quyền lực trong tay một số ít nhân
vật, và tình trạng trì trệ của chính trị nói chung. Hai tác phẩm táo bạo nhất
là của Phan Khôi và Lê Đạt, hai tác giả viết về “ông bình vôi,” ống nhổ mà
người nhai trầu vẫn sử dụng, được lấp đầy bởi vôi để ngăn mùi; đến lúc vôi tích
tụ, làm cho bình vôi trở nên vô dụng. Sự ám chỉ Hồ Chí Minh và những nhà lãnh
đạo hàng đầu của đảng trong tác phẩm này đã làm cho đảng giận dữ:
Những kiếp người sống lâu trăm
tuổi
Y như một cái bình vôi,
Càng sống càng tồi.
Càng sống càng bé lại.
Phan Khôi đã viết một bài khảo
cứu nhỏ dựa trên bài thơ bốn câu này, đặt tên là “Ông bình vôi,” nhằm bổ sung
thêm cho hình ảnh phúng dụ của Lê Đạt. Trong bài viết này, ông kể khi còn là
một cậu bé 18 tuổi ông đã “hất một loạt ‘ông bình vôi’ thờ trên tường thành
xuống đất. Sao lại làm như thế? Chúng tôi cứ làm như thế, không cần có lý
luận.” Ông đả kích những nhà lãnh đạo đảng vô dụng và già cỗi: “Tóm lại, cái
bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cũ rũ
trên tran hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng,
không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ‘Ông’.”[34]
Đối tượng của sự đả kích rất rõ
ràng. Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo đảng hàng đầu đã trở nên quá cứng nhắc và
bảo thủ, cũng giống như những bình vôi cũ, đã mất đi tính hữu dụng. Đã đến lúc
cất họ vào kệ. Ở đó họ sẽ được kính trọng, nhưng họ sẽ được thay thế bởi “những
bình vôi” mới và có ích hơn. Vì điều này mà Phan Khôi bị tố là kẻ phản động và
người theo chủ nghĩa xét lại, một người con người già nua suy yếu không thể
vượt qua được “tâm tính tư sản” của mình, nhưng bất chấp những sự tấn công này,
ông tiếp tục biên tập tờ Nhân Văn và Giai Phẩm để hỗ trợ cho những tác giả và
trí thức trẻ. Để đáp lại lời cáo buộc của nhiều người trong đảng rằng ông là kẻ
phản cách mạng, ông đã viết một bài thơ trong tạp chí Giai Phẩm kỳ số ba (tháng
mười 1956):
Hồng nào hồng chẳng có gai,
Miễn đừng là thứ hồng rài không
hoa.
Là hồng thì phải có hoa,
Không hoa chỉ có gai mà ai
chơi?
Ta yêu hồng lắm hồng ơi!
Có gai mà cũng có mùi, hương
thơm.
Tuy nhiên, Lê Đạt và Phan Khôi
đứng trong hàng ngũ thiểu số khác biệt, và rất ít người sẵn sàng đối kháng công
khai với hệ tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng vẫn có một ngoại lệ, đó là
Giáo sư sử học Đào Duy Anh, người đã khẳng định rằng sự tuân thủ cứng nhắc của
đảng đối với ý thức hệ sẽ giới hạn lại phạm vi nghiên cứu và tri thức của đất
nước và do đó làm chậm quá trình tăng trưởng và phát triển. Trong một đoạn văn
sẽ làm tấm gương cho các công trình vào gần bốn thập kỷ sau đó của Phan Đình
Diệu và Hà Sĩ Phu, Đào Duy Anh có viết:
Ở nước ta thì bệnh giáo điều và
sùng bái cá nhân lại còn trầm trọng hơn, khiến người ta, vô luận bàn về vấn đề
gì, cũng đều phải bắt đầu dẫn những đề án của Mác-Ăng-ghen và Lê-nin, hoặc
những ý kiến của Sta-lin hay các lãnh tụ khác, để, hoặc phát triển thêm những ý
kiến ấy, hoặc g̣ò bó tài liệu, xoay sở thế nào để gán vào khuôn khổ của những
công thức rút ra tự những ý kiến ấy. Xin chỉ một cái tỷ dụ gần đây. Như vấn đề
phân kỳ của lịch sử Việt Nam và vấn đề hình thành dân tộc, chúng tôi nhận thấy
rằng nhiều người nghiên cứu không dám có ý kiến gì mới ngoài những điều các nhà
kinh điển của chủ nghĩa Mác hay các vị lãnh tụ đã nói về các vấn đề ấy. Hễ thấy
ai có ý kiến gì vượt ra ngoài những công thức cũ, những khuôn khổ sẵn có thì
người ta chụp ngay cho những cái mũ dễ sợ, như cái danh hiệu cải biến chủ nghĩa
chẳng hạn, những mũ như thế rất dễ bịt mồm bịt miệng người ta…Trong thực tế thì
sự thảo luận đã bị thủ tiêu từ gốc rồi. Nghiên cứu hay nghị luận một vấn đề gì,
nhiều người chỉ nơm nớp sợ không khéo thì chệch ra ngoài đường lối tư tưởng
chính thống độc tôn. Đối với những người ấy, công tác học thuật trở thành trò
xiếc leo dây. Con đường học thuật phải là con đường cái thênh thang mọi người
tự do đi lại, chứ không phải sợi dây căng của người làm xiếc. Phải trừ bỏ những
bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân để trả lại tự do cho học thuật. Phải áp dụng
chính sách “bách gia tranh minh” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thi hành đối với
công tác nghiên cứu khoa học.”[35]
Tư tưởng chính thống không chỉ
dẫn đến tình trạng trì trệ về mặt tri thức và chủ nghĩa giáo điều, mà nó còn
tạo ra một tầng lớp tinh hoa hoàn toàn mới, một tầng lớp “bà la môn” bao gồm
các đảng viên nào bắt đầu tách mình ra khỏi quần chúng. Là cơ sở cho những tác
giả những năm 1990, Hữu Loan tấn công tầng lớp mới này qua bài thơ “Cũng những
thằng nịnh hót,” trong đó ông cáo buộc giai cấp thống trị mới, những người đã hành
động cũng tương tự như những kẻ thống trị thời phong kiến và thực dân mà họ đã
thay thế, về việc trở thành một thứ gì đó mà lẽ ra không nên tồn tại trong xã
hội không giai cấp này.[36]
Phản ứng của Đảng
Các nhà lãnh đạo đảng bị chia
rẽ trong việc giải quyết tờ Nhân Văn, Giai Phẩm và những tạp chí chống đối
khác. Nhiều người muốn miễn tội cho giới trí thức này. Đặc biệt, quân đội khá
cảm thông với nhu cầu của những nhà trí thức có lẽ bởi vì bản thân Quân đội
Nhân dân (QĐND) cũng cảm thấy đảng can thiệp quá nhiều vào công việc riêng của
mình. Nhiều người trong QĐND, cũng như các nhà trí thức, cảm thấy lo lắng về sự
quỵ lụy một cách mù quáng đối với các mô hình và học thuyết Trung Quốc.[37] Thật vậy, một chính ủy tư tưởng trong QĐND, Trần Độ, sau này
trở thành người bất đồng chính kiến dẫn đầu vào những năm 1990, đã cố gắng dàn
xếp một thỏa hiệp với những người theo đường lối cứng rắn của đảng đứng đầu bởi
Tố Hữu và trợ lý của ông là Hoài Thanh.
Những người khác hoàn toàn
không tin rằng giới trí thức có thể là mối đe dọa với chế độ: những cuộc tấn
công gay gắt từ trong nội bộ giới này đã chọc giận nhiều người của đảng, nhưng
dân chúng không mấy ai biết đến các nhà trí thức cùng với những lời phê bình
chỉ trích của họ. Bùi Tín cho rằng phong trào được dung thứ vì tính cô lập của
nó. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, thường dưới dạng sách và phim Trung
Quốc và Xô Viết, dễ tiếp cận với người dân Việt Nam có trình độ trung bình hơn
nhiều so với các tác phẩm của Lê Đạt và Phan Khôi. Như Bùi Tín ghi lại, “Những
ngày đó không ai có thể sở hữu các bản Nhân Văn hoặc Giai Phẩm để có thể tự
hiểu được vấn đề ồn ào lúc bấy giờ.”[38] Lời kêu gọi của những nhà bất đồng chính kiến phần nào không
tới được phần lớn dân chúng bởi vì gần 90 phần trăm dân cư là nông dân mù chữ
hoặc bán mù chữ.
Tuy nhiên, những người theo
đường lối cứng rắn trong đảng đã giành phần thắng, vào tháng Hai năm 1956 cuộc
đàn áp không nương tay bắt đầu với việc bắt giam Trần Dần và các đồng nghiệp
của ông. Mặc dù đảng tiến hành hàng loạt các chiến dịch công khai bài trừ các
tác phẩm của ông, nhưng để theo kịp trào lưu của thế giới cộng sản như bài phát
biểu phi Stalin hóa của Khruschev và bài “Trăm hoa” của Lục Định Nhất, đảng đã
cho phép Nhân Văn, Giai Phẩm và các tạp chí khác được xuất bản vào mùa hè và
mùa thu năm đó (Nhân Văn được xuất bản năm lần từ 20 tháng 9 đến 20 tháng 11).
Học giả người Nhật Hirohide Kurihara đã lập luận rằng trong suốt giai đoạn này
thật ra đảng đã thừa nhận những sai lầm trong chính sách văn chương.[39] Ví dụ, tạp chí lý thuyết của đảng, Học Tập, đã công nhận
những vấn đề nêu ra trong Nhân Văn và Giai Phẩm “phần nào phản ánh được thực
tế,” và một bài viết trong nhật báo của đảng, Nhân Dân, đã nói rằng chính sách
“Trăm hoa” “nhìn chung là đúng.”[40]
Việc đơn thuần khơi lên những
vấn đề văn chương không thể đe dọa được những người trong đảng. Điều làm cho
đảng sợ là việc phong trào đang tìm cách biến mình thành một tổ chức đối lập
với đảng một cách độc lập, lâu dài, trung thành và có tổ chức. Như Chu Ngọc –
một biên tập viên – đã tổng kết lại trong tờ Nhân Văn kỳ ba: “Chúng tôi cố gắng
đấu tranh trong tổ chức, song liên tục chúng tôi bị chế ngự, nguyện vọng của
chúng tôi lên tới Trung ương Đảng đã bị thay thế bằng nguyện vọng của bè phái
họ.”[41] Khi các chỉ trích trên các tạp chí mang tính chính trị nhiều
hơn và định hướng văn chương ít lại thì nhiều thành viên trong đảng muốn khơi
dậy một cuộc đàn áp.
Những tác nhân bên ngoài đã
thay đổi tình hình trong nội bộ đảng khi chính quyền Xô Viết nghiền nát cuộc
nổi dậy tại Hungari vào tháng Mười Một năm 1956, trong khi đó Trung Quốc đang ở
giữa phong trào “chống cánh hữu.” Trong kỳ báo Nhân Dân ra ngày 16 tháng Chín
năm 1956, Lê Duẩn cho xuất bản một bài viết có tên “Đập tan phe cánh hữu,” bài
viết này là một sự mô phỏng rõ ràng lại cuộc đấu tranh được phát động tại Trung
Quốc chống lại Đinh Linh và các trí thức gia đã lên tiếng chỉ trích trong suốt
phong trào Trăm hoa. Trong bài báo, Lê Duẩn đã ghi “quyền [chính trị] là một
loài cỏ dại độc hại và [chúng ta cần] biến nó thành phân bón để cải thiện đất
trồng lúa của chúng ta.”[42] Vào tháng Mười Một, báo Nhân Dân đã đặt tên cho phong trào
nổi dậy ở Hungary là cuộc phản cách mạng,[43] và một hội nghị vào tháng Mười Hai của các đảng cộng sản tại
Matxcơva đã dẫn đến kết quả là các hệ tư tưởng trở nên cứng rắn hơn và việc đàn
áp tất cả kẻ thù của chế độ chuyên chính vô sản được biện minh.
Các nhân tố bên trong cũng có
tác dụng, cụ thể là công cuộc cấp tiến hóa của xã hội trong suốt chiến dịch cải
cách ruộng đất tàn bạo giai đoạn 1954-1956. Đảng Lao Động “giải phóng sức mạnh
của quần chúng để tiêu diệt tầng lớp địa chủ,” đây là một chiến dịch làm cho
nhiều người căm phẫn và tổn hại rất nhiều đến khu vực nông thôn. Quá trình tập
thể hóa nông nghiệp được thực hiện vào năm 1956 dưới sự lãnh đạo của Trung
Quốc, và các chiến thuật của Trung Quốc như tòa án nhân dân, chiến dịch chống
lại địa chủ, vận động quần chúng, đặt tên giai cấp, và hành quyết hàng loạt đã
được áp dụng một cách sốt sắng.[44]
Và tất nhiên tồn tại một mối
quan ngại về việc thống nhất đất nước vốn đã bị chia cắt từ giữa năm 1954. Có
người lo sợ rằng nếu các trí thức gia trở nên quá thẳng thắn và tập hợp được
một diễn đàn công cộng thì họ sẽ sử dụng nó để xúc tiến các quan điểm của họ,
và sau đó họ sẽ bị chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam sử dụng cho hoạt động
tuyên truyền và làm mất uy tín chính phủ Bắc Việt Nam.[45] Theo Hiệp định Geneve ký năm 1954, các cuộc bầu cử sẽ được tổ
chức trong vòng hai năm – đây là một quyết định mang tính thỏa hiệp, bởi vì
trước đó Hà Nội đã muốn tổ chức bầu cử ngay lập tức nhằm tận dụng thế áp đảo
của Việt Minh. Mặc dù các cuộc bầu cử ngày càng khó xảy ra, nhưng hy vọng vẫn
chưa bị dập tắt, Đảng vẫn muốn duy trì sự ủng hộ cao độ của nhân dân – đặc biệt
là ở miền Bắc – kể từ khi mạng lưới Việt Minh và cơ sở hỗ trợ nhanh chóng bị
xóa sổ bởi Diệm và em trai của ông là Ngô Đình Nhu ở miền Nam.
Ảnh hưởng thực của sức ép quốc
tế và nhu cầu chính trị trong nước là một phản ứng hai mũi nhọn tấn công. Đầu
tiên là cuộc đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến, bao gồm cả việc
các ấn phẩm của họ bị tịch thu và những nhà lãnh đạo phong trào bị bắt và cho
đi cải tạo. Hai là chiến dịch văn học mạnh mẽ dẫn đầu bởi giới trí thức trung
thành với đảng và mệnh lệnh của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Chiến dịch bắt đầu khi tạp chí
Nhân Văn bị đóng cửa vào tháng Mười Một năm 1956 sau một cuộc đình công có tổ
chức của công nhân xưởng in, trước khi số báo thứ sáu được xuất bản. Tạp chí
Giai Phẩm cũng bị đóng cửa chỉ sau khi phát hành bốn số (Tháng Ba, Tháng Tám,
Tháng Mười, Tháng Mười Hai năm 1956). Các nhà xuất bản của cả hai tờ báo đều bị
bắt, còn Phan Khôi qua đời tại Hà Nội vào đầu năm 1960, chỉ vài ngày trước khi
ông bị triệu tập xét xử vì tội “đi chệch đường lối.” Các nhà lãnh đạo khác bị
cáo buộc là đã “âm mưu kích động quần chúng thực hiện những cuộc biểu tình phản
cách mạng nhằm lật đổ chế độ dân chủ nhân dân và sự lãnh đạo của đảng.”
Trong bài nói chuyện với giới
trí thức vào tháng Bảy năm 1956, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Đảng và chính phủ
cần hỗ trợ giới trí thức bằng cách giáo dục để họ có được một lập trường giai
cấp vững vàng, một quan điểm đúng đắn, một suy nghĩ hợp lý và những cách cư xử
mang tính dân chủ.”[46] Theo lời dẫn dắt này, vào tháng Mười Hai năm 1956, một cuộc
họp của các quan chức cao cấp của đảng chịu trách nhiệm về giáo dục và nghệ
thuật đã được triệu tập nhằm “thống nhất các quan điểm và suy nghĩ của đảng về
chủ đề văn học nghệ thuật, để đưa ra một quyết định cho tạp chí Nhân Văn và chỉ
ra những hướng phát triển cho tương lai.”[47] Trong buổi họp này, đã đưa ra quyết định biên dịch ra tiếng
Việt tất cả tài liệu tiếng Trung và tiếng Nga về việc quản lý giới trí thức.
….
Bài học kinh nghiệm
Cuộc thanh trừng 1963 – 1967
Gốc rễ của cuộc thanh trừng
Tìm hiểu lại cuộc thanh trừng
Di sản của sự bất đồng chính kiến
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Su
kien Nhan Van – Giai Pham.pdf
[1] Ghi chú
của Ban Biên tập: 1. Tài liệu mang tính chất tham
khảo, thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của người dịch
và Ban Biên tập Nghiencuuquocte.net; 2. Do không thể tìm được tất cả các
văn bản gốc để đối chiếu, một số trích dẫn được dịch từ tiếng Anh có thể không
đúng như nguyên văn tiếng Việt. Một số thông tin (như về nhân thân, chức danh…
của các nhân vật) trong bài mà tác giả đưa ra có thể không chính xác.
[2] Hồ Chí Minh đã giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1946
khi các cuộc đàm phán với Pháp về quyền tự trị đã thất bại và ông chuẩn bị cuộc
chiến chống Pháp. Để làm cho các nhóm dân tộc khác, đặc biệt là Việt Nam Quốc
Dân Đảng – những người kiên quyết chống cộng, gia nhập vào tổ chức chung là
Việt Minh, Hồ Chí Minh đã giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông tìm cách làm
giảm bớt những lo ngại cho rằng Việt Minh là một tổ chức do cộng sản lãnh đạo
hoặc chi phối. Tuy nhiên, các cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã chiếm ưu thế
trong những vị trí lãnh đạo của Việt Minh.
[3] Melvin Gurtov, The First Indochina War: Chinese Communist
Strategy and the United States (New York: NXB ĐH Columbia, 1967), 16.
[4] William Duiker, The Communist Road to Power in Vietnam
(Boulder, Colo.: Westview Press, 1981), 141.
[5] Andrew Vickerman, The Fate of the Peasantry: The Premature
“Transition to Socialism” in the Democratic Republic of Vietnam (New Haven,
Conn.: Yale Center for International and Area Studies, Chuyên khảo số 28,
1986). Tham khảo thêm Neil Jamieson, Understanding Vietnam (Berkeley:
University of California Press, 1993), 224.
[6] Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,” trong P. J.
Honey, biên tập., North Vietnam Today: Profile of a Communist Satellite
(New York: Praeger, 1962), 77.
[7] Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,” 73.
[8] Đặng Thai Mai, “Văn học Việt Nam,” tạp chí Châu Âu,
187-388 (Tháng Bảy – Tháng Tám 1961), 91.
[9] Mao Trạch Đông, “Talks at the Yenan Forum on Literature and
Art,” Tháng Năm 1942, trong Mao Trạch Đông, Tuyển tập, tập 3 (Peking: NXB
Ngoại Ngữ Hà Nội, 1965), 69–98; Vladimir Lenin, “Party Organization and Party
Literature,” 1905, trong Robert C. Tucker, biên tập và dịch, The Lenin
Anthology (New York: Norton, 1975), 148–153; Maxim Gorky, “Soviet
Literature,” Bài nói chuyện tại Đại hội đầu tiên các nhà văn Xô Viết của toàn
liên bang 17 tháng Tám 1934, trong Maxim Gorky, On Literature: Selected
Articles (Moscow: Foreign Language Publishing House, n.d.), 228–268.
[10] Trường Chinh, “Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam” (Báo cáo
trong Hội nghị Văn hóa Toàn Quốc lần hai, tháng Bảy 1948) trong Trường Chinh,
tuyển tập (Hà Nội: NXB Ngoại Ngữ, 1977), 286
[11] Mao Trạch Đông, “Talks at the Yenan Forum on Literature and
Art,” 86.
[12] Hồ Chí Minh, “Thư gửi các họa sĩ nhân
dịp triển lãm hội họa 1951,” trong Hồ Chí Minh, tuyển tập
(1920-1949) (Hà Nội: NXB Ngoại Ngữ, 1973), 133
[13] Cùng tác phẩm, 134
[14] Georges Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s: The
Nhan-Van Giai Pham Affair,” Vietnam Forum 13, 155.
[15] Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,” 74.
[16] P. J. Honey, “Introduction,” in Honey, ed., North Vietnam
Today: Profile of a Communist Satellite (New York: Praeger, 1962), 6.
[17] Như Phong,
“Intellectuals, Writers and Artists,” 75.
[18] Như trên, 76.
[19] Phan Khôi, “Phê bình Lãnh đạo Văn nghệ,” Giai Phẩm Mùa Thu (Tháng
Chín 1956) trong Hoàng Văn Chí, biên tập, Giai cấp mới ở miền Bắc Việt Nam (Sài
Gòn: NXB Công Dân, 1958), 75.
[20] Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,” 80.
[21] Trích trong Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,”
80.
[22] Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,”
157.
[23] Trích trong C. K. Nguyễn, “Prophets without Honour,” Far
Eastern Economic Review (sau đây viết tắt là FEER), 4 Tháng Tư 1991, 31.
[24] Phan Khôi là cháu trai của huyền thoại Hoàng Diệu (người đã
treo cổ tự vẫn khi người Pháp chiếm thành Hà Nội) và là cha đẻ của thơ hiện
đại, một nhà cách mạng kỳ cựu, người đã trải qua chín năm bị giam cầm trong nhà
tù Côn Đảo và tám năm trong những khu rừng Việt Bắc cùng với lực lượng kháng
chiến. Ông qua đời trong tủi nhục, và bị gán cái mác kẻ thù của quốc gia.
[25]Giai Phẩm, Tháng Chín 1956, trích trong Jamieson, Understanding
Vietnam, 258
[26] Hoàng Văn Chí khẳng định rằng Trần Dần cuối cùng cũng bị đem
ra xét xử, nhưng “không có lời bào chữa nào của ông được nhắc đến,” qua đó
chứng minh rằng “tất cả miệng của họ đã bị lắp đầy.” Tham khảo Hoàng Văn Chí, The
New Class in North Vietnam (Sài Gòn, NXB Công Dân, 1958), 81-83
[27] Tham khảo Nguyễn Ngọc Bích, biên tập, One Thousand Years
of Vietnamese Poetry (New York: NXB ĐH Columbia, 1975), 187–189.
[28] Tác phẩm giành giải của Xuân Diệu “Ngôi sao.” Xuân Diệu trở
thành trí thức gia hàng đầu của đảng, liên kết chặt chẽ với Tố Hữu – nhà thơ
cách mạng và sau này trở thành ủy viên Bộ chính trị.
[29] Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,” 164.
[30] Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,”
164. Khi đảng cảnh cáo ông về những tác phẩm này, Phùng Quán đã trả lời một
cách ngang ngược:
Đường mật công danh không làm
ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi
ngã.
Bút giấy tôi, ai cướp giật đi?
[31] Trần Lê Văn, “Fear Not that the Enemy Shall Benefit,” Nhân
Văn số 2 (30 tháng Chín 1956): 164; trích trong Boudarel, “Intellectual
Dissidence in the 1950s.”
[32] Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,”
166.
[33] Như trên.
[34] Trích trong Jamieson, Understanding Vietnam, 261.
[35] Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,”
167.
[36] Bài thơ xuất hiện trong Giai Phẩm mùa Thu phiên bản ra vào
Tháng Mười năm 1956 và có thể tìm thấy trong Hoàng Văn Chí, The New Class in
North Vietnam.
[37] Bùi Tín, Following Ho Chi Minh: Memoirs of a North
Vietnamese Colonel (Honolulu: University of Hawaii Press, 1995),
14-16. Tác phẩm này nhấn mạnh sự bất đồng giữa Võ Nguyên Giáp và Trường
Chinh. Ông Giáp, người chiến thắng trong trận chiến Điện Biên Phủ, đã đạt được
điều đó bằng cách lờ đi lời khuyên từ các cố vấn Trung Quốc của mình. Một điểm
thú vị là trong hồi ký của mình về cuộc chiến, ông rất hiếm khi nhắc đến sự ủng
hộ của Trung Quốc hoặc trợ giúp mà ông nhận từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung
Quốc. Tham khảo thêm trong Cecil Currey, Victory at Any Cost
(Washington, D.C.: Brassey’s, 1997), esp. 145–212.
[38] Tín, Following Ho Chi Minh, 35.
[39] Hirohide Kurihara, “Changes in the Literary Policy of the
Vietnamese Workers’ Party, 1956-1958,” in Indochina in the 1940s and
1950s (Ithaca, N.Y.: NXB ĐH Cornell, Southeast Asia Program, 1992),
165–196.
[40] Ví dụ, tham khảo Nguyễn Chương, “Có căn cứ hay không có căn
cứ,” Nhân Dân, 15 tháng Mười 1956. Và Nguyễn Chương, “Mấy điểm sai lầm chủ yếu
trong báo Nhân Văn và tập Giai Phẩm Mùa Thu,” Nhân Dân, 25 tháng Chín 1956.
[41] Chu Ngọc, Nhân Văn, Kỳ 3. Trích trong Boudarel, “Intellectual
Dissidence in the 1950s,” 164.
[42] Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,”
171.
[43] “Phất cao ngọn cờ yêu nước và xã hội chủ nghĩa, nhân dân
Hung-ga-ri đã đè bẹp bọn phản cách mạng, tay sai của đế quốc,” báo Nhân Dân, 5
tháng Mười Một 1956
[44] Chiến dịch cải cách ruộng đất tàn bạo và gây ra cuộc nổi loạn
công khai tại Nghệ An, điều này đã đe dọa đến sự sống còn của đảng – Ngay cả sự
trung thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng bị nghi ngờ. Hồ Chí Minh bị
buộc phải cách chức Trường Chinh (người đã trải qua việc tự phê bình trước công
chúng) và nắm quyền điều hành đảng. Bản thân Hồ Chủ tịch nhận ra được sự thái
quá, và đã tiến hành một cuộc vận động chỉnh đốn. Ban chấp hành Trung ương Đảng
thừa nhận “đã mắc phải một số sai lầm nghiêm trọng trong suốt cuộc cải cách
ruộng đất,” và hàng nghìn tù chính trị đã được thả như một động thái thể hiện
thiện chí. Nhưng những cuộc thanh trừng của đảng đã gieo rắc sự ngờ vực sâu
sắc. Tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng Lao Động đã
thông báo sẽ “mở rộng dân chủ, bảo vệ tự do dân chủ và mở rộng hệ thống pháp lý
dân chủ.” Lincoln Kaye, “A Bowl of Rice Divided: The Economy of North
Vietnam,” trong P. J. Honey, biên tập, North Vietnam Today, 107–108.
Lịch sử đầy đủ của chiến dịch cải cách ruộng đất có thể tìm đọc trong Vickerma,
The Fate of the Peasantry.
[45] Ví dụ, tham khảo, Hoàng Văn Chí, The New Class in North
Vietnam.
[46] Hồ Chí Minh, “A Talk with Intellectuals,” trong Hồ Chí Minh,
Tuyển tập các bài báo và phát biểu, 1920–1967, Jack Woddis, biên tập (New York:
International Publishers, 1969), 109.
[47] Tạp chí Văn Nghệ, 13 (Tháng Sáu 1957)
No comments:
Post a Comment