Friday 18 October 2013

QUYỀN LỰC MỀM CỦA TRUNG QUỐC (Ulara Nakagawa - The Diplomat)




Ulara Nakagawa

Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ Năm, 17/10/2013

PHẦN 1: Tại sao có tên này

Khổng Tử: (511-479 Trước CN) Một nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo và người sáng lập tư tưởng Nho giáo Trung Quốc (Tự điển Bách khoa Stanford).

Viện Khổng học: (2004- ) Những học viện công cộng phi lợi nhuận với mục đích quảng bá ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc ở nước ngoài. (Văn phòng Uỷ ban Quốc tế về Tiếng Trung Quốc)
Có gần 400 nghìn người trên 96 quốc gia đang theo học trong 369 lớp Khổng giáo tại 322 Viện Khổng học về ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc - một quốc gia châu Á đang được mọi con mắt đổ dồn vào khi nó đang trên con đường bước lên vị trí đại cường quốc của thế kỷ 21. Quyền lực ngày càng cao của Trung Quốc rõ ràng là một trong những nguyên nhân chính khiến mọi người xem những Viện Khổng học trở thành một khởi xướng đầy hấp dẫn của quyền lực mềm. Nhưng cũng có những quan điểm thú vị gắn liền với những học viện này mà tôi sẽ đề cập đến qua loạt bài viết này.
Ví dụ như, cần thừa nhận một điều mỉa mai nhưng cũng quan trọng rằng chẳng có tí liên hệ gì giữa nhà triết học Khổng Tử xa xưa của Trung Quốc mà khởi xướng này đã mượn tên và bản thân các học viện trên. Đây là điều mà Daniel Bell, tác giả của cuốn Thuyết Khổng Giáo Mới của Trung Quốc: Chính trị và Đời sống Thường nhật trong một Xã hội Đổi thay, đã nhắc nhở tôi khi tôi đề cập đến chủ đề này: "(Viện Khổng học) chủ yếu nhằm đào tạo ngôn ngữ hơn là quảng bá giá trị Khổng giáo."
Thế thì tại sao lại có cái tên này? Tôi đã nhờ một trong những cố vấn chính trong loạt bài này, Don Starr thuộc Đại học Durham, để làm sáng tỏ phần nào vấn đề này.

Không thể gọi là "Học viện Mao Trạch Đông"
Don Starr đã nói với tôi rằng khi nói về những tổ chức văn hoá quốc gia trên thế giới, chúng thường muốn được nhận diện bởi danh xưng của quốc gia ấy (Quỹ Nhật Bản, Hội Đồng Anh) hoặc một nhân vật văn học nổi tiếng (Việt Goethe của Đức, Hội Dante Alighieri của Ý), có nghĩa là trong ngữ cảnh này, quyết định của Trung Quốc cũng chẳng có gì khác thường.
Tuy nhiên ông cũng nói rằng ban đầu các nhà quan sát Trung Quốc đã đặc biệt bất ngờ về cái tên Viện Khổng học vì "Khổng Tử từng bị các trí thức Trung Quốc và Đảng Cộng sản đả phá trong hầu hết thế kỷ 20."
Nhưng ông cũng nói thêm rằng giờ đây ông tin rằng cái tên này là một lựa chọn rất tốt, hầu như bởi vì những gì nó chưa mang lại hơn là những gì nó đã mang lại.
Ví dụ như, ông nói, nếu nó được gọi là Quỹ Trung Quốc (hoặc cái gì đấy tương tự), nó có thể làm dấy lên vô số những vấn đề nhạy cảm khó gỡ chung quan danh xưng của quốc gia: "Đã có sự lẫn lộn giữa hai Trung Quốc và Đài Loan. Ví dụ như China Airlines là của Đài Loan - Cộng Hoà Trung Hoa. Vì thế nếu dùng "Trung Quốc," mặc dù Trung Quốc lục địa sẽ tuyên bố chỉ có một Trung Quốc, tuy nhiên trên thực tế, cũng có những người khác tự nhận là Trung Quốc."
Ông nói rằng vì người dân tại Đài Loan, Hồng Kông và Singapore nhìn chung đều vui sướng ngưỡng mộ Khổng Tử, quyết định dùng tên của nhà tư tưởng này hầu như "là điều liên kết những Hoa Kiều... chứ không phải chia rẽ."
Vậy nếu dự định dùng tên của một nhân vật văn hoá, tại sao lại chọn Khổng Tử? Một lần nữa, là vì những gì cái tên không có hơn là những gì nó đang có. Starr giải thích: "Tôi cho rằng tên tuổi, thương hiệu đã thành công trong phạm vi khi chẳng còn những cái tên nào có vẻ tốt hơn. Bạn có thể cho rằng, chắc chắn ta có thể tìm ra được một cái tên tốt hơn thế nữa. Nhưng một khi bạn bắt tay vào suy nghĩ, điều này rất khó."
Ví dụ như ông cho rằng trong khi có một cái tên có thể nảy ra ngay trong đầu mọi người là 'Học viện Mao Trạch Đông, hoặc tương tự như thế," nhưng đơn giản là nó "không phù hợp."

Một thương hiệu toàn cầu
Thêm vào đấy, Starr nói rằng trên thực tế Khổng Tử là một trong vài thương hiệu toàn cầu mà Trung Quốc có được. Ông nói đối với đa số người phương Tây, Khổng Tử thường được liên hệ đến việc học hỏi và những triết lý chung, và vì thế nó hợp với các học viện và mục đích của chúng về mặt thương hiệu.
Trong khi đó ở Trung Quốc, bất chấp chỉ trích trong lịch sử đối với Khổng giáo, khái niệm này vẫn luôn được thừa nhận về việc nhấn mạnh vào học hỏi và bình đẳng trong học hỏi - những nguyên tắc mà chính quyền hiện tại nói rằng họ muốn được triển khai rộng rãi.
Còn những giá trị khác? Theo Starr, những phong trào khác như Chủ nghĩa Marx vốn từng rất phổ biến trong quá khứ tại Trung Quốc, giờ đây "là một khuôn mẫu kiểm soát xã hội... thật sự kém hiệu quả. Tôi nghĩ trên quan điểm của người Trung Quốc, Khổng giáo thì hợp lý hơn và giới lãnh đạo Trung Quốc muốn nhấn mạnh giá trị của nó."
Liệu có phải chỉ nhờ cái tên mà Khổng Tử đã được chọn để đại diện cho Trung Quốc trước thế giới, hay đây thật sự là một lựa chọn tốt nhất, không còn nghi ngờ gì rằng các học viện này là những chiến thuật về quyền lực mềm thành công nhất của của đất nước. Mặc dù kế hoạch ban đầu của Văn phòng Uỷ ban Quốc tế về Tiếng Trung Quốc (hoặc Hán Ban) chuyên cấp ngân sách cho các học viện, là chỉ thiết lập 100 cơ sở trên toàn thế giới vào năm 2010, mục tiêu này đã nhanh chóng được thay đổi thành 500 khi các học viện hoạt động tốt hơn mong đợi.
Tôi sẽ điểm qua những nguyên nhân khiến chúng thành công trong bài sau.

(Xem tiếp Phần 2)

*

Ulara Nakagawa

Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ Năm, 17/10/2013

Xem thêm: phần 1

PHẦN 2: Khổng giáo quay lại

Là một phần giới thiệu của loạt bài văn hoá đang diễn ra về quyền lực mềm của Trung Quốc và các Viện Khổng học, tôi đã đề cập về thực tế rằng thật sự có rất ít liên hệ giữa vị triết gia Trung Quốc Khổng Tử cổ xưa và các Học viện Khổng học, (mặc dù trên khía cạnh thương hiệu, cái tên này dường như đã có hiệu quả trong nhiều mức độ).
Tuy nhiên, cũng đã có một sự hồi phục thú vị về mối quan tâm về Khổng giáo tại Trung Quốc, một chuyển đổi có thể dẫn đến việc thay đổi hình ảnh của quốc gia này.
"Đầu tháng trước, biểu tượng nổi bật nhất tại Bắc Kinh là một bức tượng Khổng Tử cao chín mét tại Quảng trường Thiên An Môn. Như bạn biết, Quảng trường Thiên An Môn hầu như là một vị trí chính trị thiêng liêng và nơi duy nhất tại Bắc Kinh hầu như đông cứng trước thời gian trong ba thập niên qua. Thực tế việc họ đặt nó ở đây cho thấy rằng chính quyền đang tiến gần hơn nữa đến việc chính thức đón nhận Khổng giáo."
Đấy là những gì Daniel Bell, tác giả của cuốn Thuyết Khổng Giáo Mới của Trung Quốc: Chính trị và Đời sống Thường nhật trong một Xã hội Đổi thay, đã nói với tôi khi tôi hỏi ông về sự hồi phục của tư tưởng Khổng giáo ở Trung Quốc đương đại. Bell, người đang sống tại bắc Kinh và dạy môn triết tại trường Đại học Thanh Hoa, đã giải thích rằng đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về mối quan tâm mạnh mẽ đối với Khổng giáo tại Trung Quốc trong hai thập niên qua. Theo Bell, đúng là trong mười năm qua việc này đã thật sự tăng trưởng nhiều.
Thật thú vị khi tôi thấy một nhân vật mà trong hầu hết thế kỷ qua từng bị giới trí thức và Đảng Cộng sản đả kích giờ đây lại được đón nhận rộng rãi trong nước.
Vậy Khổng giáo đang được khuyến khích và lan toả tại Trung Quốc bằng cách nào nữa? Theo Bell, điều này đang xảy ra trên nhiều phương diện trên toàn quốc, bao gồm cả hệ thống giáo dục quốc gia. Ông lưu ý rằng ví dụ như những điển tích của Khổng giáo đang được dạy nhiều hơn trong các lớp học trên cả nước. "Ước tính có ít nhất là 10 triệu học sinh đang học các điển tích Khổng giáo một cách nghiêm túc," ông giải thích.

Những cộng đồng Khổng giáo "thử nghiệm"
Trong khi đó, cũng đã có những thử nghiệm, ví dụ như cộng đồng "thử nghiệm" tại tỉnh An Huy, nơi các công dân về cơ bản được khuyến khích sống theo các nguyên tắc Khổng giáo, (đặc biệt nhấn mạnh về tính hiếu thảo và tầm quan trọng của giáo dục, vân vân). Bell tin rằng nếu những thử nghiệm này sẽ thành công, chúng có thể được dùng làm khuôn mẫu cho các cộng đồng Khổng giáo khác trên khắp Trung Quốc. "Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn và hiện có nhiều thử nghiệm đang được tiến hành và nếu chúng thành công tại một tầng lớp, chúng có thể được nhân lên ở các tầng lớp khác trên toàn quốc."
Sự hồi sinh này cũng đang được thúc đẩy bởi các cá nhân, Bell nói, đưa ra ví dụ về một cựu sĩ quan công an Trung Quốc tại Bắc Kinh, người từng bắt đầu đọc các điển tích Khổng giáo - và giờ đây đã trở thành một nhà giáo toàn thời gian chuyên phổ biến Khổng giáo trong hệ thống giáo dục.
Việc này cũng đang xảy ra tại các thành phần khác nhau trong chính quyền, ông nói, "đặc biệt là tại những nơi như Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử, nơi người dân tự hào về di sản Khổng Giáo của họ." Và, Bell bổ xung, nó còn được đưa vào hệ thống giáo dục xã hội Trung Quốc. "Tôi đã tham dự những hội nghị về giáo dục xã hội nơi họ thường dùng những giá trị Khổng Giáo... mà không thực sự gọi tên thật của nó."
Lý do phía sau của việc hồi sinh này là gì? Theo Bell, có rất nhiều nguyên nhân.

Tốt hơn Phật giáo
Về mức độ chính trị - vốn rõ ràng nhất - Bell giải thích rằng trong khi Trung Quốc vẫn được xem là một quốc gia cộng sản hoặc Marxist, "chẳng còn ai ngoại trừ những cụ già cách mạng còn tiếp tục tin vào chủ nghĩa Marx." Điều này đã dẫn đến một hiện tượng "khủng hoảng về tư tưởng chính danh" vốn làm nổi bật câu hỏi: "Chủ nghĩa Marx sẽ là gì, nếu không bị thay thế, thì ít nhất cũng được hỗ trở bởi cái gì?"
Đối với một số người, dân chủ cấp tiến Tây phương dường như là câu trả lời "có thể" cho tình cảnh hiện tại, nhưng theo Bell, vì mức độ tự hào về văn hoá ở Trung Quốc, người ta thường từ chối một khuôn mẫu chính trị kiểu phương Tây, "không chỉ chính quyền mà còn cả những nhà cải cách xã hội, các nhà chỉ trích và sinh viên trẻ đều đang tìm kiếm thêm nhiều những giá trị truyền thống riêng của Trung Quốc" - ví dụ như Khổng giáo. Bell nói thêm rằng rất quan trọng để nhớ rằng những thế hệ mới này không chỉ đơn giản "mù quáng đi theo" những gì đã xảy ra trong quá khứ, mà còn rút tỉa từ những truyền thống này để tìm cách giải quyết những khó khăn chính trị hiện tại ở Trung Quốc.
Trong khi đó, trong thành phần xã hội, Khổng giáo cũng được đón nhận để đề cập đến sự suy yếu về trách nhiệm xã hội mà chủ nghĩa tư bản đem lại, Bell cho biết. Ông nói rằng tư tưởng Khổng giáo, về khía cạnh này, có thể đưa ra nhiều khả năng về giải pháp xã hội so với Phật giáo và Thiên Chúa giáo, vốn thường chú trọng nhiều về việc phát triển đời sống tinh thần cá nhân hơn là xã hội.
"Khổng giáo còn hơn là một cuộc sống tốt đẹp trong quan hệ xã hội, và với đức tính của một thành viên trong những quan hệ xã hội khác nhau, điều này đưa đến những trách nhiệm xã hội nhất định," ông giải thích. "Và vì thế Khổng giáo là một nguồn lực đương nhiên để nghĩ đến việc phát huy trách nhiệm xã hội trong thời đại của chủ nghĩa cá nhân - vốn thịnh hành trong đa phần các xã hội tư bản hiện nay." Vì thế, tư tưởng Khổng giáo đơn giản có hiệu quả tốt trong sự tăng trưởng kinh tế hiện nay của Trung Quốc.
Cuối cùng, về mức độ tư tưởng, sự đi lên về vị thế trên thế giới của Trung Quốc đang làm nảy ra việc nhìn lại những giá trị truyền thống cũ. "Giờ đây kinh tế Trung Quốc đang tương đối tốt đẹp so với nhiều quốc gia khác, người ta nói rằng 'hượm đã, có thể là truyền thống của chúng ta đã đóng góp vào việc này.'" Và đấy là lúc Khổng giáo bước vào khung cảnh, và nó có thể được liên hệ đến niềm tự hào văn hoá.
Với việc sống lại của Khổng giáo ở Trung Quốc, liệu các Viện Khổng học thực sự bắt đầu đón nhận và quảng bá những giá trị Khổng giáo trên toàn thế giới? Tiếp theo, tôi sẽ tìm hiểu điều này có thể xảy ra như thế nào, và nếu đúng như thế, tại sao nó lại là một điều tốt.

(xem tiếp Phần 3 )  

*
Ulara Nakagawa

Diên Vỹ chuyển ngữ

Tiếp theo Phần 2

PHẦN 3: Chuyện thu phục nhân tâm

Don Starr nhớ là ông đã nghĩ rằng “Nó sẽ tạo một ảnh hưởng lớn” khi kế hoạch phát triển những Viện Khổng học được công bố vào năm 2004.
Bản năng của ông dường như đã đúng.
Khi tôi nói chuyện với một nhà giáo kỳ cựu người Trung Quốc về chương trình quyền lực mềm của Trung Quốc hiện đã được bảy tuổi này, ông cũng nói với tôi rằng một trong những nguyên nhân để có thể xem đây là một thành công to lớn là việc nó mở rộng nhanh chóng đến bất ngờ. “Kế hoạch ban đầu của họ là có được 100 viện vào năm 2010, rồi họ sửa xuống thành 500. Tôi nghĩ rằng ít nhiều họ đã đạt được chỉ tiêu này,” ông nói. Con số này đã hơn gấp đôi tổng số các văn phòng của Hội đồng Anh trên thế giới, mặc dù cơ quan này đã xuất hiện hơn tám thập niên trước.
Sao điều này có thể khả dĩ được? Dường như tính nhạy bén về kinh tế đã góp phần quan trọng vào thành công này.

Không cần chi phí lớn
“Ông tổ của những học viện quốc gia này thật ra là cơ quan Alliances Frances,” Starr nhắc đến những học viện văn hoá của Pháp, có những chi nhánh hoạt động độc lập, thường mở cửa tại những cơ quan địa phương. Nhưng người Trung Quốc đã dùng mô hình của Alliances Frances and tái chế để chúng không còn là ‘những chi nhánh địa phương độc lập.”
Cả hệ thống Viện Khổng học được tính là sẽ hoạt động theo công thức chia sẻ chi phí 50-50 giữa Hán Ban (bộ phận chủ quản của Văn phòng Uỷ ban Quốc tế về Tiếng Trung Quốc - một cơ quan phi chính phủ và phi lợi nhuận liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc) và trường đại học của quốc gia có liên quan. Nhưng vì nó được vận hành theo phương cách trong đó trường đại học mà viện này đặt văn phòng chỉ cần cung cấp cơ sở hạ tầng và là cơ quan chủ yếu tạo điều kiện cho họ (đèn, sưởi, điện thoại, vân vân) thì về phần mình chính quyền Trung Quốc cũng đã có thể tiết kiệm được một món tiền khổng lồ. Starr nói điều này ngược lại với những chương trình như Hội đồng Anh và Quỹ Nhật Bản, chuyên thuê hoặc mua văn phòng riêng cho mình. Do đó, lý do các Viện Khổng học lại dễ dàng thiết lập trên khắp thế giới vì đơn giản rằng chúng không cần chi phí lớn.
Vậy thì Hán Ban sẽ chi trả những gì? Starr nói rằng hệ thống này hoàn toàn dựa trên một thoả thuận tam phương: “Trên nguyên tắc, theo điều lệ chiếu trong bản thoả thuận của Viện Khổng học, đó là giữa Hán Ban, trường đại học nước ngoài và trường đại học Trung Quốc. Nhưng thoả thuận quan trọng là giữa trường đại học nước ngoài và Hán Ban vì đấy là tổ chức cung cấp tài chính. Và thoả thuận này thường có nghĩa là hàng năm bên Trung Quốc sẽ gửi hai nhân viên miễn phí đến học viện để dạy tiếng Trung.
“Thêm vào đấy, họ còn nhận được ngân sách cho các dự án, và chúng có thể là cho các trường học, đến các trường học để sinh hoạt, tổ chức hội nghị, hội thảo về việc dạy tiếng Trung, và những hoạt động tương tự. Họ chỉ đơn giản lập ngân sách cho mỗi năm, và các dự án sẽ dựa trên cơ sở chia sẻ chi phí với cơ quan liên đới.”
Vậy có những tiêu cực nào trong cách tổ chức có vẻ đơn giản và tiết kiệm chi phí này? Starr nói rằng có một tiêu cực, và đó là “gánh nặng đối với các trường đại học ở Trung Quốc có quá nhiều thoả thuận với các trường nước ngoài.” Ông giải thích, “Một số trường có đến trên 20 đối tác, có nghĩa là họ phải tìm 40 nhân viên mỗi năm để gửi ra nước ngoài trong ít nhất từ một đến hai năm. Và đôi khi họ phải ở lâu hơn - từ 3 đến 4 năm.”
Tôi tò mò muốn biết những học viện này hàng ngày thực sự hoạt động ra sao trên toàn thế giới, vì thế tôi hỏi ý kiến của Chuan Sheng Liu, giám đốc Viện Khổng học tại Maryland và Rebecca McGinnis, điều phối viên của học viện.

Hoạt động thường ngày của Viện Khổng học
Trong số những hoạt động nhằm quảng bá văn hoá Trung Quốc là các lớp học tiếng Trung và những sự kiện văn hoá khác nhau được tổ chức trong khuôn viên trường Đại học Maryland. Những hoạt động khác bao gồm các lớp học cuối tuần cho trẻ em cũng như tổ chức những buổi biểu diễn âm nhạc, ca múa và võ thuật miễn phí do các nhóm biểu diễn đến từ các đại học Trung Quốc. Học viện cũng cung cấp việc thi HSK nhằm khảo thí trình độ tiếng Trung và những môn thi trắc nghiệm tiếng Trung thông thường khác, cũng như tổ chức những cuộc thi ngôn ngữ hàng năm trong đó tặng thưởng đội chiến thắng cơ hội được đi Trung Quốc để tham gia những kỳ thi khác.
Theo Liu thì những hoạt động này đã vô cùng thành công vì Viện Khổng học ở Maryland nằm “gần thủ đô Hoa Kỳ, nơi ngày càng đông người muốn tìm hiểu về Trung Quốc.”
Tôi nói chuyện với Kenneth Hammond, giám đốc Viện Khổng học tại Đại học Tiểu bang New Mexico, ông công nhận ngôn ngữ cũng là vấn đề trọng tâm trong học viện của mình. Theo Hammond, họ “đang làm việc với các trường công địa phương trong ba năm rưỡi qua để thiết lập một hệ thống giáo dục tiếng Trung.” Và trong bốn trường tiểu học và một trường trung học mà Viện Khổng học của Đại học Tiểu bang New Mexico đang hợp tác, hiện có 2.500 học sinh đang theo học tiếng Trung cũng như văn hoá và lịch sử Trung Quốc.
Hammond kể với tôi rằng những hoạt động khác bao gồm việc đưa những học giả hai lần mỗi học kỳ để nói chuyện về hàng loạt những chủ đề rộng rãi bao gồm “những thứ như Con đường Tơ lụa, tư tưởng Khổng giáo, vườn tược Trung Quốc, Phụ nữ trong truyền thống của Trung Quốc, nền giáo dục Trung Quốc, những hội thảo với chủ đề về Trung Quốc, những chương trình trao đổi học sinh và câu lạc bộ cờ vây sau giờ học.”
Ông nói đặc biệt có một chương trình đang nở rộ trong các trường tiểu học, nơi các học sinh tham gia vào các hoạt động như ăn mừng Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. Học sinh cũng được học về cách viết chữ Hán và thư hoạ. Hammond nói việc kỷ niệm những ngày lễ của Trung Quốc tại các trường tiểu học đã được giới truyền thông địa phương, tường thuật nhiều, bao gồm cả lên truyền hình. “Hình ảnh của những đứa trẻ vui vẻ múa lân dường như rất dễ lôi cuốn. Tôi nghĩ nhiều người dân địa phương vô cùng thích thú vì con cái họ có được cơ hội học hỏi,” ông nói.

Thư hoạ hấp dẫn
Starr nói với tôi rằng ông cũng thấy môn thư hoạ rất phổ biến trong giới học hỏi trẻ lẫn già ở Anh Quốc. “Ai cũng thích thư hoạ. Viết chữ Hán là một trong những lĩnh vực thật sự hấp dẫn mọi lứa tuổi.” Ông đã ngạc nhiên khi nhận thấy rằng “ngay cả những thiếu niên ngỗ nghịch ở Anh - những người không mấy quan tâm đến học hành - việc họ có thể có được những chữ Hán in trên lưng hoặc tay thì vô cùng hấp dẫn… thật vô cùng ngạc nhiên khi thấy chúng rất quan tâm về điều này.”
Starr bảo rằng trong khi ở Anh, văn hoá Nhật được xem là rất hấp dẫn, nhìn chung thì văn hoá Trung Quốc không được quan tâm bằng. Tuy nhiên, việc “có vài chữ Hán in trên người mình thì thật tuyệt,” ông nói thêm.
Nói chung, Starr cho rằng chìa khoá thành công liên tục của những dự án quyền lực mềm như trên có ba lợi ích: kích thích tính chấp nhận những điều mới lạ của giới trẻ, tính lâu dài của chương trình quảng bá và sự truyền đạt qua việc chia sẻ ngôn ngữ.
“Thái độ của giới trẻ đối với Trung Quốc sẽ làm thay đổi quan điểm ca cả một thế hệ đối với quốc gia này. Và tôi nghĩ rằng điều này sẽ cực kỳ quan trọng,” ông nói. “Đương nhiên các kỳ Thế Vận Hội cũng quan trọng, nhưng chúng chỉ là những sự kiện gây tác động cao nhất thời và ngắn hạn. Và nếu bạn nhớ lại những kỳ Thế Vận Hội được tổ chức trước đây, chúng không có ảnh hưởng lâu dài phải không? Vấn đề ở chỗ là họ không thể dùng lại các cơ sở về sau.”
“Đây là vấn đề thu phục nhân tâm,” Ông kết luận. “Và tôi không cho rằng Thế Vận Hội chinh phục được nhân tâm mọi người. Nhưng học hỏi một ngôn ngữ khác thì có thể.”
Tôi sẽ đề cập đến tiếng Trung như là một tiềm năng của ngôn ngữ thế giới. Nhưng trước hết, tôi sẽ phân tích những phản ứng chống lại các Viện Khổng học - và những cáo giác rằng chúng đơn giản chỉ là công cụ tuyên truyền của Trung Quốc.

(xem tiếp Phần 4&5)

*
Ulara Nakagawa

Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ Bảy, 19/10/2013

Tiếp theo Phần 3

PHẦN 4: Đạo Khổng gây tranh cãi

Việc phát triển nhanh chóng đầy bất ngờ của các Viện Khổng học của Trung Quốc kể từ ngày khởi đầu vào năm 2004 đã khiến nhiều người xem chúng là một câu chuyện thành công về quyền lực mềm.
Nhưng việc phát triển nhanh như thế chắc chắn sẽ dẫn đến những săm soi cùng với nỗi lo sợ chung quanh việc Trung Quốc ngày càng có thêm uy quyền kinh tế lẫn chính trị, đã dẫn đến những thái độ phản đối. Thật thế, các học viện này - mặc dù được Trung Quốc giải thích duy nhất chỉ là những công cụ nhằm quảng bá “ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc ở nước ngoài” - đã được một số người xem như là những guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Khi tôi nói chuyện với học giả nghiên cứu về Trung Quốc Don Starr về vấn đề này, ông nói với tôi rằng ông chỉ biết được những tin tức về một nhóm người ở California biểu tình bên ngoài một Viện Khổng học, “nói rằng họ không muốn các lớp dạy Khổng giáo và những ảnh hưởng của cộng sản tràn vào.”
Maria Wey-Shen Siow, giám đốc chi nhánh Đông Á của đài Channel NewsAsia, đã nhắc đến thái độ nghi ngờ ngày càng tăng của phương Tây trong số báo tháng Giêng của tờ Bản tin Châu Á Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Đông - Tây. Nhưng bà cho rằng mặc dù những quan ngại này “không hoàn toàn là vô cớ”, chúng cũng không “hoàn toàn có cơ sở .” Bà Siow nói, đơn cử như trên thực tế việc tài trợ các chương trình cho thấy rằng chính phủ Trung Quốc không thực sự đầu tư nhiều vào các học viện. Ngân sách hàng năm của Hán Ban chỉ ở mức 145 triệu Mỹ kim vào năm 2009, vì thế không chính xác khi cho rằng Trung Quốc đã chi tiêu rất nhiều vào các học viện này,” bà nói, chỉ ra rằng con số này thật quá nhỏ so với số tiền Hội đồng Anh bỏ ra hàng năm để quảng bá các chương trình của họ, và cũng ít hơn chi phí của những bộ phim từ Hollywood.
Starr cũng chỉ ra một điểm khác bác bỏ quan điểm rằng hiện đang có một âm mưu truyền bá tư tưởng vì chương trình này không đề cập đến những vấn đề then chốt. “Trung Quốc sẽ tránh những lĩnh vực gây tranh cãi như nhân quyền, dân chủ và những điều tương tự,” ông lưu ý.
Daniel Bell, một giáo sư triết học chính trị tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cũng đưa ra một quan điểm khi tôi nói chuyện với ông. “Cá nhân tôi không thấy một dã tâm nào về các Viện Khổng học. Đương nhiên nếu họ muốn dùng tiền để tổ chức một hội thảo về phong trào độc lập của Tây Tạng, họ có thể gặp khó khăn. Nhưng bên ngoài những giới hạn rõ rệt ấy, tôi cho rằng chẳng có gì phải lo lắng cả.”
Kenneth Hammond, giám đốc Viện Khổng học tại Đại học Tiểu bang New Mexico cũng đồng ý rằng chẳng có gì đáng kể trong khía cạnh tư tưởng. “Chúng tôi không thấy có nỗ lực nào từ bản doanh của Viện Khổng học tại Bắc Kinh nhằm uốn nắn hoặc điều khiển nội dung hoạt động của chúng tôi dưới bất kỳ hình thức nào,” ông nói. “Chúng tôi có những diễn giả từ Đài Loan đến trong chương trình trao đổi của chúng tôi, và trong cả hai hội ngị Trung Quốc - Mễ và Trung Quốc - Châu Phi cũng đã có hàng loạt những quan điểm và ý kiến đa dạng được bày tỏ.”
Hammond nói thêm rằng ông cũng chưa từng bị phản đối như những học viện khác đã bị. “Tôi biết rằng có những cuộc vận động có tổ chức nhằm phản đối hoạt động của các Viện Khổng học ở một số nơi tại Hoa Kỳ, nhưng tôi cho rằng đấy chỉ là kết quả của những quyền lợi chính trị địa phương và không phản ánh mối quan tâm chung về chương trình hoặc bất kỳ sự thực nào về việc các Viện Khổng học là công cụ tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc,” ông nói.
Hammond nói rằng lượng người ghi danh vào các lớp có liên quan đến Trung Quốc tại trường vẫn cao và càng có nhiều học sinh sang Trung Quốc học mỗi năm. Ông nói rằng trong khi chắc chắn sẽ có “một tầng mức quan ngại nào đấy về việc đi lên của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến Hoa Kỳ trong những năm tới,” nhìn chung, “mọi người phản ứng với điều này bằng cách muốn biết thêm về Trung Quốc, và đây chính là vai trò của các Viện Khổng học.”
Chuan Shen Liu, giám đốc Viện Khổng học tại Maryland và Rebecca McGinnis, điều phối viên của viện, nói rằng họ cũng có những kinh nghiệm tích cực tương tự. Khi tôi nói chuyện với họ về vấn đề này, họ bảo rằng đơn giản là họ tiếp tục chú trọng vào việc tạo điều kiện cho nhiều người ở Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về Trung Quốc, một đất nước mà “chỉ vài thập niên trước được đa số biết đến như là một xứ sở bí ẩn và khó hiểu,” để những hiểu lầm trong tương lai không phải xảy ra. Họ tin rằng nỗ lực tìm đến hiện tại của học viện họ “không chỉ giúp xóa bỏ những định kiến mà còn dẫn đến việc hiểu rõ và tốt hơn về quốc gia châu Á khổng lồ này.”
Tất cả điều này có vẻ hợp lý, và sau khi nói chuyện với một loạt người, tôi thấy ít có bằng chứng để nói rằng các Viện Khổng học là một bộ máy tuyên truyền đáng quan ngại. Ngược lại, những người có liên quan mà tôi đã trò chuyện có vẻ thực sự quan tâm đến việc khuyếch trương sự hiểu biết về văn hoá và một trao đổi thông tin tốt hơn.
Chuan Sheng Liu bảo tôi rằng: “Đúng, hình ảnh Trung Quốc đang vươn lên, và việc tăng cường hiểu biết phải xảy ra cả hai phía. Các bước nhỏ trong môi trường giáo dục nhằm khuyếch trương và hỗ trợ cho việc trao đổi, học hỏi, hiểu biết và những cảm nhận sâu sắc về sức mạnh và giá trị của nhau là một dấu hiệu tích cực. Luôn có những người chuyên chú trọng vào khía cạnh tiêu cực. Nhưng nếu chúng ta muốn quảng bá những đạo đức của Khổng Tử, thì ông là một người thẳng thắn và tích cực trong học hỏi, một người luôn tin rằng giáo dục mở ra cho tất cả mọi người.”
Kế tiếp tôi sẽ thăm dò tương lai của các Viện Khổng học, Khổng giáo và quyền lực mềm của Trung Quốc trong bài kết luận gồm hai phần của loạt bài đặc biệt về nghệ thuật và văn hoá này.

PHẦN 5: Sức mạnh của ngôn ngữ

Cuối năm ngoái, một quan chức cao cấp từ bản doanh của Viện Khổng học tại Bắc Kinh đã thông báo rằng hiện có trên 40 triệu người nước ngoài trên thế giới đang học tiếng Trung. Theo tạp chí Thế giới Trung Quốc, điều này có nghĩa là theo ước tính của chính quyền Trung Quốc, con số này đã tăng khoảng 10 triệu người chỉ trong vòng một nửa thập niên.
Và chắc chắn là con số này sẽ tiếp tục tăng lên, được thúc đẩy bởi những thứ như chương trình Viện Khổng học đang tiếp tục thành công và mở rộng, và vị thế kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc. Chuan Sheng Liu, giám đốc Viện Khổng học tại Maryland và Rebecca McGinnis, điều phối viên của viện đều nhấn mạnh với tôi tầm quan trọng của ngôn ngữ Trung Quốc.
“Một tỉ lệ lớn dân số thế giới nói tiếng Trung, vì thế rất quan trọng để có chút kiến thức về ngôn ngữ này ngỏ hầu có được một hiểu biết chung trong cộng đồng thế giới, trong thương mại, giáo dục và nhiều khía cạnh khác trong đời sống chúng ta,” vị giám đốc nói với tôi.
Thật thế, một câu hỏi được nhiều người đưa ra là liệu tiếng Trung Quốc có tiềm năng trở thành ngôn ngữ toàn cầu tương lai hay không. Đây là điều mà học giả nghiên cứu về Trung Quốc Don Starr thuộc Đại học Durham cho rằng rất có thể, một phần bởi vì nó đã đạt được những chỉ số: “Tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ mẹ đẻ của một dân số lớn nhất trên thế giới, và nếu ta nhìn vào thống kê trên internet vào năm 2010 thì thấy rằng có khoảng 550 triệu người nói tiếng Anh so với 450 triệu người nói tiếng Trung Quốc. Ngôn ngữ được nói nhiều kế tiếp là tiếng Tây Ban Nha với 100 triệu người sử dụng.”
Starr cũng tin rằng mạng Internet và công nghệ hiện đại sẽ giúp thêm cách mạng hoá thêm ngôn ngữ Trung Quốc trên tầm cỡ thế giới. “Không như ngày xưa khi mục đích duy nhất để học một ngôn ngữ khác là vì nó thuộc quốc gia láng giềng và bạn sẽ thường xuyên đến đấy,” ông bảo tôi. “Giờ đây, có một lượng lớn thông tin về ngôn ngữ Trung Quốc trên mạng Internet, vì thế bạn có thể hoà mình vào trong môi trường tiếng Trung tại nhà. Tôi cho điều này sẽ là yếu tố làm thay đổi cục diện.”
Ông nói thêm: “Kỹ thuật đang hoàn toàn chuyển hoá cách viết chữ Hán. Trước khi có máy tính, người ta chỉ gửi thư đánh máy ở các cấp chính phủ. Đa số thư từ đều được viết bằng tay. Máy tính đã chuyển hoá điều này, vì thế tiếng Trung giờ đây được sử dụng cũng giống như bất kỳ những ngôn ngữ có bảng chữ cái khác.”
Với sức mạnh của Internet và những công nghệ mới, sự có mặt ngày càng nhiều của các Viện Khổng học trên toàn thế giới và mối quan tâm chung về Trung Qốc, chắc chắn sẽ sự tiếp tục phát triển quan trọng. Và chắc chắn sẽ làm thay đổi cách suy nghĩ của một số đông đối với quốc gia này trên mọi lĩnh vực chứ không chỉ riêng về thương mại. Nói cho cùng, ngôn ngữ là một công cụ quan trọng của quyền lực mềm.
Tuy thế, có một trở ngại có thể biến thành một thử thách cho cuộc thay đổi nhanh chóng này: Tiếng Trung nổi tiến là một ngôn ngữ khó học. Theo Học viện Ngôn ngữ Quốc phòng, tiếng Trung được liệt vào hạng những ngôn ngữ khó học nhất trên thế giới (bên cạnh tiếng Á Rập, Nhật và Hàn) đối với những ai nói tiếng Anh bẩm sinh. Điều này có thể là do nhiều yếu tố, trong đó có ngữ âm khác biệt, hàng nghìn con chữ Hán và một số lớn những từ đồng âm.
Có lẽ đây là chỗ mà các Viện Khổng học và chính quyền Trung Quốc phải sáng tạo hơn nữa. Trong khi tôi sẽ đề cập một cách chi tiết về tương lai quyền lực mềm của Trung Quốc trong phần cuối của loạt bài này, rõ ràng là một trong những thử thách lớn nhất của quốc gia này sẽ là việc họ nên hướng đến việc cho thấy bộ mặt hiền hoà hơn cho người dân của mình cũng như thế giới.
Một cách để làm việc này là thông qua việc khuyếch trương nghệ thuật và văn hoá của quốc gia. Khi tôi nói chuyện với nhà quan sát về Trung Quốc Daniel Bell về chủ đề này, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của âm nhạc trong truyền thống Khổng giáo. Rõ ràng âm nhạc theo mặc định đã là một thứ ngôn ngữ toàn cầu - và theo Bell, nó mang tính quan trọng như một triết lý trong Khổng giáo, bởi vì “nó tạo ra niềm vui và hạnh phúc và cũng vì nó có những ảnh hưởng đạo đức nhất định - tính đồng cảm, hiểu biết, có những cảm nhận quan hệ hoà ái với những người khác.”
Ông nói rằng ông cũng từng tham dự những hội nghị giáo dục quốc tế về Khổng giáo mà khi bế mạc “mọi người đã cùng ca hát hoặc lấy nhạc cụ ra để hoà tấu với nhau,” và điều nổi bật là việc này chưa từng xảy ra khi ông tham dự những hội nghị “về học thuyết chính trị Tây Phương” Bell tin rằng âm nhạc, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở phương Tây, thường bị đặt ở vị trí thứ yếu so với các lĩnh vực khác.
Thật không may, trong giáo dục, nghệ thuật luôn thường bị đặt qua một bên để nhường chỗ cho những kỹ năng “thực tế”, kinh tế hơn. Có lẽ lúc ấy Trung Quốc có thể dẫn đường và hướng dẫn cho các quốc gia phát triển làm cách nào để thực sự hưởng được lợi lộc chung qua việc đón nhận những truyền thống phong phú như âm nhạc và biến chúng thành một yếu tố quan trọng trong hình ảnh của một quốc gia nổi trội và thành công.

Trong bài viết tác giả có nhắc đến phần kết luận của loạt bài này, nhưng không thấy đăng trên The Diplomat - ND



No comments:

Post a Comment

View My Stats