Đỗ Tuyết Khanh
Cập nhật lần cuối 27/10/2013
« Tôi thật sự hi vọng nhờ vậy truyện ngắn sẽ được
xem như một nghệ thuật quan trọng, chứ không chỉ là cái viết chơi mày mò cho
đến khi viết được truyện dài ».
*
Giải Nobel văn chương năm nay
đánh dấu hai sự đầu tiên : Alice Munro là nhà văn Canada đầu tiên1
đoạt giải này và đây cũng là lần đầu Hàn lâm viện Thuỵ Điển vinh danh một tác
giả chuyên viết truyện ngắn, một thể loại thường bị xem là thứ yếu trong làng
văn. Có lẽ cũng để cô đọng như thể văn này, lời giới thiệu của Uỷ ban Nobel,
thường rất hoa mỹ thậm chí đôi khi rườm rà khó hiểu, năm nay rất ngắn gọn, chỉ
vỏn vẹn một câu “Alice Munro, bậc thầy của truyện ngắn đương đại” (“Alice
Munro, master of the contemporary short story”). Trên 110 người đã được
trao giải Nobel văn từ năm 1901 cho tới nay, Alice Munro mới chỉ là tác giả nữ
thứ 13. Như mọi năm, gần đến mùa Nobel, bên cạnh các phỏng đoán, cá cược về
người sẽ đoạt giải văn, dư luận làng văn lại nhắc nhở, chỉ trích sự chênh lệch
nam nữ thái quá này. Không biết có phải để “trả đũa” mà Uỷ ban Nobel đã chọn từ
“master”, một danh từ trung tính nhưng thường hàm ý phái nam (cũng như
chữ “thầy”), thay vì “queen”, chẳng hạn, trong lời giới thiệu. Alice
Munro năm nay 82 tuổi nhưng không phải là người cao niên nhất khi đoạt giải, kỷ
lục ấy vẫn thuộc về Doris Lessing, Nobel 2007 lúc 88 tuổi.
Trước khi được giải Nobel,
Alice Munro đã được trao nhiều giải văn học lớn, cho hầu hết các tuyển tập
truyện ngắn của bà: ba lần giải Governor General's Award for Fiction, là giải
văn học lớn nhất của Canada, hai lần giải Giller Prize, và các giải Canadian
Booksellers Award, Trillium Book Award, National Book Critics Circle Award
(Mỹ), WH Smith Literary Award (Anh), Commonwealth Writers Prize, O.Henry Award,
PEN-Malamud, v.v. Năm 2009, bà được trao giải Man Booker International Prize
của Anh, là giải văn học quốc tế lớn nhất dành cho các tác giả Anh ngữ, cho
toàn bộ các sáng tác của bà. Truyện ngắn của Alice Munro thường xuất hiện trên
các tập san lớn như The New Yorker, The Atlantic Monthly, The Paris Review, và
được đăng lại trong 14 tuyển tập, mỗi cuốn cách nhau ba hay bốn năm, từ 1968
đến 2012.
Alice Munro cũng không thiếu
chức danh và danh hiệu: viện American Academy of Arts and Letters bầu chọn bà
là thành viên danh dự người nước ngoài năm 1992, bà được Royal Society of
Canada trao tặng huy chương Lorne Pierce Medal năm 1993, và National Arts Club
của Mỹ tặng thưởng huy chương Medal of Honor for Literature năm 2005. Năm 2010,
bà được nước Pháp phong chức danh Chevalier de l’Ordre des arts et des lettres.
Trong giới văn học, bà thường được khen ngợi và mệnh danh là một Tchekhov của
Canada,
Alice Munro là người kín đáo,
sống ở Clinton, một thành phố nhỏ tiểu bang Ontario, gần hồ Huron, ít xuất hiện
trong những buổi tiệc tùng xã giao, sự kiện thời thượng, và ít trả lời phỏng
vấn. Những năm sau này, bà thường xuyên được nhắc đến như một trong những nhà
văn xứng đáng đoạt giải Nobel nhưng cũng thường xuyên với lời bình là khả năng
này rất nhỏ vì bả chỉ viết truyện ngắn. Phản ứng của bà sau khi biết tin được
giải : « Thật là tuyệt vời cho tôi. Vả tuyệt vời cho truyện
ngắn. Tôi rất vui vì giải này sẽ làm rất nhiều người Canada hài lòng, và
văn học Canada được chú ý nhiều hơn ». Bà cũng nói : « Tôi
thật sự hi vọng nhờ vậy truyện ngắn sẽ được xem như một nghệ thuật quan trọng,
chứ không chỉ là cái viết chơi mày mò cho đến khi viết được truyện dài »(*).
Những gốc rễ của một văn nghiệp phong phú
Alice Ann Laidlaw sinh ngày 10.7.1931
tại Wingham, tiểu bang Ontario, mẹ, Anne Clarke Laidlaw, là cô giáo và cha,
Robert Eric Laidlaw, làm nghề nuôi chồn và cáo xám bạc để lột da bán. Thời kỳ
kinh tế suy thoái, làm ăn thua lỗ, ông Laidlaw chuyển sang nuôi ngỗng cũng thất
bại, hết vốn liếng ông xin vào làm gác dan đêm cho xưởng đúc của thành phố. Năm
Alice 10 tuổi, mẹ của cô mắc phải một dạng hiếm của bệnh Parkinson, sức khoẻ
ngày càng suy yếu và đời sống gia đình càng khó khăn chật vật.
Thời ấy, trong một xã hội còn
duy trì những phong tục, truyền thống văn hoá và tôn giáo của những cộng đồng
di dân đến lập nghiệp vào thế kỷ 19, để thoát khỏi hoàn cảnh, các cô gái nghèo
chỉ có hai con đường: lấy được chồng giàu hay đi học làm cô giáo. Từ nhỏ Alice
đã phải đối mặt với nghèo đói, của gia đình và chung quanh, bệnh tật nan y, sự
hung bạo ở nhà, ở trường học và ngoài xã hội, chỉ có thể thoát qua trí tưởng
tượng, của người khác, rồi của chính mình. Lối thoát đầu tiên là sách vở, cô
say mê đọc đi đọc lại những tác phẩm ưa thích nhất, đặc biệt quyển Wuthering
Heights của Emily Brontë. Khi đọc sách vẫn chưa đủ, cô bắt đầu tập viết văn, tự
tạo ra thế giới hư cấu của chính mình. « Sách vở có gì thần diệu trước mắt
tôi và tôi muốn thành một phần của sự thần diệu ấy. Đối với tôi sách quan trọng
hơn hết, quan trọng hơn cuộc sống rất nhiều ». Giấc mơ thành nhà văn, sống
để viết, tuy không thể thổ lộ với ai, bắt đầu từ đấy.
Mười tám tuổi, Alice tốt nghiệp
trung học với điểm cao nhất địa phương, được học bổng hai năm đi học Anh ngữ và
học viết báo tại đại học Western Ontario. Học bổng chỉ đủ mua sách vở và trang
trải một phần chi phí, cô phải xoay sở kiếm thêm : bán máu, hầu bàn, tỉa
cây thuốc lá, làm trong thư viện. Năm 1951, hết học bổng cô phải bỏ học và đứng
trước sự lựa chọn : lấy chồng – nhận lời cầu hôn của một anh sinh viên
bạn – hay trở về nhà lo cho mẹ. Cô quyết định lo cho chính mình và thành
hôn với Jim Munro, nhưng sự thoát ly phải trả giá bằng mặc cảm tội lỗi đeo đẳng
suốt đời.
Hai vợ chồng trẻ, chỉ mới 20 và
22 tuổi, về sống ở Vancouver. Jim cai quản một cửa hàng bách hoá và Alice đóng
vai trò nội trợ trong một gia đình trung lưu tiêu biểu của những năm 1950.
Những đứa con nhanh chóng ra đời, Sheila, khi Alice mới 21 tuổi,
Catherine – chỉ sống được 2 ngày sau khi sinh – rồi Jenny và Andrea.
Năm 1963, gia đình Munro dời về Victoria, thủ đô tiểu bang British Columbia, mở
tiệm sách Munro’s Books, hiện vẫn hoạt động và nổi tiếng là một nhà sách chất
lượng cao, kiên trì trước sự cạnh tranh của các siêu thị và đại công ty sách.
Song cuộc hôn nhân khập khiễng
ngay từ đầu giữa một người chồng gia trưởng, xuất thân từ một gia đình khá giả
và có khuynh hướng bảo thủ, và một Alice phóng khoáng, ngày càng bị giằng co
giữa những bổn phận làm vợ, làm mẹ, giúp chồng bán sách, và con người riêng của
mình, những nhu cầu của bản thân, nhất là cái thôi thúc từ thuở nhỏ: viết văn.
Vì Alice không ngừng viết, truyện ngắn đầu tiên ra mắt độc giả, The
Dimensions of a Shadow, đăng trên tập san của đại học Western Ontario năm
1950, khi Alice mới 19 tuổi. Từ đó cô bắt đầu viết cho những tập san văn học
Canada như Tamarack Review và Canadian Forum, tham gia chương trình
« Anthologies » của đài phát thanh Canadian Broadcasting Corporation
(CBC). Robert Weaver, chủ nhiệm chương trình này, là người có công lớn khuyến
khích Alice đeo đuổi nghề văn, giúp các sáng tác của cô ngày càng được biết đến
và ưa chuộng rộng rãi hơn. Song phải đợi đến 1968 tập truyện đầu tiên của Alice
mới ra đời, Dance of the Happy Shades đoạt ngay giải Governor General's
Award for Fiction, giải văn học lớn nhất của Canada. Tập truyện Lives of
Girls and Women xuất bản năm 1971 đoạt giải Canadian Booksellers Award,
củng cố vị trí của Alice như một nhà văn tài năng, được cả độc giả lẫn đồng
nghiệp mến phục. Việc viết lách được người thân nể nang hơn nhưng cũng đào sâu
hơn mâu thuẫn giữa các bổn phận gia đình và những đòi hỏi thì giờ và tâm trí
của nghề văn. Những khác biệt về tính tình, quan điểm giữa hai vợ chồng cũng
gay gắt hơn, những trăn trở của Alice như hoà theo biến chuyển của xã hội thời
ấy, những thập niên 1960, 1970, với các phong trào giải phóng phụ nữ, cách mạng
tình dục. Cuộc hôn nhân ngày càng rạn nứt.
Năm 1973, Alice ly dị sau 22
năm sống với Jim Munro, công việc viết văn càng cấp bách khi trở thành phương
tiện mưu sinh. Cô về dạy văn tại đại học York University gần Toronto và sau đó
được đại học Western Ontario mời về đảm nhiệm một số hoạt động văn học. Cô gặp
lại một người bạn cũ thời sinh viên, Gerald Fremlin, mà cô thầm yêu cách đó 20
năm. Họ hẹn nhau ăn trưa và chỉ sau ba ly martini quyết định sống chung. Gerry
Fremlin là người cùng quê với Alice, mẹ của ông lúc ấy bệnh nặng cần được chăm
sóc nên họ dọn về ở với bà cụ trong ngôi nhà Gerry sinh ra, ở thành phố
Clinton, cách Wingham, nơi sinh của Alice, chỉ vài chục cây số. Họ cưới nhau năm
1976 và ở luôn trong ngôi nhà ấy cho đến bây giờ. Gerry Fremlin đã qua đời
tháng 4. 2013.
Như một cái vòng được khép lại,
Alice trở về với những khung cảnh thiên nhiên và xã hội của nơi sinh ra và lớn
lên, đã góp phần hun đúc tâm hồn, tư duy và cá tính của cô, và là bối cảnh của
hầu hết các sáng tác ngay từ ban đầu : những tỉnh lẻ quanh hồ Huron, những
nông trại, đồng lúa, khu rừng, sông ngòi, đầm nước, quen thuộc với độc giả tới
mức được mệnh danh là Munro County. Trong các bản tin và bài báo vừa qua, sau
khi giải Nobel được công bố, tất nhiên có câu chơi chữ thế nào cũng gặp phải
« Alice in Nobel land »2
nhưng nếu đã « lẩy Kiều » thì đúng hơn phải là « Alice in
Munroland ».
Những con người và cuộc đời trong thế giới Munroland
Tóm tắt cuộc đời của Alice
Munro cũng là tóm tắt nội dung các sáng tác của bà. Những gì đã trải qua hay
chiêm nghiệm là chất liệu được pha trộn, hư cấu hoá, thay đổi ít nhiều từ
truyện này sang truyện kia nhưng vẫn rõ nét, như một nhịp điệu trở đi trở lại
trong bản nhạc: một người thân, thường là người mẹ, bị bệnh nặng vô phương cứu
chữa, một ông chồng khó tính và độc đoán, những cô gái nửa quê nửa tỉnh đi tìm
chỗ đứng trong xã hội, sự xung đột ngấm ngầm hay lộ liễu giữa những tầng lớp
giai cấp khác nhau, những số phận hèn mọn, cuộc đời gian truân, những hôn nhân
tan vỡ đôi khi vì cái không đâu, những người đàn bà ngoại tình có khi chỉ vì
một phút bốc đồng hay ham muốn tình dục. Và rất nhiều những ra đi, xoay lưng
lại với tất cả : chồng bỏ vợ, vợ bỏ chồng, con bỏ cha mẹ, một người đàn
ông hỏi cưới một cô gái và đổi ý vào phút chót, không một lời giải thích.
Thế giới Munroland là những tâm
trạng bất an, phân vân trước những đòi hỏi trái ngược, những tình huống bấp
bênh có thể đảo lộn bất cứ lúc nào theo một chiều hướng bất ngờ và không nhất
thiết hợp lý. Đằng sau mặt kính trong trẻo của cuộc sống hàng ngày là những lừa
dối, dối nhau hoặc tự dối lòng, những phản bội nho nhỏ hay ghê gớm, những gì
không nói ra được hay không thể tự giải thích. Những cơn sóng ngầm dưới mặt hồ
phẳng lặng.
Alice khám phá thế giới vô hình
ấy qua những thể hiện tầm thường của cuộc sống, tìm vào các ngõ ngách của tâm
hồn qua những đi đứng, ăn nói thường ngày. « Cuộc đời của thiên hạ, ở
Jubilee hay ở bất cứ đâu, đều tẻ nhạt, giản dị, kỳ lạ và sâu thẳm – những hang
động sâu hun hút lót thảm lino của nhà bếp. » (Epilogue : The
Photographer, trong Lives of Girls and Women, 1971). Phương tiện cho mục đích
ấy là một cái nhìn sắc bén, một ngôn ngữ giản dị, trong sáng, không cầu kỳ uốn
éo nhưng đánh mạnh vào cảm xúc người đọc.
Alice diễn tả rất tài tình sự
đau khổ. Những nỗi đau thầm kín, câm lặng :
“Giống như có một mũi kim ác
nghiệt cắm đâu đó trong phổi nàng, nếu thở từ tốn thì không cảm thấy gì. Nhưng
lâu lâu phải thở mạnh, nó vẫn nhói lên ở đó”
(Runaway, 2004)
Hay cái cào xé trong một cô gái
trẻ có ba đứa con nhỏ bị chồng giết trong một lúc nổi cơn giận vợ :
“Doree chạy ra khỏi nhà,
bước loạng choạng trên sân, hai tay ôm ghì lấy bụng như vừa bị chém ngang người
và đang cố giữ cho khỏi bung ra … Dạo ấy Doree cứ nhồi nhét vào miệng
bất cứ gì quơ được. Hết đất cát, cỏ lá, đến chăn mền, khăn tắm và cả quần áo
của mình. Thể như nàng muốn kìm hãm tiếng gào thét chỉ chực trào ra cùng với
những hình ảnh quay cuồng trong đầu.”
(Dimensions, trong Too much
Happiness, 2009)
Trầm tĩnh hơn nhưng cũng mãnh
liệt không kém ở một bà mẹ khác, bỏ chồng ra đi và chồng nhất quyết không cho
đem con theo:
Cái này là đau buốt đây. Nó sẽ
thành kinh niên. Kinh niên tức là thường xuyên nhưng chắc cũng không phải là
liên tục không dứt. Cũng có nghĩa là không chết người. Mình sẽ không khỏi được
nhưng sẽ không chết. Sẽ không cảm thấy nó mỗi giây phút nhưng cũng sẽ không
thoát khỏi nó trong nhiều ngày. Và mình sẽ học được vài mánh để làm dịu nó hay
quên nó đi, để đừng rốt cuộc lại phá vỡ cái mà vì mình muốn có nên phải chịu
nỗi đau này. Không phải lỗi của Brian. Anh vẫn là con người ngây thơ hay hoang
dã, anh không biết ở đời có những nỗi đau dai dẳng như thế này. Hãy tự nhủ,
đằng nào cũng mất con. Tụi nó sẽ lớn lên. Bà mẹ nào rồi cũng sẽ đến lúc gặp cái
buồn riêng tư, hơi vô duyên ấy. Con rồi nó sẽ tha thứ khoảng thời gian này, nó
sẽ bỏ mình, cách này hay cách khác. Hoặc cứ bám theo mình cho đến lúc mình
không biết làm gì với nó, như Brian vậy.
Nhưng mà sao vẫn đau quá. Cái
đau phải mang theo và quen với nó cho đến khi cái tiếc nuối chỉ là quá khứ chứ
không phải một hiện tại có thể có.
(The Children Stay, trong The
Love of a Good Woman, 1998)
Đa số các nhân vật chính của
Alice là phụ nữ. Nhưng bà cũng đồng cảm với những đau đớn của người nam. Ở đây,
một người đàn ông, vợ mất sau 4 năm hôn mê trong bệnh viện:
Họ tìm anh khắp nơi. Cuối cùng
Isabel cũng đã ra đi. Họ nói “ra đi” thể như nàng ngồi dậy rồi đi ra. Cách đấy
chỉ khoảng một giờ, có người ghé vào xem, nàng vẫn thế, và bây giờ nàng đã ra
đi. Anh đã thỉnh thoảng tự hỏi, lúc ấy sẽ có khác gì không. Nhưng cái khoảng
trống vắng thay cho nàng thật kinh dị … Anh tưởng cái này đã xảy ra với Isabel
từ lâu rồi, nhưng không phải. Bây giờ nó mới thế. Lúc trước nàng có đó và bây
giờ nàng không có đó. Không một tí ti nào. Như chưa bao giờ có đó. Và mọi người
tất bật chung quanh, thể như cứ thu xếp những chuyện cần làm là có thể vượt qua
cái khủng khiếp này. Anh cũng tuân theo thủ tục, ký vào chỗ người ta bảo ký,
thu xếp – như người ta nói – cho cái di hài. Di hài, chữ nghĩa hay
thật, cứ như cái gì để quên, khô queo trong một ngăn tủ đầy bồ hóng. Và chỉ ít
lâu sau, anh thấy mình đã ở ngoài đường, tự bảo mình cũng đầy đủ lý do như ai
để chân này bước trước chân kia. Cái anh mang theo, tất cả những gì anh mang
theo, là một thiếu vắng, thiếu không khí, thiếu hoạt động bình thường của phổi,
một khó nhọc chắc sẽ không bao giờ hết
(Leaving Maverley, trong Dear
Life, 2012)
Đau khổ, cô đơn và mất mát. Mất
vì bệnh tật cướp đi, vì một oái oăm của định mệnh, vì hậu quả hành động của
chính mình, nhưng cũng vì một quyết định không thể hiểu được của người kia. Một
người chồng bỗng dưng bỏ đi, một đứa con biến mất, không một lời từ biệt, giải
thích, để lại những câu hỏi day dứt không bao giờ được trả lời.
Và nửa tiếng sau khi lão kia
đi, bà cụ kể, ông Fullerton khoác cái áo vét nâu, đội mũ. Tôi phải xuống gặp
một anh chàng dưới phố. Anh đi bao lâu, tôi nói. Ờ, một lát thôi. Thế là ông ta
ra đường, đi theo hướng lão kia vừa đi – hồi đó tụi tôi còn ở ngoài rừng – và
cái gì đó khiến tôi nhìn theo ông. Mặc cái áo đó chắc ảnh nóng lắm. Và lúc đó
tôi biết ổng sẽ không trở về. Mà làm sao tôi có thể ngờ, ổng thích chỗ này lắm.
Mới đó còn bàn chuyện đem sóc len về nuôi sau nhà. Đàn ông họ nghĩ gì trong đầu, chẳng bao giờ
biết được, dù có sống chung một nhà.
(The Shining Houses, trong
Dance of the Happy Shades, 1968).
Con gái tôi bỏ đi, không một
lời từ biệt mà có lẽ nó cũng không biết lúc ấy là nó đã bỏ đi. Nó không biết là
nó đi luôn. Rồi lần lần, chắc thế, nó hiểu ra là nó không muốn về chút nào. Đó
chỉ là một quyết định cho cuộc đời của nó từ nay. Có thể là nó lúng túng, ngại
phải giải thích cho tôi. Hay không tìm ra lúc. Mình cứ nghĩ là cái gì cũng phải
có lý do này nọ, rồi phải tìm hiểu cho bằng được. Tôi có thể nói cả trăm thứ
tôi đã làm sai. Nhưng có thể lý do ở đây không dễ thấy. … Juliet vẫn mong có
ngày có tin từ Penelope, nhưng là mong phất phơ vậy thôi. Bà hi vọng như người
khôn lanh hi vọng được ban ơn dù không xứng đáng, được tự nhiên khỏi bệnh, đại
loại vậy.
(Silence, trong Runaway, 2005)
Có thể hiểu tại sao có người
thấy truyện của Munro nặng nề, bi quan, đọc xong chán đời quá. Song phê bình
thế cũng oan vì người đọc vẫn thỉnh thoảng bật cười trước một nhận xét dí dỏm,
so sánh ngộ nghĩnh và độc đáo. Như ở đây, sự đỏm đáng của hai cô gái mới lớn
dưới con mắt đứa em trai:
Có khi một trong hai bà chị
đứng trước gương cả hai mươi phút hay hơn nữa, ngắm nghía mình dưới đủ mọi góc
cạnh, kiểm tra răng lợi, hết vén tóc ra sau lại xoã ra phía trước. Rồi cô nàng
đi ra, có vẻ hài lòng hay ít ra cũng xong việc, nhưng chỉ đến căn phòng khác,
tấm gương khác là làm lại hết từ đầu, cứ như vừa được gắn một cái đầu mới toanh.
(The Love of a Good Woman,
trong tuyển tập cùng tên, 1998).
Hoặc :
Mùa hè có khi buổi trưa cô
Moira chạy xe 15 cây số từ Porterfield lên Jenkin’s Bend đưa con gái Mary Agnes
lên chơi. Cô Moira biết lái xe. Cô Elspeth và cô Grace phục lắm (mẹ tôi cũng
đang học lái xe, hai cô bảo chậc, chỉ liểu lĩnh, học làm gì). Khi thấy chiếc xe
mui vuông kiểu cổ băng qua cầu lên dốc từ bờ sông, hai cô chạy ra đón, mừng rỡ
rối rít, xuýt xoa tấm tắc cứ như cô em vừa tìm được lối đến sau khi vượt sa mạc
Sahara chứ không phải trên con đường đầy nắng bụi từ Porterfield.
(Heirs of the Living Body,
trong Lives of Girls and Women, 1971).
Alice Munro
Và ở đây Alice chỉ cần vài câu
để cho thấy một người đàn ông tính xét nét khó chịu, không hiểu vợ ngay cả khi
nàng châm biếm:
Trên lò sưởi có hai chiếc bình
Wedgwood3 tô điểm bằng một vòng tròn lá xanh. Patrick rất thích chúng. Có khi đi
làm về, anh đi thẳng vào phòng khách và xê đi xê lại hai cái bình anh thấy có
vẻ bị xô đẩy không còn ngay ngắn.
« Có ai nghịch mấy cái
bình này không đấy ? »
« À có. Hễ anh vừa đi làm
là em chạy ngay vào đẩy tới đẩy lui. »
« Anh muốn nói Anna kìa.
Em không để con bé sờ mó vào đấy chứ ?»
(Mischief, trong The Beggar
Maid, 1978).
Trào lộng cũng là cách thể hiện
sự khoan dung của Alice đối với nhân vật, kể cả những nhân vật xấu tính. Bà
đồng cảm nhất với những người là nạn nhân, của hoàn cảnh, của số mệnh, những số
phận hẩm hiu, những người dị dạng, khuyết tật, thường xuất hiện trong nhiều
truyện. Bà bao dung với những vụng về, lố bịch, hay ngu ngốc vì cái hay cái dở
đều nằm trong số phận làm người. Sự đồng cảm với những người bị xã hội khinh rẻ
hay ruồng bỏ cũng xuất phát từ cảm giác, có từ thuở ấu thơ, bị hắt hủi vì không
vào khuôn phép. Là một đứa trẻ ương ngạnh, hay cãi lại và lý sự, Alice thường
phải chịu những trận đòn nhừ tử của cha (như mô tả trong Royal Beatings).
Trong một xã hội còn phong kiến và tôn ti đẳng cấp, cô phải che giấu những mong
ước, tham vọng, bị coi là điên rồ và ảo tưởng đối với một cô gái, nhất là
nghèo. Cuộc hôn nhân với một người khác giai cấp cũng mang đến những khổ tâm,
phân tâm, giữa sự hoà đồng cần thiết vào gia đình trưởng giả của chồng và gốc
gác nghèo hèn của gia đình mình. Trong tập truyện The Beggar Maid
(1978), nghèo nàn được miêu tả sống động, có lúc sống sượng, vì thực tế nó là
thế. Như trong đoạn về nhà vệ sinh ngoài trời dành cho nữ sinh của trường nơi
nhân vật Rose đã học :
Tuyết đắp dày cui trên chỗ ngồi
và mặt đất. Dường như nhiều người không nghĩ đến nhắm cái lỗ. Trong đống tuyết,
dưới một lớp băng nơi tuyết vừa tan lại đông đặc lại, là những đống phân chỗ ê
hề, chỗ đơn chiếc, như được bảo quản dưới kính, từ vàng khè đến đen thui và đủ
mọi màu ở giữa. Chỉ nhìn thôi Rose đã buồn nôn, và tuyệt vọng. Nàng đứng trước
cửa, không thể cố bước vào, quyết định nhịn.
(Privilege, trong The Beggar
Maid, 1978)
Đấy là chuyện một trưởng nghèo
ở vùng quê Canada cách đây đã sáu, bảy chục năm. Thật buồn và thương học sinh,
sinh viên ở Việt Nam ngày hôm nay có nơi vẫn còn chịu cái cảnh phải nhịn ấy.
Những đối chọi giữa giàu nghèo
thường nổi rõ hơn cả với cái gì trần tục, tầm thường nhất:
Flo dành dụm tiền xây buồng tắm
trong nhà nhưng không có chỗ nào khác ngoài góc bếp. Cửa không kín, tường chỉ
là ván ép. Kết quả là một tiếng xé giấy, một cái nhích mông đều rõ mồn một cho
ai đang làm việc, nói chuyện hoặc ăn trong bếp. Người trong nhà quen những âm
thanh thầm kín của nhau, không chỉ những lúc nổ đùng mà cả những khẽ thở dài,
sôi ùng ục, ậm ạch, và khai báo. Và họ đều là những người cả thẹn lắm. Thế nên
chẳng bao giờ có ai tỏ vẻ nghe thấy gì hoặc lắng tai để ý, không có một lời
bình phẩm nào. Người làm ra các tiếng động trong buồng tắm không dính dáng gì
với người từ trong đó đi ra”
(Royal Beatings, trong The
Beggar Maid, 1978).
Điều rõ nhất với căn nhà của bà
Henshawe và của Flo, Rose nghĩ vậy, là cái này phản lại cái kia. Trong những
căn phòng thanh lịch của bà Henshawe, Rose lúc nào cũng nhớ đến cái thực tế
trần trụi ở nhà, như cái cục gì mãi vẫn không tiêu. Và khi về nhà, cái nền nếp
hài hoà của nơi kia làm lộ rõ cái nghèo nàn tội nghiệp, xấu hổ của những người
không hề nghĩ mình nghèo. Nghèo không chỉ là nghèo kiết xác, như bà Henshawe có
vẻ nghĩ thế, nó không chỉ là thiếu thốn. Nó có nghĩa là gắn những cái đèn
nê-ông xấu xí và hãnh diện về chúng. Là lúc nào cũng nói chuyện tiền bạc và xầm
xì về những thứ thiên hạ mới sắm, không biết họ đã trả xong hết chưa. Là hãnh
diện và ganh tị về cặp rèm giả đăng-ten bằng nhựa Flo mua về treo lên cửa sổ
phòng khách. Nghèo cũng có nghĩa là phải móc quần áo lên cái đinh đằng sau cửa
và nghe mọi tiếng động thoát ra từ buồng tắm.
(The Beggar Maid, 1978)
Alice không giáo điều, không
tuyên bố những câu đao to búa lớn. Quan điểm chính trị xã hội ít được đề cập và
chỉ thể hiện gián tiếp như trong đoạn sau :
Trong lán có một cái lò và
nhiều kệ bằng gỗ tạp ngổn ngang những thùng sơn và dầu quang, hũ sen-lắc và dầu
thông, lon dùng để rửa cọ và cả vài chai thuốc ho sậm đặc. Tại sao một người
đàn ông ho kinh niên, phổi đã nếm khí độc trong Chiến Tranh (lúc Rose còn nhỏ
xíu, người ta vẫn gọi là Chiến Tranh Vừa Qua chứ không phải Thứ Nhất), lại phải
ngày qua ngày hít thở hơi bốc từ sơn và dầu thông? Thời đó những câu hỏi kiểu
ấy ít được đặt ra hơn bây giờ. Trên băng ghế trước cửa tiệm của Flo mấy ông già
hàng xóm ngồi tán dóc, ngủ gật, hứng nắng, nhiều ông cũng suốt ngày ho hen như
vậy. Thực tế là họ đang chết dần, từ từ và lặng lẽ, do cái “bệnh xưởng đúc”,
gọi thế thôi nhưng chẳng hàm ý oán trách gì lắm đâu. Họ đã làm cả đời trong cái
xưởng đúc của thành phố và bây giờ họ ngồi yên, với khuôn mặt tàn tạ vàng vọt,
húng hắng ho, cười khục khặc, thỉnh thoảng buông vài câu sàm sỡ bâng quơ về một
phụ nữ đi ngang qua hay một cô gái đạp xe trên đường
(Royal Beatings, trong The
Beggar Maid, 1978)
Đồng cảm với người khác cũng có
nghĩa chấp nhận là có những điều mình sẽ không bao giờ được biết, một vườn
riêng, không gian riêng mình không được vào dù mình có gần gũi bao nhiêu với
người ấy. Trong Walker Brothers Cowboy, hai đứa bé đi theo cha trong một
chuyến chào hàng. Trên đường về người cha ghé vào căn nhà một bà cụ và một
người đàn bà, người quen cũ của ông nhưng ông không nói họ là ai. Và tuy ông
không dặn dò, cô bé cũng hiểu là đây là chuyện riêng của ông, không cần kể lại
cho ai và với mẹ ở nhà.
Cha tôi lái xe, thằng em tôi
nhìn hai bên đường xem có con thỏ nào không và tôi cảm thấy như cuộc đời của
cha tôi trôi qua theo chiếc xe trong bóng chiều tà, tối sẫm lại và trở thành
khác lạ, như một phong cảnh kỳ diệu trước mặt trông vẫn ấm áp, bình thường và
quen thuộc nhưng sau lưng biến thành một cái gì không bao giờ có thể đoán biết,
với đủ mọi màu trời và khoảng cách không thể mường tượng.
(Walker Brothers Cowboy, trong
Dance of the Happy Shades, 1968).
Bậc thầy của truyện ngắn
Được hỏi tại sao bà chỉ viết
truyện ngắn, Alice trả lời là vì khi còn trẻ, bà có rất ít thì giờ, giữa các
công việc nội trợ, lo cho mấy đứa con nhỏ, và lúc ở Victoria, còn phải làm nửa
ngày ở tiệm sách. Và ngay những lúc ngắn ngủi xén bớt được trên thì giờ phải
dành cho các bổn phận khác cũng không hoàn toàn rảnh rang để tập trung vào viết
lách, với những quấy rầy chung quanh và mặc cảm tội lỗi bỏ bê việc nhà. Bà nhớ
lại những lúc đứa con gái đầu, Sheila, khi ấy hai tuổi, mon men lại gần, bà
thường một tay xua con ra chỗ khác, tay kia vẫn tiếp tục đánh máy. Trong một buổi
phỏng vấn với nhà văn Graeme Gibson, năm 1973, bà nói : “Trong suốt hai mươi
năm, không có ngày nào mà tôi không phải bận tâm về nhu cầu của một người khác.
Và như vậy có nghĩa là viết lách phải được sắp xếp song song hoặc trước sau
những công việc ấy … Sáng tác được gì trong điều kiện ấy quả là một phép lạ”.
Không ngạc nhiên mà Alice cảm
thấy phải có một không gian riêng cho mình:
“Đàn ông có thể làm việc ở
nhà, không có vấn đề. Ông đem việc về nhà, đã có chỗ dọn riêng cho ông, mọi
chuyện trong nhà sắp xếp lại xoay quanh ông. Công việc của ông là hiển nhiên,
ai cũng hiểu thế. Không ai chờ đợi ông trả lời điện thoại, tìm hộ cái gì lạc
đâu mất, ra xem tại sao trẻ con khóc hay cho con mèo ăn. Ông có thể đóng cửa
phòng. Nhưng thử tưởng tượng bà mẹ nào đóng cửa phòng, đối với lũ trẻ ở ngoài,
ô hay sao lại có thể thế được. Một người đàn bà ngồi thẫn thờ, nhìn xa xăm vào
một thế giới trong đó không có bóng dáng chồng con là phản lại luật của trời
đất. Nhà và phụ nữ, do đó khác lắm. Người đàn bà không bước vào nhà, làm gì đó
rồi lại đi ra. Nàng là căn nhà, không thể tách rời.”
(The Office, trong Dance of the
Happy Shades, 1968).
Alice đã diễn đạt cụ thể những
ý của nhà văn Anh Virginia Woolf trong bài tiểu luận bất hủ A Room of one
own. Song những sáng tác phong phú của bà, trải dài trên mấy chục năm,
không là phép lạ mà kết quả của tài năng, sự say mê, và tính cần mẫn thừa hưởng
từ truyền thống Presbyterian trong giáo dục của gia đình và xã hội. Một quá
trình sáng tác dài như thế tất nhiên có những thay đổi cả hình thức lẫn nội
dung, phản ánh những biến chuyển sâu rộng trong suốt thời kỳ Alice đã sống.
Alice 8 tuổi khi Canada tham gia Đệ nhị thế chiến năm 1939, học đại học những
năm sau chiến tranh và 38 tuổi khi các phong trào giải phóng phụ nữ và hippie
đạt cao điểm vào những năm 1968-69. Bà 50 tuổi khi bước vào thập niên 1980, và
đại đa số các tác phẩm của bà đặt trong bối cảnh của nửa thế kỷ ấy, từ những
thập niên 1930 đến 1980.
So sánh các tập truyện đầu tiên
và cuối cùng, có thể nhận thấy một số khác biệt. Những truyện đầu tiên có nhiều
tính chất tự truyện hơn, dày đặc hơn vì còn quá nhiều thứ để nói, để tuôn vào,
dù cái tài cấu trúc và lối hành văn gãy gọn, cái “giọng” rất đặc biệt của Alice
đã hiện rõ. Điều dễ hiểu là khi còn trẻ, chất liệu chính của mỗi nhà văn là
cuộc sống của chính mình, cái quá khứ còn rất gần, chi phối mạnh mẽ mọi cảm
xúc. Càng sống lâu, cảm hứng càng đến từ bên ngoài nhiều hơn, chất liệu là
chiêm nghiệm những gì đã nghe, thấy hơn là những trải nghiệm của bản thân. Như
Alice nói, với cái dí dỏm cố hữu, khi trả lời phỏng vấn của The Paris Review,
hè 1994 :
“Bây giờ tôi ít viết truyện
riêng tư hơn lúc trước vì lý do rất dễ hiểu. Tuổi ấu thơ đã khai thác hết, trừ
phi có thể, như William Maxwell, mỗi lần quay về vẫn tìm ra những cái tuyệt vời
mới trong đó. Cái chất liệu sâu sắc, riêng tư trong nửa cuộc đời còn lại là
những đứa con. Mình có thể viết về cha mẹ khi họ đã khuất, nhưng con cái thì
vẫn còn đây và mình sẽ cần nó vẫn còn muốn đến thăm mình trong viện dưỡng lão.”
Song ngay cả những truyện đầu
tay cũng đã cho thấy Alice có óc quan sát rất nhạy bén và khả năng tài tình nắm
bắt những chi tiết tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng khi lồng vào cốt truyện
lại chuyên chở những ý nghĩa sâu sắc không thể ngờ. Và như nhiều nhà văn, bà
như con ong hút mật, tất cả những gì nghe, thấy, đều có thể là đầu đề cho một
cốt truyện nảy ra. Thái độ miêu tả trong đoạn trích dưới đây không phải là sự
tọc mạch mà là bản năng của người có thiên hướng, và năng khiếu, diễn đạt cuộc
sống:
“Averill đi vòng quanh boong
tàu và nghe thiên hạ nói chuyện. Cô nghĩ đến câu vẫn thường nghe, mỗi lần đi xa
bằng tàu thuỷ là có dịp gác hết tất cả qua một bên, “hết tất cả” tức là cuộc
sống hàng ngày, lối sống, cái nhân vật là mình khi ở nhà. Nhưng trong mọi câu
chuyện cô nghe lóm được, thiên hạ lại làm ngược lại hẳn. Họ nói về họ, kể về
công ăn việc làm, con cái, vườn tược, nhà cửa. Trao đổi bí quyết, cách làm bánh
và cách ủ phân bón. Phải đối phó với con dâu thế nào và nên đầu tư vốn liếng ra
sao. Rồi những chuyện ốm đau, phản bội, bất động sản.”
(Goodness and Mercy, trong
Friend of my Youth, 1990)
Những tập truyện sau này cũng
cô đọng hơn, câu chữ vắn tắt, nhiều ẩn dụ, phần nào “khó đọc “ hơn vì đòi hỏi
người đọc phải chăm chú và động não. Alice cũng nổi tiếng là đã cách tân thể
loại truyện ngắn với một cấu trúc độc đáo. Câu chuyện không theo thứ tự thời
gian mà ngắt quãng, hiện tại xen lẫn với quá khứ, người đọc không hiểu chuyện
gì đã hay sẽ xảy ra, đoạn này liên hệ thế nào với đoạn sau, và chỉ đến trang
cuối mới vỡ lẽ. Thì ra thế, cái mấu chốt là vậy, phải rồi, cần phải đọc lại từ
đầu. Đọc từ tốn và bỗng đó đây hiện lên vài chi tiết ban nãy không để ý và bây
giờ có một ý nghĩa tuyệt hay, mở ra những suy nghĩ, hình ảnh mới, chiếu lên bức
tranh toàn diện một ánh sáng mới. Trong nhiều truyện, người đọc vừa thắc mắc
vừa cảm thấy sờ sợ bất an, vì với Alice truyện khó mà kết thúc trong hân hoan
hồ hởi, cái gì sẽ xảy ra đây, lạy bà, đừng làm con bé nó chết. Rồi lắm khi
truyện chấm dứt, con bé không chết, nhưng người đọc cũng chưng hửng. Truyện của
Alice thường không có hậu, không có happy end4 và
cũng không có kết luận, chấm dứt bằng một câu lơ lửng, có khi chỉ một vài chữ
lập lại, như tương lai bất định của nhân vật và sự ngơ ngác của người đọc.
Truyện không có kết luận nhưng
cũng không thật sự có mở đầu. Trong những truyện sau này, Alice ít khi có mào
đầu dẫn nhập, câu chuyện thường mở đầu với nhân vật đang làm gì đó, ngồi đợi xe
lửa, lái xe trong đêm, nói gì với ai. Những diễn biến tuần tự (hay không) cho
đến lúc chấm dứt bằng cái kết cục không phải là kết luận. Người đọc có cảm
tưởng nhân vật đã sống trước và sau câu chuyện, mình chỉ chứng kiến một khoảnh
khắc nhất định trong một mảnh đời tác giả kể cho nghe, như đi qua nhà ai, thấy
bức rèm kéo ra, đứng nhìn sinh hoạt của họ một lúc đến khi cái rèm lại đóng
vào. Và nếu hỏi Alice “Rồi sao nữa?” thì chắc sẽ được nghe trả lời “Thì là
vậy”.
Diễn đạt cuộc sống tinh vi và
chi phối người đọc đến như thế thì quả Alice Munro là bực thầy của truyện ngắn
đương đại. Xin chịu thầy !
Và bây giờ ?
Năm 2012, Alice Munro tuyên bố
tuyển tập Dear Life vừa phát hành sẽ là tác phẩm cuối cùng của bà. Bốn
truyện cuối của quyển này được tách riêng dưới tựa “Finale” (Hồi kết) và
lời bạt : “Bốn sáng tác cuối trong quyển này không hẳn là truyện. Chúng là
một đơn vị riêng, có tính cách tự truyện về cảm xúc, dù có thay đổi đôi chút về
sự việc. Tôi nghĩ rằng đây là những điều đầu tiên và cuối cùng – và thiết thân
nhất – tôi muốn nói về đời mình”.
Trả lời phóng viên khi nhận
giải Trillium Books Award cho Dear Life , bà nói : “Không phải là tôi
không say mê viết văn nhưng ai cũng đến lúc có cái nhìn khác về cuộc đời mình.
Và có lẽ, đến cái tuổi của tôi, mình không còn muốn cái cô độc của người viết
văn”. Alice đã vài lần nhắc đến giải nghệ. Năm 2006, bà bảo “ Tôi không
biết có còn đủ sức làm việc này nữa hay không”, và sau đó vẫn có sức viết
nhiều, viết khoẻ. Nhưng bây giờ, ở tuổi 82, sau một lần phẫu thuật tim và chống
chọi với bệnh ung thư bằng hoá trị, Alice không còn sung sức như trước.
Trả lời phóng viên, Peter
Englund, thư ký thường trực Hàn lâm viện Thuỵ điển, nói :” Bà Munro đã làm
một công việc phi thường, quá đủ để đoạt giải Nobel. Nếu bà muốn thôi viết thì
là quyết định của bà.”
Trong niềm vui và xúc động khi
mới nghe tin, được hỏi giải Nobel có thể làm bà thay đổi ý, Alice cười nói: “Tôi
làm chuyện này từ bao năm rồi. Viết và ra sách, cứ đều đặn từ lúc 20 tuổi. Làm
việc như thế cũng là rất lâu nên tôi thấy đã đến lúc nghỉ ngơi. Nhưng có thể
cái này làm tôi suy nghĩ lại”. Song gần đây Alice thông báo sẽ không đến
Stockholm nhận giải Nobel ngày 10 tháng 12 sắp tới vì lý do sức khỏe, và chưa
chỉ định ai sẽ thay thế. Lạy Trời Alice sống thêm lâu, để những giòng cuối dưới
đây của truyện cuối cùng trong phần “Hồi Kết” quyển Dear Life không phải là kết
luận, theo đúng truyền thống Munro:
“Tôi không về nhà khi bệnh
của mẹ tôi vào giai đoạn cuối và lúc đám tang. Tôi có hai đứa con nhỏ và không
có ai để gửi ở Toronto. Cũng phải xoay sở lắm mới chịu nổi chi phí chuyến đi và
chồng tôi coi thường những xử sự hình thức. Nhưng cũng chẳng nên đổ lỗi cho
anh. Tôi đồng tình với anh lúc ấy. Có những điều chúng ta vẫn bảo không thể tha
thứ được, hoặc chúng ta sẽ không bao giờ tự tha thứ. Nhưng chúng ta vẫn cứ xí
xoá đấy thôi – thường như cơm bữa”.
( Dear Life, 2012).
Không đủ tài để bắt chước Alice
Munro chấm dứt mà không chấm dứt, xin mượn lời của nhà văn Tân Tây Lan Fiona
Kidman : “Tôi tạ ơn Munro, cuộc đời thân quí của bà, những truyện bà đã cho
chúng ta và cái đẹp bình dị, chân phương của những câu văn. Bà không nhất thiết
phải chấm dứt ở đây, nhưng nếu quả là vậy thì đây là hồi kết tuyệt đẹp.”
Đỗ Tuyết Khanh
25.10.2013
Alice Munro dưới mắt các nhà văn
Fiona Kidman chỉ là một trong
nhiều nhà văn nổi tiếng, của nhiều nước, ái mộ Alice Munro. Như một vài thí dụ
cho thấy:
“Bà là một trong những nhà
văn – dù đã nổi tiếng đến mấy – người ta vẫn thường bảo phải được biết đến
nhiều hơn nữa “.
Margaret Atwood
“Đọc Munro đưa tôi vào một
trạng thái trầm ngâm, tôi suy nghĩ về cuộc đời của chính mình: những quyết định
đã lấy, những gì đã làm và chưa làm, mình là người như thế nào, viễn tượng của
cái chết. Bà là một trong vài nhà văn, có người còn sống, đa số đã chết, tôi nghĩ
đến khi tôi nói hư cấu là đạo của tôi.”
Jonathan Franzen
“Munro là tác giả duy nhất
viết sống động đến nỗi có lúc tôi lầm tưởng những sự kiện trong các truyện của
bà là kỷ niệm của quá khứ chính mình … Cám ơn Alice Munro, cám ơn những truyện
của bà, mỗi cái là một viên ngọc. Cám ơn những ngày và đêm tôi miệt mài đọc tác
phẩm của bà. Cám ơn cái nhìn thẳng thắn, không bối rối, của bà về cuộc đời
những cô gái và đàn bà, và cả cuộc đời những chàng trai và đàn ông. Cám ơn cái
ác nghiệt cũng như cái nhân ái của bà, vì cái này cộng với cái kia là cốt lõi
của sự thật”.
Jane Smiley
Ngày xưa, Virginia Woolf đã tả
George Eliot như một trong số ít tác giả “cho người lớn”. Điều này cũng có thể
nói, và cũng đúng như thế, về Alice Munro.
Michael Gorra
(giáo sư Anh ngữ và văn chương tại đại học Smith College,
tác giả nhiều tiểu sử đoạt giải)
(giáo sư Anh ngữ và văn chương tại đại học Smith College,
tác giả nhiều tiểu sử đoạt giải)
Cả đời tôi chưa bao giờ vui như
khi nghe công bố giải Nobel năm nay. Tôi nhớ khi tôi điểm sách của Alice Munro
trong báo Toronto Globe and Mail và đánh giá bà ngang hàng với Tchekhov, người
Canada ngạc nhiên nhưng hân hoan. Alice đã đóng góp nhiều hơn bất cứ tác giả
nào tôi biết cho các khả năng và hình thái của thể truyện ngắn … Tôi là thành
viên của câu lạc bộ những người hết sức ái mộ Munro. Chúng tôi đều biết bà là
một trong những tác giả lớn nhất hiện nay, nhưng điều đó vẫn cứ như một bí mật.
Bây giờ thì ai cũng sẽ biết.
A.S. Byatt
Trong truyện ngắn không có
những tuyên bố vĩ đại về sự thật và xã hội. Những tác phẩm của Munro đặt ra câu
hỏi lớn hơn về thế nào danh tiếng, chúng ta phá vỡ và làm lại ra sao khuôn
thước của văn chương. Giải Nobel là câu trả lời hùng hồn cho câu hỏi này. Nếu
các tác phẩm của bà có chứng minh gì, thì là cả cái khái niệm “quan trọng” cũng
không có ý nghĩa bao nhiêu. Truyện của bà không chờ đợi chúng ta khen ngợi mà đọc chăm chú. Khi
chúng ta đọc bà, chúng ta cảm thấy bớt cô đơn hơn trước.
Anne Enright
Tuyển
tập truyện ngắn
Đọc
thêm
|
(*)Diễn Đàn : tất cả các đoạn dịch từ tiếng Anh trong bài này đều do Đỗ Tuyết Khanh thực hiện.
1 Có người quan niệm Alice Munro là người thứ nhì vì trước đó đã có Saul
Bellow là nhà văn Canada đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương năm 1976. Song
Saul Bellow là nhà văn Mỹ, sinh năm 1915 tại Lachine, tiểu bang Québec, nhưng
cùng gia đình sang Chicago năm 1925 lúc 9 tuổi, nhập quốc tịch Mỹ năm 1941 và
sống ở Mỹ cho đến khi mất năm 2005. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông
gắn liền với thành phố Chicago. Cha mẹ ông là người Do Thái Nga, đầu tiên di cư
sang Canada rồi định cư ở Mỹ. Nếu xem ông là người của Canada thì Israël hoặc
Nga cũng có thể «nhận họ hàng» như vậy !
3 Wedgwood là công ti Anh nổi tiếng từ thế kỷ 18, sản xuất bát đĩa đồ gốm
sang trọng cho giới thượng lưu.
4 Khi nhận giải Man Booker Prize năm 2009, Alice Munro kể lại lúc lên 7
tuổi, đọc truyện Nàng tiên cá của Hans Christian Andersen, bà đi đi lại lại mãi
ngoài sân, cố tìm một hồi kết khác để cứu cô bé tiên cá đừng biến thành bọt
biển. “Đi tìm một hồi kết có hậu. Không thể ngồi yên cho đến khi nghĩ ra.
Rồi 70 năm sau, công việc của mình vẫn là diễn tả cuộc đời. Không còn nghĩ đến
những hồi kết có hậu, nhưng vẫn làm công việc ấy. Cái mình đi tìm là ý nghĩa,
âm vang, một nét đẹp lạ lùng trong cái ánh sáng lung linh trên mặt biển là cô
bé tiên cá và người yêu bất tử của nàng”.
No comments:
Post a Comment