Phùng Khang
Tác
giả gửi tới Dân Luận
Thứ Ba, 22/10/2013
Tuyệt đỉnh là thế nào? Phải
vượt qua chứ! Nghĩa là… bay ra ngoài, không dính dáng gì đến thế giới vật chất
này nữa. Sau đó thì thế nào? Các nhà Cộng Sản Lý Thuyết (CSLT) chưa công bố,
còn các nhà Cộng Sản Thực Hành (CSTH) thì từ xưa đến nay vẫn chỉ biết nhắm mắt
tiến lên, có gì để nói.
Liên Xô, lực lượng tiên phong,
sau 7 thập kỷ tiến lên theo chủ nghĩa Mác, vẫn chưa đưa được nhân dân lên đến
đỉnh đã tuột dốc, ngọn đuốc soi đường văng đi đâu không biết?
Việt Nam chúng ta (người khác
là chuyện của họ) được các nhà CSLT dẫn đường cho đến nay vẫn chưa sờ tới được
cái đích nào. Phấn đấu không còn chế độ người bóc lột người (?)
thì bây giờ “địa chủ đỏ” “tư sản đỏ” nó còn bóc lột gấp 5 gấp 10 lần ngày xưa.
Bị bóc lột mà không được kêu, kêu lên là phản động. Ruộng đất về tay dân
cầy (?) thì khắp trong nam ngoài bắc dân chúng lũ lượt kéo nhau đi đòi
đất. Bị áp bức tới mức phải nổ súng chống lại chính quyền, bước đường cùng là
nổ súng ngay vào đầu mình để tự giải thoát. Tự do ngôn luận (?)
thì bị khoác cái tội nói xấu chế độ thậm chí câu kết với nước ngoài âm mưu lật
đổ chế độ. Biểu tình chống lũ bành trướng khủng bố ngư dân Việt Nam, lấn chiếm
biển đảo của tổ quốc thì bị hốt lên xe, đạp vào mặt nện vào đầu rồi tống vào
tù, nhốt chung với bệnh nhân HIV để khủng bố tinh thần v.v… Những chuyện phản
dân chủ ở Việt Nam thì lúc nào cũng thấy, chỗ nào cũng có, nó bình thường như
cơm ăn nước uống, khí trời để thở trên con đường tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội vậy.
Những mục tiêu tự do dân chủ, hạnh phúc ấm no vẫn chỉ là những
tấm “bánh vẽ” khổng lồ, như những hành tinh xoay quanh xã hội Việt Nam với quỹ
đạo elypse lúc gần lúc xa. Đại đa số nhân quần đó vẫn lầm lũi trong kiếp “Kẻ ăn
không hết, người lần chẳng ra” Có người chịu những cảnh đứt bữa thì trong lúc
đó cũng có những người hưởng lương trên 200 triệu Vnđ/tháng. Nghịch cảnh này từ
thuở Hồng Bàng đến nay chưa từng gặp. Văn minh, công bằng, dân chủ gì mà như
vậy? Nó vô lý tới mức tưởng như lực lượng lãnh đạo và chính quyền chỉ còn như
những bóng ma.
Lịch sử Việt Nam, mỗi khi thay
đổi một triều đại thì xã hội nói chung vẫn phải chịu những sự biến do triều đại
mới mang lại. Ông vua mới xóa bỏ mọi dấu tích của triều đại cũ. Cung điện, đền
đài, miếu mạo đều phải phá bỏ thay thế, những dấu tích nhiều lớp ở một hoàng
thành đã nói lên điều đó. Của cải của hoàng tộc, quan lại cũng bị trưng thu,
chiếm đoạt thẳng cánh. Thậm chí những cuộc trả thù chu di tam tộc, cửu tộc vẫn
có thể xảy ra. Vì vậy những hậu quả mà Cách Mạng đem tới cũng là chuyện thường
tình phải có.
Chính quyền mới chiếm dụng
những công sở, công thự của chế độ cũ, của quan lại cũ là điều tất nhiên, nhiều
ít không thành vấn đề và dân chúng cũng không thèm quan tâm. Các quan cách mạng
cũng không ai chê những ngôi biệt thự thời thực dân nó hôi mùi bóc lột, nó tanh
mùi máu. Độc nhất có Cụ Hồ, cụ chê cái Dinh Toàn Quyền, cụ chỉ nhận căn nhà để
máy điện trong dãy công trình phụ, vì so với nhà tù Quốc Dân Đảng, Hang Pắc Bó,
lán Nà Lừa nó còn sang chán vả lại còn được tiếng liêm khiết thì với một nhà
cách mạng lão luyện như cụ, đây là một bước đi “sáng nước”.
Trong khi đó lũ tay chân dưới
quyền tha hồ “đục nước béo cò” chiếm đoạt vô tội vạ những nhà vắng chủ, thậm
chí những nhà mà chủ nhà còn lù lù cũng bị quy này chụp nọ, o ép đến phải lòi
nhà cho các ông cách mạng. Muốn cướp tài sản của ai chỉ việc chụp cho người đó
cái mũ thành phần là xong một kiếp người, là tan một gia đình. Miếng mồi nào
cũng to nên các ông không thể nuốt chửng được, nhưng chuyên chính theo kiểu moi
ruột, móc gan các ông làm thoải mái, của nả, tiện nghi trong nhà bay như gặp
lốc. Một vài ca phải nhè ra là cực chẳng đã, thủ tướng (Phạm Văn Đồng) cần
tranh thủ đối tượng nào đó, đã lên tiếng thì phải nôn vội ra và lau chùi cho
sạch sẽ. Đồ đạc chuyển dời đi đâu phải khuân về gấp, lấy đâu trả đó như nhà ông
Phùng Ngọc Tuệ (phố Phan Bội Châu), ông Lê Thành Ý (phố Nguyễn Thái Học) còn
thì “Bắc thang mà hỏi ông Trời”. Đến như ngôi nhà vợ chồng ông Trịnh Văn Bô ở
đầu đường Hoàng Diệu hiện nay cho chính phủ mượn có giấy có tờ hẳn hoi mà bây
giờ Bà Bô xin lại cho gia đình thì mặc cho ý kiến cao thấp to nhỏ, người ta vẫn
bỏ ngoài tai coi như từ điển Việt Nam không có từ “trả lại”.
Trước 1975 số nhà đất xung công
ở Miền Bắc Việt Nam biết bao nhiêu mà kể, sau này ở Miền Nam Việt Nam còn nhiều
hơn nữa. Theo thời gian và tùy hoàn cảnh, những thông tư và nghị định lại bổ
xung cho chủ những căn nhà đã bị chiếm đoạt không có cơ hội đòi lại.
Xét cho cùng về thành tích “xử
lý” tài sản nói chung và bất động sản nói riêng của “đối phương” từ xưa đến nay
thì các nhà cách mạng hiện nay là vô địch. Nhưng có điều cứ theo công thức “ông
thầy ăn một, bà cốt ăn hai” thì cái phần xung vào công quỹ làm của chung cho xã
hội cũng không hơn gì cái “móng tay”. Đội ngũ “cướp ngày” cứ càng ngày càng dầy
lên, mặc cho những ta thán của dân đen về sự nhiễu nhương ngày càng lan rộng và
phổ biến. Những con giun thuộc dòng dõi rồng tiên đang bị các đồng chí dày xéo
một cách tàn bạo.
Để bảo vệ những “quả thực” (tên gọi chung cho các tài sản của địa chủ mà nông dân cướp được trong cải cách ruộng đất), thì “Điều 4 Hiến pháp” là bất di bất dịch, bất khả xâm phạm.
Nói đến nhà bị xung công thì có
câu chuyện về số nhà 30 Đường Hoàng Diệu. Trước đây nó là nhà của quan nào thời
“tạm chiếm” cũng không biết, chỉ biết từ khi tiếp quản 1954 nó được phân cho
ông Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi ông Đại Tướng bị ép nghỉ hưu thì có cái
quyết định đòi lại nhà. Họ định đưa các ông Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê
Khả Phiêu về một khu phía trong phố Lý Nam Đế và Trần Phú. Ông Giáp đề nghị để
ông được ở đến hết đời vì còn những liên quan ngoài nước nó quan hệ đến bộ mặt
của Việt Nam. Việc đó được chấp nhận, nếu không hơn nửa tháng qua dân chúng lấy
đâu chỗ thắp hương dâng hoa cho hương hồn Đại Tướng.
Nói đến cái quyết định đòi nhà
ắt phải kể đến người ký quyết định, đó là một ông trung tướng, ông này đi theo
tướng Giáp từ khi còn là đội viên tự vệ (1945) sau này lên đến Quân Đoàn Phó
rồi về làm Tổng Tham Mưu Phó, chắc rằng phụ trách doanh trại nên được chỉ thì
ký quyết định đòi nhà Đại Tướng. Tuy bị quan thầy gắp lửa bỏ bàn tay nhưng vẫn
bị đồng đội trong trung đoàn cũ chửi là thằng mặt dày, vô đạo lý. Minh oan là
mình làm theo chỉ thị của trên vẫn còn bị chê là thiếu tiết tháo, không biết tự
chặt tay đi để khỏi phải làm cái việc thiếu tình, thiếu nghĩa vô đạo lý đến
vậy.
Thiết nghĩ nhà cửa công thì làm
gì đến nỗi thiếu, chẳng qua là “võ bẩn” chơi nhau theo tinh thần cộng sản mà
thôi.
Bây giờ Đại Tướng đã quy tiên,
thời cơ lại cho phép đòi nhà, nhưng khổ nỗi với đảng thì nó chẳng là gì nhưng
với dân thì số nhà 30 Hoàng Diệu nó đã là địa chỉ đỏ, đã trở thành nơi lưu
niệm, có gọi đó là địa chỉ thiêng liêng tưởng cũng không quá đáng. Duy ai đó có
dám muối mặt mà đòi nữa hay không? Mới là lần thứ hai thôi, chưa “quá tam” mà.
Năm 1975, tiếp quản Sài Gòn,
gặp lại gia đình họ hàng, tôi có người chị con cô con cậu ngỏ ý muốn cho tôi
căn hộ đường Thoại Ngọc Hầu, biết rõ chính sách nhà đất của Miền Bắc nên tôi
đành cảm ơn không dám nhận, lỡ ra lại mắc vạ vào thân, mà quả nhiên cái vạ đó
cũng ập đến ngay sau đó. Bà Cô tôi giới thiệu tôi với ông Phan Duy Du nhà số
39a Duy Tân để có thể đến ở đó đi làm cho gần. Trong một ngõ có 4 nhà, ông Du ở
trong cùng, 3 nhà phía ngoài do một ông tư ông bốn gì đó ở rừng về đã chiếm,
ông muốn chiếm nốt căn hộ phía trong nhưng vì vướng tôi, nên ông vu cho tôi đủ
thứ chuyện nhảm nhí, kể cả chuyện móc nối với CIA (Ông Du nguyên là chuẩn tướng
quân đội cộng hòa), cuối cùng tôi phải bán xới về đất Tổ.
Cô em gái tôi biết tiếng Anh
nên đã làm ở sở Mỹ, về sau này, cô không có cửa làm ăn với cách mạng, dù bất cứ
việc gì. Cậu em rể làm bác sĩ lý khám (pháp y) Sài Gòn – Gia Định, bị các ông
bà nông dân kéo nhau kiện cáo về những oan sai trên trời dưới biển. Biết không
tồn tại nổi nên đành kéo nhau sang định cư tận Florida, nhường sự đoàn tụ cho
người khác. Bỏ nhà bỏ cửa, bỏ họ bỏ hàng kéo nhau ra đi đâu chỉ có vì chống lại
cộng sản? Những trường hợp phải ra đi như em tôi thì nhiều, họ chống cộng thì
ít mà gớm cộng thì nhiều, họ đều chung một lý do không có cửa lao động, không
được làm công dân dưới chính thể mới. Không được bình thường tồn tại.
Tôi có một người bà con, tôi
phải gọi bằng Ông. Không biết ông có làm chủ sự trường Quốc Gia Hành Chính hay
không? Nhưng chắc chắn có làm giảng viên tại trường này. Sau ngày 30 tháng 4
năm 1975 ông được một người bạn thân phía cách mạng đưa đến gặp ông Võ Nguyên
Giáp. Biết rõ cung cách đào tạo cán bộ của miền Bắc và sót cho lớp cán bộ quản
lý điều hành xã hôi mất công đào tạo có bài bản, đã góp ý với bên “Chiến thắng”
nên tận dụng lớp công chức đã được ăn học đến nơi đến chốn (theo Hồi Ức “Những
ngày muốn quên” của Đoàn Thêm). Người nói thì nhiệt tình, còn người nghe cũng
chỉ biết ừ hữ, vì trọng dụng với lớp người có ăn có học này thì lớp cán bộ
trưởng thành từ lập trường, không bằng không cấp biết nhét vào đâu? Điều này
cũng xin lớp công chức lưu vong của Cộng Hòa Việt Nam hiểu cho sự khó ăn khó
nói của chế độ mới. Hơn 3 chục năm, bây giờ nhận ra những lỗ hổng từ sự thiếu
nghiệp vụ điều hành xã hội, nên mới nhúc nhắc thi tuyển công chức chứ không dựa
vào “lập trường tư tưởng” như trước kia là chủ yếu. Không lấy thước đo “Hồng
chuyên” làm cơ sở.
Con đường tiến lên chủ nghĩa
cộng sản không biết có thể tiếp tục nữa hay không, khi những nguyên lý cơ bản
của chủ nghĩa Mác đã bị đảo lộn từ gốc rễ, cái kim chỉ nam đã ở 180 độ ngược
lại. Những nhà CSLT cũng đã thấy mình duy ý chí, còn những nhà CSTH thì mải mê
với những con tính cộng về mình, trừ từ người, thậm chí nhân về mình và chia từ
người. Lúc này không biết ai chuyên chính ai? Đối tượng của cách mạng lúc là
địch lúc là ta, lộn nhèo một mớ. Còn nếu nó tiếp tục tiến lên (theo kiểu chơi
“leo cột mỡ”) trên con đường đầy rẫy những mớ bòng bong với những lợi ích nhóm
này nhóm nọ, thì bao lâu nữa nó sẽ lên tới đỉnh. Tương lai toàn dân có cùng
tiến lên CSCN hay chỉ có các đồng chí đảng viên? Xem ra đường đến các vì sao dù
xa nhất cũng còn gần hơn đường lên Xã Hội Chủ Nghĩa, chứ đừng nói tới cộng sản
chủ nghĩa.
Lớp người có công trạng bước ra
từ các cuộc cách mạng lãnh đạo đất nước, được nhân dân tin yêu ngày càng ít,
càng hết dần. Thay thế vào đấy là những xếp xắp cơ học của những nhóm lợi ích
theo hình thức hiệp thương, chứ đâu cần đến những người thực tài có tâm huyết
với đất nước. Do thế cơ cấu này ngày càng rỗng, càng ít ý nghĩa tích cực. Trên
đối với dưới, dưới đối với trên thông qua lợi ích nhóm là chủ yếu, đất nước là
thứ yếu và nhân dân là cái gì xa xỉ phù phiếm. Vì thế tầng lớp thấp cổ bé họng
chỉ còn biết đặt niềm tin vào sự đồng lòng của người người lớp lớp như trong
đám tang ông Đại Tướng hôm nay, và… “Hãy đợi đấy!”
No comments:
Post a Comment