Thiện Ý
gửi cho BBCVietnamese.com từ Houston, Texas
Cập nhật: 02:19 GMT - thứ sáu, 4 tháng 10, 2013
Như vậy là việc đóng cửa một số các cơ quan chính phủ
liên bang làm tê liệt một phần các hoạt động hành chánh chuyên môn đưa đến việc
khoảng 800.000 công chức phải nghỉ không lương đã bước vào ngày thứ ba.
Hệ quả này ai cũng biết là do dự luật chuẩn chi ngân sách
Liên Bang Hoa Kỳ cho tài khóa 2014 đã không được lưỡng viện quốc hôi thông qua
khi ngân sách chi thu tài khóa 2013 đã hết hạn từ ngày 1-10-2013.
Sự ách tắc này là do nỗ lực của các dân biểu, nghị sĩ bảo
thủ của đảng Cộng Hòa đã quyết tâm đến cùng ngăn chặn việc thực hiện Luật Cải
Tổ Y Tế của Tổng Thống Barack Obama và đảng Dân chủ (còn được gọi là Obamacare)
đã được lưỡng viện thông qua, được ban hành khoảng một năm trước đây và bắt đầu
có hiệu lực thi hành từ 1-10-2013.
Thủ đoạn chính trị
Thực ra nỗ lực ngăn chặn này chỉ là sự tiếp nối nỗ lực bị
thất bại của đảng Cộng Hòa nhằm ngăn chặn không cho dự luật Cải Tổ Y Tế trở
thành luật vào thời khoảng biểu quyết thông qua hơn một năm trước đây, đảng Dân
chủ đã nắm đa số ở cả hạ viện lẫn thượng viện Liên Bang Hoa Kỳ.
Hiện tại đảng Cộng Hòa với lợi thế nắm đa số ở Hạ viện
nhưng lại là thiểu số ở Thượng viện, nên nỗ lực lần này của đảng Cộng Hòa với
sự hỗ trợ tích cực của phong trào Tea Party, chỉ là một kế hoãn binh để chờ
thời cơ lật ngược thế cờ.
Thế hoãn binh đó là dựa vào ưu thế đa số ở Hạ viện đã
thông qua dự thảo luật triển hạn thi hành Luật Cải Tổ Y Tế thêm một năm, đợi
thời cơ thuận lợi khi Công Hòa nắm được đa số ở cả lưỡng viện quốc hội, sẽ tìm
cách thông qua luật hủy bỏ Luật Cải Tổ Y Tế của Tổng Thống Obama và đảng Dân
Chủ.
Nhưng dự luật này đã bị Thượng viện bác bỏ, với đa số
nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ, cộng với một số nghị sĩ ôn hòa của đảng Cộng Hòa.
Cuộc thương lượng giữa Cộng Hòa và Dân Chủ cho tới thời
hạn chót là ngày 1-10-2013 đã không đạt được đồng thuận, dẫn đến việc chính phủ
phải đóng cửa một số những cơ quan và tình trạng các công chức liên quan phải
nghỉ việc không lương (thất nghiệp kỹ thuật) như mọi người đã biết.
Sự thể này cũng đã từng xảy ra năm 1996 khiến nhiều cơ
quan của chính phủ Liên Bang đã phải đóng cửa kéo dài 21 ngày. Theo ước tính
hiện nay, mỗi ngày đóng cửa đã gây thiệt hại cho công quỹ khoảng 200 triệu
dollars.
Đây có thể coi là
một thủ đoạn chính trị của đảng Cộng Hòa nhằm bắt bí Tổng Thống Obama và đảng
Dân Chủ để thành đạt ý đồ của mình. Theo nhận định của nhiều người thì hậu quả
thực tế có thể gây nhiều bất lợi cho đảng Cộng Hòa trong các cuộc bầu cử tương
lai.
Có lẽ vì vậy mà bộ tham mưu của Tổng Thống Obama đã tương
kế tựu kế không nhượng bộ yêu sách của Cộng Hòa, để cho tình trạng đóng cửa
nhiều cơ quan chính phủ vì hết ngân sách xảy ra như là lỗi của đảng Công Hòa
chứ không phải do hành pháp thuộc đảng Dân Chủ?
'Túi tiền của thiểu số'
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao đảng Cộng
Hòa quyết ngăn cản đến cùng việc thực hiện Luật Cải Tổ Y Tế hay là Obamacare
như thế, dù biết rằng có thể lợi bất cập hại?
Câu trả lời tổng quát là vì việc thực hiện
Luật Cải Tổ Y Tế đã đụng chạm đến túi tiền của thiểu số những người dân có lợi
tức cao, nhất là các nhà tư bản, khi họ phải đóng thêm thuế nhiều hơn để tài
trợ cho số đông những người dân có lợi tức thấp có thể mua được bảo hiểm sức khỏe;
để mọi người dân giầu nghèo ai cũng được chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, bệnh
tật.
Vì trên chính trường Hoa Kỳ bao lâu nay người ta nói đến
chủ trương và hành động thực hiện chính sách cai trị khác biệt về đối nội (tuy
nhất quán về đối ngoại) giữa hai đảng lớn thay nhau nắm quyền là: Đảng Cộng Hòa thiên về bảo vệ quyền lợi cho các nhà tư bản và tầng lớp
thượng lưu có lợi tức cao; còn đảng Dân Chủ thiên về bảo vệ quyền lợi cho những
người dân thuộc tầng lớp trung lưu và nghèo khó.
Vì vậy, bất cứ chủ trương chính sách đối nội (cũng như
đối ngoại) nào bất lợi cho các nhà tư bản, các tập đoàn tư bản và thành phần
thượng lưu trong xã hội, thì đều bị đảng Cộng Hòa chống đối đến cùng.
Đó là lý do căn bản mà đảng Cộng Hòa quyết ngăn cản đến
cùng việc thực hiện Luật Cải Tổ Y Tế hay là Obamacare là như thế.
Thành công và khó khăn của Obama
Trên thực tế, ý định cải tổ y tế theo chiều hướng Luật
Cải Tổ Y Tế hiện nay đã được các chính quyền thuộc đảng Dân Chủ trước đây nỗ
lực thực hiện song đã không thành vì sự ngăn cản của đảng Cộng Hòa đã đành,
song phần nào cũng do những người đứng đầu các chính phủ thuộc đảng Dân Chủ đã
thiếu quyết tâm khi dứng trước những cản trở khó khăn chủ quan cũng như khách
quan.
Nay Luật Cải Tổ Y Tế hình thành được ngoài yếu tố khách quan
là đảng Dân Chủ nắm được đa số tại lưỡng viện quốc hội trong thời khoảng biểu
quyết thông qua, còn có yếu tố chủ quan cá nhân Tổng Thống Obama có quyết tâm,
hành động triệt để hơn các vị tiền nhiệm.
Vì là vị Tổng Thống da mầu đầu tiên của Hoa Kỳ, không
xuất thân từ giai cấp thượng lưu giầu có như phần đông các Tổng Thống Hoa Kỳ,
mà xuất thân từ giai cấp bình dân trung lưu. Từ xuất thân này, Tổng Thống Obama
đã cảm thông và thấu hiểu tình trạng khốn khổ của số đông những người dân
nghèo, nhất là phần đông những đồng bào cùng sắc dân với ông, vì không có khả
năng mua bảo hiểm sức khỏe.
Thêm vào đó lại là một trong những vị Tổng Thống Hoa Kỳ
tương đối trẻ (làm Tổng Thống năm 47 tuổi), thông minh và tài năng, có tính
cách mạng, với sự hậu thuẫn tích cực của lưỡng viên Quốc hội mà đa số thuộc
cùng đảng Dân Chủ, nên ông đã thành công thông qua và ban hành được Luật Cải Tổ
Y Tế.
Thế nhưng cho đến lúc này, Tổng Thống Obama mới chỉ thành
công bước đầu trên bình diện pháp lý (làm ra được Luật Cải Tổ Y Tế), song khó
khăn vẫn còn nhiều trước mặt khi đem thực hiện Luật Cải Tổ Y Tế.
Những khó khăn do đảng Cộng Hòa gây ra với nỗ lực thực
hiện quyết tâm hủy bỏ Obamacare bằng mọi cách, mọi giá khi có thời cơ.
Nếu vượt qua được khó khăn này, Luật Cải Tổ Y Tế khi đi
vào thực hiện sẽ còn gặp những khó khăn trong việc tổ chức điều hành mới mẻ,
còn nhiều bất toàn, với những phản ứng tiêu cực của những thành phần bất mãn do các quyền
lợi cá nhân và tập đoàn bị thiệt hại gây ra do áp dụng Luật Cải Tổ Y Tế.
'Hiện tượng bình thường'
Thật ra, đây cũng chỉ là những khó khăn thực tế đối với
chính quyền Obama hay bất cứ chính quyền nào khi thực hiện một chính sách cai
trị mới và là hiện tượng bình thường trong một xã hội dân sự, dân chủ, có nhiều
giai cấp giầu nghèo sống chung.
Bởi vì mọi chính sách xã hội mới, khi thực thi, nếu đem lại lợi ích cho một thành phần dân chúng này, thì
thường lại bất lợi cho thành phần dân chúng khác.
Sự thành công hay thất bại của một chính sách mới tùy
thuộc vào giá trị thực thi, đem lại lợi ích thiết thực cho số đông nhân dân,
thể hiện được tính chính đáng, công bình và ổn định trật tự xã hội.
Nhưng đồng thời cũng từ kết quả thực thi chính sách,
chính quyền phải thuyết phục được thiểu số những người dân phải hy sinh quyền
lợi cho số đông, để họ từng bước đi đến tự giác chấp nhận hoàn toàn chính sách
mới, chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân cục bộ cho lợi ích toàn xã hội, trong
đó có nhiều giai cấp có nhu cầu sông chung hài hòa, cộng đồng đồng tiến, tạo
môi trường sống an toàn, thuận lợi cho mọi cá nhân giầu cũng như nghèo có điều
kiện mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung.
Luật Cải Tổ Y Tế hay Obamacare là một chính sách mới cũng
đã gặp nhiều khó khăn trên bình diện pháp lý (bị chống đối, ngăn cản từ Dự luật
đến thành Luật) cũng như thực tiễn (Đảng Cộng Hòa chống đối, thành phần dân
chúng bị đụng chạm quyền lợi…) cũng là điều tất nhiên.
Sự thành bại của chính sách mới này của chính quyền
Barack Obama vẫn đang ở phía trước, cần có thời gian thực thi để thấy hiệu quả
thực tiễn.
Nhưng liệu đảng Cộng Hòa và những người dân có quyền lợi
bị thiệt hại do việc thực thi Luật Cải Tổ Y Tế (Obamacare) có để cho chính
quyền Barack Obama thuộc đảng Dân Chủ có thời gian và cơ hội thực hiện chính
sách mới này hay không? Chúng ta chỉ còn biết chờ xem.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của
tác giả, nguyên luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn trước 1975, hiện đang
sống ở Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment