Một kẻ "hành" cái "nghề" gọi là
"sửa sắc đẹp" không những làm chết người, lại còn liệng nạn nhân
xuống sông Hồng, hầu như không ai không biết. Tuy nhiên, tôi muốn chỉ ra đây
cho thế hệ trẻ như nhóm bạn Hoàng Thị Nhật Lệ xem chất đểu cáng của người cộng
sản: Đỗ Kim Tuyến - trung tướng - Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống
tội phạm, Bộ Công an - đại biểu quốc hội Hà Nội, phát ngôn sau vụ chết người
này [1]: "...hiện chưa có giải pháp chống suy thoái đạo đức xã
hội". Phía sau câu nói này, mục tiêu rõ ràng của người cộng sản: chạy
trốn trách nhiệm đối với dân.
Người cộng sản đang tự phỉ nhổ lẫn nhau, bởi không
ai không biết phong trào "Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
từ ngày 03/2/2007 kéo dài cho đến nay, ròng rã hơn 6 năm trời! Phong trào này
không phải để "chống suy thoái đạo đức xã hội" như Đỗ Kim Tuyến nói,
thì để làm gì (?)
Gần 7 năm qua, dù chưa có thống kê, nhưng tội ác
trong xã hội ngày càng dày đặc về số lượng và man rợ về tính chất.
Trước khi tên đồ tể khoác áo bác sĩ có tên Nguyễn
Mạnh Tường gây cái chết "trôi sông lạc chợ" cho người phụ nữ đáng
thương kia, nhất định hắn cũng đã từng ngồi trong hội trường với cái thứ
"học và làm theo..." phủ trùm trong mọi cơ quan và "bài thu
hoạch" của hắn chắc chắn đã từng nhận được đánh giá tốt đẹp (!).
Nếu cô Lệ và bạn bè chưa tin, hãy xem thêm tên lưu
manh "nổi tiếng" Hồ
Xuân Mãn theo
đường dẫn dưới đây [2].
Tôi biết nhóm bạn "phản bác tuyên bố 258"
có đọc bài "Hoàng
Thị Nhật Lệ và Nguyễn Hạnh Phúc". Điều này không làm tôi vui,
thay vào đó tôi vô cùng lo ngại. Lo ngại bởi tính "khôn lỏi" của thế
hệ trẻ như nhóm bạn Hoàng Thị Nhật Lệ, nhưng tôi không trách, bởi tôi biết, ít
nhiều bạn trẻ hiện nay bị cộng sản "nhồi sọ" quá lâu, đặc biệt một
phần từ phong trào "học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh",
ắt không tránh khỏi trong tất cả các giảng đường, thời gian qua.
Mục đích bài viết này, vừa để không mang tiếng xúi
bậy vừa làm tròn trách nhiệm của một Người Lớn đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi
cũng không hy vọng nhóm bạn Hoàng Thị Nhật Lệ nhận ra, nhưng ít nhất, tôi viết
cho lương tâm tôi thanh thản với ngạn ngữ "còn nước còn tát" như đã
trình bày trong bài trước.
Cần nhắc lại: Tôi chỉ khuyên nhóm bạn Hoàng Thị Nhật
Lệ nên viết "Thư Ủng Hộ" điều 258, Luật Hình Sự. Nhóm cô Lệ vì bị
"tẩy não" quá lâu, nên sanh ra tính thực dụng bẽ bàng: thấy ý kiến gì
có vẻ "hay hay" và nghĩ có lợi cho mình là... "tranh thủ"
chụp giựt, từ đó "sản xuất" ra cái "Tuyên bố ủng hộ Việt Nam
ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc" [3].
"Tình"
của người cộng sản có là "tấm gương" cho nhóm bạn Hoàng Thị Nhật Lệ
soi?
Trong thể thao, đôi khi vì quá chủ quan về tài năng
mà vận động viên đã tự làm chết mình. Tuy nhiên, điều đau thương hơn, không
phải cái chết mà chính tật nguyền vĩnh viễn đã để lại nỗi đau cho mình và gánh
nặng cho gia đình trong sự bỏ mặc của cộng sản, sau khi "quả chanh"
đã không còn "vắt" được chút "nước cốt" nào nữa. Trường hợp
võ sĩ Lê
Thị Huệ [4] là minh chứng của
người cộng sản đối với nhân tài. Đó là nghĩa đen với tính thực dụng, bạc bẽo và
bất lương mà người cộng sản đối xử với thế hệ trẻ "cạn tàu ráo
máng".
Trong giới blogger, không ai không biết blogger Beo
do nhà báo Hồ Thị Thu Hồng, cựu tổng biên tập báo Thể Thao Tp.HCM. Với bề dày
hoạt động nhiều chục năm cùng sự "cúc cung tận tụy" dưới trướng của
một phe phái "nặng cân", cuối cùng bà Hồng cũng bị đá văng khỏi chức
vụ, bất chấp sự "bảo kê" từ một viên tướng an ninh khét tiếng dã man
máu lạnh bị về vườn, sau những trận đấu đá "một mất một còn" của các
phe phái. Đó là tấm gương gọi là "ủng hộ" mang màu sắc "yêu
nước" mà thế hệ trẻ "kính đảng, yêu bác, trọng chế độ" nên lấy
đó làm gương.
Hồ Đức Việt, một người cộng sản cao cấp, đã từng
ngấp nghé chiếc ghế "tổng bí thư", bị cho "về vườn" sau
cuộc "giành ghế" ngã ngũ với phần thua nghiêng về ông Việt. Ông ta đã
chết trong tức tưởi, nghe đâu từ căn bệnh gan sau một thời gian dài chỉ
"uống mà không ăn". Đám tang dù "trang trọng", nhưng không
giấu được những bộ mặt "đưa đám" tỏ ra "buồn rầu" là tấm
gương thứ ba dành cho nhóm bạn cô Lệ.
Nếu những "tấm gương" trong nước chưa đủ
thuyết phục, thì "gương soi" "đắt tiền" sau đây càng cần
thiết đưa ra cho các bạn trẻ tiếp tục suy ngẫm xem người cộng sản Việt Nam đối
xử với một
nhân vật vô cùng nổi tiếng [5] và
luôn ủng hộ chế độ độc đảng toàn trị (trích):
Gần đây đọc Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của nguyên phó chủ
tịch nước Nguyễn Thị Bình, tôi giật mình kinh hãi khi biết một sự thật. Thời
đó, sau chiến tranh, trên dãi đất chữ S này, tất cả mọi thứ đều thiếu thốn, chỉ
đạn bom và anh hùng là dư dả. Tháng 10 năm 1975, bà Bình cùng với hai cộng sự
đi qua mấy nước Ả Rập với một nhiệm vụ trọng đại. Nhiệm vụ đó nằm trong hai chữ
“vay dầu”. Bà Bình kể trong cuốn hồi ký.
Chuyến đi Iraq để lại cho tôi một kỷ niệm sâu sắc.
Lúc đó ông Saddam Hussein mới là phó Tổng thống nhưng được dư luận coi là
“người hùng” ở Iraq. Khi nghe chúng tôi trình bày yêu cầu bức xúc của Việt nam,
ông trả lời ngay: “Chúng tôi đã quyết định tặng Việt Nam 400 ngàn tấn dầu và
cho vay 1,5 triệu tấn với lãi suất ưu đãi”. Tôi nghe mà không tin ở tai mình,
hỏi lại đồng chí phiên dịch mới biết chắc đó là sự thật. Chúng tôi rất xúc động
trước tấm lòng của các bạn Iraq. Sau này khi Iraq bị cấm vận, phải đổi dầu lấy
lương thực, các bạn vẫn dành cho Việt Nam những hợp đồng trao đổi thương mại
rất thuận lợi trong lúc chúng ta còn nhiều khó khăn về kinh tế.
Năm 2002, tôi đến Iraq lần cuối để giải quyết món nợ
kéo dài 20 năm còn chưa trả. Theo ý kiến của các đồng chí ở Chính phủ, chúng ta
đề nghị chuyển số tiền nợ thành số vốn đầu tư vào một dự án kinh tế ở Việt Nam.
Khi tôi gặp ông Saddam trình bày ý kiến này thì ông cười, nói ngay: “Các bạn
Việt Nam không nên bận tâm. Tôi biết các bạn còn khó khăn, ta xem như số nợ này
đã trả”[...] Chỉ biết nhắc lại câu của bà Bình “tôi nghe mà không tin ở tai
mình” . Là khi bà nghe ông (Saddam Husein) hào hiệp cho “các bạn Việt Nam” món
quà quá sức tưởng tượng.
Một năm sau, thì ông Saddam lâm nạn và ba năm sau
khi ông bị treo cổ, những người đứng đầu đất nước này không hề hé môi nói được
một lời! (hết trích)
Bàn
về lý lẽ của "Tuyên bố ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên
Hiệp Quốc" (xin viết tắt TBUHVN).
Đọc qua bản TBUHVN, tôi thật băn khoăn:
- Một "bản tuyên bố" không phải một...
"bài tuyên giáo". Nhóm Hoàng Thị Nhật Lệ không nhận ra yếu tố quan
trọng bậc nhất này. Điều này có nghĩa: một "bản tuyên bố" không phải
là nơi kể lể, phô trương công trạng, dù đó là của bất cứ tổ chức nào.
- Khi nào "bản tuyên bố" một vấn đề nào đó
ra đời? Khi nhu cầu tự thân phát sinh khách quan. Điều này có nghĩa: điều mà ta
chưa có nay có (ví như Hồ Chí Minh tuyên bố khai sinh ra nước VNDCCH, cũng như
nhiều quốc gia tuyên bố độc lập khỏi Anh, Pháp, Tây Ban Nha v.v... trước đây),
điều ta không cần nữa (tuyên bố ra khỏi đảng, hoặc ly khai chính thức với tổ
chức nào đó v.v...), hay điều mà ta bị tước đoạt, xâm phạm, cưỡng bức dưới mọi
hình thức nay không chấp nhận nữa (tức là nhóm bạn "Tuyên bố 258",
"Tuyên bố công dân tự do" v.v...); hoặc giả nhu cầu đó "đang
có", nhưng đứng trước nguy cơ được cho là có thể "bị mất" (tức
là nhóm bạn Hoàng Thị Nhật Lệ). Như vậy, trong TBUHVN, lẽ ra điều nhóm bạn cô
Lệ cần trình bày là những tốt đẹp mà họ và nhiều người Việt Nam đang
"hưởng" từ chế độ này, chúng đang có nguy cơ "bị mất", một
khi Việt Nam thất cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Những "tốt
đẹp" mà nhóm cô Lệ cũng như nhiều người Việt Nam đang "hưởng",
một khi được trình bày khách quan, có cơ sở thực tiễn (không phải dẫn bằng
những bộ luật dày đặc nhưng vô hiệu trên thực tế), ôn hòa trong "bản tuyên
bố" mới đảm bảo tính khoa học, từ đó sẽ thuyết phục thế giới.
- Bản TBUHVN bỗng nhiên trở thành "bản kết
tội" nhóm bạn "Tuyên bố 258" mang chất chủ quan, thông qua
"phần kết" (trích): "Chúng tôi – những người ủng hộ, ghi nhận
nỗ lực Nhà nước Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền đồng lòng ký tên nhằm
chứng tỏ, những cá nhân, nhóm người cản trở, chống phá việc Việt Nam ứng cử vào
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc kia chỉ là những cá nhân đơn lẻ, lạc lõng, đi
ngược lại lợi ích của đông đảo nhân dân, cộng đồng blogger Việt Nam"
(hết trích). Vậy ra, tuyên bố của nhóm cô Lệ chỉ "nhằm chứng tỏ..."
và "tố cáo" với thế giới nhóm bạn "Tuyên bố 258"... phá
hoại (?!) Lại nói về Chủ thể - Khách thể, lần này trong cái gọi là "ủng
hộ". Nhóm cô Lệ vẫn không đủ tri thức để nhận ra vấn đề tương tự, nhưng
hơi khác một chút: mối tương quan của Chủ thể (nhóm bạn Hoàng Thị Nhật Lệ) -
Khách thể (Liên Hiệp Quốc và các nước). Điều đó có nghĩa, thay vì báo động
trước Liên hiệp Quốc và thế giới, những lợi ích của người Việt Nam (mà nhóm
Hoàng Thị Nhật Lệ cho rằng họ đại diện) có thể "bị mất" nếu như Việt
Nam không trúng cử, họ xoay qua... tiếp tục đả kích nhóm "Tuyên bố 258".
Nhóm Hoàng Thị Nhật Lệ hoàn toàn bị lạc đề, bởi họ đang "ủng hộ Việt Nam
ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc", chứ không phải "đôi
co" với nhóm "Tuyên bố 258". Thật thảm hại, vì suy cho cùng, bản
TBUHVN chẳng qua là sự lặp lại"bản phản bác tuyên bố 258" trước đây
mà cô Lệ và bạn bè đã bị "chú" Đông La cùng "các anh các
chú" khác "chơi khăm" và "xí gạt" (!).
- Những người làm ra bản TBUHVN, không phân biệt
được khái niệm "đối nội" và "đối ngoại" khi gắn kết với
việc "ủng hộ" này. Bản TBUHVN ngoài việc phải sửa lại 99% nội dung,
nó chỉ có ý nghĩa, khi một hay vài quốc gia hoặc các tổ chức khác trên thế giới
chủ động thực hiện. Đó mới mang tính khách quan cần có cho tuyên bố ủng hộ tầm
quốc tế - điều không dành cho một nhóm người Việt Nam chủ xướng, bất chấp có một
số người Mỹ gốc Việt "ủng hộ" mang tính "ăn theo" (!). Nghe
có vẻ vô lý? Không vô lý, vì chế độ này là của ai, do ai, vì ai? Thưa,
"của dân, do dân, vì dân". Do đó tự thân những người "ủng
hộ" Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tựa như chuyển
thông điệp với thế giới câu ngạn ngữ "mèo khen mèo dài đuôi". Đó là
tính "vô hiệu quả" của "bản ủng hộ", rất tiếc nhóm bạn
Hoàng Thị Nhật Lệ không nhận ra.
Kết
Trong những tuyên bố mang chất chính trị tầm phổ
quát, ảnh hưởng sâu rộng cả trong và ngoài nước, thì thuộc tính cẩn trọng,
khách quan và đủ tri thức cần đặt lên hàng đầu, song hành với tính chính nghĩa
và chân lý mà bất cứ ai đang mưu cầu Tuyên Bố đều phải quan tâm kỹ lưỡng.
Nhóm bạn Hoàng Thị Nhật Lệ mãi loay hoay từ
"phản bác" chuyển qua "ủng hộ", họ đều thất bại. Thất bại ở
đây không chỉ vì họ không có chính nghĩa và chân lý mà còn do họ bị nuôi dưỡng
bởi tâm thức "nô lệ" từ ý thức hệ "đấu tranh giai cấp"
"một mất một còn" phi nhân của cộng sản Việt Nam.
"Phản bác" thì không đảm bảo khoa học;
"ủng hộ" thì không đủ tri thức và không đúng vấn đề, vậy nhóm bạn
Hoàng Thị Nhật Lệ nên làm gì, nếu họ thật sự yêu mến chế độ độc đảng toàn trị?
Nếu đủ bản lĩnh và khả năng, hãy nhờ cậy những người như ông Nguyễn Phương Hùng
vận động các tổ chức nước ngoài lên tiếng cùng với quan chức Việt Nam xin công
nhận "nền kinh tế thị trường" từ thế giới, như mới đây Thủ tướng Việt
Nam vừa xin Hoa Kỳ. Đó phải chăng là việc làm mà cộng sản Việt Nam đang cần cấp
thiết từ nhóm bạn cô Lệ? Chỉ xin nhắc về những "tấm gương soi đắt
tiền" ở phần đầu, trong trường hợp quý vị may mắn "thành công rực
rỡ" (!).
__________________________________
No comments:
Post a Comment