24.10.2013
Trong cuộc tiếp xúc với cử tri
Quận 1 và Quận 3 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 10 vừa rồi, để biện
bạch cho những thất bại trong nỗ lực chống tham nhũng của đảng cầm quyền cũng như
của bản thân mình, Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, giải thích:
“Với tư cách của tôi là một đồng chí chủ chốt trong Đảng, trong Nhà nước thì phải tham gia chủ trương chính sách. Cái đó dứt khoát rồi, phải làm, rất tích cực; nhưng không thể làm trực tiếp được, tôi không thể thay quyền điều tra được. Cái gì tôi phát hiện, về tôi kêu mấy ông chức năng, giao ngay. Tôi theo dõi, chứ không thể bỏ qua được. Làm sao với cương vị tôi mà dẫn quân đi làm điều tra được. Anh đội trưởng đội điều tra quận làm được, chứ tôi không làm được việc đó đâu, phải đôn đốc anh em thôi.”
Đúng là với cương vị Chủ tịch nước, không thể đóng vai trò của một đội trưởng đội tuần tra quận để theo dõi, phát hiện và bắt bớ những người tham nhũng được. Không ai chối cãi điều đó cả. Tuy nhiên, có phải vì vậy mà ông có thể thoái thác trách nhiệm của mình với tư cách một trong vài người lãnh đạo cao nhất trong hệ thống đảng và nhà nước không?
“Với tư cách của tôi là một đồng chí chủ chốt trong Đảng, trong Nhà nước thì phải tham gia chủ trương chính sách. Cái đó dứt khoát rồi, phải làm, rất tích cực; nhưng không thể làm trực tiếp được, tôi không thể thay quyền điều tra được. Cái gì tôi phát hiện, về tôi kêu mấy ông chức năng, giao ngay. Tôi theo dõi, chứ không thể bỏ qua được. Làm sao với cương vị tôi mà dẫn quân đi làm điều tra được. Anh đội trưởng đội điều tra quận làm được, chứ tôi không làm được việc đó đâu, phải đôn đốc anh em thôi.”
Đúng là với cương vị Chủ tịch nước, không thể đóng vai trò của một đội trưởng đội tuần tra quận để theo dõi, phát hiện và bắt bớ những người tham nhũng được. Không ai chối cãi điều đó cả. Tuy nhiên, có phải vì vậy mà ông có thể thoái thác trách nhiệm của mình với tư cách một trong vài người lãnh đạo cao nhất trong hệ thống đảng và nhà nước không?
Nhớ, trong mấy năm vừa qua, ở Úc, Liên đảng đối lập không ngừng chỉ trích chính phủ Lao Động là đã thất bại trong việc ngăn chận làn sóng di dân bất hợp pháp tràn vào lãnh thổ của họ, chủ yếu trên các chiếc tàu xuất phát từ Indonesia. Năm 2012, có cả thảy 17.000 người đến Úc bằng đường biển như thế (trong đó có khoảng 6.500 người Sri Lanka và một số người Việt Nam).
Những người vượt biên đến Úc thành công: Chính phủ bị phê phán. Một số tàu vượt biên bị đắm khiến nhiều người tị nạn (hoặc di dân lậu, tuỳ cách gọi) chết đuối: Chính phủ càng bị phê phán. Không những đảng đối lập phê phán. Một số khá đông dân chúng Úc cũng phê phán chính phủ kịch liệt. Hậu quả: Trong cuộc bầu cử liên bang vào tháng 9 vừa qua, đảng Lao Động mất chính quyền.
Trước những sự phê phán ấy, Thủ tướng Lao Động lúc ấy, bà Julia Gillard, cũng như Bộ trưởng Di trú Chris Bowen, tìm đủ mọi cách để biện hộ. Tuy nhiên, không có lời biện hộ nào giống Trương Tấn Sang cả. Không ai nói, chẳng hạn, họ không thể đóng vai các chủ tàu ở Indonesia để từ chối việc chở người di dân lậu sang Úc hoặc họ cũng không thể đóng vai các thuyền trưởng các đội tuần duyên để hoặc buộc các tàu vượt biên ấy không được nhập vào lãnh hải Úc hoặc kịp thời cứu vớt những tàu bị đắm. Không. Bất chấp việc các nhân viên thừa hành làm việc ra sao, lỗi vẫn thuộc về giới lãnh đạo cao nhất trong chính phủ.
Một ví dụ khác: Năm 2009, chính phủ Lao Động do Thủ tướng Kevin Rudd đứng đầu bỏ ra 3.7 tỉ Úc kim tài trợ cho việc lắp đặt các tấm cách nhiệt cho mọi ngôi nhà ở Úc. Chính phủ giải thích: Về phương diện khoa học, khi các tấm cách nhiệt ấy được lắp đặt trên trần nhà, nhiệt độ trong nhà sẽ ổn định hơn, nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ sẽ giảm thiểu, mức độ tiêu dùng điện năng sẽ bớt lại; kết quả là, về phương diện môi trường, số lượng chất thải gây ra hiệu ứng nhà kính sẽ hạ xuống. Hơn nữa, về phương diện kinh tế, với chính sách ấy, người dân Úc sẽ có thêm công ăn việc làm, kỹ nghệ sản xuất các thiết bị cách nhiệt sẽ tiếp tục phát triển: Tất cả đều giúp Úc thoát khỏi đợt suy thoái kinh tế toàn cầu lúc ấy.
Trên lý thuyết, chính sách như vậy rất hay. Trên thực tế, lợi ích cũng rất rõ: Một, mỗi gia đình đều nhận được khoảng 1.200 Úc kim để lắp đặt các tấm cách nhiệt và, hai, Úc trở thành một nước phát triển hiếm hoi thoát khỏi cuộc suy thoái từng làm điêu đứng rất nhiều nước, kể cả Mỹ.
Tuy nhiên, bỗng dưng lại xuất hiện một vấn đề: Vì được tiến hành gấp rút, một số công nhân không được chuẩn bị đủ về kỹ thuật và kỹ năng, việc lắp đặt đôi lúc quá cẩu thả, hậu quả là, có bốn công nhân bị điện giật chết và có 200 vụ cháy nhà trên khắp nước Úc.
Trước những tai nạn ấy, dân chúng quay sang phản đối chính phủ dữ dội. Thủ tướng Kevin Rudd và Bộ trưởng Môi trường Peter Garret chỉ biết xin lỗi, xin lỗi và xin lỗi. Không ai biện hộ là họ không thể đóng vai các đội trưởng đội kỹ thuật lắp đặt để tiến hành công việc một cách an toàn hơn. Không. Bất kể vì lý do gì, trách nhiệm đối với các tai nạn ấy vẫn thuộc về chính phủ, cụ thể là những người đứng đầu chính phủ.
Trong trường hợp thứ nhất, người ta cho lỗi của chính phủ Lao Động là ở chính sách: Một mặt, chính phủ không cứng rắn đủ để làm nản chí và nản lòng những người tị nạn (hoặc di dân lậu) muốn sang Úc; mặt khác, họ cũng không có chính sách ngoại giao có hiệu quả với các nước láng giềng, đặc biệt là Indonesia, để chính quyền các nước ấy tích cực hơn nữa trong việc ngăn chận các tổ chức vượt biên bất hợp pháp cũng như việc bán thuyền và bán bãi trên đất nước họ. Trong trường hợp thứ hai, chính phủ mắc lỗi ở khâu thực hiện chính sách, cụ thể là khâu quản lý: tiến hành chính sách một cách hấp tấp, vội vã trước khi chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật và kỹ năng cần thiết cũng như thiếu cảnh giác trong việc kiểm tra về kỹ thuật lắp đặt các tấm cách nhiệt.
Trở lại với trường hợp của Việt Nam. Dường như nhiều người, ngay cả những người thuộc giới lãnh đạo, cho công việc lãnh đạo chỉ khoanh tròn trong phạm vi chính sách. Đã đành chính sách chiếm một vị trí quan trọng, có khi là quan trọng nhất trong nghệ thuật lãnh đạo. Nhưng bên cạnh chính sách, các nhà lãnh đạo cần một tài năng khác nữa: tài quản trị (governance). Có thể nói nghệ thuật lãnh đạo bao gồm hai khía cạnh chính: chính sách và quản trị. Có chính sách tốt: chưa đủ. Cần có khả năng quản trị để các chính sách đúng và hay ấy được thực hiện như ý muốn.
Lâu nay, hầu như mọi người đều thấy rõ là giới lãnh đạo Việt Nam không có khả năng hoạch định các chính sách rõ ràng đối với những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Trước nguy cơ xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải và âm mưu lũng đoạn kinh tế cũng như văn hóa Việt Nam của Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn loanh quanh với những ứng phó vụn vặt và bất nhất. Trước những suy thoái về mọi mặt, từ kinh tế đến xã hội, giáo dục và đạo đức, giới lãnh đạo vẫn chỉ nói suông. Trước nạn tham nhũng đang hoành hành và tàn phá đất nước, giới lãnh đạo vẫn không hề đưa ra được một chính sách nào đàng hoàng và có tính khả thi.
Thiếu chính sách, giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng thiếu cả khả năng quản trị. Nói đến khả năng quản trị là nói đến việc xây dựng cơ chế và hoạch định tiến trình thực thi chính sách. Cơ chế và tiến trình ấy bao gồm cả việc cai trị (rule), quản lý (management) và kiểm soát (control). Cả ba công việc này, để có hiệu quả, cần có ba điều kiện chính: tính khả kiểm (accountability), sự minh bạch (transparency) và sự linh hoạt. Thiếu hai điều kiện đầu, người ta không thể làm việc hiệu quả, hơn nữa, không thể biết là mình làm việc không hiệu quả, hoặc nếu biết, không thể biết nguyên nhân của cái không-hiệu-quả ấy nằm ở đâu để sửa chữa. Có hai điều kiện ấy, nhưng nếu bộ máy quá nặng nề, cồng kềnh và cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt, người ta cũng không thể đối phó với các tình thế và khó khăn bất ngờ được.
Khi có cả ba điều kiện nói trên, guồng máy cai trị, quản lý và kiểm soát sẽ tự vận động và tự điều chỉnh, không cần những người lãnh đạo cấp cao nhất phải bận tâm để mắt theo dõi đến từng chi tiết.
Ông Trương Tấn Sang không cần phải đóng vai đội trưởng đội tuần tra tham nhũng nhưng nếu ông có khả năng quản trị tốt, ông sẽ xây dựng được những cơ chế và tiến trình chống tham nhũng tốt để mọi nhân viên chống tham nhũng phải làm việc nghiêm túc; nếu không, họ sẽ bị kỷ luật hoặc bị thay thế. Đó là điều ở Tây phương người ta đều làm được. Bởi vậy, việc một hay vài đội trưởng đội tuần tra tham nhũng bất lực có thể là lỗi cá nhân của họ: Lỗi cá nhân, trách nhiệm cũng thuộc về cá nhân; nhưng việc tất cả hoặc, nhẹ nhàng hơn, hầu hết các đội trưởng đội tuần tra đều bất lực thì lại phải được xem là lỗi ở quản trị: Lỗi quản trị, trách nhiệm thuộc về giới lãnh đạo.
Thiếu khả năng hoạch định chính sách và cũng thiếu cả khả năng quản trị, giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay làm được gì? Theo hai nhà nghiên cứu về Việt Nam, Adam Fforde và Jorg Wischermann, họ chỉ biết cai trị (rule)! (1) Cai trị là hình thức thao tác quyền lực xưa cũ nhất của nhân loại: chỉ dùng quyền lực để bảo vệ quyền lực bằng cách bắt buộc mọi người làm theo ý mình. Vậy thôi.
***
Chú thích:
1. Theo Jorg Wischermann (2010), “Civil Society Action and Governance in Vietnam: Selected Findings from an Empirical Survey” in trên Journal of Current Southeast Asian Affairs, 29, 2, trang 3-40. Trong bài này Wischermann có dẫn ý kiến của Adam FForde: “The Party continues, at roots, to rule rather than govern” (Fforde 2005: 1).
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
--------------------------------
No comments:
Post a Comment