26/10/2013
Tôi về Hội An cuối thu. Không
biết mùa thu đất bắc nó ra sao, chỉ thấy người ta làm thơ, hát hổng nghe ra thơ
mộng lắm. Tôi hơi ngờ họ thêm mắm dặm muối vì hồi trung học, đọc Trường Ca thấy
Xuân Diệu dường như thành thật – thành thật lúc này thôi chứ cả quãng đời
dài của ông sau 54 không mấy khi thật nữa:
Lá không vàng, lá không rụng,
lá lại thêm xanh, ấy là mùa thu đã về. Mùa thu mới về yểu điệu thục nữ, trời
bớt nóng và thêm mát, có ai thổi cơm mà khói nhẹ mơ hồ đâu đây. Chưa có sương
mù, chưa hẳn có sương mờ, chỉ là đôi thoáng sương mơ mỏng như chiêm bao.
Mặt trời nhạt vừa khuất mây thì khối lá biếc hơi nhòa, mặt trời vừa ló lại ánh
vàng thì khối lá lại hiện nguyên sắc biếc. Không biết có phải sương thu mới
nhóm hay đó chỉ là sự huyền ảo của chính hồn tôi.
Hội An, theo tôi, thời tiết
không khác miền Nam bao nhiêu. Đám bông bươm bướm trước sân, buổi sáng mới trông
tươi tắn sởn sơ, trưa đã đứng rũ trong nắng hanh khiến nhớ lại mùa nóng dữ dội
hằng năm ở đây còn vương vất lại. Chỉ khi trời chiều, để ý ta mới nhận ra trong
gió thoảng hơi lạnh khô se da thịt. Đầm nước miệt Cẩm Hà, Lai Nghi la liệt
những cọng sen bị vặt đài để hái hạt, bày trơ ra những cọng khẳng khiu già héo.
Cạnh đám lá úa vàng rũ rượi một nỗi tàn phai, vẫn còn sót rải rác xa kia những
đóa sen muộn hồng nhạt, lẻ loi trên mặt nước im ru. Con cò trắng lom khom cần
mẫn mò tôm cá, thỉnh thoảng ngẩng nhìn quanh quẩn rồi như nghi ngại điều
gì bỗng nhẹ nhàng cất bay, đôi cánh trắng phau loang loáng dưới ánh chiều.
Không gian tĩnh lặng quá khiến
tôi không tin, không hình dung được sẽ có bão bùng, nghe nói mấy bữa nay. Chúng
tôi đang đợi cơn bão nhiệt đới rất mạnh Nari, mặt mày dân chúng chưa gì
đã hớt hơ hớt hãi. Xem hình mô tả trên TV, cứ mong nó không nhắm vào Hội An Đà
Nẵng. Thật xấu xa bỉ ổi, chỗ nào cũng “đồng bào” cả nhưng tự thâm tâm, ai cũng
mong thoát nạn, miễn mình thoát, miệt nào hứng chịu thì cứ để…tính sau!
Một ngày trước khi tràn vào đất liền mà truyền thông CS gọi là đổ bộ, ngồi lê
đôi mách café mái hiên, nghe thiên hạ mừng rơn nói mới có tin bão (phức tạp)
đang lệch hướng tây bắc! Từ ngày ông N.B.TH cho xây tượng Phật Bà chỗ vịnh Sơn Trà, bão nào
cũng né Đà Nẵng. Hội An kế bên nhờ vậy được hưởng sái! Nhưng tối về mới biết nó
không còn né nữa mà nó… ghé. Tôi độ chừng Phật Bà nay cũng chỉ còn cách đứng
ngó, riêng “bản thân” tượng không bị gió mạnh…đổi tư thế là giỏi rồi, vì con
tôi (làm kiểm soát không lưu) từ SG gọi, nói trung tâm mắt bão chắc chắn ngay
chóc Đà Nẵng – Hội An, nó biểu chuẩn bị đối phó. Tôi hỏi đối phó kiểu gì.
-çThì ba chèn cửa nẻo lại, mua
mì gói, bình nước uống, coi lại bình gaz…
Nếu vậy thì dễ, 30 giây! Chống
bão rứa thiệt khỏe không thua gì ủy ban chống bão lụt trung ương với vị đại
thần mặt mày oai phong lẫm liệt cùng toán quan lại đô con bụng bự họp bàn chỉ
đạo bằng công điện cho thuyền vào bến, neo thuyền vào trụ, khiêng ghe lên bờ,
hướng dẫn đàn bà con nít lên chỗ khô ráo an toàn… Làm như các ông không chỉ đạo
thì mấy tay tài công không biết cột ghe cho chắc. Đàn bà con nít không thích
chỗ khô ráo an toàn. Mỗi năm mấy đợt bão, mấy cây lụt thì bấy nhiêu cuộc họp
chỉ đạo trực tiếp truyền hình, rồi đến họp tổng kết rút kinh nghiệm, mai mốt
lại họp triển khai chống cơn mới, ra văn bản mới (mới ngày tháng thôi chớ nôi
dung xem ra y chang lần trước). Họp xong… ăn lấy sức, họp nữa, họp mãi. Quan
lại cấp tỉnh thì truyền hình “trực tuyến”, không chịu đứng nơi khô ráo mà phải
cứ đội nón cối ra đứng ngoài gió báo cáo tình hình. Mưa thì đã đành, không mưa
cũng bận áo mưa (chưa qua sử dụng!) cho nó có cảnh! Ông thần thủy lợi của
giai cấp vô sản thì trốn biệt, chẳng thấy đứng lên làm trời như từng tự xưng
cho thiên hạ nhờ.
Viết vậy tôi không khỏi thấy
mình soi mói quá. May mình không được làm quan cho chế độ toàn trị, nếu làm
chắc gì mình khác. Đọc thánh kinh, Chúa phán ngươi chớ chỉ trích, xét đoán kẻ
khác hầu khỏi bị xét đoán. Nhưng chỉ mỗi mình Chúa mới có quyền xét đoán thì
con người cũng chỉ con vật người sao? Họa có thánh nhân mới thực hành được kinh
thánh.
Mới đầu hôm mọi người đã thấp
thỏm đợi bão, có cái đợi chờ chẳng mong muốn vẫn cứ bồn chồn, kỳ cục. Đêm phố
Hội gió như vẫn mát lành khiến nghĩ tới mấy câu thơ gió vui phơi phới hiếm hoi
của Tô Thùy Yên: Còn ở đâu ngọn gió thênh thang/Thổi mới trần gian mùa
rộn ràng/Tiếng biển lời rừng nao nức giục/Ta về cho kịp độ xuân sang. Mưa
rải nhẹ trên ngói những tiếng thanh bình gợi nhớ xa xôi chốn cô thôn ngày cũ.
Về Hội An như kẻ lạ đi giữa phố
Tây đêm khuya tĩnh mịch bỗng nhớ bạn bè một thuở. Căn gác xếp ngó ra bụi tre
chờ trăng lên với Phùng Tiến, hình như Phùng Tiến suốt đời đợi một vầng
trăng. Ngang qua nhà buôn Phi Yến cửa đóng then cài im ỉm, sống dậy những ngày
học thi với Mạc Phi Hoàng trên lầu cửa hậu nhìn ra sông Hoài. Nhớ Hoàng
là nhớ thầy Phan Khôi khả kính (nay đã là người thiên cổ), giờ
Littérature Française, mỗi lúc điểm danh, thầy nhìn chỗ ngồi hay bỏ trống của
Hoàng, giọng nói không chút ác cảm, lại như có vẻ khôi hài: il est toujours
absent, (chắc cũng tại Hoàng học giỏi). Một bữa tối bốn năm đứa hái trộm dừa
trên đường bảy cây dừa gần chùa tỉnh hội, quả dừa bự rớt trúng đầu Trần Văn
Căn, hắn đứng im như trời trồng có vẻ chuẩn bị ngả xuống, bắt kinh. Cả bọn
xúm lại hỏi, hắn ta nói mắt tau nháng lửa, tau tập trung nhớ lại đề toán hồi
sáng coi mất trí chưa! Căn mắt to bảnh trai, sau làm quan lớn hải quân. Mọi
chuyện suôn sẻ, hắn lên tới đô đốc không chừng, nay ở Mỹ chắc chưa quên trái
dừa của tuổi thơ nghịch ngợm.
Hội An vẫn vậy gần nửa thế kỷ
sau cơn loạn ly ngả nghiêng sông núi. Điều kỳ diệu thần thánh không tin nổi là
chẳng ngôi nhà cũ nào bị bom đạn gì trong cuộc phân tranh ác nghiệt. Có
lẽ đây là thành phố duy nhất ở VN không một nét khác đi sau cơn phong ba dai
dẳng khùng điên trên dải đất đầy tai ương của tộc Việt. Những con hẻm gạch Tàu
vắng hoe quen thuộc, những dãy phố cổ khuất tối trầm mặc dưới ánh trăng lưỡi
liềm hằng mấy trăm năm trước, nay vẫn y nguyên. Dường như thời gian nơi đây
chưa hề nhích tới, trôi đi, chỉ có cố nhân biệt mù tăm tích mà thôi.
Gần nửa đêm, gió bắt đầu gầm hú
rợn người. Điện đóm tắt câm. Cây cối ngả chúi trong mờ ảo. Miếng fibrociment
đậy cái chateau d’eau nhỏ trên nóc nhà cứ nhớm lên đập xuống ầm ầm, sớm muộn sẽ
bay xuống vườn. Gió lồng vào mái ngói vù vù như muốn bứng căn nhà nhỏ khỏi mặt
đất. Tôi hết nằm lại ngồi bên cửa kiếng chờ sáng, cũng không biết chờ sáng để
làm gì. Bão dường như cứ vào đất liền ban đêm hầu dễ dọa người ta hơn. Điện
mất, đêm tối như trở lại hoang sơ bí mật khiến mọi sự có vẻ nguy hiểm hơn bội
phần. Mấy nhánh mãng cầu cứ chờn vờn đập vào cửa sổ rắc rắc. Cây mít ốm o mới
ra trái lần đầu – được tới mười mấy trái – dựa vào tường còng lưng chịu trận.
Mắt đã cay xè mà không dám nhắm, mặc dù có mở thao láo dòm trân trân cây cối
cũng chẳng làm gì được gió. Giữa cơn vật vã ầm ĩ cũng có khoảng lặng gây ngạc
nhiên chừng năm mười giây khiến liên tưởng tới dàn nhạc đại giao hưởng lúc kèn
đồng và trống ngưng nghỉ. Liền sau đó lại khởi sự đợt mới nhưng chừng như không
tăng mạnh hơn. Nếu chỉ thế này thì cũng không đến nỗi.
Bình minh lên, gió bất ngờ nín
bặt, cây nghiêng, cây ngả đều nằm yên theo hướng tây bắc. Cảnh vật lặng thinh
cách dị thường, đến chiếc lá cũng không chút lay động. Một mảng trời xanh thấp
thoáng lộ ra trên cao. Mưa cũng chỉ rắc bụi nhẹ nhàng trên đám hoa bươm bướm đã
rách bươm tơi tả. Ngạc nhiên quá, chẳng lẽ bão qua dễ và lẹ vậy sao, ít ra cũng
phải để lại ngọn gió hậu kỳ nào chứ? Hay trời đất chơi trò gài bẫy chi đây!
Và quả đúng vậy. Tĩnh lặng được
đâu vài mươi phút, nửa tiếng, gió lại rít lên từng chặp. Giờ thì ai cũng thấy
rõ mặt thật hung tàn của bão. Nó xoay tròn khốc liệt như con trốt khổng lồ đang
say máu. Nó lay chuyển cây cối nhà cửa đủ bốn phương tám hướng một cách hoàn
hảo. Rõ ràng nó chủ tâm lay cho nhão gốc với phương pháp “khoa học” tối ưu rồi
chọn thời cơ thuận tiện mà bứng đi, cho thỏa “bản năng” tàn phá chứ đâu có mục
đích gì khác. Cuối cùng nó thu hoạch mớ cây cối nhà cửa đổ nát cùng bao đau
thương của người dân để làm gì, đố ai hiểu được!
Mấy mẹ con tôi ngồi co ro nhìn
mưa gió qua cửa kính, bỗng nước ở đâu chảy thành vòi từ khe hở sàn gác gỗ đổ
xuống đầu, tôi vội trèo cầu thang lên xem sao. Một mảng lớn plafond oằn xuống,
nước từ đó tuôn ra. Tôi định kiếm cây gì chống đỡ nhưng đã trễ, mấy miếng nhựa
dài bung văng, đổ ập xuống nền nhà một tiếng ầm. Mái nhà bày ra một khoảng
trống hoang vì bị gió dữ vừa tốc ngói đi. Tôi may mắn chỉ bị miếng gỗ xẹt ngang
trước trán, chỉ phải ướt như chuột lột, lạnh run như cầy sấy. Nếu thanh gỗ chọn
điểm rơi chính xác hơn, tôi đã được ghi vào danh sách thiệt hại nhân mạng tính
cho thành tích bất hảo của cơn bão rồi. Đây là lúc chúng tôi thực sự màn trời
chiếu đất. Không còn cách nào khác là tìm chỗ khô ráo còn lại để trú mưa. Ông
bà nói bão đi té đái bão lại té cứt quả đúng. Cũng may, mọi năm, bão thường
mang theo mưa tầm tã rồi hậu kỳ là nước dâng để đẩy tấn kịch tới tận cùng bi
đát, nhưng lần này giống như bão khô, vì mưa không nặng hạt lắm và gần như nhẹ
hẳn ngay lúc gió bớt mạnh nên thảm cảnh của chúng tôi cũng chỉ kéo dài chốc
lát. Nhà cửa trong tình cảnh này mà gió vẫn sung sức như lúc sáng sớm thì coi
như…xong, huề trớt! Cô em tôi vốn giàu đức tin, cho rằng Chúa gây bão nhưng
không để chết chóc xảy ra là đáng cám ơn ngài lắm rồi. Chuyện này nó hơi giống
dân VN định hướng XHCN, bất cứ ai, trong mọi hoàn cảnh, có dịp được phỏng vấn
trên TV các thứ cũng luôn tươi cười, miệng không quên thì thào cám ơn Đảng.
Đảng tạm không nhốt là cười toe. Hèn chi chỉ số hạnh phúc của dân VN cao nhất
nhì thế giới là điều khả tín!
Ngày hôm sau trời cũng chỉ mưa
bụi gây gây lạnh, nắng ấm hửng lên từng chặp giống như tháng chạp gần tết, lò
mò ra quán café bờ sông, (tôi ngưỡng mộ ngôi quán với hàng ghế kê dưới bóng tre
La Ngà vàng óng, chỉ cần ba bước là đụng mép nước sông Thu Bồn), tình cờ gặp
lại ông bạn quen làm ở tòa hành chánh Quảng Nam hồi đó, hụt đi HO vì lý do lãng
xẹt. Nghe quê tôi thuộc miền núi Đại Lộc, ổng hỏi có gần An Điềm không. Tôi
nói:
- Cách An Điềm bốn năm cây, An
Điềm toàn núi, có chi lạ mà hỏi?
- Tôi đi tù ở đó mà.
Tôi hỏi cay có gì vui không,
bất ngờ ổng nói cũng vui, đáng nhớ lắm. Rồi ổng kể chuyện vui. Nghe ra cũng oái
oăm cười ra nước mắt nhưng không chắc vui bằng bánh xe lịch sử của Ng Thế
Cường. Ổng nói:
- Hồi đó cực thiệt nhưng
nay tự nhiên quên bớt cái cực, chỉ còn nhớ mấy chuyện vui. Anh có “tham gia”
trực tiếp mới thấy vui, nay tôi kể lại nguội quá, nhạt nhẽo nữa. Rồi ổng kể
thêm. Một bữa, trước giờ đi lao động gánh phân bắc, thấy tay nguyên quận phó,
vốn tốt nghiệp cao học quốc gia hành chánh, mặt mày như bánh bao chiều, mắt đỏ
hoe, tôi hỏi:
- Chuyện chi ngồi buồn rứa
anh?
Anh ta đớp tôi ngay:
- Anh thì vui hỉ?
Tôi nói :
- Anh em hỏi thăm an ủi nhau
chút, anh cay tôi làm chi.
Anh ta dịu giọng:
- Bộ anh không thấy bọn họ bắt
mình gánh cứt (phân bắc) là cố tình làm nhục mình sao. Mình quá tệ, không giữ
được tư cách như bọn tù binh trong phim Cầu Sông Kwai.
Tôi nói mình đâu phải tù binh,
là… học viên mà. Còn tay sĩ quan người Nhựt Bổn, tuy mắng mỏ đại tá Anh
Nicholson, đại khái nói chiến tranh chớ đâu phải đá banh mà mày đòi luật lệ
hoài, nhưng dù sao y cũng thuộc loại văn minh, biết rõ công ước quốc tế về đối
xử với tù binh chiến tranh chính phủ nó đã thò bút ký nên không dám làm càn.
Còn ở đây, anh biết quá mà, công ước chi họ cũng ký, xin ký trước nhất, không
cần biết dấu chấm dấu phẩy… Tôi còn nói anh ơi, chuyện phân, anh nghĩ coi,
người ta không nói phân Huế, phân Quảng Nam… mà nói phân Bắc, tức “đặc sản”
ngoài bắc tổ tiên họ cũng từng gánh, nay “lịch sử” khiến mình phải gánh, đáng
chi mà buồn. Cũng may, ông bà mình theo chúa Nguyễn chạy dài khá sớm nên bao
nhiêu đời con cháu…ngưng gánh cũng khá lâu phải hông.
Chiều ngày thứ hai sau bão,
không rõ trên nguồn thế nào chứ ở đây cũng chỉ rơi mưa nhẹ, may ra thoát lụt
lội chăng? Nhưng chính quyền không nghĩ vậy. Xe phóng thanh chạy khắp phố cảnh
báo lũ về cùng lúc xả bốn đập thượng nguồn nên mức nước báo động trên cấp 3.
Lần này không hiểu sao họ nói thật chứ không che giấu như mấy lần trước. Chúng
tôi thấy lạ, gọi hỏi bà con trên núi thì biết ít mưa nhưng nước cũng lớn rất
nhanh, chắc là nước của đập thủy điện. Một phần ba thành phố Hội An thấp lụt,
chuyện dọn đồ đạc lên gác xuống lầu nhiều lần hằng năm là công việc vô ích trời
hành. Phải chi được ở bờ sông đẹp đẽ thơ mộng hoặc phố cổ được Tây Tàu… dòm ngó
thì dọn lụt cũng đành. Nhà má tôi vốn chạy giặc từ làng quê xuống ở chỗ khuất
vắng ít ai biết tới, chỉ được mỗi cái thấp lụt chẳng thua ai nên chuyện dọn dẹp
hóa ra nặng nề bất tận. Tôi ngán khiêng đồ nặng quá nên nghĩ bụng họ chỉ xả
nước đập chớ lụt thì đâu có mưa mà lụt. Họ cứ nói đại nước lụt nhỡ có thiệt hại
cũng bớt đi tội lỗi. Nghĩ vậy mà không dám nói, ngộ lỡ mình vì lười mà nhận
định trật thì tai hại lắm. Hơn nữa nếu họ thông báo ẩu vậy lần sau nói thật ai
tin. Mọi chuyện về sau chứng tỏ tôi vẫn còn lạc quan quá. Nước chỉ dâng hơi cao
trên phố bờ sông, hình chụp nước ngập phố xá trên báo chí hôm sau có người nhìn
ra hình cũ. Hóa ra họ không nói dối mà chỉ một nửa sự thật như thiên hạ vẫn
thường bảo.Thôi cũng mừng, họ ăn xổi ở thì, phỉnh dân chút cũng không sao, nước
không ngập nhà là…hạnh phúc lắm rồi. Tự nhiên nhớ một câu trong truyện
Huckleberry Finn: Họ mở miệng ra mà chưa nói phỉnh ai điều gì thì không thể
ngậm miệng lại được.
(còn tiếp)
NGUYỄN KHIÊM
No comments:
Post a Comment