Thursday, 17 October 2013

KHI CÔNG AN TRỞ THÀNH NGƯỜI BỊ TRÓI (Phạm Chí Dũng)




Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 07:14 GMT - thứ năm, 17 tháng 10, 2013

Xã hội Việt Nam năm 2013 đang trở thành chứng nhân cho sự thừa kế quy luật nhân quả của vài chục năm trước, với tâm điểm thuộc về những người mặc sắc phục và mang trên mình sứ mạng “bạn của dân”.

Không còn quá hiếm hoi hiện tượng người dân phản ứng mạnh mẽ với đối tượng được xem là “người thi hành công vụ”. Vụ dân chúng bắt giữ và trói nghiến 5 sĩ quan và chiến sĩ cảnh sát vào tháng 10/2013 là một dấu chỉ điển hình cho kịch tính buổi giao thời.

Kịch tính trên xảy ra ở tình Hòa Bình, một trong những địa phương cộm cán về tình trạng khai thác vàng bừa bãi và nạn đầu gấu lộng hành, đã được báo chí trong nước phản ánh rất nhiều lần trong rất nhiều năm qua, nhưng vẫn chỉ chứng nhận tình hình bị mất kiểm soát hơn.

Nguyên nhân dẫn đến vụ bạo hành đối với công an hầu như được dắt dây từ tâm thế bất mãn tích tụ quá lâu, nỗi kìm nén không thể giải tỏa của người dân đối với cách hành xử thiếu công bằng và vô tâm của chính quyền địa phương. Trong nhận thức giờ đây của người dân địa phương, hầu như trong các động tác can thiệp của chính quyền và lực lượng công an đều hiện lên bóng dáng những kẻ bảo kê cho nhóm lợi ích.

Sau quá nhiều thất vọng cùng niềm tin bị đổ vỡ, sự thể tất yếu phải dẫn đến điều mà báo Đảng thường gọi là “bị giảm sút ý chí cách mạng”.

Sống còn

Sau 38 năm kể từ đỉnh vinh quang của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xã hội Việt Nam đã liên tục xuống dốc về mọi mặt, kết tụ thành một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc, để giờ đây đang lao nhanh vào một dấu chuyển khác của nhân dân: cách mạng hành vi tự phát.

Cách đây không lâu, người ta cũng chứng kiến cuộc cách mạng tự phát đó xuất thần tại quê hương của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Điểm khởi đầu có tính bùng nổ của sự kiện công giáo Mỹ Yên tại Nghệ An chính là việc giáo dân bắt giữ một số nhân viên an ninh mặc thường phục. Những người giấu thẻ ngành trong cốp xe máy đã tự cho mình quyền chặn và khám xét chiếc ô tô chở giáo dân đến dự phiên tòa xử 14 thanh niên công giáo và tin lành, lập tức kích hoạt vô số uẩn ức bị dồn nén lâu ngày trong cơ thể các con chiên thiên chúa.

Nghệ An lại rất gần với Hà Tĩnh. Người ta cũng chưa thể quên một vụ phản ứng quyết liệt chưa từng thấy của người dân đối với chính quyền địa phương vào tháng 4/2011 tại huyện Kỳ Anh của ở Hà Tĩnh. Vụ việc bắt nguồn từ chuyện một doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan có tên là Formosa, được sự bảo trợ của nhiều cấp từ trung ương đến địa phương, đã tiến hành dự án cảng nước sâu mà do đó làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên lẫn môi trường sinh sống của người dân địa phương.

Đã có nhiều vụ đụng độ giữa công an và dân

Sau nhiều lần đơn thư khiếu nại của người dân địa phương không được giải quyết thỏa đáng, khi Formosa sử dụng thủ đoạn dùng chính quyền và cảnh sát để dập tắt làn sóng phản đối của người dân nhằm giải phóng mặt bằng thi công, hàng trăm giáo dân xã Kỳ Lợi đã bất ngờ bắt giữ 5 cán bộ và nhân viên công an – những người đang “thi hành công vụ” tại hiện trường.

Sự việc hy hữu này chỉ được giải quyết tạm ổn thỏa sau khi chính quyền thương lượng với giáo dân thất bại và các quan chức chính quyền phải dựa vào sự can thiệp của Tòa giáo phận Vinh để thả người – một chuyện tréo ngoe đến khó tin.

Trong nhiều năm qua, “những người thi hành công vụ” đã làm nên một trang sử đặc sắc về hình ảnh “công an là bạn của dân”, liên quan đến không ít cái chết và bị chấn thương nặng nề của những người dân bị công an bắt giam tại đồn. Nếu vào thời gian trước, báo chí nhà nước còn e ngại khi đưa tin về những vụ việc luôn được coi là “nhạy cảm” như vậy, thì trong vài năm gần đây, nỗi bức xúc đã trở thành tinh thần phẫn uất về nạn cường quyền không có giới hạn, kiến việc loan tin và mổ xẻ trên báo chí nhà nước đã trở thành một hiện tượng truyền thông và cũng là món ăn đắng ngắt của ngành công an từ cấp trung ương đến địa phương.

Khi nổ ra vụ việc cưỡng chế gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng mà giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đắc ý bình phẩm là “trận đánh đẹp”, phiên tòa xử các quan chức “ăn đất” ở Tiên Lãng cũng đánh dấu độ phẫn uất trong lòng nông dân đã lên đến cao độ. Từ nhiều địa phương, dân oan đất đai hướng về Tiên Lãng với tinh thần hiệp thông với những người đồng cảnh ngộ. Trước tinh thần sẻ chia dào dạt và tràn tính kích nổ ấy, những sắc phục công an lại như chọn cách nhảy sang phía bên kia của chiến tuyến.

Không thể nói khác hơn là tâm trạng oán hận và thù địch đối với ngành công an đang dâng cao ở Việt Nam, tại nhiều địa phương và đặc biệt tập trung vào giai tầng nông dân phải chịu thiệt thòi nhất về quyền mưu sinh.

Dự án Ecopark ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là một ví dụ rất sống còn. Ở nơi đây, người dân tin chắc rằng lực lượng công an đã trở thành công cụ của giới chủ đầu tư lắm tiền và lắm tham vọng cướp đất. Cũng bởi thế, cuộc xung đột mang tính đối đầu giữa nông dân với nhóm lợi ích đã mau chóng biến thành cuộc đối kháng giữa dân oan với lực lượng mặc sắc phục.

“Tử vì đạo”

Một vụ công an bắn đạn cao su khiến dân bị thương ở tỉnh Vĩnh Long

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy nông thôn Việt Nam đang tái hiện quang cảnh của làng Ô Khảm ở Quảng Đông của Trung Quốc vào cuối năm 2011. Được châm ngòi từ âm mưu cưỡng chế nhằm chiếm đoạt đất của nông dân, công an địa phương đã bắt giữ nhóm cầm đầu khiếu kiện của nông dân và gây ra cái chết của một trong những người này ngay tại đồn công an. Ngay sau đó, dân làng Ô Khảm đả phản ứng dữ dội bằng cách đóng cổng làng, tống cổ các quan chức chính quyền ra khỏi khu vực.

Về thực chất, đây là giai đoạn đầu tiên của một cuộc khởi nghĩa nông dân với quy mô nhỏ. Cuộc khởi nghĩa này lẽ ra đã lan rộng và kéo theo sự đồng thuận của nhiều địa phương lân cận khác, nhưng Bắc Kinh đã tỏ ra khôn ngoan khi tiến hành xử lý những viên chức chính quyền sai phạm và còn để cho dân làng Ô Khảm được bầu cử tự do, chọn lựa người đứng đầu cho mình.

Cho đến năm 2013, chính cựu bộ trưởng Bộ công an và nguyên ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc - ông Chu Vĩnh Khang - đã bị điều tra và đang có nhiều khả năng phải đối mặt với vòng tố tụng hình sự vì những hành vi cấu kết đậm đặc của ông ta với các nhóm lợi ích.

Nhưng ở Việt Nam lại hầu như chưa có tiền lệ như thế. Bất chấp rất nhiều sai phạm đã trở thành hệ thống xảy ra trong ngành công an, bất chấp chuyện ăn hối lộ của cảnh sát giao thông đã trở thành một trong những sẹo lồi gớm ghiếc nhất làm xấu xí dung nhan chế độ, vẫn không có bất kỳ một chiến dịch làm sạch nào được làm đến nơi đến chốn.

Trong khi giới quan chức nhà nước luôn kêu gào nhân dân phải có niềm tin với chế độ, giới báo chí đảng vẫn hàng ngày thở không ngớt về điều được coi là “thái độ phấn khởi” của người dân, thực tế lại đang diễn biến ngược chiều chưa từng thấy. Các vụ việc người dân công khai phản ứng với cảnh sát ngoài đường phố trở nên dày dạn và quyết tâm hơn. Vài ba trường hợp còn mang dấu ấn “tử vì đạo”. Vào tháng 9/2013, một nông dân ở Thái Bình là Đặng Ngọc Viết đã dùng súng ngắn giết chết vài cán bộ quản lý quỹ đất của chính quyền tỉnh này.

Nhưng dù vụ Đặng Ngọc Viết gây chấn động trong dư luận và chắc hẳn phải làm cho nhà cầm quyền ngao ngán không ít về vị thế chính trị bị thách thức đến tận giường ngủ, chỉ vài tuần sau đó vẫn xảy ra hàng loạt vụ cưỡng chế đất đai vô lối ở Văn Giang ở Hưng Yên và Trịnh Nguyễn tại Bắc Ninh. Không chỉ hiện diện công an trong các vụ cưỡng chế này, côn đồ cũng là một thực thể đang hiện tồn tại các vùng nông thôn Việt Nam.

Trong tâm não của rất nhiều dân oan, côn đồ với công an đang hóa thân làm một.

Sự hóa thân của cái xấu càng không thể khiến cho tình hình bớt tồi tệ hơn. Phản ứng của người dân đối với công an đang manh nha tự phát và tiến dần vào xu hướng đối đầu bất chấp. Nhưng về phía mình, ngành công an nhiều địa phương vẫn như mắc nghẹn trong tâm thế bế tắc về não trạng và hành vi. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho kết luận này là sau vụ giáo xứ Mỹ Yên, tiêu chí của công an vẫn chỉ là “ngăn chặn” cùng “sẵn sàng trấn áp” mà không một chút gần gũi hơn với đồng loại.
Đường cùng của dân chúng lại rất thường là lối cùng của chế độ.

Đánh giặc!

Vụ dân trói công an mới đây ở Hòa Bình chỉ là một trong những giọt nước đầu tiên tràn ly, biểu tả cho một phong trào có tên “Hồi tố” xuất phát từ dân chúng. Kế tiếp dân chúng, giờ đây các công an viên lại trở thành nạn nhân của phần hậu quả xã hội và chính trị mà họ đã đóng góp “một phần không nhỏ”.
Hòa Bình lại rất gần với Ninh Bình – một địa phương mà vào giữa năm 2013 đã nổ ra “trận đánh đẹp” với nạn côn đồ hành dân.
“Thông báo với toàn thể nhân dân! Hiện nay đang có một đám người lạ mặt, đầu trọc, xăm trổ đầy mình, có hành vi côn đồ, dùng kiếm, dùng dùi cui, đuổi đánh, dọa đâm, chém, giết dân lành. Mọi người, ai có cuốc, xẻng, gậy gộc ra ứng cứu. Giặc đang càn quấy dân làng, mọi người tập trung mau để đánh giặc! Loa, loa, loa…” – tiếng kêu gọi hệt như lời hiệu triệu cứu quốc thống thiết của ông trưởng thôn Đồng Quân gào vào loa phóng thanh, đã làm cho xóm núi heo khuất ở vùng Ninh Bình bùng lên ký ức rạo rực của những năm tháng tiêu thổ kháng chiến, cùng nỗi giận bất chấp giới hạn pháp luật đối với đám cướp cạn giữa ban ngày ban mặt.

Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, nhà báo tự do tại TP Hồ Chí Minh.



No comments:

Post a Comment

View My Stats