Thursday, 10 October 2013

HUYỀN CHIP & THÓI DỐI TRÁ CỦA NGƯỜI VIỆT TRẺ (Thiện Ngộ)




09.10.2013

Vụ lùm xùm của cô gái trẻ Huyền Chip với tác phẩm thuộc thể loại du ký "Xách ba lô lên và đi” chỉ mới thực sự bùng cháy thành ngọn lửa đỏ rực khi mà độc giả Trần Ngọc Thịnh gửi bản kiến nghị dài 21 trang liên quan đến những nội dung trong cuốn sách mà anh và nhiều độc giả cho là mập mờ, sai sự thật lên Cục Xuất Bản.

Cuối cùng thì Huyền Chip cũng đã có bản giải trình dài 31 trang gửi Cục Xuất Bản. Tuy nhiên, những giải trình của Huyền Chip vẫn chưa được anh Thịnh và nhiều độc giả hài lòng. Bởi theo anh thì nội dung của bản giải trình cũng không có gì khác lắm so với nội dung của buổi họp báo, hơn nữa còn trả lời không rõ ràng và đặc biệt là cô không hề có một lời xin lỗi đến độc giả - những người đã bỏ tiền mua sách của cô - và được bảo vệ hợp pháp bởi Luật Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng.

Thật ra, đối với đa số độc giả trẻ ở Việt Nam, họ cũng không khắt khe lắm với một cô gái mới 23 tuổi đầu như em. Nhưng chính sự mập mờ, dối trá và bảo vệ sự dối trá đến cùng của em mới làm độc giả dậy sóng. Trong thời điểm hiện nay, thanh niên Việt Nam gần như bị khủng hoảng thần tượng. Thần tượng của giới trẻ Việt Nam hiện nay đa phần là những người hoạt động trong ngành giải trí. Có thể giọng hát của họ không có gì đặc biệt, cũng chẳng có tài năng gì nổi trội nhưng công nghệ “lăng-xê” biết cách đưa họ thành “ngôi sao”. Các “ngôi sao” ấy ăn mặc hở hang, quái dị, thường xuyên phát ngôn những câu gây sốc kiểu như “Không có tiền thì cạp đất mà ăn”… Thế nhưng họ càng hở hang, càng quái dị, càng “đốp chát” với người lớn thì họ càng…nổi tiếng. Giới trẻ Việt Nam hiện tại đang khủng hoảng trong thẩm mỹ, thẩm âm và nhiều thứ khác nữa.

Giữa rừng “ngôi sao” không có tài năng gì đặc biệt ấy, may mắn thay, đột nhiên xuất hiện một cô gái với bút danh Huyền Chip. Tôi dùng hai từ “may mắn” bởi giữa rừng thần tượng là những ca sĩ, người mẫu kia… lại chen vào một người thuộc về lĩnh vực viết lách. Rất mừng, bởi vì giờ đây giới trẻ đã có thêm một thần tượng là một tác giả trẻ, một cô gái tương đối xinh, có cá tính, dám đi du lịch phượt 25 nước chỉ với 700 usd. Người đọc hào hứng đón nhận tập 1, nâng tầm cô gái thành một “ngôi sao” và kỳ vọng rất nhiều ở tập 2.

Như quảng bá của tác giả và đơn vị phát hành là công ty Quảng Văn thì nội dung cuốn sách hoàn toàn 100% sự thật, nhưng khi tập 2 được xuất bản thì độc giả đã phát hiện ra nhiều điểm mà theo họ là dối trá. Với một tác phẩm văn học thì hư cấu chính là một yếu tố cấu thành. Còn tác phẩm của Huyền Chip thuộc thể loại du ký và được ầm ĩ quảng bá 100% sự thật thì mới là vấn đề đáng bàn cãi. Độc giả thời nay không ít những người có kiến thức sâu về phượt, và chính họ là là những người lật những điều dối trá mà em đã viết trong sách.

Sai lầm của em, theo tôi là rất nhiều thanh niên Việt Nam mắc phải, đó chính là tính dối trá. Dối trá không quá bất thường trong xã hội này. Bởi tính cách dối trá có thể vô tình hình thành bởi tác động môi trường xã hội. Trong một xã hội mà sự dối trá tồn tại hàng ngày, hàng giờ, thậm chí tồn tại trong các ngành cần chữ “đức” như y tế, “trung thực” như giáo dục, thậm chí ngành xăng dầu với lợi nhuận khủng khiếp mà vẫn than lỗ để tăng giá thì Huyền Chip có dối trá cũng là một việc thường. Tôi không trách thanh niên Việt Nam, bởi trong xã hội như vậy thì các em rất dễ dàng bị tiêm nhiễm thói xấu ấy.
Nhưng, điều đáng quý ở con người là biết nhận sai và sửa sai. Ở đây, Huyền Chip lại bảo vệ sự dối trá đến cùng. Và chỉ khi ngọn lửa thực sự bùng cháy, thì em mới gửi bản giải trình đến Cục Xuất Bản. Tuy nhiên, em chỉ mới thừa nhận sự cường điệu hóa trong cuốn sách mà chưa hề có một lời xin lỗi công khai.

Cục trưởng Cục Xuất Bản Chu Văn Hòa chia sẻ quan điểm cá nhân rằng ông phê bình những nhóm người trong cộng đồng đã ứng xử hẹp hòi, trích từng đoạn trong cuốn sách để yêu cầu Huyền Chip giải trình, thậm chí hô hào chiến dịch tẩy chay, xúc phạm một cô gái 9X.

Tuy nhiên, sách cũng là một sản phẩm, và độc giả cũng chính là người tiêu dùng. Việc người tiêu dùng phát hiện lỗi sản phẩm (bị quảng cáo sai sự thật) thì họ có quyền yêu cầu tác giả giải trình, thậm chí kiện để đòi bồi thường theo luật.

Việc tác giả viết những điều sai sự thật và có những hành vi ngoài pháp luật như vượt biên trái phép thì được cấp phép xuất bản, còn độc giả trích dẫn những điều chưa hiểu, cần làm rõ thì ông cục trưởng cho là hẹp hòi. Vậy xin hỏi ông cục trưởng, người mua sách không được quyền thắc mắc một sản phẩm không đúng quảng cáo của nhà sản xuất?
Tất nhiên, những gì Huyền Chip viết ra thì Huyền Chip tự chịu trách nhiệm về nội dung chứ Cục Xuất Bản cũng không thể nào kiểm chứng bản thảo có đúng với sự thật không nhưng việc ông Hòa đánh giá độc giả hẹp hòi là không ổn.

Huyền Chip và nhiều thanh niên bây giờ đang mắc căn bệnh nối dối. Nhưng họ lại không dám nhận lỗi. Có nhận lỗi cũng chỉ nhận theo kiểu cho có, và sai phạm bị phát hiện tới đâu thì… nhận lỗi tới đó. Nếu Huyền Chip đã nhận sai thì cũng phải nên có buổi họp báo để công khai xin lỗi độc giả.

Tôi nghĩ, độc giả cũng không khắt khe gì nếu em ứng xử một cách hợp lý, văn minh. Dẫu sao thì độc giả cũng nên cho Huyền Chip một cơ hội sửa sai.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 

-----------------------------

Tác giả Thiện Ngộ tên thật là Nguyễn Quốc Bửu, hiện đang sinh sống và làm việc tại Phú Yên. Đã xuất bản tiểu thuyết kiếm hiệp Huyết Án Phiên Ngung Thành.


No comments:

Post a Comment

View My Stats