Wednesday,
October 09, 2013 2:31:49 PM
GARDEN GROVE (NV) - Hội Việt Tộc sẽ tổ chức
tiệc gây quỹ “Nhịp Cầu Yêu Thương” vào 6 giờ 30 chiều Thứ Sáu, 11 Tháng Mười,
tại nhà hàng Mon Cheri, 12821 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840, để gây quỹ
giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Linh mục Trần Công
Vang, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế và sáng lập viên của Hội Việt Tộc, cho biết:
“Chương trình mời gọi sự tham gia của mọi người để chia sẻ sự nâng đỡ của chúng
ta với đồng bào thiểu số ở quê nhà còn gặp nhiều khó khăn.”
Sáng lập năm 1998
tại Hoa Kỳ sau một lần LM Vang có dịp về và sống với người dân tộc Tây Nguyên,
Hội Việt Tộc ra đời với mục tiêu nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu
số.
Hội hiện cung cấp
khoảng 2,000 học bổng mỗi năm cho thiếu nhi và thiếu niên người dân tộc, bên
cạch các hỗ trợ về y tế, dạy nghề, cứu trợ, và cung cấp nước sạch.
LM Vang nói về Hội
Việt Tộc: “Chúng tôi có thiện nguyên viên địa phương sống với đồng bào. Mình
khác ngôn ngữ, phong hoá, phải nhờ người địa phương để giúp mình sống với dân.
Hội không muốn chỉ đến tặng quà tặng thuốc rồi về. Chúng tôi muốn là người nhà
của họ, sống cùng họ, và qua đó biết họ cần gì nhất, đâu là khó khăn lớn nhất,
để giúp họ.
Ông chỉ vào một vài
bức hình của hệ thống nước mới có lọc cặn. Bên cạnh đó là hình của những phụ nữ
Tây Nguyên dệt thổ cẩm bằng dụng cụ do Hội Việt Tộc cung cấp. LM Vang cũng
kể về những đứa trẻ trước chỉ biết chăn trâu chăn bò nay được đi học nhờ học
bổng và sự khuyến khích của hội.
Giọng nói chậm rãi,
ôn tồn, LM Vang nhận xét người Tây Nguyên ngày càng chịu nhiều thiệt thòi, ngay
trên trên chính mảnh đất sống của họ.
“Họ sống nhờ rừng.
Thức ăn, nước uống, công việc qua các thế hệ đều phụ thuộc vào rừng. Nay rừng
núi không còn của dân nữa. Nhiều người bị buộc lui về những mảnh đất khô cằn,
nước không có để uống. Nên họ đã khổ càng khổ hơn.” LM Vang nói.
Bên cạnh việc gặp
khó khăn để nuôi sống bản thân, người thiểu số tại Tây Nguyên khi cố hoà
nhập với người Kinh còn bị nhiều kỳ thị, theo lời LM Vang.
"Ví dụ như đi học nghề xong kiếm không được việc làm. Không chỉ phải cạnh
tranh với người Kinh, họ còn phải đối mặt với những định kiến kỳ
thị."
“Những năm chân ướt
chân ráo làm việc ở xứ người có lẽ giúp chúng ta dễ cảm thông hơn với
các mảnh đời của người thiểu số.” Ông nói ngày càng có nhiều người hải ngoại
tìm đến Tây Nguyên để giúp đỡ. Ít ai biết, bản thân LM Vang qua
Mỹ vào năm 1975 với tám anh chị em, làm các công việc lao động chân
tay phụ giúp gia đình những năm đầu trước khi có điều kiện dành toàn thời
gian cho các sinh hoạt Công Giáo.
.Ông kể về chuyến
đi mới nhất thăm cộng đồng người Gia Rai: “Hôm đó, khoảng 1,000 người tụ họp
ngồi nghe một số thanh niên đi tỉnh học đại học kể về cuộc sống văn minh ở
thành thị. Tôi rất xúc động. Và xúc động hơn khi các bạn này có ý nguyện trở về
làng để giúp đỡ những người khác.”
Ông hồi tưởng về
những kỷ niệm vui như việc một cô giáo trẻ sau tốt nghiệp nay về lại làng
để dạy học, hay những lá thư của các cô cậu học trò nhờ gửi đến ân nhân, hay
các em nhỏ hứa giúp lại dân làng sau khi thành
đạt. Ông cũng chia sẻ phút ngậm ngùi khi ghé thăm một bệnh
nhân cùi vừa mới qua đời.
Về công việc của
Hội Việt Tộc, LM Vang cho biết về những cố gắng mới của hội. Hội Việt Tộc nay
có các chương trình hướng nghệ giúp kiếm việc làm. Nhiều thiếu nhi và thiếu
niên được tham gia ghi danh nhận học bổng hơn. Giá trị mỗi học bổng cũng tăng
lên, để bảo trợ cho mức sống ngày càng mắc mỏ tại Sài Gòn, Qui Nhơn, Đà Nẵng,
Nha Trang, Huế và Hà Nội.
Học bổng của Hội
Việt Học hiện là $60/năm cho một em thiểu số học tiểu học, $80/năm cho bậc
trung học, và $400/năm cho tiền học và chi phí sinh hoạt bậc đại học.
“Không đi học,
không biết chữ, họ mặc cảm, và càng bị kỳ thị. Chúng tôi tin rằng kiến thức sẽ
giúp họ hoà nhập, kiếm việc làm dễ hơn, bớt khó nghèo.” LM Vang cho biết Hội
Việt Tộc chú trọng vào vấn đề giáo dục cho trẻ em đồng bào dân tộc.
“Cuộc sống của người
thiểu số rất thầm lặng, nhưng mãnh liệt. Người dân tộc hay bị bỏ rơi, kỳ thị,
nhưng họ vẫn mãnh liệt sống trước những thách đố, với buôn làng, với rừng, để
giữ những bản sắc truyền thống.”
Về thiện nguyện
viên và ân nhân bảo trợ, LM Vang nói: “Điều quý nhất là mọi người hiểu thêm về
văn hoá của người thiểu số, xem họ là đồng bào, tại Việt Nam và gặp khó
khăn nên cần giúp đỡ.”
Anh Cao Dương, một
thiện nguyện viên của Hội Việt Tộc, chia sẻ thêm: “Tôi cũng từng đi tham gia
các hội thiện nguyện khác, nhưng khi đến với Hội Việt Tộc, thấy những mảnh đời
các em cao nguyện thật quá khó khăn. Chính phủ bên đó không lo nổi. Không có
thức ăn, nước uống nói chi đến việc học hành. Tôi và cả gia đình quyết định góp
một bàn tay giúp hội.”
Các nhà hảo tâm có
thể tìm hiểu thêm về Hội Việt Tộc tại trang mạng: www.viettoc.org. Ngân phiếu đóng góp có thể
gửi vào hộp thư: P.O. Box 10061, Silver Spring, MD-20914, hoặc tại buổi tiệc
gây quỹ không bán vé vào cửa “Nhịp Cầu Yêu Thương” vào chiều Thứ Sáu tới.
Hội Việt Tộc là một
tổ chức bất vụ lợi, mọi đóng góp đều được miễn trừ thuế.
–
Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com
Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment