Friday 11 October 2013

HOA KỲ : NGÀY VỠ NỢ ĐÃ GẦN KỀ (Nguyễn Văn Khanh)




Nguyễn Văn Khanh
Friday, October 11, 2013 6:19:17 PM

Khoảng giờ này 2 năm trước đây, hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ cũng tranh cãi về mức nợ trần, tất cả các vị dân cử Cộng Hòa cùng với chừng 10 vị dân cử Dân Chủ nhất định không cho chính phủ vay thêm tiền chi tiêu, đòi hỏi Tòa Bạch Ốc phải cắt giảm ngân sách.

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng đó chỉ có một chính trị gia tỏ thái độ dửng dưng là Thượng Nghị Sĩ John McCain của tiểu bang Arizona, người từng đại diện Ðảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống. Trong một buổi trò chuyện với các nhà báo, vị nghị sĩ nhiều quyền thế ở Thượng Viện bảo “chuyện đến phút chót mới giải quyết vấn đề là điều rất bình thường, thường xuyên xảy ra ở Washington D.C.” Câu nói đó có thể diễn giải một cách nôm na: chính trường Mỹ thường hay đợi nước đến chân mới nhảy.


Lần này chuyện cũ lại xảy ra, chỉ có điều nước đã tới chân mà vẫn chưa thấy gì cả. Bên ngân khố cho biết ngày 17 Tháng Mười tới đây là ngày chính phủ Mỹ kiệt quệ tài chánh, không có tiền trả nợ cũng chẳng có tiền để tiêu dùng, thúc đẩy Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc phải tìm một giải pháp cứu nguy nếu không muốn thấy quốc gia lâm vào cảnh vỡ nợ. Trên truyền hình, ông Tổng Trưởng Tài Chánh Jack Lew nhắc đi nhắc lại câu “Quốc Hội đang đùa với lửa” để ám chỉ lối làm việc cứng ngắc của đảng Cộng Hòa, Tổng Thống Barack Obama cũng bỏ ra nhiều phút đồng hồ để trình bày những điểm bất lợi nếu Hoa Kỳ lâm vào tình trạng “không ai muốn thấy xảy ra,” đồng thời ông Cố Vấn Kinh Tế Alen Krueger lên tiếng cảnh báo “kinh tế sẽ gặp khó khăn, số việc làm sẽ giảm” trong lúc nước Mỹ vẫn chưa thật vững vàng sau cơn sóng gió xảy ra hồi 2007.

Không chỉ các viên chức hành pháp lên tiếng bày tỏ lo âu, ngay chính ông chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới cũng cho mọi người biết mối quan ngại của mình trước viễn ảnh không đầy một tuần lễ nữa quốc gia có nền kinh tế số 1 thế giới sẽ lâm vào cảnh không có tiền trả nợ. Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo USA Today, ông Jim Yong Kim nói rằng Washington phải nhớ bài học “tranh cãi nợ trần hồi 2011 đã gây trở ngại cho nền kinh tế toàn cầu,” đặc biệt ảnh hưởng đến những quốc gia đang phát triển “phải mất một thời gian dài sau đó mới thoát khỏi những trở ngại” do vụ tranh chấp chính trị xảy ra giữa 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Trong cuộc phỏng vấn, ông chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới cũng nói đến “mối lo âu của tôi và của nhiều quốc gia khác,” đồng thời chỉ biết mong mỏi “chuyện sẽ được giải quyết càng sớm càng tốt để mọi người an tâm.”

“An tâm” cũng là điều các nhà kinh tế Hoa Kỳ nói đến trong những ngày vừa qua. Trong buổi điều trần trước Ủy Ban Ngân Hàng Thượng Viện, đại diện cho Hiệp Hội Ngân Hàng Hoa Kỳ là ông Frank Keating đưa ra hình ảnh thật ảm đạm nếu chính phủ không tăng mức nợ trần. Hình ảnh đó bào gồm chuyện kinh tế xuống dốc, giới hoạt động thương mại sẽ phải vay tiền với mức lời cao hơn, ngân hàng ngần ngại không muốn cho giới tiêu thụ vay tiền, chứng khoán tụt dốc, con số việc làm sẽ giảm bớt. “Những bất lợi này bao trùm mọi sinh hoạt kinh tế của quốc gia và ảnh hưởng đến mọi người,” ông Keating nói thêm, “ảnh hưởng sẽ sâu đậm trong một thời gian dài, rất khó sửa chữa, kinh tế quốc gia sẽ xuống dốc, mọi nỗ lực kích cầu đã được thực hiện trong những năm qua trở thành đổ sông, đổ biển.”

Ông Mark Zandi, kinh tế gia trưởng của tổ chức chuyên phân tích kinh tế tài chánh Moody's Analytics đưa ra thí dụ cụ thể hơn. Trình bày với đài truyền hình MSNBC, ông cho hay “chỉ cần trễ vài ngày thôi đã đủ để mức tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ trong quý 3 giảm chừng 0.3%,” chưa kể đến chuyện chính phủ liên bang không có tiền ký check an sinh xã hội, không có tiền trả hưu bổng cho cựu quân nhân, không có tiền trả chủ nợ (những người mua công khố phiếu) và nhiều khoản chi phí khác nữa. Lúc đó “sẽ có hàng triệu người mất việc,” ông Zandi nhấn mạnh.

Trước những cảnh báo đó, Hạ Viện Cộng Hòa vẫn không nao núng. Ðề nghị mới nhất được đưa ra là tạm thời tăng mức nợ trần cho 6 tuần sắp tới những đi kèm với điều kiện Tòa Bạch Ốc phải thảo luận cắt giảm ngân sách. Tức khắc Tổng Thống Obama lắc đầu, lấy lý do cứ gắn hết điều kiện này đến điều kiện khác “sẽ không giải quyết được gì.”

Ngay cả những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy tới 53% người dân Mỹ cho rằng đảng Cộng Hòa phải chịu trách nhiệm về những bế tắc hiện giờ “cũng chẳng làm ai nao núng,” theo nhận xét của chiến lược gia Josh Muller. “Bên Cộng Hòa không nhượng bộ vì nghĩ rằng dân chúng chẳng chê trách mình họ mà chê trách cả Tổng Thống Obama, đồng thời họ tin chuyện tranh cãi đang xảy ra chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc bầu cử giữa kỳ 2014 cả.” Chiến lược gia độc lập này nói thêm “mãi đến tháng 11 năm sau mới bầu cử, thời gian từ bây giờ đến đó vẫn còn quá xa và kinh nghiệm cho thấy người dân thường hay quên.”

Có thể điều ông Muller nói không sai. Tháng 11 năm tới khi đến phòng phiếu người dân Hoa Kỳ sẽ quên chuyện xảy ra vào tháng 10 năm nay. Nhưng ngay lúc này có một chuyện người dân Mỹ không quên: chính phủ liên bang đóng cửa đã 2 tuần, có thể sẽ phải đóng cửa thêm 1 tuần lễ nữa.

------------------------------

Nguyễn Văn Khanh
Thursday, October 10, 2013 6:58:12 PM

Cuộc gặp kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ diễn ra “tốt đẹp,” theo tinh thần bản thông cáo do Tòa Bạch Ốc tung ra sau buổi gặp gỡ giữa Tổng Thống Barack Obama và 18 vị dân biểu đại diện cho đảng Cộng Hòa. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận suốt đêm nay” dựa theo phát biểu của ông Trưởng Khối Ða Số Eric Cantor, “hai bên vẫn chưa đạt được kết quả nào cả cho dù tranh cãi rất sôi nổi” dựa vào tin hành lang phát xuất từ hành pháp và lập pháp.

Tin hành lang cho hay từ phút đầu tiên hai bên đã tranh cãi với nhau về chuyện đến bao giờ chính phủ liên bang mới mở cửa hoạt động trở lại. Tổng thống Hoa Kỳ nhắc lại “điều này phải được thực hiện ngay,” phía Hạ Viện Cộng Hòa không đồng ý, đòi hỏi Tòa Bạch Ốc và Thượng Viện Dân Chủ chấp thuận ý kiến “tạm thời tăng mức nợ trần để chính phủ có tiền chi tiêu trong vòng 6 tuần, sau đó thành lập một ủy ban lưỡng viện để cứu xét về ngân sách, bàn thảo xem có thể cho hành pháp vay thêm bao nhiêu tiền và những khoản cắt giảm cần thiết” trước khi tính đến chuyện chính phủ mở cửa làm việc trở lại. Nghe nói trong cuộc thảo luận có cả sự hiện diện của Phó Tổng Thống Joseph Biden và ông Tổng Trưởng Tài Chánh Jack Lew, Dân Biểu Cộng Hòa Paul Ryan cho biết “đây là giải pháp tốt nhất,” kêu gọi phía hành pháp đồng ý để chấm dứt căng thẳng đang xảy ra. Vẫn theo ông chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện, “nếu những điểm này được chấp thuận, chính phủ liên bang có thể mớ cửa làm việc trở lại vào tuần tới.”

Tòa Bạch Ốc đón nhận đề nghị này như thế nào? “Tổng thống không có ý kiến gì về đề nghị các vị dân cử Hạ Viện đề ra, không gật đầu cũng chẳng lắc đầu,” theo lời một viên chức có mặt trong cuộc thảo luận. Kể cả chuyện Tổng Thống Obama có tán thành đi chăng nữa, đề nghị của Hạ Viện Cộng Hòa sẽ bị Thượng Viện Dân Chủ bác bỏ, vì trước đó ông Trưởng Khối Ða Số Thượng Viện Harry Reid đã tuyên bố chỉ cứu xét những dự luật nào do Hạ Viện chuyển sang “sau khi chính phủ liên bang đã mở cửa trở lại.”

Ðiều kiện tiên quyết do ông Reid đặt ra “chính là mấu chốt để giải quyết vấn đề,” theo lời ông Chánh Văn Phòng Khối Ða Số Thượng Viện David Krone. “Chúng tôi thật tình không hiểu bên Hạ Viện muốn gì,” Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Dick Durbin của tiểu bang Illinois nêu thắc mắc về “lối làm việc” của cánh Cộng Hòa Hạ Viện. “Tôi thấy họ thay đổi nhiều quá, cứ mỗi dăm phút lại nghe thấy họ có ý kiến mới. Cách tốt nhất là phải chờ xem bên đó (Hạ Viện) sẽ thỏa thuận được với nhau như thế nào, xem ý kiến của ông Boehner hay của ông Paul Ryan có được họ chấp thuận hay không.”

Phát biểu đó cho thấy rõ thắc mắc hiện nay của Tòa Bạch Ốc và Thượng Viện Dân Chủ là liệu các dân biểu Cộng Hòa có đồng ý với những gì ông Ryan nói đến trong cuộc thảo luận với Tổng Thống Obama hay không. Khi bàn thảo với các nhà lãnh đạo Dân Chủ của Thượng Viện “điều này đã được tổng thống nói đến,” theo lời một viên chức Tòa Bạch Ốc. “Tính toán của chúng tôi là có thể ông Boehner sẽ không lôi kéo được sự ủng hộ của các vị dân cử thuộc nhóm Tea Party, lúc đó ông ta sẽ cần đến lá phiếu của các dân cử Dân Chủ trong khi lập trường bên đảng Dân Chủ là mở cửa chính phủ trước, mọi chuyện sẽ tính sau.”

Lập trường này được Dân biểu Steve Israel của đảng Dân Chủ nói rõ trong cuộc phỏng vấn dành cho đài PBS. “Chúng tôi sẽ cứu xét tất cả những ý kiến các đồng viện Cộng Hòa đưa ra, nhưng chúng tôi đang thắc mắc tại sao bên đó chỉ tính đến chuyện tạm thời tăng mức nợ trần mà không tính đến chuyện mở cửa chính phủ liên bang. Hai vấn đề này phải đi đôi với nhau, không thể làm điều này mà không làm điều khác.”

Nói tóm lại: chuyện vẫn chưa ngã ngũ, chính phủ Hoa Kỳ vẫn ở bờ vực có thể vỡ nợ, chính phủ liên bang sẽ đóng cửa hết tuần này và không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra vào tuần tới. Thứ Bảy tới đây Thượng Viện Dân Chủ sẽ đưa dự luật tăng mức nợ trần cho toàn năm 2014 ra thảo luận, các vị nghị sĩ Cộng Hòa nói trước “sẽ chống đối.” Bên Hạ Viện sẽ nghỉ cuối tuần, bắt đầu làm việc lại vào ngày Thứ Hai (dù hôm đó là ngày nghỉ lễ Columbus), đồng thời ra thống báo nhắc nhở “tất cả các dân biểu phải sửa soạn để có thể làm việc suốt tuần, kể cả ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật.”

Thông báo đó nên được hiểu là tuần tới chưa chắc đã xong.




No comments:

Post a Comment

View My Stats