Saturday, 5 October 2013

ĐỀ CƯƠNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC (Hoàng Tụy)




Hoàng Tụy
Viet Studies  4-10-13

Từ lâu giáo dục đã trở thành chỗ nghẽn lớn nhất trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy cải cách giáo dục toàn diện và cơ bản như đã đề ra trong nhiều nghị quyết của Đảng là đỏi hỏi bức thiết của cuộc sống. Đã đến lúc không còn có thể tiếp tục đổi mới nửa vời, vụn vặt, chắp vá, không có hệ thống và không căn bản được nữa.

Sau đây là bản đề cương cải cách giáo dục xin kiến nghi để phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước trong vài mươi năm tới. Bản đê cương gồm ba phần chính:
I.       Quan điểm tổng quát, cũng tức là triết lý cơ bản của giáo dục mới  
II.     Những vấn đề chính và cấp bách cần giải quyết
III.    Lộ trình và tổ chức thực hiện.

I. Quan điểm tổng quát

Đây có thể coi là vấn đề của mọi vấn đề, nó là cái gốc chi phối từ sứ mạng, phương châm cho đến nội dung, phướng pháp, tổ chức giáo dục.
Trong thế giới hiện đại, yêu cầu hội nhập quốc tế đặt ra ngày càng gay gắt cho mọi dân tộc, nếu ta chỉ muốn xây dựng giáo dục theo con đường riêng của mình, thì dù với những lý tưởng đẹp đẽ và dân khí rất cao như trong thời hoàng kim của cách mạng, sớm muộn chúng ta cũng không tránh khỏi bị đào thải trong cuộc cạnh tranh quốc tế quyết liệt. Huống hồ sau 1975 đất nước đã bước sang một giai đoạn lich sử mới, có biêt bao vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội phức tạp trước đây chưa bao giờ gặp.  Hơn nữa sau khi giành được độc lập, thống nhất, ta xây dựng lại đất nước trong bối cảnh cả nhân loại chuyển lên nền văn minh trí tuệ. Nhiều cơ hội mới mở ra  từ đây cho những dân tộc giàu tiềm năng như chúng ta, đồng thời đất nước cũng đối mặt với những thách thức to lớn không dễ gì vượt qua nếu không đủ dũng khí chia tay với những tập quán, cách suy nghĩ, làm ăn, ứng xử, từng là nếp sống quen thuộc một thời.
Cho nên ngày nay hơn bao giờ hết, không gì cản trở sự tiến bộ của xã hội hơn thái độ đóng kín, thiếu cởi mở với cái mới, e ngại thay đổi, chủ quan tự mãn, không muốn, không dám nhìn thẳng vào những yếu kém của mình mà chỉ say sưa tự ru ngủ với quá khứ vẻ vang và tự dối mình bằng những thành tích tưởng tượng hoặc giả tạo.
Có thể nói đã sang thế kỷ 21 nhưng giáo dục của ta vẫn còn giữ khá nhiều quan niệm cổ hủ thời phong kiến nho giáo, thậm chí thời trung cổ Châu Âu. Nặng tính giáo điều kinh kệ, nhằm biến con người thành một phương tiện – dù là phương tiện để thực hiện những lý tưởng cao quý – hơn là hoàn thiện con người như một chủ thể tự do. Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực tế để nhận rõ những hệ luỵ tiêu cực của tình hình đó đổi với tương lai dất nước. Thật sai lầm nếu nghĩ rằng cứ áp đặt một ý thức hệ định sẵn vào nội dung và phương pháp giáo dục thì sẽ đào tạo được những con người khuôn theo ý thức hệ đó. Kinh nghiệm thực tế khắp nơi trên thế giới đều cho thấy  ngược lại: sự mâu thuẫn xung khắc giữa giáo lý trong nhà trường với thực tế phũ phàng ngoài xã hội  thường là nguyên nhân phát sinh và nuôi dưỡng gian dối, đạo đức giả và bạo lực, cuối cùng đưa đến bất ổn trầm trọng trong xã hội . Thử nghĩ xem: vì sao hầu hết gia đình có điều kiện đều tìm cách gửi con em đi du học ở nước ngoài mà không mấy ai lo lắng nền giáo dục ở các nước đó sẽ biến con em ta thành những kẻ hư hỏng ? Phải chăng đó chỉ đơn thuần là lối nghĩ thực dụng của một số người có quyền, có tiền, hay đàng sau đó còn có một sự đánh giá không nói ra đối với nền giáo dục của chúng ta ?
Lịch sử các nước Phương Tây cho thấy chỉ sau khi thế tục hoá nhà trường, tách nhà trường ra khỏi Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo thì khoa học, kỹ thuật hiện đại  mới có điều kiện phát triển mạnh mẽ, đồng thời Nhà Thờ không vì thế mà mất vị trí tinh thần của nó trong xã hội. Đối với chúng ta, mà mục tiêu tối thượng của dân tộc là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tưởng cũng cần một giải pháp tương tự cho giáo dục mới có thể mở đường chấn hưng đất nước. Cuộc sống từ lâu đã đòi hỏi nhà trường phải phi chính trị hoá, thoát khỏi chế độ bao cấp tư tưởng với những ràng buộc giáo lý cứng nhắc đang có tác dụng kìm hãm thay vì khai sáng trí tuệ[1]. Thay vào đó, cần đề cao tính nhân văn: rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, như trong mọi nhà trường tiên tiến trên thế giới. Đó mới chính là dạy người theo nghĩa cao quý nhất. Một khi sản phẩm của nhà trường là những con người tự do, với nhân cách và phẩm chất hướng theo hệ thống giá trị phổ quát của nhân loại thì cái mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới có cơ may hiện thực.  Bằng không, nếu chỉ chăm chăm đào tạo con người theo khuôn mẫu đúc sẵn thì cái mục tiêu ấy mãi mãi xa vời. Bởi lẽ trong một thế giới, một thời đại, đầy biến chuyển khó lường mà thế hệ chúng ta đang sống, mọi khuôn mẫu đúc sẵn đều không thể thích nghi được.
Giáo dục hiện đang đứng ở ngã ba đường, giống như kinh tế những năm giữa thập kỷ 80. Nếu lúc bấy giờ ta cứ kiên trì đường lối kinh tế tập trung bao cấp và tiếp tục dị ứng với cơ chế thị trường  như hồi 1968, khi đó VN đã cùng với cả phe xã hội chủ nghĩa lên án mạnh mẽ chủ nghĩa xã hội thị trường Tiệp Khắc[2], thì không biết điều gì đã xảy ra.  May thay, nhờ nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, chúng ta đã kịp thời nhận ra nguồn gốc bế tắc của xã hội và đã có can đảm thay đổi tư duy, chấp nhận chính cái cơ chế thị trường ngày nào đã bị chúng ta bác bỏ. Đường lối đổi mới nhờ thế đã ra đời, cứu đất nước khỏi sự sụp đổ nhãn tiền. Đó là bài học sâu sắc.
Ngày nay, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.
 Đương nhiên đây là công việc không hề dễ dàng mà có thể vất vả, đau đớn, vì phải đoạn tuyệt với nhiều quan niệm, cách sống và nếp nghĩ đã ăn sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ từ thời chiến đấu giành độc lập thống nhất. Nhưng là giải pháp trước sau gì cũng phải làm, mà càng để chậm trễ thì đất nước càng hụt hơi, càng khó thích ứng kịp với những biến chuyển bất ngờ trong thế giới văn minh ngày nay.

II. Những vấn đề chính cần giải quyết trong cuộc cải cách giáo dục

             Sau khi đã xác định quan điểm tổng quát về sứ mạng cơ bản của giáo dục, mọi vấn đề cụ thể về tổ chức giáo dục,  nội dung chương trình học các cấp,  phương pháp giáo dục, v.v .  đều phải xem xét giải quyết trên cơ sở quan điểm đó. Bản đề cương này không đi sâu vào các vấn đề cụ thể có tính chất kỹ thuật là phần việc của các chuyên gia sau này mà chỉ tập trung nêu lên những định hướng lớn làm nền tảng và khuôn khổ giải quyết các vấn đề cụ thể ấy.
              Có mấy vấn đề lớn sau đây cần có định hướng giải quyết.

1.     Cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề
Hệ thống giáo dục THPT hiện tại có hai lãng phí lớn. Lãng phí thứ nhất là hàng năm có một số lớn thanh niên tốt nghiệp THPT không qua lọt cánh cửa ĐH, CĐ, phải bước vào thị trường lao động, chịu bằng lòng với một việc làm đơn giản (không cần tay nghề), dù đã tốn 12 năm đèn sách, hoặc phải chấp nhận vào học nghề ở một trường trung cấp kỹ thuật vốn chỉ đòi hỏi trình độ THCS. Trong khi đó vì thiếu công nhân lành ghề và kỹ thuật viên thông thạo nên công nghiệp phụ trợ không phát triển nổi, sau mấy thập kỷ xây dựng công nghiệp mà cuối cùng  chỉ có lắp ráp, xuất khẩu tài nguyên thô, thì làm sao giàu được. Tình trạng lãng phí đó vừa thiệt hại cho xã hội vừa tạo mầm mống bất ổn trong thanh niên.
Lãng phí lớn thứ hai, khó thấy hơn, nhưng nghiêm trọng hơn, là cách học và thi quá lạc hậu ở THPT gắn liền với thói hư học cổ lỗ, hoàn toàn không chú ý các đặc điểm và đòi hỏi của lứa tuổi, làm phí sức học sinh một cách vô ích, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, đến tương lai nghề nghiệp của một số khá đông, lại rất tốn kém cho gia đình và xã hội. Trẻ em ta học hết 12 năm THPT thì mệt nhoài, lên đại học và trên nữa thường mau đuối sức khi đua tranh với bạn bè các nước mà ở đó tuổi thiếu niên vừa được học vừa được chơi, chơi mà học, để dành sức sau này có thể tiến lên xa vào những giai đoạn quyết định của cuộc đời.
Để khắc phục những bất hợp lý trên cần cải tổ hệ thống giáo dục để sau THCS có hai nhánh rẽ: một số lớn học sinh (khoảng 2/3) sẽ vào trung học hướng nghiệp, chỉ 1/3 vào trung học phổ thông. Học xong trung học hướng nghiệp có thể đi ngay vào thị trường lao động tìm một việc làm có nghề nhưng nếu muốn cũng có thể học lên cao hơn (cao đẳng hay đại học) vì chương trình học, ngoài phần hướng nghiệp, vẫn bảo đảm phần văn hoá cơ bản cần thiết. Còn trung học phổ thông có nhiệm vụ chủ yếu chuẩn bị đầu vào cho đại học. Theo hướng đó cần phát triển mạnh trung học hướng nghiệp, đồng thời cấu trúc lại chương trình và cách học ở trung học phổ thông cho phù hợp với nhiệm vụ của cấp học này. Cụ thể là bãi bỏ cách phân ban bất cập hiện nay để tổ chức lại việc học như ở nhiều nước tiên tiến, về mỗi môn học đều có một chương trình bình thường và một hoặc nhiều chương trình nâng cao, theo nhiều mức độ nâng cao khác nhau, cho phép học sinh được tự do lựa chọn chương trình nào hợp sức và hợp sở thích, đồng thời dễ dàng điều chỉnh sự lựa chọn khi thấy cần thiết. Với cách học đó học sinh cả trung học hướng nghiệp và trung học phổ thông đều không bị quá tải, vì được học sâu những môn ưa thích và không phải học quá kỹ nhiều thứ mà sau này sẽ chẳng bao giờ cần đến. Đó mới là cách thực tế và hiệu quả giảm tải ở cấp học phổ thông, chứ không phải như hiện nay, chương trình bị kẹt giữa hai yêu cầu mâu thuẫn: vừa giảm tải vừa không hạ thấp chất lượng.  Hơn nữa về những môn hợp với xu hướng sở thích thì  học sinh có cơ hội được học đủ sâu để đến khi tốt nghiệp có đủ hiểu biết  tìm được việc làm có nghề, và nếu xuất sắc thì khi học tiếp lên ĐH hay CĐ có thể học vượt lớp, tiết kiệm thời gian. Như thế tránh được nhiều sự lãng phí cho cả xã hội lẫn cho từng cá nhân học sinh. Tuổi 15-18 là tuổi vàng, nhiệm vụ của nhà trường là tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển đến mức tối đa của mình, chứ không phải chỉ nhằm bảo đảm cho mọi cá nhân môt mức tối thiểu đồng loạt như cách dạy hiên nay ở THPT.

2.     Thay đổi căn bản cung cách học và thi, xoá bỏ khổ dịch thi cử nặng nề, tốn kém mà kém hiệu quả
Đồng thời với cải tổ hệ thống giáo dục, thì cách học, cách thi cử và đánh giá cũng phải thay đổi tận gốc. Đặc biệt cần đổi mới căn bản tư duy thi tốt nghiệp và tuyển sinh. Trong một nhà máy làm ra một sản phẩm gồm nhiều bộ phận riêng rẽ (môđun) ghép lắp lại, người ta phải kiểm tra kỹ chất lượng khi sản xuất từng bộ phận, đến khi lắp ráp chỉ kiểm tra chất lượng lắp ráp. Việc học và thi trong nhà trường cũng vậy: mỗi môn, mỗi học phần như một môđun, học môn nào, học phần nào phải kiểm tra, thi nghiêm túc ngay môn đó, phần đó, đến cuối cấp không thi lại từng môn, từng học phần nữa, mà chỉ phải làm một tiểu luận hoặc qua một kỳ thi nhẹ nhàng, với mục đích chủ yếu kiểm tra trình độ văn hóa phổ quát (giống như kiểm tra chất lượng lắp ráp các môđun trong nhà máy). Hơn nữa, kỳ thi nhẹ nhàng này cũng có thể không bắt buộc cho mọi người mà có thể coi như một kỳ thi sơ tuyển (ST) vào ĐH, CĐ chỉ bắt buộc đối với những ai muốn vào học ĐH, CĐ.  Còn việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì cần trả lại cho từng trường. Mỗi trường tuyển sinh căn cứ vào kết quả thi (ST) và học bạ hoặc qua một kỳ thi tuyển nếu trường nào có yêu cầu đào tạo đặc biệt.  
 Cách học và thi như thế khác hẳn cách học và thi hiện nay là dồn tất cả sự kiểm tra vào cuối cấp trong một kỳ thi tốt nghiệp mà nhiều người cho là thi vờ vì chỉ để loại vài phần trăm thí sinh, là những em quá kém không cần thi cũng có thể loại được theo học bạ.  Có ý kiến cho rằng tuy thi vờ nhưng là cần thiết vì tâm lý học sinh là có thi thì mới học tử tế.[3] Té ra là vậy: đất nước còn rất nghèo mà phải tốn kém hàng chục nghìn tỉ mỗi năm tổ chức thi chỉ để dọa và gây áp lực buộc học sinh phải học. Cùng một luồng ý kiến đó nhiều quan chức giáo dục cho rằng trong điều kiện hiện thời, thầy cô giáo chịu quá nhiều áp lực không lành mạnh từ phía xã hội nên rất khó bảo đảm việc học và thi nghiêm túc từng môn, từng học kỳ, ở từng lớp, từng địa phương được. Cho nên không còn cách nào khác là phải thi tôt nghiệp, dù chỉ là thi vờ.  Nói thế khác nào bảo một nền giáo dục trung thưc là ngoài tầm với của xã hội ta hiện nay – thật lạ lùng và xót xa, vì một nền giáo dục trung thực đâu có gì quá khó, nó đã từng có ở cả hai Miền Bắc và Nam suôt từ 1945 đến 1975. Một ý kiến xác đáng hơn là quy một phần nguyên nhân phát triển gian trá trong thi cử là do chương trình quá nặng, mà thi tốt nghiệp lại quá căng thẳng: thi viết gần hết các môn trong thời gian chỉ mấy ngày, tiềm ẩn rủi ro học tài thi phận, khiến một số học sinh dễ nảy ra tư tưởng đối phó bằng thủ đoạn gian dối, cầu cứu đến cả sự giúp sức của phụ huynh và thầy cô giáo. Đúng là chương trình quá tải cũng là một vấn đề, nhưng không thể giảm tải theo kiểu cắt giảm lung tung như chúng ta đã làm lâu nay mà chủ yếu phải cải tổ cả hệ thống giáo dục phổ thông như đã trình bày ở trên, chấm dứt cách giáo dục đồng loạt, quá nặng với số đông lại quá nhẹ với số có khả năng. Đông thời để bảo đảm tính trung thực, trước hết phải thực hiện kiểm tra, thi học kỳ nghiêm túc, nghĩa là trung thực, ngay từ những lớp nhỏ nhất chứ không đợi đến cuối cấp. Khi đó mới có thể thi tốt nghiệp nhẹ nhàng, chỉ cốt để kiểm tra chất lượng tổng hợp, tức là trình độ văn hóa phổ quát, hoặc thậm chí chỉ xét kết quả học tập theo học bạ để cho tốt nghiệp mà không phải thi.
Điều quan trọng ít người chú ý là lối thi tôt nghiệp và tuyển sinh như hiện nay tạo ra áp lực tâm lý và tinh thần rất lớn, đặt thí sinh trước những thử thách vượt quá khả năng chịu đựng của các em. Trong một xã hội mà xung quanh quá nhiều dối trá, rất hiếm trung thực, nếu đặt thiếu niên trước những thử thách trung thực quá sức thì cũng chẳng khác nào đưa trẻ ra phơi nhiễm giữa một vùng đang dịch bệnh, làm sao trẻ tránh không bị nhiễm. Cho nên chẳng lạ gì kỳ thi nào cũng có chuyện quay cóp, gian dối, mà những chuyện đã bị phanh phui chỉ là phần nổi của tảng băng. Cuộc sống đã dạy chúng ta quá đủ rằng cách học và thi như hiện nay chẳng những gây lãng phí lớn về công sức, tiền của, thời gian, mà còn khuyến khích phát triển sự dối trá, thói đạo đức giả, là những thứ hư hỏng cần tránh trước hết trong nhà trường.

3. Chuyển mạnh giáo dục đại học theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế về cả nội dung, phương pháp và tổ chức quản lý
Chỉ nhìn qua hệ thống đại học VN hiện nay cũng đã thấy cảnh tượng lộn xộn, rất khác mọi nơi trên thế giới: trường nào, kiểu gì, cũng gọi là đại học, trong một đại học lại có thể có nhiều đại học thành viên, dịch ra tiếng Anh tất cả đều là university, không phân biệt university với school, ai muốn hiểu ra sao thì hiểu.[4] Đành rằng đây chỉ là vấn đề tên gọi, nhưng nó cũng phản ảnh một nét riêng “không giống ai” của đại học VN. Đi sâu hơn vào hoạt động cụ thể của đại học càng thấy rõ sự tụt hậu  bắt nguồn từ lối suy nghĩ chủ quan tự cho mình có thể tự biên tự diễn, bất chấp thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Cho nên muốn hội nhập quốc tế thành công, tiến lên một nền đại học thật sự hiện đại, trước hết phải từ bỏ lối nghĩ đó, khiêm tốn học hỏi, tuân thủ các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, điều gì muốn làm khác thì cần suy nghĩ cẩn trọng và có lý do thật xác đáng. Chúng ta đang rớt lại sau đuôi thiên hạ, tại sao cứ muốn làm độc đáo, khác người để mãi mãi thất bại ? Ngay đến một nước có truyền thống khoa học, giáo dục lâu đời như Pháp mà cách đây 30 năm khi đánh giá nền đại học lúc ấy của họ nhà khoa học lỗi lạc Pháp L. Schwartz  cũng đã từng lên tiếng: “nếu Pháp là nước duy nhất trên thế giới còn muốn giữ lại mãi một số quan niệm về giáo dục đại học thì hoặc chúng ta đúng và nền đại học của ta phải là tiên tiến và được ngưỡng mộ nhất thế giới – điều rõ ràng không phải vậy – hoặc chúng ta sai và cần phải thay đổi.” Cho hay yêu cầu cùng đi con đường chung với cả thế giới không phải chỉ đặt ra cho các nước kém phát triển.
Cái khó là trước đây hệ thống giáo dục đại học của ta phỏng theo mô hình giáo dục đại học Liên Xô cũ. Đến khi nhận rõ mô hình đó không còn thích hợp mà phải thay đổi theo yêu cẩu  mới của công cuộc phát triển đất nước, ta lại không có những nhà quản lý đủ hiểu biết chuyên nghiệp cần thiết và nắm vững tính hệ thống nên cứ thay đổi nham nhở, chắp vá, cuối cùng biến giáo dục đại học thành một hệ thống đầu Ngô mình Sở, chẳng giống ai cả. Đã thế mà từ 2006  lại mạo hiểm lao theo chiến lược tân tự do trong phát triển giáo dục, cổ suý giáo dục là hàng hóa, phát triển mạnh trường tư vị lợi, cổ phần hóa đại học công, v.v. Trong khi đó, mọi vấn đề từ chế độ tiền lương, chính sách sử dụng tài năng, từ việc đào tạo sau cử nhân, phương thức đào tạo liên ngành, cho đến tuyển dụng, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, bảo đảm tự chủ đại học, xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học, tự do học thuật, tất cả đều ở trạng thái cổ hủ, lạc hậu thảm hại. Chẳng khác nào đường sá thì lầy lội gồ ghề, đầy ổ trâu ổ gà, lại chủ trương nhập xe hơi xịn phóng nhanh cho oai.  Chính cái tâm lý chưa biết đi đã đòi chạy, cái lối học kinh nghiệm thế giới theo kiểu thầy bói sờ voi đó là nguồn gốc tất cả những yếu kém, khó khăn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam dù đã tốn không ít công sức xây dựng qua mấy thập kỷ.
Công bằng mà nói, từ vài năm lại đây, sau nhiều bài học thất bại, nhận thức cũng đã có ít nhiều thay đổi, nhờ đó đã có những cố gắng tich cực hướng tới hội nhập quốc tế. Tuy nhiên kết quả còn rất hạn chế, do sức ỳ quán tính của bộ máy quản lý còn nặng, do tư duy vẫn luẩn quẩn trong những giáo điều dai dẳng và những ràng buộc thể chế ngặt nghèo. Rõ nhất là về mục tiêu, sứ mạng đại học, về phương thức đào tạo, về quyền tự chủ đại học và tự do học thuật, nghĩa là về các vấn đề then chốt nhất của đại học hiện đại, quan niệm chung của chúng ta còn rất mơ hồ, lệch lạc, có mặt lạc hậu nửa thế kỷ.
Cho nên thách thức lớn nhất của giáo dục hiện nay là hiện đại hóa đại học, đưa đại học hội nhập thật sự vào con đường phát triên chung của thế giới. Hãy dứt khoát rủ bỏ những gì lạc hậu, trì trệ còn níu kéo chúng ta để chuyển mạnh theo mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ là mô hình được thừa nhận tiên tiến và đang được áp dụng phổ biến trên thế giới. Có thể nói thành bại của cuộc cải cách giáo dục một phần quyết định tùy thuộc tiến trình hiện đại hóa đại học này.

4. Xây dựng các đại học nghiên cứu và các trung tâm nghiên cứu và đào tạo xuất sắc
Kinh nghiệm quốc tế những năm gần đây cho thấy vai trò đầu tàu then chốt của các đại học nghiên cứu và các trung tâm xuất sắc trong  giáo dục đại học. Ở nước ta, chỉ mới cách đây không lâu, chưa có mấy người, ngay cả trong giới chức lãnh đạo, hiểu được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với đại học. Đã có thời gian dài quan niệm khá phổ biến cho rằng thầy giáo đại học chỉ có nhiệm vụ giảng dạy, truyền đạt tri thức đã có trong sách vở, còn nghiên cứu khoa học nếu có cũng hay nhưng chưa thật sự cần thiết.  Do quan niệm ấy nhà khoa học nếu chỉ đơn thuần làm việc nghiên cứu và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các viện nghiên cứu thì chưa được nhìn  nhận là nhà giáo đại học và không thể được xét phong GS, PGS. Đồng thời luật giáo dục quy định các viện nghiên cứu dù đã có kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ vẫn không được phép đào tạo thạc sĩ nếu không “liên kết” với một trường đại học, vì đào tạo từ thạc sĩ trở xuống được coi là độc quyền của các đại học. Từ vài năm nay quan niệm ấu trĩ lạc hậu đó đã dần dần lộ rõ không thich hợp và cần được sửa chữa.  Tuy nhiên chưa có chuyển biến cơ bản và đây vẫn còn là một vấn đề lớn, còn gặp nhiều mắc mứu, lúng túng, trước hết vẫn là về tư duy, quan niệm. Sự hiểu biết của giới chức quản lý và không ít giáo chức đại học còn khá mù mờ và thô sơ về đại học nghiên cứu, đại học đẳng cấp quốc tế, về đánh giá, xếp hạng các đại học, phần lớn còn tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế một cách máy móc. Trước đây không lâu các phương pháp định lượng hiện đại đánh giá thành tích nghiên cứu khoa học dựa trên các chỉ số về công bố quốc tế, chỉ số trich dẫn, chỉ số ảnh hưởng, gần như không được mấy người quan tâm, ủng hộ. Sau này nhận thức đã có những thay đổi tích cực đáng kể thì lại bắt đầu nảy sinh những xu hướng lệch lạc mới: máy móc, tuyệt đối hóa ý nghĩa các chỉ số định lượng, không thấy rằng các chỉ số ấy có vai trò quan trọng làm căn cứ đánh giá so sánh các cộng đồng lớn (khi đó những sai biệt ngẫu nhiên được trung hòa), nhưng chỉ có ý nghĩa hạn chế khi xem xét đánh giá cá nhân một nhà khoa học và không bao giờ có thể thay thế được các phương pháp định tính dựa trên phán đoán của chuyên gia đủ thẩm quyền học thuật trong từng lĩnh vực.  Phần lớn các bảng xếp hạng đại học đã được quảng cáo trên quốc tế còn nhiều bất cập, tuy có giá trị tham khảo nhất định, nhưng hoàn toàn chưa thể chọn làm căn cứ chính xác để chỉ dựa vào đó mà xây dựng đại học được.  Cho nên việc đặt mục tiêu đến năm nọ năm kia có ít nhất một đại học xếp vào hạng 200 trường tốt nhất trên thế giới chẳng những viển vông, không thực tế mà còn có thể làm sai lạc hướng phát triển lành mạnh, đúng đắn.
Thực tế mấy năm qua đã cho thấy hiệu quả thấp của chủ trương vay tiền WB đầu tư mời các nước Đức, Pháp, Mỹ, Nhật xây dựng 4 đại học đẳng cấp quốc tế thay vì tập trung sức đầu tư cho hai đại học quốc gia đã có, đồng thời xây dựng mới một đại học hiện đại có tinh chất hoa tiêu như nhiều người đã đề nghị. Đương nhiên bỏ tiền ra làm thì rồi thế nào cũng có chút đỉnh kết quả. Chuyện cần bàn là trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo phải cân nhắc phân bổ vốn đầu tư sao cho có lợi nhất. Ở đây cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, nếu không kịp thời khắc phục căn bệnh thành tích phô trương cộng với tính thiếu trách nhiệm thì sẽ gây lãng phí và thất thoát lớn, đến lúc nhận ra thiệt hại thì đã quá muộn như đã xảy ra với những kiểu đầu tư công kém hiệu quả mà hệ lụy nặng nề đang đè nặng lên mọi mặt đời sống của đất nước.

5.     Chấn chỉnh tiêu cực trong các vấn đề đại học tư thục, xã hội hóa và thương mại hóa giáo dục vô nguyên tắc.
Từ 2006 lại đây đại học ngoài công lâp đã phát triển ồ ạt một cách bột phát, mà hầu hết trong số đó đều hoạt động vì lợi nhuận.  Nhiều tiêu cực đáng lo ngại phát sinh từ xu hướng phiêu lưu tự do hóa giáo dục vô nguyên tắc, khiến bức tranh giáo dục đại học vốn đã không sáng sủa gì càng thêm nhiều mảng tối ảm đạm. Dưới danh nghĩa xã hội hóa, thị trường hóa được hiểu rất mù mờ, sai lệch, kinh doanh giáo dục ở VN thực tế đã thành một loại kinh doanh mang lại siêu lợi nhuận. Tuy đại học tư vì lợi nhuận cũng có đáp ứng một phần nhu cầu học tập quá bức bách của xã hội nhưng trừ một số ít còn nói chung chất lượng quá thấp là cái giá quá đắt phải trả đang là một thách thức lớn. Trong khi đó các đại học bất vị lợi lại gặp vô vàn khó khăn, từ việc thành lập cho đến lúc hoạt động luôn bị làm khó dễ. Điều không bình thường là Bộ GD-ĐT chỉ có qui chế tổ chức và hoạt động cho đại học vị lợi, mặc nhiên xem như không có trường bất vị lợi, gây nhiều cản trở cho hoạt động bình thường của các đại học bất vị lợi là loại trường lẽ ra phải là đối tượng cần khuyến khích, giúp đỡ tich cực trước hết. Nhiều người thường vô tình hay cố ý hiểu nhầm bất vị lợi là không có lợi nhuận. Thật ra trường bất vị lợi cũng phải có lợi nhuận (thu từ học phí và các nguồn khác phải lớn hơn chi) thì mới phát triển được lâu dài, chỉ khác là lợi nhuận làm ra không đem chia cho các cổ đông góp vốn mà được đầu tư trở lại cho sự phát triển của trường (do đó tránh được xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần thường có nhiều hệ lụy tiêu cực như đã thấy trong thực tế).  Vốn ban đầu của loại trường này không do cổ đông góp lại để kinh doanh chia lãi, mà một phần do hiến tặng của các nhà hảo tâm, một phần do vay từ nhiều nguồn khác nhau (tư nhân, Nhà Nước) với lãi suât thỏa thuận. Do tính chất như vậy nên Nhà Nước cần khuyến khích trường tư bất vị lợi bằng nhiều chính sách khác nhau (miễn thuế, hỗ trợ về đất dai, tín dụng ưu đãi, học bổng cấp cho sinh viên, v.v.).  Đồng thời vì là trường tư nên có điều kiện thực hiện một số đổi mới và tránh được một số bất cập của trường công mà hiên nay chưa thấy hướng khắc phục, chẳng hạn có thể trả lương cho thầy giáo xứng đáng với năng suất, từ đó thu hút được người giỏi xây dựng đội ngũ giảng dạy có chất lượng. Còn trường tư vị lợi thì phải được đối xử như các loại doanh nghiệp tư nhân khác, phải tự lo chứ không thể đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà Nước về đất đai hay tài chính, đồng thời phải có nghĩa vụ đóng thuế sòng phẳng.
Đáng tiếc thời gian qua chính sách không phải như vậy, nhiều quan điểm sai lầm tự do hóa giáo dục bừa bãi đã làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp đang là nỗi bức xúc lớn của dư luận xã hội, phải mất nhiều thời gian và công sức mới xử lý nổi.

6.     Cải tổ quản lý để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của quốc gia
Mọi người đều biết chấn hưng giáo dục không thể tách rời với phát triển khoa học, kỹ thuật. Nhà trường hiện đại không chỉ chuyển giao tri thức mà còn phải phát triên tri thức. Đặc biệt, yếu kém lớn nhất hiện nay của các đại học ta so với các nước trong khu vực và thế giới là năng lực và thành tich nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân yếu kém đó phần chủ yếu là do quản lý không theo kịp yêu cầu. Cho nên để bảo đảm cải cách giáo dục  thành công cần đồng thời cải tiến tổ chức để nâng cao năng lực quản lý nghiên cứu khoa học. Việc này liên quan chặt chẽ với xây dựng các đại học nghiên cứu và trung tâm xuất sắc. Nên chăng thành lập Bộ Đại Học và Nghiên Cứu Khoa Học để thống nhất quản lý hai lĩnh vực này, khắc phục cách quản lý tách rời và chồng chéo hiện nay còn rơi rớt từ kinh nghiệm thời Liên Xô cũ và đã lâu không còn thích hợp nữa.  Theo tôi biết đây cũng từng là ý kiến của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nhưng thời ấy còn quá sớm để thực hiện nên phải gác lại. Tách, nhập bao giờ cũng là vấn đề phức tạp, phải suy nghĩ nghiêm túc mới có thể giải quyết  tốt, song thiết tưởng cũng không nên tri hoãn quá lâu.
Mấy năm nay việc thành lập quỹ quốc gia tài trợ khoa học NAFOSTED  là một bước tiến rất đáng kể, đã đem lại lợi ích cụ thể nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cơ bản. Tuy nhiên về lâu dài cần tiến lên giải quyết vấn đề một cách căn cơ hơn nữa, không chỉ riêng đối với các nghiên cứu khoa học cơ bản mà dần đần mở rộng cho mọi ngành khoa học.

7.     Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy, giải tỏa nghịch lý lương, để nhà giáo ở mọi cấp an tâm làm việc, toàn tâm toàn ý với trách nhiệm cao cả của mình.
Vấn đề này tuy nêu ra cuối cùng nhưng là quan trọng bậc nhất, không giải quyết được thì mọi vấn đề khác đều ách tắc.
Sự thật, phần lớn nhà giáo nay đã có mức sống không đến nỗi khó khăn như cách đây mươi năm, thậm chí một bộ phận nhỏ còn có thu nhập khá. Song cái nghịch lý lương từ vài chục năm nay vẫn còn y nguyên: lương chỉ bằng một phần nhỏ thu nhập, nên nguồn thu nhập bù lương mới là mối quan tâm chính thu hút phần lớn năng lực lao động. Nhu cầu cuộc sống khiến phần lớn tâm lực mỗi người bị phân tán vào những việc ngoài trách nhiệm chính của mình,  đó mới thật sự là biện pháp hữu hiệu nhất phá hoại nền giáo dục. Vấn đề nghiêm trọng đến mức có nhà khoa học nước ngoài tâm huyết với VN từng cho rằng không giải toả được cái nghịch lý  lương thì mọi lời hứa chấn hưng giáo dục chỉ là lừa dối trơ trẽn.
Điều không may mắn là giải quyết vấn đề cốt tử này cực kỳ khó vì căn bệnh từ lâu đã thành một thứ ung thư của cả xã hội, chứ không riêng gì của giáo dục, lại gắn liền chặt chẽ với quốc nạn tham nhũng đang ngày càng gia tăng.  Trước mắt chưa có triển vọng cái ung thư này có thể chữa trị nhanh chóng, cho nên giáo dục phải tìm mọi cách tự cứu lấy mình trong phạm vi có thể, may ra còn nêu gương cho các ngành khác để tiến dần đến một giải pháp chung. Dù trong phạm vi cả nước còn khó khăn thì ngay trong nội bộ ngành giáo dục, vẫn có thể  rà soát lại để kiên quyết bỏ hay giảm bớt mọi khoản chi tiêu không hiệu quả, trên cơ sở đó tăng lương, bảo đảm lương đủ sống và trở thành thu nhập chính của mỗi người, từ đó lập lại kỷ cương, đạo đức trong giáo dục. Trong các tính toán kế hoạch, hãy đặt vấn đề trước hết bảo đảm đồng lương hợp lý cho mọi nhà giáo và công nhân, viên chức trong ngành, sau đó mới xét đến các khoản chi tiêu khác. Nếu ngân sách được cấp cộng các nguồn thu khác (đóng góp của dân,  học phí,  viện trợ, vay quốc tế) không đủ thì mới xin bổ sung ở mức tối thiểu cần thiết nhất. Làm như vậy không cần đợi giải pháp chung cho tất cả các ngành, mà nhân đó còn có thể chống tham nhũng và lãng phí một cách thiết thực. Theo tính toán sơ bộ của nhiều chuyên gia, nếu bỏ đi những khoản chi vớ vẩn hoặc không thật sự cần thiết thì hoàn toàn có thể trả lương đàng hoàng cho thầy cô giáo để họ sống được bằng tiền lương với mức sống xứng đáng với công việc của mỗi người. Nếu cần Nhà Nước chi phụ thêm thì khoản phụ thêm cũng có thể trong khả năng hiện thực của ngân sách.
Dù thế nào từ lâu cũng đã đến lúc cần tìm mọi cách giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, chứ không thể kéo dài kiểu chữa cháy và xử lý tùy tiện theo từng trường hợp riêng lẻ như lâu nay. Kinh nghiệm cho thấy những giải pháp tình thế theo kiểu “kế hoạch 3” hồi thập kỷ 80 trước đây hay cho phép từng cơ quan sự nghiệp có thu được sử dụng một phần nguồn thu để tăng lương cho nhân viên như gần đây – những giải pháp đó về lâu dài rất nguy hiểm, chỉ gây thêm rối loạn, dẫn đến bất công và tiêu cực ngày càng tệ hại hơn.  
Trong một xã hội tham nhũng như rươi, đời sống kinh tế bị thao túng nặng nề bởi các “nhóm lợi ích” (hoạt động như những maphia trá hình), ai cũng thấy đây là việc vô cùng khó, tuy khả thi về điều kiện vật chất khách quan nhưng chắc chắn sẽ vấp trở ngại cực kỳ lớn. Biết thế, song giáo dục dẫu sao cũng còn là lĩnh vực dễ bảo vệ trong sạch nhất, nếu không cương quyết làm bây giờ mà cứ trì hoãn mãi thì sẽ ngày càng khó hơn và sẽ chẳng bao giờ có hy vọng trả lại lòng tự trọng cho giáo dục. Thật đau xót, nhục nhã, khi các chức vụ quản lý lớn nhỏ trong những tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nếu không phải là thua lỗ triền miên, vẫn được trả lương cao gấp mấy chục lần các giáo sư đại học, mà sự thể đó cứ thản nhiên tồn tại năm này qua năm khác, song song với khẩu hiệu nay đã thành nhàm chán vì lặp đi lặp lại mãi từ 15 năm nay mà chưa bao giờ đi vào cuộc sống:  giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu.

III.  Lộ trình và tổ chức thực hiện

Cải cách giáo dục cần phải được thực hiện kiên quyết, khẩn trương, nhưng không thể vội vã.  Sau khi Trung Ương và Quốc Hội thảo luận và thông qua đề cương cải cách, cần thành lập Ủy Ban Quốc Gia Chỉ Đạo Cải Cách Giáo Dục, bao gồm những người có năng lực và có tâm huyết, vừa có tầm nhìn vừa thật sự quan tâm, lo lắng cho giáo dục.  Ủy ban này sẽ vạch ra lộ trình và kế hoạch cụ thể thực hiện để hoàn tất cải cách giáo dục sau khoảng một thập kỷ. Đồng thời chọn ra những vấn đề cấp bách cần bắt tay thực hiện ngay trong năm học tới vì càng để trì hoãn càng khó khăn. Theo bản đề cương chúng tôi kiến nghị trên đây, đó là các vấn đề 1 (cải cách hệ thống giáo dục phổ thông), 2 (thay đổi cách học và thi, đặc biệt thi tốt nghiệp THPH và thi vào đại học), 3 (chuyển mạnh giáo dục đại học theo mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ), và 7 (giải tỏa nghịch lý tiền lương/thu nhập trong chính sách đối với nhà giáo các cấp).
Trước mắt chúng ta có nhiều khó khăn  nhưng đây cũng là thời cơ để giáo dục có thể lột xác, từ một kiểu giáo dục nặng tính giáo điều, lạc hậu và lạc điệu với thời đại và thế giới, tiến lên một nền giáo dục khai sáng, lành mạnh, trung thực, hiện đại, phù hợp xu thế tiến hóa chung của nhân loại và lợi ích tối cao của đất nước. 



[1] Một trong những nguyên lý chỉ đạo nền giáo dục trước đây một thời bất khả tranh luận là  giáo dục phải phục vụ chính trị, trong nhà trường chính trị là thống soái, trong hai vế “hồng” và “chuyên” thì “hồng” là tiên quyết. Mặc dù qua cọ xát thực tế nguyên lý ấy đã buộc phải nới lỏng nhiều, nhưng nó vẫn còn ảnh hưởng đậm nét trong nhiều khâu quan trọng về tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, về nôi dung chương trình, về rèn luyện đạo đức, v.v.

[2] Do Dubcek, nhà lãnh dạo Tiệp Khắc khi ấy, khởi xướng. Ông này sau đó đã bị lật đổ trong một cuộc can thiệp quân sự mạnh mẽ của Liên Xô mà hồi ấy cả khối xã hội chủ nghĩa đều ủng hộ.

[3] Để biện minh chủ trương duy trì thi tốt nghiệp THPT một số quan chức giáo dục thường viện lẽ trên thế giới bất cứ nước nào cũng có thi tốt nghiệp. Đó là một thông tin sai, nhất là nếu hiểu thi tôt nghiệp là thi theo kiểu ta. Nhân đây tôi nhớ lại khi bàn về phân ban ở THPT trước đây 8 năm một số người muốn bênh vực cách  phân ban cứng nhắc của ta thường viện dẫn lý do phần lớn các nước trên thế giới đều làm như vậy, thậm chí còn nói ở Thụy Điển THPT có đến cả hơn chục ban. Hỏi ra mới biết đó là do hiểu sai cách tổ chức học ở THPT Thụy Điển và nhiều nước khác.

[4] Trươc kia ở Miền Bắc, theo mô hình Liên Xô và các nước Đông Âu, chỉ Đại học Tổng hợp mới dịch là University, cho nên Hanoi University là dịch tên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nay có Đại Học Hà Nội mới mở, cũng gọi là Hanoi University nhưng hoàn toàn không liên quan với Đại học Tổng hợp xưa.  Thật là rối.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 3-10-13

--------------------------------

Chú thích: Bài này đã đăng ở báo mạng Tia Sáng ngày 10/11/1012
nhưng vì lý do dễ hiểu Tòa Soạn đã bỏ mấy từ ”phi chính trị hóa” và cũng chưa bao giờ đăng ở báo giấy.


No comments:

Post a Comment

View My Stats