Wednesday, 9 October 2013

DI HẠI CỘNG SẢN TẠI BULGARIA (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, October 08, 2013 6:18:59 PM

Cho tới đầu Tháng Mười năm 2013, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở thủ đô Sofia, xứ Bulgaria. Dân tiếp tục đòi chính phủ từ chức; mỗi ngày chỉ còn vài trăm người tham dự. Họ diễn hành trong đường Hristo Botev; ngoài Quốc hội và văn phòng chính phủ còn kéo tới trụ sở hai đảng chính trị lớn là đảng Xã hội (BSP, của các đảng viên cộng sản cũ, đã đổi tên) và Phong trào Dân quyền và Tự do (MRF). Họ vẫn yêu cầu phải tổ chức bầu cử lại trong tháng Mười Một, với điều kiện “không bị các phe đảng thao túng.”

Chính phủ Plamen Oresharski vẫn từ chối không từ chức, cho nên không biết cuộc biểu tình hàng ngày còn kéo dài bao lâu. Nhưng dù kết quả ra sao thì biến cố này cũng cho chúng ta một bài học. Từ Tháng Hai năm nay, dân Bulgaria đã tổ chức hai lần biểu tình kéo dài, có lúc hàng trăm ngàn người tham dự; cả hai đều đòi hỏi các tập đoàn tội ác do tham nhũng cấu kết với gian thương thao túng chấm dứt lợi dụng guồng máy chính quyền. Lần biểu tình đầu đã khiến một chính phủ phải từ chức. Chiến dịch biểu tình thứ hai, bắt đầu từ giữa Tháng Sáu, bùng nổ khi chính phủ mới đưa một người vẫn bị tai tiếng mafia ra làm giám đốc an ninh, tình báo.

Người biểu tình đòi các cuộc bầu cử phải trong sạch, không bị thao túng. Nhưng thế nào là “bầu cử không bị thao túng?”

Ðây là một vấn đề của quá trình xây dựng dân chủ. Người ta có thể thao túng các cuộc bầu cử bằng tiền bạc, đe dọa, mua chuộc, hay gian lận. Khi những người tham dự cuộc chơi dân chủ không thẳng thắn, thì họ có thể thao túng, nếu người dân thờ ơ, chấp nhận mình bị lừa gạt. Thể chế dân chủ phải bảo đảm các cuộc bầu cử được tự do, thể hiện đúng ý nguyện của người dân. Muốn điều đó thành sự thật, luật phá phải tạo ra những thủ tục để các cuộc bầu cử không bị thao túng; ngay từ những ngày đầu khi thiết lập chế độ dân chủ. Nếu không, thì cả chế độ chỉ là dân chủ giả hiệu. Ðây là điều mà người Việt Nam chúng ta phải suy nghĩ ngay từ bây giờ, trong lúc chế độ cộng sản đang tan rã. Vì nước Bulgaria đã xóa bỏ chế độ cộng sản gần 24 năm mà tới nay người dân vẫn phẫn uất biểu tình vì thấy chính quyền do dân bầu lên bị các băng đảng thao túng. Nhưng dân Bulgaria không thờ ơ, không chấp nhận để người ta thao túng, lừa gạt.

Năm 1991, Giáo sư Guiseppe Di Palma, Ðại học California tại Berkeley, viết trên Journal of Democracy (Tạp chí Dân Chủ) bài “Tại sao Dân Chủ có thể thành công ở Ðông Âu,” (Why Democracy Can Work in Eastern Europe). Trong bài đó, tuy rất lạc quan nhưng Di Palma vẫn nêu ra mối lo ngại: “Dân Chủ gồm những 'luật chơi' để điều hợp những quyền lợi đa dạng và xung khắc. Khi được áp dụng quá nhanh ngoài ý muốn của các ‘người dự cuộc’ thì ‘phe thua’ sẽ chống lại; còn những người thuộc ‘phe thắng,’ vì thiếu kinh nghiệm bản thân và chưa được thử thách bằng tổ chức, còn chưa quen thuộc với các quy luật mới đó. Vì vậy, việc củng cố chế độ dân chủ sẽ khó khăn, và lúc nào cũng có thể quay ngược lại (để trở lại độc tài).”

Mối lo ngại này đã thể hiện phần nào ở Bulgaria. Chắc nước Bulgaria không thể nào quay ngược lại dòng chuyển hóa tái lập ách độc tài, nhưng thể chế dân chủ ở đó vẫn chưa đứng vững. Các chính quyền thành hình qua các cuộc bầu cử tự do, nhưng chưa đáp ứng khát vọng của người dân.

Những người quan tâm đến tương lai nước Việt Nam cần theo dõi tin tức về biến cố ở Bulgaria. Có thể rút ra những bài học về tiến trình dân chủ hóa đất nước, sau khi chế độ cộng sản tàn lụi. Nếu công việc thiết lập dân chủ không được chuẩn bị đầy đủ ngay từ bước đầu, thì như các biến cố ở Bulgaria cho thấy, một phần tư thế kỷ sau người dân vẫn chưa thực sự làm chủ. Năm 1991, Giáo sư Di Palma có lý do lạc quan, vì tới nay, tại các nước như Cộng Hòa Tiệp, Ba Lan, và các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ, thể chế dân chủ đang được củng cố vững vàng. Ngược lại, tại các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ và Bulgaria, nền móng dân chủ vẫn còn rất mỏng manh.

Chế độ dân chủ đòi hỏi sự phát triển song song trong nhiều lãnh vực. Cả xã hội phải thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật; phải tạo được một guồng máy hành chánh biết làm việc và phi đảng phái. Ba mạng lưới xã hội cùng phát triển đồng loạt, từ xã hội chính trị, xã hội kinh tế, đến xã hội công dân. Ở các nước dân chủ hóa thành công, như ở Tiệp và Ba Lan, ngay từ đầu xã hội công dân và xã hội chính trị đều phát triển song song với công việc thay đổi kinh tế. Trong xã hội công dân là các hiệp hội tư, tự do, tự nguyện; trong xã hội chính trị là các đảng phái, phong trào. Cả hai giúp nâng cao tinh thần dân chủ trong nhân dân; trong khi kinh tế phát triển cùng với tinh thần tự do cạnh tranh và tôn trọng luật pháp. Nhờ các sức tiến song hành đó, nếp sống cả xã hội thay đổi. Tàn dư của chế độ cộng sản được gạn lọc trong chính trị, trong xã hội công dân cũng như trong đời sống kinh tế, và văn hóa được hồi phục. Bulgaria đã không thực hiện được các bước tiến song hành đó. Một phần vì ngay từ đầu chính các đảng viên cộng sản cao cấp đã “cướp cơ hội,” tự “đảo chính” họ, để chính họ đóng vai hướng dẫn cả tiến trình dân chủ hóa, mà chính họ chưa bao giờ chấp nhận dân chủ.

Tháng 11 năm 1989, đảng Cộng sản Bulgaria đã tự lật đổ, chỉ trong một ngày sau khi Tường Berlin sụp đổ. Họ đổi tên thành đảng Xã hội, soạn Hiến pháp mới với hình thức một thể chế dân chủ, và đổi mới theo kinh tế lối thị trường. Bulgaria gia nhập Liên minh NATO năm 2004, vào Cộng đồng Châu Âu EU năm 2007.

Nhưng sau 24 năm, người dân vẫn biểu tình, bền bỉ suốt mấy tháng trời đòi thay đổi lề lối cai trị của giới cầm quyền. Vì dù các đảng viên cộng sản cao cấp có thiện chí xây dựng dân chủ thật chăng nữa, nhưng họ cũng không hề có chút kinh nghiệm nào về lối sống dân chủ. Ngay cả những đảng mới xuất hiện, cùng tham gia vào xã hội chính trị, cũng chưa hề tập được thói quen sống tự do dân chủ. Các đảng thay nhau lên nắm quyền, do lá phiếu của người dân quyết định. Nhưng sau khi nắm chính quyền trong tay, họ vẫn theo thói quen sử dụng guồng máy quyền hành, kể cả công an, mật vụ, báo chí và truyền thanh, truyền hình, theo cung cách của các cán bộ cộng sản. Mục đích của việc sử dụng guồng máy quyền bính vẫn là để phục vụ cho những kẻ cầm quyền, chứ không phải phục vụ dân.

Chế độ cộng sản tại Bulgaria kéo dài nửa thế kỷ khiến cả xã hội suy đồi. Trong nửa thế kỷ, đảng cộng sản nắm hết các quyền chính trị và kinh tế. Ðảng dùng các thủ đoạn kiểu Stalin đàn áp những người khác chính kiến. Các đảng viên cộng sản đã quen hưởng thụ đặc quyền trong chế độ cũ, nay họ biết xoay chiều, dùng các tổ chức hạ tầng và thủ đoạn tuyên truyền, chiếm giữ các địa vị quan trọng, từ guồng máy kinh tế đến hệ thống công an cảnh sát. Nhiều cựu đảng viên cũng nắm đầu các băng đảng tội phạm. Hiện tượng này từng diễn ra tại Nga, ngay từ lúc ông Yeltsin đang lên. Năm 1991, Yeltsin cai trị nước Nga song song với một Quốc hội đã được bầu từ thời còn chế độ cộng sản, trong đó, các đảng viên vẫn chiếm đại đa số. Họ lợi dụng bản Hiến pháp cũ, chiếm lấy các quyền lợi ngay trong chương trình đổi mới kinh tế. Sau hai năm bất lực Yeltsin mới quyết định giải tán đảng cộng sản, bầu lại Quốc hội, sửa Hiến pháp, nhưng đã quá trễ.

Ðảng Cộng sản Bulgaria trước đây là đảng cứng rắn nhất Ðông Âu trong việc sử dụng các biện pháp đàn áp kiểu Stalin. Năm 1989, các lãnh tụ cộng sản đã khôn ngoan giải tán đảng, lập đảng Xã hội, tổ chức bầu cử ngay, để họ chiếm đại đa số trong Quốc hội. Các đảng chính trị mới, có khuynh hướng dân chủ, thì chưa kịp tổ chức tranh cử, và khi thành hình thì họ lại thiếu kinh nghiệm tổ chức, thiếu các phương tiện truyền thông để huy động dân chúng. Trong một thời gian ngắn họ không thể tập hợp, đoàn kết được với nhau. Ngay việc cải tổ kinh tế cũng tạo cơ hội cho các lãnh tụ cộng sản lợi dụng, tạo thành các thế lực độc chiếm thị trường. Giới lãnh đạo ở Bulgaria gọi là mới nhưng vẫn hướng về nước Nga. Các công ty Nga hiện nay chiếm hầu như độc quyền cung cấp dầu, khí đốt, và được chính quyền mới dành nhiều ưu đãi; người dân tiêu thụ phải gánh chịu hậu quả. Thế lực của các công ty Nga lên cao khiến người dân lo ngại không biết nước họ còn giữ được chủ quyền hay không. Họ thấy vẫn chưa dứt được di sản thời cộng sản.

Dân Bulgaria vẫn tiếp tục biểu tình đòi dân chủ thật, vì quá trình dân chủ hóa mới tiến được trên hình thức. Những người lên nắm quyền chưa bỏ được thói quen coi guồng máy chính quyền là phương tiện cho phe cánh mình sử dụng và lũng đoạn, một thói quen đã thành nếp từ thời cộng sản. Các đảng chính trị chưa tập nhiễm được quan niệm tách đảng ra khỏi nhà nước, chưa biết tôn trọng những guồng máy hành chánh, tư pháp độc lập, không cần lệ thuộc đảng cầm quyền. Họ cũng chưa biết nhìn nhận các guồng máy cảnh sát, công an, và quân đội là những định chế của quốc gia, để phục vụ dân chứ không phục vụ những người hay phe đảng cầm quyền.

Có thể nói, xã hội chính trị có hoạt động ở Bulgaria 24 năm nay, nhưng đã thất bại. Chính vì giới chính trị thất bại, các công dân tự động đứng lên đòi thay đổi. Ðặc điểm của những cuộc biểu tình diễn ra tại Bulgaria từ đầu năm tới nay là đám đông tham dự không do một đảng chính trị nào thúc đẩy, cũng không được các tổ chức tôn giáo, công đoàn hay phong trào trí thức nào lãnh đạo. Họ chỉ là những công dân đứng lên đòi thay đổi, không ai tuyên bố sẽ ra tranh cử hoặc muốn vào ngồi chỗ của các chính phủ mà họ yêu cầu từ chức. Ðây là xã hội công dân theo nghĩa thuần túy. Ở các nước Tiệp, Ba Lan, Hungary, chính các cuộc vận động trong xã hội công dân đã khơi dậy tiến trình xóa bỏ chế độ cộng sản và xây dựng dân chủ. Nhờ thế, ngay sau khi chế độ cộng sản đổ, xã hội công dân phát triển mạnh thêm, các công dân tự nhiên tham gia vào đời sống chính trị. Ở Bulgaria thì ngược lại. Việc thay đổi chế độ do các đảng viên cộng sản tự biên, tự diễn.

Các đảng chính trị thanh hình nhưng xã hội công dân chưa phát triển. Vì xã hội chính trị ở Bulgaria thất bại, cho nên xã hội công dân phải hoạt động để cải thiện chế độ dân chủ. Ðây là một bài học cho người Việt Nam.


No comments:

Post a Comment

View My Stats