Thursday 17 October 2013

DANH HỌA & DANH TƯỚNG (Nguyễn Đình Đăng)




16/10/2013

Một bức ký hoạ đẹp đáng giá hơn một diễn văn dài lê thê.
Napoléon Bonaparte

*

Ngày 9 tháng 11 (18 Brumaire) năm 1799 danh tướng 30 tuổi Napoléon Bonaparte làm đảo chính, trở thành đệ nhất tổng tài, dứt điểm với cách mạng Pháp.

Jacques-Louis David (1748-1825)
Chân dung tự hoạ, 1794
sơn dầu, 80.5 x 64.1 cm, Louvre

Lúc bấy giờ Jacques-Louis David đã là một danh hoạ 51 tuổi. Từ một người thân cộng hòa, từng bị bỏ tù khi cách mạng thoái trào, nay ngả sang thân chế độ quân chủ, ông âm thầm vẽ các chân dung cho các nhà bảo trợ giàu có để kiếm tiền. Với bức “Những phụ nữ Sabine” [1], ra mắt công chúng cuối năm 1799, ông muốn ngầm gửi một thông điệp hoà giải giữa phe bảo hoàng và phe cộng hòa. Tuy  nhiên công chúng xem tranh đã suy diễn rằng David muốn hoà giải với Napoléon.

Jacques-Louis David
Những phụ nữ Sabine, 1799
sơn dầu, 385 x 522 cm, Louvre

Bức tranh của David đã khiến Napoléon chú ý. Danh tướng nhìn thấy trong tài năng của danh hoạ một công cụ hữu hiệu để tuyền truyền cho vinh quang và quyền lực của mình. Napoléon từng nói: “Một bức tranh có giá trị hơn cả ngàn lời nói“. Còn David tìm thấy ở Napoléon cơ hội hiếm có để khôi phục lại địa vị. Ông thầm ước ao có ngày trở thành hoạ sĩ số một của vua như Charles Le Brun trong triều đình Louis XIV thuở nào.

Sau chiến thắng năm 1800 ở Marengo [2], uy tín và quyền lực của đệ nhất tổng tài nước Pháp càng được củng cố. Quay về Paris, Napoléon cho mời David tới dinh tại điện Tuileries. Buổi tiếp David có sự hiện diện của bộ trưởng nội vụ Louis Bonaparte, em trai Napoléon [3].

- Dạo này ông đang làm gì? – Napoléon hỏi David.
- Tôi đang vẽ bức “Đèo Thermopyles” [4].
- Quá dở, ông đã nhầm khi phí sức vẽ những kẻ chiến bại, ông David ạ.
- Nhưng, thưa công dân tổng tài [5], những kẻ bại trận đó cũng là những người anh hùng đã chết vì tổ quốc, và, mặc dù bại trận, trong hơn 100 năm họ đã đẩy lui quân Ba Tư khỏi Hy Lạp.
- Chẳng có gì khác, chỉ có mỗi cái tên của Leonidas là còn đến ngày nay mà thôi. Tất cả những gì còn lại đã biến mất trong lịch sử.
-Tất cả, – David ngắt lời Napoléon – … trừ sự chống trả cao thượng trước một đội quân đông vô kể. Tất cả! … trừ sự hy sinh quên mình. Tất cả! … trừ những phong tục tập quán khắc khổ của những người Sparta, mà ta nên tưởng nhớ những người lính của họ.

Jacques-Louis David
Leonidas tại đèo Thermopyles, 1814
sơn dầu, 395 x 531 cm, Louvre

Sau khi nghe David cãi lý như vậy, Napoléon, người từng cho rằng “đối với với bọn học giả thì không cần tranh cãi, mà phải đem bắn“, lại tuyên bố muốn David vẽ chân dung mình.

Hoạ sĩ chờ đợi cơ hội này đã từ lâu, vì thế ông nhận lời ngay và đề nghị đệ nhất tổng tài hẹn ngày tới xưởng hoạ để ngồi mẫu.
- Ngồi mẫu? – Napoléon nói – Ngồi mẫu để làm gì?  Ông tưởng những vĩ nhân cổ đại từng ngồi mẫu cho nghệ sĩ tạc nên các hình tượng ta thấy ngày nay sao?
- Nhưng tôi vẽ ngài cho thời đại của ngài, cho ngững người đã từng được trông thấy ngài, được biết ngài. Họ muốn chân dung của ngài phải giống ngài.
- Giống? Không phải sự chính xác của nét mặt, hay cái mụn cóc trên mũi làm nên sự giống. Tinh thần mới là cái cần phải vẽ.
- Cả hai thứ đều cần.
- Chắc chắn Alexandre chưa bao giờ ngồi mẫu cho Apelles [6]. Chẳng ai biết chân dung các vĩ nhân có giống không. Chỉ cần thiên tài của họ sống trong đó là đủ.
- Bằng nhận định này ngài đã dạy tôi nghệ thuật hội hoạ. – David nói.
- Ông nói giỡn. Sao lại có thể thế được?
- Đúng vậy. Tôi chưa bao giờ từng mường tượng rằng có thể vẽ như vậy. Thưa đệ nhất tổng tài, ngài nói đúng. Vâng được, ngài sẽ không ngồi mẫu. Tôi sẽ vẽ ngài không cần ngài ngồi mẫu.

David nói không sai. Việc Napoléon từ chối làm mẫu đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử hội hoạ chân dung. Từ nay hiện thực nhường chỗ cho hình tượng chính trị, mang tính tượng trưng cho một mẫu mực lý tưởng hơn là nắm bắt vẻ giống bề ngoài. Napoléon còn gợi ý cho David rằng ông muốn David vẽ mình điềm tĩnh cưỡi trên lưng một con ngựa hung hăng bởi ông muốn dùng chân dung của mình cho mục đích tuyên truyền. Những ý tưởng đó đã làm Napoléon trở thành người tiên đoán cho đường lối tuyên truyền bằng hội hoạ và tượng đài hoành tráng của Lenin và Hitler sau này [7].

Đáp ứng yêu cầu của đệ nhất tổng tài, David đã vẽ Napoléon vượt qua đèo Grand Saint Bernard trên núi Alpes, dẫn quân từ Thụy sĩ sang Ý đánh trận Marengo. Trong tranh David vẽ Napoléon vận quân phục lộng lẫy, tay chỉ phía trước, cưỡi trên con ngựa hung dữ đang tung vó trên sườn núi Alpes. Ở lớp sau, tầm dưới vó ngựa, lấp ló đoàn quân Pháp cùng súng đại bác đang vượt dốc theo hướng chỉ tay của Bonaparte. Thực ra đây là một sự bịa đặt. Napoléon không cưỡi ngựa vượt núi Alpes mà cưỡi một con lừa. Ông cũng không dẫn đầu đoàn quân vượt đèo vào ngày 13 tháng 5 năm 1800, mà đi sau đoàn quân một tuần, vào ngày 20 tháng 5.

Jacques-Louis David
Bonaparte vượt đèo Grand Saint Bernard, 1800
sơn dầu, 259 x 221 cm, Louvre
Đây là bức đầu tiên. Bốn bức còn lại được sao từ bức này.

David vẽ tất cả 5 bức: một bức do vua Tây Ban Nha Charles IV đặt hàng (1800), 3 bức do Napoléon đặt (1801, 1802, 1803), và bức cuối cùng (1803) David giữ trong xưởng cho đến khi qua đời. Bốn bức sau chỉ là bản sao từ bức đầu tiên, có thay đổi màu áo choàng, màu lông ngựa và một số chi tiết. Ba bức do Napolépon đặt đã trở thành những chân dung chính thống đầu tiên của Napoléon, được quảng cáo rùm beng nhằm mục đích tuyên truyền, khuếch trương uy danh của đệ nhất tổng tài và sau này là hoàng đế nước Pháp.

Hai môn đệ của David là Jérôme Langlois và Georges Rouget đã phụ giúp thày vẽ các bức tranh này. Langlois phụ vẽ hai bức đầu tiên, chủ yếu là hai con ngựa, còn Rouget sao bức tranh đầu thành bản thứ ba. Không được Napoléon làm mẫu, David đã phải vẽ chân dung Napoléon từ một bức tượng. Ông cho con trai mình cưỡi trên một cái thang để làm mẫu Napoléon cưỡi ngựa.
Sau khi hoàn thành bức tranh, David mời Napoléon tới xem. Đệ nhất tổng tài yên lặng ngắm bức tranh hồi lâu rồi quay lại vỗ tay khen ngợi David. Liếc nhìn những người lính đang vượt dốc, bé nhỏ vì được vẽ từ khoảng cách xa, ở phía sau, Napoléon cười phá lên: “Công dân David, những chú lính tí hon chỉ to bằng cái móng ngựa đang làm gì đằng kia thế? Ngựa ta chỉ đá một phát là cả lũ bẹp dí.”

David chỉ phát giá cho bức đầu tiên do vua Tây Ban Nha Charles IV mua là 24 ngàn livres – một số tiền lớn thời bấy giờ, bằng thu nhập 10 năm của một quý tộc [8]. Với 3 bức sau, tổng giám đốc ngân khố nhà nước Martin-Roch-Xavier Estève đã gửi hóa đơn cho tổng giám đốc các bảo tàng quốc gia Dominique Vivant Denon. Hóa đơn ghi giá 20 ngàn francs mỗi bức [9]. Denon đã yêu cầu David hạ giá xuống còn 15 ngàn francs.

Bức tranh đầu tiên ra mắt công chúng ngày 21 tháng 9 năm 1801 tại Louvre. Hoạ sĩ và sử gia mỹ thuật đương thời Charles Paul Landon  (1760 – 1826) đã hết lời ca ngợi, cho rằng toàn bức hoạ toát lên tính anh hùng (chỉ còn thiếu từ “cách mạng”),  rằng bộ quân phục được vẽ hoàn hảo cho thấy hoạ sĩ có thể vẽ y phục truyền thống của Pháp, chứ không cứ phải theo cổ điển Hy – La thì mới oách, và rằng bố cục, vệt bút, màu sắc liên kết cao độ khiến bức tranh xứng đáng được lưu truyền cho hậu thế.

Thi sĩ và nhà phê bình Charles Baudelaire (1821 – 1847) có quan điểm dí dỏm hơn. Ông nói: “Bức ‘Bonarparte vượt đèo Grand Saint Bernard’ có lẽ là Bonaparte thơ mộng và vĩ đại duy nhất mà nước Pháp từng có.”

Song sử gia hậu sinh Léon Rosenthal (1870 – 1932) lại kịch liệt chê bức tranh. Theo ông, mặc dù là chân dung nổi tiếng nhất vẽ Napoléon, bức tranh có bố cục cứng nhắc, lạnh lẽo, ít độ chân thực. Đó là một mẫu tượng kỵ sĩ hơn là một bức tranh. Màu sắc thì nghèo nàn đơn điệu. Mọi cố gắng tạo nên một tác phẩm giàu ý nghĩa tượng trưng đã thất bại vì hoạ sĩ đã cường điệu tới mức bóp méo sự thật.

Dù thế nào đi nữa, sau khi lên ngôi hoàng đế nước Pháp vào năm 35 tuổi (1804), Napoléon đã bổ nhiệm David làm đệ nhất hoạ sĩ của hoàng đế. Ước mơ làm hoạ sĩ cung đình số một của David đã thành hiện thực.

Jacques-Louis David
Hoàng đế Napoléon I trong phòng làm việc tại điện Tuileries, 1812
sơn dầu, 203.9 x 125.1 cm, National Gallery of Art, Washington D.C.

Bức hoạ hoành tráng nhất mà David vẽ ở cương vị mới này là bức “Lễ đăng quang của Napoléon” (1805 – 1807) – một bức hoạ khổng lồ, kích thước  621 x 979 cm, tức có diện tích gần 61 m2, được vẽ theo đặt hàng của Napoléon không phải như một tác phẩm nghệ thuật mà nhằm mục đích tuyên truyền vinh quang và quyền lực của vị hoàng đế tự phong của nước Pháp.

Jacques-Louis David
Chân dung nữ hoàng Joséphine trong bức ký hoạ chuẩn bị, được vẽ từ mẫu thực (trái) và trong bức “Lễ đăng quang của Napoléon” (phải)

Cũng như bức “Bonaparte vượt đèo Grand Saint Bernard”, bức “Lễ đăng quang của Napoléon” cũng không thiếu những chi tiết bịa đặt. Ví dụ, tại lễ Napoléon đã tự đội vương miện cho mình, nhưng David đã làm dịu sự kiện này bằng cách vẽ Napoléon đội vương miện phong hoàng hậu cho vợ mình là Joséphine. David vẽ Joséphine như một thiếu nữ 20 xuân, sau khi đã “tút” lại khuôn mặt hai cằm của bà mệnh phụ 41 tuổi. David còn cho cả thân mẫu của Napoléon an tọa dưới vòm cuốn nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng sự thực bà đã từ chối tham dự lễ đăng quang của con trai. Lúc đầu David vẽ giáo hoàng Pius VII để tay lên đầu gối, ngồi phía sau Napoléon, nhưng khi xem tranh Napoléon phán: “Ta không mời ông ta từ La Mã tới đây để ăn không ngồi rồi.” Thế là David sửa tay phải giáo hoàng giơ lên ban phước cho Napoléon. David đã làm đúng ý Napoléon, người từng nói: “Lịch sử là một tập hợp những điều dối trá đã được đồng ý chấp nhận” và “Lịch sử được viết bởi người thắng cuộc.

Jacques-Louis David
Lễ đăng quang của Napoléon, 1805 – 1807
sơn dầu, 621 x 979 cm, Louvre

Noi gương Napoléon, hàng loạt lãnh tụ chuyên chế đã cho vẽ chân dung mình đề tuyên truyền. Song về mặt này, các nhà độc tài từ Lenin, Stalin, tới Hitler, Mao hay họ Kim đều phải gọi Napoléon bằng cụ tổ. Họ cũng không tìm được một hoạ sĩ nào vĩ đại như David.

Sau khi bại trận Waterloo năm 1815 [10], Napoléon bị bắt và đày ra đảo Saint Helena thuộc Anh, nằm chơ vơ trên Đại Tây Dương, thuộc nam bán cầu, cách Paris hơn 8000 km, và cách bờ tây châu Phi hơn 1800 km. Ông mất tại đây ngày 5 tháng 5 năm 1821 ở tuổi 52. Năm 1840, tức 19 năm sau khi Napoléon mất, triều đình vua Louis-Philippe I được Anh cho phép đem thi hài của Napoléon về an táng tại Paris theo ước nguyện của ông (Nguyên văn: “Được chôn trên bờ sông Seine, trong lòng nhân dân Pháp mà tôi hằng yêu mến.”) Công cuộc di chuyển hài cốt này đã tiêu tốn của nước Pháp một triệu francs. Hài cốt của Napoléon được cải táng tại bảo tàng “Les Invalides”, nơi nguyên là bệnh viện cho thương binh và các bô lão, được xây dựng năm 1670, cách sông Seine khoảng 600m.

Quách đá đỏ đựng quan tài chứa hài cốt Napoléon Bonaparte tại Les Invalides (trái) và nơi mai táng Napoléon trên đảo Saint Helena từ 1821 tới 1840 (phải)

Napoléon thất thế, David bị liệt vào danh sách những người theo Bonarparte, lại còn là người đã biểu quyết ủng hộ việc chặt đầu vua Louis XVI – tội đáng chết hoặc ít nhất cũng bị tù mọt gông. Lạ thay, vua Louis XVIII chẳng những đã ban lệnh ân xá cho David mà còn muốn phong cho ông chức hoạ sĩ cung đình. Song David đã từ chối ân sủng của vua, và quyết định tự sống lưu vong tại Brussels – kinh đô nước Bỉ. Ông vẽ đến những ngày cuối cùng, kể cả khi tay đã yếu không cầm nổi palette. Ông mất ngày 29 tháng 12 năm 1825, thọ 77 tuổi, trong khi đang hướng dẫn học trò, hoạ sĩ Bỉ Michel Stapleaux, sửa bản in bức “Leonidas tại đèo Thermopyles“. Thi hài của David được mai táng tại nghĩa địa Brussels, còn trái tim của ông được mang về chôn tại nghĩa địa Père Lachaise ở Paris.

Mộ của Jacques-Louis David tại nghĩa trang Père Lachaise, nơi chôn trái tim của ông (trái) và nghĩa trang Brussels, nơi mai táng xác ông (phải)

Ngày nay Jacques-Louis David được coi là một trong những danh hoạ vĩ đại nhất nước Pháp, lãnh tụ của trào lưu Tân Cổ điển, là niềm tự hào và bản sắc của nước Pháp, đồng thời là động lực đã thúc đẩy nghệ thuật cận đại Pháp và châu Âu. Trong số gần trăm học trò của ông, François Gérard (1770 – 1837), Antoine-Jean Gros (1771-1835) đã trở thành những hoạ sĩ nổi tiếng của Đế chế Napoléon, và đặc biệt, danh hoạ Jean-Auguste-Dominique Ingres (1780 – 1867) đã có ảnh hưởng lớn tới hội hoạ Lãng mạn và Hiện đại.

Còn trong nghệ thuật quân sự, khi được hỏi ai là vị tướng vĩ đại nhất hiện nay, vị nguyên soái từng chỉ huy quân Anh đánh bại quân Napoléon tại Waterloo, công tước Wellington (1769 – 1852) đã trả lời: “Trong thời đại này, trong các thời đại đã qua, trong bất kỳ thời đại nào, đó là Napoléon.”

16.10.2013


Chú giải:

[1] Theo truyền thuyết La Mã, việc những người La Mã bắt cóc phụ nữ Sabine đưa về La Mã làm vợ vào năm 750 tr. CN đã gây ra cuộc chiến tranh giữa quân La Mã và quân Sabine. Cuộc chiến chỉ chấm dứt khi những người phụ nữ Sabine này ném con và tự lăn mình ngăn cản hai đạo quân La Mã và Sabine. Trong tranh David vẽ nàng Hersilia đang dang tay can chồng mình, Romulus, vua La Mã (người đang định phóng lao bên phải), đánh lại cha mình, Titus Tatius, vua xứ Sabine (người cầm gươm và giơ khiên bên trái).
[2] Ngày 14.6.1800 khoảng hai vạn quân Pháp dưới sự chỉ huy của Napoléon Bonarparte đã chiến thắng ba vạn quân Áo tại làng Marengo, gần thành phố Alessandria thuộc Piedmonte, Ý, kết thúc thắng lợi chiến dịch Ý lần thứ hai vào năm 1799 – 1800 của Napoléon.
[3] Theo J.M.E. Delécluze, Louis David – Son école et son temps – Souvenirs (Didier, Paris, 1855).
[4] Năm 480 tr. CN vua xứ Sparta là Leonidas đã chỉ huy 300 chiến sĩ cùng khoảng 2 ngàn lính của liên quân chống lại khoảng 5 vạn tới 20 vạn quân Ba Tư do vua Xerxes I cầm đầu tại đèo Thermopyles. Vì lực lượng quá chênh lệch, quân Hy Lạp đã thua và bị giết hết. Leonidas bị chặt đầu, còn xác bị đóng đinh.
[5] Cách mạng Pháp 1789 – 1799 bãi bỏ các danh hiệu quý tộc cũng như các từ “ông” (monsieur), “” (madame). Thay vào đó, người Pháp dùng từ “công dân” (citoyen cho nam và citoyenne cho nữ) để xưng hô. Ví dụ vua Louis XVI bị truất ngôi và bị gọi là “công dân Louis Carpet“. Tương tự như vậy, sau cách mạng tháng 10 Nga năm 1917,  ở Liên Xô và các nước trong phe XHCN người ta xưng hô với nhau bằng “đồng chí” (товарищ), ví dụ “₫ồng chí Lenin“, “đồng chí Stalin“, “đồng chí giáo sư“, “đồng chí sinh viên“, v.v.
[6] Apelles (t.k. IV tr. CN) – danh hoạ Hy Lạp cổ đại, người đã vẽ chân dung Alexandre Đại Đế.
[7] Năm 1918 Lenin khởi xướng kế hoạch “Tuyên truyền bằng tượng đài” (Монументальная пропаганда) làm chiến lược phát triển nghệ thuật hoành tráng như một công cụ quan trọng nhất phục vụ mục đích tuyên truyền chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý thức hệ cộng sản. Kế hoạch của Lenin đã sinh ra trường phái tượng đài Xô-viết. Tương tự như vậy, năm 1935 Hitler cũng đề xướng dùng nghệ thuật như một công cụ tuyên truyền ý thức hệ Quốc xã, một thứ vũ khí mới. Trào lưu hiện thực XHCN thời Xô-viết và nghệ thuật của phát-xít Đức giống nhau ở chủ nghĩa anh hùng cách mạng hay hiện thực anh hùng.
[8] Vào năm 1788 thu nhập trung bình của một quý tộc hay tư sản Pháp là khoảng 1700 – 2000 livres, của một thợ thủ công hay chủ hiệu là khoảng 500 livres, của nông dân khoảng 400 livres. (Theo C. Morrisson and A. Snyder, The income inequality of France in historical perspectives, European Review of Economic History, 4 (2000) 59.)
[9] Năm 1795 livre được đổi thành franc với giá quy đổi 1 livre xấp xỉ 1 franc.
[10] Sau khi thua liên quân Phổ,  Áo,  Nga và Thụy Điển tại trận Leipzig năm 1813, Napoléon bị buộc phải thoái vị và bị đày ra đảo Elba, thuộc Tuscany (Ý), ở Địa Trung Hải. Ngày 26 tháng 2 năm 1815, Napoléon kéo quân từ đảo Elba quay về Pháp đòi lại ngai vàng. Vua Louis XVIII hoảng sợ bỏ trốn. Liên minh Phổ, Áo, Anh và Nga tuyên chiến với Napoléon. Ngày 18 tháng 6 năm 1815 trên cánh đồng Waterloo (Bỉ) 72 ngàn quân Pháp do Napoléon chỉ huy đã thua 118 ngàn liên quân Anh do công tước Wellington và Phổ do nguyên soái Blücher chỉ huy.



------------------------------------------

Các bài viết mới nhất


No comments:

Post a Comment

View My Stats