Huỳnh Phan dịch
Được đăng ngày Thứ hai, 14 Tháng 10 2013 22:36
Việt Nam hiện đang ở một thời điểm tương đối độc đáo
trong lịch sử của mình. Đất nước thống nhất, và có đủ tiền đề kinh tế và chính
trị để giữ một vai trò quan trọng trong khu vực. Nhưng sự trỗi dậy của tình cảm
dân tộc dù ở Trung Quốc hay ở Việt Nam đều có thể báo trước nhiều thời kỳ rắc
rối hơn trước mặt.
*
Cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới của Việt Nam, mà
một số nhà phân tích đã gán cho là ‘thêm bạn, bớt thù’, phản ánh vị trí bấp
bênh như một con chim trên dây giăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong vài tháng qua, các quan chức Việt Nam đã tổ chức
một số cuộc họp cấp cao với các nhà lãnh đạo của cả hai nước này. Vào cuối
tháng 7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến Washington để thảo luận về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Tổng
thống Barack Obama, làm nổi rõ mối quan hệ đã được cải thiện giữa hai cựu thù
theo chiến lược ngày càng chú trọng tới châu Á của Mỹ. Hơn một tháng sau đó,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và nhắc lại
chính sách lâu dài và nhất quán về củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng và
hợp tác với Trung Quốc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Cơn lốc ngoại giao này là bằng chứng cho thấy Việt Nam
mong muốn duy trì mối quan hệ kinh tế và quân sự ổn định và bình thường với cả
Trung Quốc và Mỹ, một cái gì đó đặc biệt quan trọng trong điều kiện trước đây
Việt Nam đã từng có xung đột với mỗi nước này trong lịch sử, và cũng cho thấy
tầm quan trọng của hai nước này đối với mục tiêu của Việt Nam muốn hội nhập vào
nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam lo lắng về sự trỗi dậy của Bắc Kinh, và chính sách
đối ngoại mới của họ là hướng tới việc chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong
khu vực. Nhưng về mặt ý thức hệ, Việt Nam thấy thoải mái với Trung Quốc hơn với
Mỹ. Còn về mặt kinh tế, Trung Quốc là một thị trường lớn, một nguồn giúp đỡ tài
chính và một mô hình phát triển. Điều này đã đặt Việt Nam ở một vị trí không dễ
chịu. Một quan chức chính phủ Việt Nam đã mô tả Việt Nam như đang đánh đu trên
một sợi dây, do Trung Quốc giữ một đầu và Mỹ giữ đầu kia.
Một vấn đề về chính sách đối ngoại tiếp tục gây tai họa
cho mối quan hệ Việt - Trung liên quan đến việc cả hai nước đều tuyên bố chủ
quyền đối với hai quần đảo : Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề quan trọng nhất đang
đe dọa là nước nào có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong
và dưới các vùng biển xung quanh hai quần đảo này. Mặc dù trữ lượng đã qua kiểm
chứng chưa xác định rõ, dự báo lạc quan nhất từ Trung Quốc cho thấy nguồn tài
nguyên dầu tiềm năng của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và có thể lên đến
213 tỉ thùng dầu và khu vực này cũng rất giàu khí đốt tự nhiên. Cả hai quốc gia
đã dự tính tới khả năng thực hiện hành động quân sự. Nhưng bây giờ, họ đã cam
kết đàm phán một cách hòa bình tìm giải pháp bất chấp sức ép của những thành
phần dân tộc
chủ nghĩa ở cả hai bên vẫn kiên định về các vấn đề chủ quyền.
Căng thẳng kinh tế giữa hai nước cũng có thể phá hỏng mối
quan hệ. Một mặt, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đặc
biệt là do nhu cầu vô độ của Trung Quốc về hàng hóa và các nguồn tài nguyên.
Duy trì tăng trưởng kinh tế cho một quốc gia gần 1,4 tỉ công dân đòi hỏi một
lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, phần lớn trong số đó là phải nhập khẩu.
Và vì Trung Quốc lùng sục khắp thế giới xây dựng các mối quan hệ kinh tế để bảo
đảm nguồn cung cấp liên tục các mặt hàng như than đá, dầu thô, quặng sắt, nên
việc họ tìm chỗ giúp đỡ ngay người láng giền gần gũi cũng là việc đương nhiên.
Mặt khác, các cách biệt giữa hai nước, đặc biệt là về tầm
cỡ kinh tế và quyền lực chính trị, có nghĩa là việc mở cửa thị trường không
phải là một tình thế win- win đúng nghĩa. Lưu lượng hàng hóa Trung Quốc, cả
buôn lậu qua biên giới lẫn nhập khẩu hợp pháp vào thị trường Việt Nam, đã tác
động tiêu cực đến sản xuất trong nước đối với một số mặt hàng của Việt Nam, đặc
biệt là hàng tiêu dùng. Mối quan ngại đặc biệt ở Việt Nam là phần lớn các hàng
hoá này đều có chất lượng thấp, nguồn gốc không rõ ràng và có thể chứa các chất
độc và các chất có hại khác cho sức khỏe con người. Một số sản phẩm có thể làm
ra được tại Việt Nam, nhưng vẫn còn nhập khẩu vì có lợi về giá thành. Sự phụ
thuộc vào nhập khẩu Trung Quốc này đã đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam tới mức
báo động và việc Việt Nam nương tựa quá nhiều vào thương mại với Trung Quốc dự
kiến là chỉ có tăng lên theo thời gian.
Tuy nhiên, ngoài những va chạm về kinh tế và tranh chấp
lãnh thổ, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam gần đây đã được cải thiện, và
tính chất hòa giải các cuộc họp mới đây giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã mở ra một
giai đoạn tương đối yên tĩnh. Cả hai nước đều có vẻ mong muốn tiếp tục thúc đẩy
quan hệ song phương tốt hơn, và việc cải thiện trong quan hệ Trung- Việt có vẻ
không có khả năng gây tổn hại mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bất cứ khi nào Trung Quốc hoặc Mỹ rung sợi dây
mạnh bạo hơn, Việt Nam cảm thấy mình đang ở một vị trí bấp bênh hơn, không biết
đầu dây nào là điểm tựa an toàn nhất. Nếu chính phủ Việt Nam muốn tiếp tục đứng
thẳng thì phải tránh liên kết quá chặt với nước này mà buông lơi mối quan hệ
với nước kia.
Việt Nam hiện đang ở một thời điểm tương đối độc đáo
trong lịch sử của mình. Đất nước thống nhất, và có đủ tiền đề kinh tế và chính
trị để giữ một vai trò quan trọng trong khu vực. Nhưng sự trỗi dậy của tình cảm
dân tộc dù ở Trung Quốc hay ở Việt Nam đều có thể báo trước nhiều thời kỳ rắc
rối hơn trước mặt. Và như tuyên bố của một nhà ngoại giao Việt Nam, ‘Không ai
nói ra một cách công khai, nhưng cái lôi kéo mỗi cuộc họp ở Đông Nam Á bây giờ
là nỗi sợ hãi về việc khu vực sẽ như thế nào với sự khống chế của Trung Quốc’.
Dennis C McCornac - Đại học Loyola Maryland
Người dịch : Huỳnh Phan
Dennis C McCornac là Giám đốc về các vấn đề toàn cầu tại
Đại học Loyola Maryland. Ông chuyên về kinh tế và có hơn 20 năm kinh nghiệm
sống ở Nhật Bản và Việt Nam.
Nguồn : East Asian Forum
No comments:
Post a Comment