By npv • 18/10/2013
Trong bài viết trước Học Thế Nào đã trích đăng tổng kết
đánh giá về Nền giáo dục cộng hòa ở miền nam trước 1975.
Hôm nay HTN xin giới thiệu (trích đoạn) một số mô hình
trường ngoài công lập ở miền năm trước 1975. Thông tin chủ yếu lấy từ trang
lasan.org
I. Các trường tư thục và Bồ đề
Ngoài hệ thống trường công lập của chính phủ là hệ thống
trường tư thục. Vào năm 1964 các trường tư thục giáo dục 28% trẻ em tiểu học và
62% học sinh trung học. Đến niên học 1970-1971 thì trường tư thục đảm
nhiệm 17,7% học sinh tiểu học và 77,6% học sinh trung học. Con số này Tính đến
năm 1975, Việt Nam Cộng hòa có khoảng 1,2 triệu học sinh ghi danh học ở hơn
1.000 trường tư thục ở cả hai cấp tiểu học và trung học. Các trường tư thục nổi
tiếng như Lasan Taberd dành cho nam sinh; Couvent des Oiseaux, Regina Pacis (Nữ
vương Hòa bình), và Regina Mundi (Nữ vương Thế giới) dành cho nữ sinh. Bốn
trường này nằm dưới sự điều hành của Giáo hội Công giáo.
Trường Bác ái (Collège Fraternité) ở Chợ Quán với đa số
học sinh là người Việt gốc Hoa cũng là một tư thục có tiếng do các thương hội
người Hoa bảo trợ.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có hệ thống các
trường tiểu học và trung học Bồ đề ở nhiều tỉnh thành, tính đến năm 1970 trên
toàn quốc có 137 trường Bồ đề, trong đó có 65 trường trung học với tổng số học
sinh là 58.466. Ngoài ra còn có một số trường do chính phủ Pháp tài trợ như
Marie-Curie, Colette, và Saint-Exupéry.
Kể từ năm 1956, tất cả các trường học tại Việt Nam, bất
kể trường tư hay trường do ngoại quốc tài trợ, đều phải dạy một số giờ nhất
định cho các môn quốc văn và lịch sử Việt Nam. Chương trình học chính trong các
trường tư vẫn theo chương trình mà Bộ Quốc gia Giáo dục đã đề ra, dù có thể
thêm một số giờ hoặc môn kiến thức thêm.
Sau năm 1975, dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam, tổng cộng có 1.087 trường tư thục ở miền Nam Việt Nam bị giải thể và
trở thành trường công (hầu hết mang tên mới).
II. Các trường Quốc gia nghĩa tử
Ngoài hệ thống các trường công lập và tư thục kể trên,
Việt Nam Cộng hòa còn có hệ thống thứ ba là các trường Quốc gia nghĩa tử. Tuy
đây là trường công lập nhưng không đón nhận học sinh bình thường mà chỉ dành
riêng cho các con em của tử sĩ hoặc thương phế binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa như là một đặc ân của chính phủ giúp đỡ
không chỉ phương tiện học hành mà cả việc nuôi dưỡng. Hệ thống này bắt đầu hoạt
động từ năm 1963 ở Sài Gòn, sau khai triển thêm ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, và
Biên Hòa. Tổng cộng có 7 cơ sở với hơn 10.000 học sinh. Loại trường này do Bộ
Cựu Chiến binh quản lý chứ không phải Bộ Quốc gia Giáo dục, nhưng vẫn dùng giáo
trình của Bộ Quốc gia Giáo dục.
Chủ đích của các trường Quốc gia nghĩa tử là giáo dục phổ
thông và hướng nghiệp cho các học sinh chứ không được huấn luyện quân sự. Vì
vậy trường Quốc gia nghĩa tử khác trường thiếu sinh quân. Sau năm 1975, các
trường quốc gia nghĩa tử cũng bị giải thể.
GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thời Việt
Nam Cộng hòa được tổ chức theo mô hình viện
đại học (theo Việt-Nam Tự-Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức: Viện=Nơi,
sở). Đây là mô hình tương tự như university
của Hoa Kỳ và Tây Âu, cùng với nó là hệ thống đào tạo theo tín chỉ
(tiếng Anh: credit). Mỗi viện đại học bao gồm nhiều phân khoa đại học (tiếng Anh: faculty; thường gọi tắt là phân khoa, ví dụ: Phân
khoa Y, Phân khoa Sư phạm, Phân khoa Khoa học, v.v…) hoặc trường hay trường
đại học (tiếng Anh: school hay college; ví dụ: Trường Đại học
Nông nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật, v.v…). Trong mỗi phân khoa đại học hay
trường đại học có các ngành (ví dụ: ngành Điện tử, ngành Công chánh,
v.v…); về mặt tổ chức, mỗi ngành tương ứng với một ban (tiếng Anh: department;
tương đương với đơn vị khoa hiện nay).
Về mặt tổ chức, viện đại học của Việt Nam Cộng hòa duy trì đường lối phi chính trị của các đại
học Tây phương. Các khoa trưởng của các trường
phân khoa khong do Bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của Hội đồng
Khoa bầu lên.
Trong hai thập niên 1960 và 1970, lúc hội nghị hòa bình
đang diễn ra ở Paris, chính phủ Việt Nam Cộng hòa ráo riết lên kế hoạch tái
thiết sau chiến tranh, với viễn cảnh là hòa bình sẽ lập lại ở Việt Nam, một
chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập, người lính từ các bên trở về cần được
đào tạo để tái hòa nhập vào xã hội. Trong khuôn khổ kế hoạch đó, có hai mô hình
cơ sở giáo dục đại học mới và mang tính thực tiễn được hình thành, đó là trường
đại học cộng đồng và viện đại học bách khoa.
Trường đại học cộng đồng là một cơ sở giáo dục đại học sơ
cấp và đa ngành; sinh viên học ở đây để chuyển tiếp lên học ở các viện đại học
lớn, hoặc mở mang kiến thức, hoặc học nghề để ra làm việc. Các trường đại học
cộng đồng được thành lập với sự tham gia đóng góp, xây dựng, và quản trị của
địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ở địa phương trong các mặt văn hóa,
xã hội, và kinh tế.
Khởi điểm của mô hình giáo dục này là một nghiên cứu của
ông Đỗ Bá Khê tiến hành vào năm 1969 mà các kết quả sau đó được đưa vào một
luận án tiến sĩ trình ở Viện Đại học Southern California vào năm 1970 với tựa
đề The Community College Concept: A Study of its Relevance to Postwar
Reconstruction in Vietnam (Khái niệm trường đại học cộng đồng: Nghiên cứu
sự phù hợp của nó với công cuộc tái thiết hậu chiến ở Việt Nam). Cơ sở đầu tiên
được hình thành là Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang, thành lập vào năm 1971
ở Định Tường sau khi mô hình giáo dục mới này được mang đi trình bày sâu rộng
trong dân chúng.
Vào năm 1973, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (tên tiếng
Anh: Thủ Đức Polytechnic University, gọi tắt là Thủ Đức Poly)
được thành lập. Đây là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, và chú
trọng đến các ngành thực tiễn. Trong thời gian đầu, Viện Đại học Bách khoa Thủ
Đức có các trường đại học chuyên về Nông nghiệp, Kỹ thuật, Giáo dục,Khoa học và
Nhân văn, Kinh tế và Quản trị, và Thiết kế đô thị; ngoài ra còn có trường đào
tạo sau đại học. Theo kế hoạch, các cơ sở giáo dục đều được gom chung lại trong
một khuôn viên rộng lớn, tạo một môi trường gợi hứng cho trí thức suy luận, với
một cảnh trí được thiết kế nhằm nâng cao óc sáng tạo; quản lý hành chính tập
trung để tăng hiệu năng và giảm chi phí.
Sau năm 1975, dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam, toàn bộ các cơ sở giáo dục đại học thời Việt Nam Cộng hòa bị đổi tên
và bị phân tán theo khuôn mẫu giáo dục của Liên Xô nên không còn mô hình theo
đó các trường hay phân khoa đại học cấu thành viện đại học, mà mỗi trường trở
nên biệt lập. Giáo dục đại học Việt Nam dưới các chính thể Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo mô hình phân tán ngành học.
Các “trường đại học bách khoa” được thành lập dưới hai
chính thể này (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Thành
phố Hồ Chí Minh, và Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) không giống như mô hình viện
đại học bách khoa vì chỉ tập trung vào các ngành kỹ thuật. Tương tự, mô
hình “trường đại học tổng hợp” (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học
Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, vàTrường Đại học Tổng hợp Huế) cũng chỉ tập
trung vào các ngành khoa học cơ bản, chứ không mang tính chất toàn diện. Đến
đầu thập niên 1990, chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mới thành lập
2 “đại học” cấp quốc gia và 3 “đại học” cấp vùng theo mô hình gần giống như mô
hình viện đại học. Vào tháng 10 năm 2009, một số đại biểu củaQuốc hội
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đưa ra đề nghị gọi tên các “đại học”
cấp quốc gia và cấp vùng là “viện đại học”.
III. Các viện đại học tư thục
Viện Đại học Đà Lạt: Thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1957. Một phần cơ sở của Viện Đại học Đà Lạt
nguyên là một chủng viện của Giáo hội Công giáo. Viện đại học này có 4 phân
khoa đại học: Chính trị Kinh doanh, Khoa học, Sư phạm, Thần học và Văn khoa.
Theo ước tính, từ năm 1957 đến 1975 viện đại học này đã giáo dục 26.551 người.
Viện Đại học Vạn Hạnh: Thuộc khối Ấn Quang của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; thành lập
ngày 17 tháng 10 năm 1964 ở số 222 đường Trương Minh Giảng (sau 1975 là đường
Lê Văn Sỹ), Quận 3, Sài Gòn-Gia Định với 5 phân khoa đại học: Giáo dục, Phật
học, Khoa học xã hội, Khoa học ứng dụng, và Văn học & Khoa học nhân văn.
Vào đầu thập niên 1970, Vạn Hạnh có hơn 3.000 sinh viên.
Viện Đại học Phương Nam: Được cấp giấy phép năm 1967, tọa
lạc ở số 16 đường Trần Quốc Toản (sau năm 1975 là đường 3 Tháng Hai), Quận 10,
Sài Gòn. Viện đại học này thuộc khối Việt Nam Quốc Tự của Giáo hội Phật giáo
Việt Nam Thống nhất, Giáo sư Lê Kim Ngân làm viện trưởng. Viện Đại học Phương
Nam có 3 phân khoa đại học: Kinh tế-Thương mại, Ngoại ngữ, và Văn khoa. Vào
thập niên 1970, viện đại học này có khoảng 750 sinh viên ghi danh.
Viện Đại học An Giang (Hòa Hảo): Thành lập năm 1970 ở Long Xuyên với 5 phân khoa đại học: Văn khoa, Thương
mại-Ngân hàng, Bang giao Quốc tế, Khoa học Quản trị và Sư phạm. Viện Đại học
này trực thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.
Viện Đại học Cao Đài: Thành lập năm 1971 trên đường Ca Bảo Đạo ở Tây Ninh với 3 phân khoa đại
học: Thần học Cao Đài, Nông lâm mục, và Sư phạm. Viện Đại học này trực thuộc
Giáo hội Cao Đài.
Viện Đại học Minh Đức: Được cấp giấy phép năm 1972, trụ
sở ở Sài Gòn với 5 phân khoa đại học: Kỹ thuật Canh nông, Khoa học Kỹ thuật,
Kinh tế Thương mại, Nhân văn Nghệ thuật, và Y khoa. Viện Đại học này do Giáo
hội Công giáo điều hành.
IV. Các trường đại học cộng đồng
Bắt đầu từ năm 1971 chính phủ mở một số trường đại học
cộng đồng (theo mô hìnhcommunity college của Hoa Kỳ) như Trường Đại học Cộng
đồng Tiền Giang ở Mỹ Tho, Duyên Hải ở Nha Trang, Quảng Đà ở Đà Nẵng (1974), và
Long Hồ ở Vĩnh Long. Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang đặt trọng tâm vào nông
nghiệp; Trường Đại học Cộng đồng Duyên Hải hướng về ngư nghiệp. Riêng Trường
Long Hồ còn đang dang dở chưa hoàn tất thì chính thể Việt Nam Cộng hòa bị giải
tán. Ở Sài Gòn thì có Trường Đại học Regina Pacis (khai giảng vào năm 1973)
dành riêng cho nữ sinh do Công giáo thành lập, và theo triết lý đại học cộng
đồng.
Giáo dục là của những người làm giáo dục
Ở Việt Nam, ngay từ thời xa xưa, giáo dục là của những
người làm giáo dục. Các vương triều của Việt Nam thường chỉ vạch ra những đường
nét chung và những mục tiêu chung, kèm theo đó là tổ chức các kỳ thi để tuyển
chọn người tài mà không trực tiếp can dự vào hoạt động giảng dạy của các cơ sở
giáo dục. Sang thời Pháp thuộc, người Pháp lập ra một nền giáo dục mới, nhưng
việc điều hành và soạn thảo chương trình vẫn được giao cho các nhà giáo được
huấn luyện chuyên môn, dù là người Pháp hay người Việt.
Đặc điểm trên được tôn trọng trong suốt thời Quốc gia
Việt Nam của Cựu hoàng Bảo Đại và đặc biệt là
thời Việt Nam Cộng hòa.
Các chức vụ bộ
trưởng hay tổng trưởng giáo dục có thể là do các chính trị gia hay những người
thuộc các ngành khác đảm nhiệm, nhưng các chức vụ khác trong Bộ Giáo dục đều là
những nhà giáo chuyên nghiệp đảm trách (ngoài trừ một số chức vụ có tính chất
chính trị như đổng lý văn phòng, bí thư, v.v…). Họ là những người am hiểu công
việc, có kinh nghiệm, giàu tâm huyết, và xem chính trị chỉ là nhất thời, tương
lai của dân tộc mới quan trọng. Trong các cơ quan lập pháp, những người đứng
đầu các ủy ban hay tiểu ban giáo dục của Thượng viện và Hạ viện đều là những
nghị sĩ quốc hội xuất thân từ nhà giáo. Ngoại trừ ở những vùng mất an ninh,
những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều phải ngưng lại trước ngưỡng cửa
học đường.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục đại học, Điều 10 của
Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967) nêu rõ: Nền giáo dục đại học được tự trị. Ở miền Nam trước 1975 không có “Bộ Đại học”
cũng không có cơ quan chủ quản kiểu như Bộ Y tế quản lý các trường đại học
Y-Dược. Trong ban lãnh đạo của Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa có
một thứ trưởng
đặc trách giáo dục đại học. Công việc của vị này chủ yếu
là lo về chính sách chung vì các viện đại học là cơ quan ngoại vi đối
với Bộ ở trung ương.
Về học vụ và điều hành, các cơ sở giáo dục đại học được tự trị. Các hội đồng ở cấp viện đại học và cấp trường đại học (hay phân khoa) có
quyền thảo luận và quyết định mà không phải trình báo hay xin chỉ thị từ bất cứ
ai.
Về mặt tài chính, tuy các viện đại học công lập có ngân
sách riêng nhưng đây là một phần của ngân sách chung thuộc ngân sách quốc gia
và phải được Quốc hội chấp thuận. Tất cả các chi tiêu phải qua thủ tục “chiếu
hội ngân sách” (“chiếu hội”=kiểm nhận) do Bộ Tài chính kiểm soát và thực hiện.
Ngoài ra, giảng viên và nhân viên là công chức quốc gia. Việc tuyển mới, chuyển
ngạch, bổ nhiệm, thăng chức, v.v… phải qua thủ tục “chiếu hội công vụ” do Phủ
Tổng ủy Công vụ thực hiện để kiểm soát. Trong thực tế, thủ tục này được thực
hiện một cách khá dễ dàng và nhanh chóng. Như vậy, về mặt tài chính các viện
đại học công lập ở miền Nam không được nhiều quyền tự trị như các viện đại học
ở Hoa Kỳ. Lý do của việc này là do các viện đại học này không thu học phí của
sinh viên, không có nguồn thu riêng.
Các học viện và viện nghiên cứu
Học Viện Quốc Gia Hành Chính: Cơ sở này được
thành lập từ thời Quốc Gia Việt Nam với văn bản ký ngày 29 tháng 5 năm
1950 nhằm đào tạo nhân sự chuyên môn trong lãnh vực công quyền như thuế vụ và
ngoại giao. Trường sở đặt ở Đà Lạt; năm 1956 thì dời về Sài Gòn đặt ở
đường Alexandre de Rhodes; năm 1958 thì chuyển về số 100 đường Trần Quốc
Toản (gần góc đường Cao Thắng, sau năm 1975 là đường 3/2), Quận 10, Sài Gòn.
Học viện này trực thuộc Phủ Thủ tướng hay Phủ Tổng thống, đến năm 1973 thì
thuộc Phủ Tổng ủy Công vụ. Học viện có chương trình hai năm cao học, chia thành
ba ban cao học, đốc sự, và tham sự.
Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp (1972-1974): tiền thân là Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (1962-1968), Trung tâm Quốc gia
Nông nghiệp (1968-1972) rồi nhập vào Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức năm
1974.
Ngoài những học viện trên, Việt Nam Cộng hòa còn duy trì
một số cơ quan nghiên cứu khoa học như
Viện Pasteur Sài Gòn, Viện Pasteur Đà Lạt, Viện Pasteur Nha Trang,Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nguyên tử lực Đà Lạt, Viện Khảo cổ v.v. với
những chuyên môn đặc biệt.
No comments:
Post a Comment