Tuesday 8 October 2013

ĐẠI TƯỚNG, CÔ ĐƠN ĐẾN CHẾT (Cánh Cò)




Mon, 10/07/2013 - 04:19 — canhco

Sau khi ông chết hai ngày báo chí mới đưa những bài viết ca tụng ồ ạt đến nỗ không kịp đọc, và rồi khi đọc lại không thấy gì mới. Những bài viết chừng như cách nay năm sáu chục năm. Có chăng là cách hành văn khác, con chữ khác và cách đọc khác. Khi xưa là tờ Nhân Dân, với khổ lớn, chữ nhòe nay ngồi trước màn hình chữ trong veo và không tốn công lật từng tờ giấy mà muốn không dính vào nhau phải chịu khó thấm nước bọt. Bố mình bảo thế. Cách đọc báo của những ngày khốn khó nhưng tràn ngập niềm tin. Niềm tin đất nước sẽ thanh bình và người dân sẽ cơm no áo ấm.

Những bài báo ấy hôm nay tuy mở hết công suất tụng ca người quá cố vẫn không che được quá khứ nhiều chục năm của tất cả các tờ báo hôm nay khi trong những dịp kỷ niệm Điện Biên Phủ, chưa một lần dám đăng tên Võ Nguyên Giáp, người làm nên lịch sử này.

Bọn tướng tá đọc diễn văn, nêu ra mọi thứ nhưng người anh cả của chúng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại không được nêu tên dù chỉ một lần.

Đại tướng không phải đột nhiên mà mất. Ông đại thọ và trước khi mất không chịu cảnh đau đớn quằn quại gì, đấy là hạnh phúc cho gia đình. Hơn nữa trước khi mất, ông đã có phần nào toại nguyện khi ít nhất có ba lần góp ý với chính phủ về việc dừng dự án này, bỏ ý định kia. Tuy chính phủ chẳng những không nghe mà còn giả vờ gật đầu nhưng nhiều người tin rằng sau gần 50 năm được họ gật đầu tuy chỉ là giả vờ cũng đã an ủi cho ông lắm rồi, trong khi trước đây họ không lịch sự với ông như thế.

Cái chết của ông làm nhiều người bật khóc và đâu đó cũng có kẻ thở ra như trút gánh nặng.

Những người đồng chí, người em trong quân đội, hay thậm chí chỉ là đồng hương Quảng Bình của ông họ rơi nước mắt là phải vì còn ai hơn ông nữa trên mảnh đất quá nhiều truân chuyên này. Võ Nguyên Giáp đã là huyền thoại khi ông còn trẻ và sự hiển nhiên đó đang bị rất nhiều người từ khước, mặc dù nỗ lực của họ không thể bịt mắt cả một dân tộc bất kể quyền lực họ có uy vũ đến cỡ nào.

Khi người dân tôn vinh một anh hùng thì sức mạnh nội tại của quần chúng thách thức cả súng đạn. Chính quyền này biết sự thật ấy và vì vậy họ cần tới hơn 10 tiếng đồng hồ để đưa ra một quyết định đơn giản: thông báo cho nhân dân biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời vào lúc 18 giờ 09 phút ngày 4 tháng 10 tại bệnh viện Quân đội Trung ương 108.

Thế nhưng có giấu đến đâu thì dân cũng đã biết. Hơn nữa, vì giấu nên cái biết của họ không gói gọn trong việc đại tướng vừa mất. Nhờ Internet, họ có cơ hội biết nhiều điều hơn cái chết của ông.
Họ bắt đầu biết: mặc dù là người hùng của Điện Biên Phủ nhưng đại tướng của họ đã không được trọng dụng trong Bộ chính trị ngay cả khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống. Họ biết khi nghe kể lại công khai trên mạng, trên đài phát thanh ngoại quốc do những người từng một thời với Đại tướng nói về những việc liên quan đến ông. Toàn chuyện buồn tủi và khó chấp nhận đối với một đại tướng từng làm run sợ biết bao tướng lãnh tây phương. Một ông đại tướng cô đơn giữa một bầy sói dữ.

Những con sói mang tên đồng chí.

Người thương yêu, kính trọng và âm thầm ủng hộ cho ông chỉ là những viên chức nhỏ bé, đơn độc vì vậy có muốn bênh vực ông cũng không thể làm gì hơn. Cho tới vài năm gần đây những nhân chứng sống ấy bắt đầu kể lại các tình tiết bí mật khi những con sói hung dữ, tàn bạo một thời lần lượt ra đi. Kẻ chết, người thất sủng, tất cả bọn họ không có cơ hội trả lời trước tòa án lịch sử nhưng lịch sử sẽ không tha thứ cho họ trong ván bài chính trị gian lận.

Kịch bản Sáu Sứ của Tổng cục 2 và "Vụ án xét lại chống đảng" cố gán ghép tội phản động cho tướng Giáp cuối cùng cũng không thành công. Ông Đại tướng cô đơn trong căn nhà số 30 đường Hoàng Diệu ấy phải chịu ẩn mình phía sau cái hào quang Điện Biên Phủ hơn 50 năm. Con sư tử tuy đã ẩn mình nhưng buộc phải im lặng, im lặng tuyệt đối. Im lặng đến nỗi sau khi ông mất nhiều người uất hận thay cho ông. Họ đòi con sư tử ấy phải rống.

Đại tướng từng nhiều lần gọi sự im lặng này là cách tạo cho Đảng của ông mạnh hơn. Nhưng rất nhiều người không đồng ý, họ nói ông chống chế. Sự nhẫn nhục của ông chỉ làm cho sói thành hùm. May cho ông là còn chiến thắng Điện Biên Phủ trong lịch sử quân sự thế giới nếu không thì ông không cách nào thoát khỏi trò chơi thú vật của những kẻ đương quyền.

Một câu hỏi lớn, rất lớn: Tại sao ông bị trù dập, tại sao ông bị cô lập trong khi chiến trường miền Nam rất cần cự só mặt của ông. Tại sao vụ án Năm Châu - Sáu Sứ đã có kết quả nhưng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lại cố tình cho trôi qua một vụ thanh trừng bẩn thỉu đối với kẻ có công với đất nước (*). Vai trò ông Linh trong vụ này là gì? Ông Linh chết, ông Duẩn ông Thọ và nhiều ông nữa đã chết, nhưng tới bây giờ vẫn không một ông Tổng bí thư nào sau ông Linh công khai trả lại sự thật cho đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người khác.

Tuy không tổng bí thư nào sau thời Nguyễn Văn Linh có dấu vết tham gia trù dập đại tướng nhưng bù lại họ hùa nhau bịt kín miệng giếng để không ai có cơ hội khui ra sự thật. Cái gì đã tạo cho tất cả các đời tổng bí thư giống nhau như khuôn và không một ai có đủ bản lĩnh vượt qua cái hèn để mang Đại tướng về đúng chỗ của ông.

Lý do thứ nhất; tài mọn thường dị ứng với thiên tài.

Lý do này không vững đối với những Tổng bí thư về sau khi đại tướng không còn là trụ đồng tỏa hào quang ngăn bước đường tiến thân của họ. Nếu nói ông Lê Duẩn có tính khí đố kỵ thì còn hợp lý bởi ông Duẩn là một công thần trong thời kỳ đầu tiên cùng với Đại tướng Giáp. Vào Đảng trước đại tướng Giáp, ông Duẩn đã nhìn thấy trước con đường hoạn lộ của mình giá nào cũng phải nắm chức Tổng bí thư. Con đường thăng tiến của ông Giáp phải bị cản trở bằng mọi cách nếu không có làm tới Tổng bí thư thì người dân và nhất là đồng chí sẽ không ai chịu phục. Gian hùng và quyết đoán đã làm ông Duẩn trở thành gian thần trong khi đại tướng Giáp thiếu hẳn hai đức tính ấy thì làm sao không thất trận ngay trong chiến trường mà đồng chí của mình sắp xếp?

Lý do thứ hai, phải chăng đại tướng đã phạm một lỗi lầm nào đó quan trọng đến nỗi tạo cơ hội cho Lê Duẩn và bè cánh của ông ta nắm lấy và áp lực đại tướng đến nỗi ông nhũn như con chi chi và lịch sử đã diễn ra như mọi người đều thấy?

Nghi vấn vẫn là nghi vấn nhưng dù sao thì tất cả nạn nhân lẫn kẻ chủ mưu đều đã chết. Trách nhiệm còn lại thuộc về ai đây?

Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải trách nhiệm giải mật sự thật lịch sử. Vâng, chính Tổng bí thư đương nhiệm chứ không ai khác.

Ông Trọng phải công khai ra lệnh làm rõ: Ai là người nghĩ ra cái trò buộc đại tướng nhận chức Chủ tịch "Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch" vào năm 1983. Ai là kẻ viết kịch bản cho vụ án Năm Châu - Sáu Sứ và trong đó kẻ nào còn sống hiện nay? Ai là kẻ dựng nên "Vụ án xét lại chống đảng" mà tới nay chưa có một tòa án nào được công khai lập ra để nhân dân biết được những oan khiên của biết bao tinh hoa dân tộc đã bị chôn vùi.

Nếu ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ thái độ im lặng thì xin ông và cả đảng, chính phủ của ông đừng bén mảng tới đám tang đại tướng. Cứ tham dự Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, cứ gửi vòng hoa tới chia buồn. Đừng đọc những bài điếu văn mà trong đó một giọt nước mắt cá sấu cũng không có nỗi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chịu im tiếng hơn 50 năm đã là quá đủ. Tại sao đến lúc này vẫn có người đòi hỏi ông phải thế này phải thế kia. Một Điện Biên Phủ rung chuyển cả thế giới chưa đủ hay sao? Một con người bình thường đừng đòi hỏi họ hai lần làm anh hùng trong khi hàng trăm ngàn người ở thể chế này ngay một lần sống cho tử tế cũng không có được?

(*) Bên Thắng Cuộc, Tập II Quyền Bính, Chương II: Tướng Giáp,nhà xuất bản OSINBOOK, 2012, tr. 134-178. Tác giả Huy Đức




No comments:

Post a Comment

View My Stats