10/10/2013 6 phản hồi
Mình vừa đọc bài viết đăng trên BVN của TS Nguyễn Sỹ
Phương (*) kể chuyện bên Đức người ta đã truy tố cái ông Christian Wulff khi
ông này còn ở cương vị Tổng thống Đức ra tòa vì vụ lợi 759,30 euro như thế nào.
Đọc xong thì mình thấy rõ chỉ trong một đất nước có cái
cơ chế “tam quyền phân lập” (**) và một nền báo chí tự do thì mới xảy ra điều
này. Mình đoán, cái ông “nguyên” Tổng thống Đức này không nói ra thôi, chứ có
lẽ ông đang… chửi thầm cái cơ chế này vì nó đã làm hại cho sự nghiệp của ông ta
như thế!
Mình chợt nhớ bác Nguyễn Phú Trọng của chúng ta cũng
nhiều lần bày tỏ sự không thích của bác đối với cơ chế này, bác thường phát
biểu trên TV rằng “chúng ta không chấp nhận tam quyền phân lập“, thậm
chí có lần bác còn bảo đại ý những người cứ hay đòi đa nguyên đa đảng, tam
quyền phân lập là “suy thoái đạo đức”.
Chẳng cứ gì bác Trọng hay có thể cả cái ông “nguyên” Tổng
thống Đức nọ, có lần mình đọc được tin trên một bài báo rằng ông Obama cũng nói
đại ý nếu xét trên góc độ cá nhân thì khi ở cương vị là tổng thống nước Mỹ ông
cũng chẳng thích gì cái cơ chế không cho ông muốn làm gì thì làm này (tức là
cái cơ chế tam quyền phân lập hiện nay của nước Mỹ chứ còn gì nữa!). Nhưng ông
vẫn phải tôn trọng nó vì đó là đòi hỏi của nhân dân Mỹ và đã được thể hiện trong
hiến pháp của nước Mỹ.
Tóm lại, mình tin rằng “tam quyền phân lập” thì chẳng
phải riêng bác Trọng của chúng ta không thích mà đó là cái thứ mà chẳng có ông
nào đang làm quan, dù là ở phương Đông hay phương Tây, dù là “cộng sản” hay “tư
bản” thích cả. Chỉ có dân thường có thích thì thích thôi và ở các nước phương
Tây thì cái ý thích mang- tính-thường- dân ấy nó được phản ánh trong
Hiến pháp và các quy định pháp luật của các nước ấy nên các ông lãnh đạo ở đó
dù thích hay không thích thì cũng buộc phải theo thôi.
Mình nhớ mỗi khi học chính trị, các thầy cứ ra rả nói đại
ý rằng pháp luật ở đâu cũng “mang tính giai cấp” và nó luôn “bảo vệ
lợi ích của giai cấp thống trị”. Mình thì thấy điều ấy chắc chắn là đang
đúng ở nước ta hiện nay. Còn ở Tây thì điều ấy nếu đúng thì chắc là chỉ đúng ở
một vài thế kỷ trước, ở cái thời mà cái cơ chế “tam quyền phân lập” khó chịu
với các quan mà dễ chịu với dân này chưa ra đời.
Và nếu thế thì cái cơ chế “tam quyền phân lập” ấy không
phải là công cụ để “bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị” như mình vẫn
được tuyên truyền mà ngược lại – đó chính là công cụ hữu hiệu của “những
người bị trị” để kiểm soát, hạn chế và ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của
bất kỳ “giai cấp thống trị” nào nhằm bảo vệ những lợi ích chung của nhân
dân..
______________________________
(*) Nhấn vào ĐÂY
để đọc bài viết này
(**) Đọc thêm về Tam quyền phân lập
tại ĐÂY
No comments:
Post a Comment